Những hy sinh không được phép lãng quên
(Baonghean) - Những ngày tháng Bảy tri ân, chúng tôi tìm về mảnh đất quê biển Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu, nơi có con số các liệt sỹ hy sinh trong các cuộc chiến tranh cứu nước lên tới 245 người, có 9 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (trong đó 1 mẹ đang chờ phong tặng). Chủ tịch xã Hồ Đình Xích cho chúng tôi hay, ngoài số liệt sỹ được ghi danh, còn nhiều người nữa đã lặng lẽ nằm xuống mà chưa được vinh danh, có nhiều người là thân nhân liệt sỹ vẫn đang chịu thiệt thòi. Vì vậy, con số 245 là chưa hết, cũng như hơn 200 người có công cũng là chưa đủ. Xã đang cố gắng để trong tháng Bảy này, sẽ hoàn tất thủ tục hồ sơ trình cấp trên xem xét thêm một số trường hợp.
Trong căn nhà mới xây ở xóm 5, bà Hồ Thị Quý đang mải mê phơi cá sau những chuyến biển của con trai. Những giọt nước mắt đã chảy dài trên gương mặt vẫn hằn in những kham khổ của bà khi nhớ và kể lại về một thời quá khứ: Vào tháng 7 năm 1950, khi ấy bà Quý chỉ mới chào đời được ít ngày thì cha bà, ông Hồ Hữu Nuôi cùng với nhiều anh em trong làng tham gia dân công hỏa tuyến, phục vụ trên tuyến đường 7 từ Suối Bút lên Mộc Châu, Sơn La. Đến tháng 9 năm đó, những người cùng đi dân công trở về và kể lại về sự hy sinh của ông Nuôi, đồng thời gia đình cũng đã nhận được giấy báo tử. Cán bộ xã Quỳnh Nghĩa đã vào nhà ông Nuôi tổ chức lễ truy điệu, gia đình ông được công nhận gia đình liệt sỹ. Thời gian này, chú ruột của bà Quý, em ruột của liệt sỹ Nuôi đi bộ đội cũng hy sinh tại chiến trường Khe Sanh. Một người chú nữa mắc bệnh, rồi cũng đột ngột mất đi. Khi bà Quý đi học lớp 1, mẹ bà đi bước nữa. Bà Quý ở với ông bà nội. Gia cảnh khó khăn, lại còn nuôi thêm một người cháu con bà o mất mẹ, bà Quý nhớ ông bà nội mình ban ngày đi bòn mót trên cánh đồng, ban đêm lại lặn lội xin sữa nuôi cháu. Chưa hết. Năm 1966, trong một lần bom Mỹ dội trúng nhà, một bức tường đã đổ sập và đè chết 3 đứa trẻ (là em con chú của bà Quý). Toàn bộ giấy tờ, từ giấy báo tử đến bằng Tổ quốc ghi công của những người con gác trên mái nhà đều tan nát hết cả.
Hy vọng, những sự hy sinh đã lặng lẽ qua thời gian ấy sẽ sớm được ghi nhận
Bà Quý lớn lên, vẫn được hưởng chế độ con liệt sỹ cho đến năm 18 tuổi. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói, nếu như năm 1995, xã tiến hành xây Đài liệt sỹ và trong danh sách không thấy tên ông Nuôi. Gia đình có thắc mắc thì được giải thích, những liệt sỹ được ghi danh phải có giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công. Những giấy tờ đó của gia đình bà Quý đã bay mất sau trận bom định mệnh. Cũng từ đây, gia đình bà không còn được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước đối với thân nhân liệt sỹ nữa. Bà Quý cũng đã làm đơn xin xác nhận của nhiều người chứng kiến sự hy sinh của cha mình, cả vị cán bộ xã đã tới nhà làm lễ truy điệu cho ông Nuôi, xã Quỳnh Nghĩa cũng đã xác nhận cho trường hợp của bà nhưng không hiểu vì sao từ năm 2001 bà viết đơn lên các cấp đến giờ, ông Nuôi vẫn chưa có tên trong danh sách liệt sỹ và gia đình bà cũng không được hưởng chế độ chính sách thân nhân liệt sỹ. Lá đơn đầu tiên viết năm 2001, các ông Hồ Hữu Đoàn, Hồ Nguyệt, Hồ Hữu Vóc, Trương Thìn là những người cùng tham gia đoàn dân công hỏa tuyến và chứng kiến sự hy sinh của ông Nuôi đều đang còn sống và ký tên chứng nhận giúp bà Quý.
Chúng tôi đã tìm sang nhà ông Trương Thìn. Đó là một căn nhà lụp xụp che chở cho hai tấm thân già yếu, bệnh tật của ông bà. Ông Thìn năm nay đã 85 tuổi, run rẩy vì căn bệnh đau dây thần kinh. Ông nhớ lại: Quãng 6 h chiều ngày 21/9/1950, trên đường thồ hàng từ Suối Bút lên Mộc Châu, ông Nuôi đã bị trúng bom. Lúc đó, ông Thìn đã chạy lên và thấy ông Nuôi người đẫm máu, nằm gục bên đường. Lúc đó, để tránh thêm thương vong, đại đội đã dừng lại ăn cơm để đợi ngớt hiểm nguy mới huy động mọi người ra chôn cất ông Nuôi. Người con duy nhất của liệt sỹ Hồ Hữu Nuôi trải lòng cùng chúng tôi: “Điều day dứt của tôi bây giờ, không phải là quyền lợi của mình, mà tôi mong sự hy sinh của cha tôi được ghi nhận. Cha tôi hy sinh, không có dòng tên Liệt sỹ tại Nghĩa trang, tôi không đành lòng!”.
Một trường hợp khác là trường hợp của ông Tô Duy Liên. Ông Liên là thuyền viên của Xí nghiệp đánh cá Cửa Hội những năm chống Mỹ. Tàu đánh cá của Xí nghiệp được giao nhiệm vụ vừa sản xuất (đánh cá), vừa có nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến đấu, bảo vệ bờ biển. Vào chiều ngày 31/3/1965, khi tàu của ông đang làm nhiệm vụ đánh bắt hải sản, tiếp tế cho bộ đội các đảo, sẵn sàng chiến đấu thì bị máy bay Mỹ oanh kích, ông Liên hy sinh. Tuy nhiên, quãng thời gian dài trước đây, gia đình ông Liên chưa biết làm các thủ tục cần thiết để công nhận liệt sỹ cho ông. Ông Liên khi hy sinh còn trẻ, chưa có vợ con, mẹ ông cũng đã mất. Một người cháu họ của ông cho hay: Làm thủ tục xác nhận cho chú tôi, dòng họ chúng tôi mong ông được thanh thản nơi chín suối.
Một trường hợp khác là bà Hồ Thị Liên, tham gia TNXP chống Mỹ cứu nước vào khoảng tháng 4, tháng 5 năm 1966. Gia đình chỉ biết, thời gian đầu bà tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực cho bộ đội ở ga Cầu Giát, sau đó chuyển đơn vị đến đâu, hy sinh thời gian nào gia đình vẫn không hay biết...
Thùy Vinh