Những hy sinh thầm lặng
(Baonghean) - “Vợ tôi tuyệt vời”, Thiếu tá Phạm Văn Hùng (trợ lý xe máy, Lữ đoàn 95, quân chủng Hải quân) lặng đi một lúc, rồi nói như vậy qua điện thoại với chúng tôi. Anh Hùng cho biết hiện nay đang mùa huấn luyện, tất cả đang căng mình hướng về phía biển nên chưa biết khi nào về được. Nhưng tư tưởng thì hoàn toàn yên tâm vì ở nhà đã có vợ anh - chị Lê Thị Hương, lo liệu hết…Theo địa chỉ anh nhắn lại, chúng tôi đã về thăm nhà anh ở xóm 10, xã Diễn Mỹ (Diễn Châu).
Mẹ con chị Lê Thị Hương theo dõi tin tức từ Hoàng Sa, Trường Sa trên ti vi. |
Đứng trước ngôi nhà khang trang, vườn cây hoa trái sum suê, cổng ngõ ngăn nắp tươm tất sạch đẹp, ít ai nghĩ rằng đó là ngôi nhà “thiếu bàn tay đàn ông”. Càng khâm phục hơn khi biết trong ngôi nhà đó, sau 20 năm cưới nhau, lần thiếu tá Phạm Văn Hùng về nhà lâu nhất cũng chỉ chưa tròn hai tháng, vậy mà chị Lê Thị Hương vừa nuôi dạy hai con ngoan, giỏi, vừa là một giáo viên giỏi của Trường Tiểu học Diễn Mỹ.
Anh chị cưới nhau năm 1995, lúc đó anh Hùng đang công tác ở đảo Thổ Chu. Sau đó, như có mối “duyên” đặc biệt với biển đảo, những năm tháng tiếp theo trong đời quân ngũ của anh Hùng luôn gắn bó với các vùng biển đảo của Tổ quốc. Hết đảo Song Tử, đến đảo Sơn Ca, rồi Trường Sa lớn... Đến nay, với nhiệm vụ trợ lý xe máy ở đơn vị 146, Lữ đoàn 95, vùng 4, quân chủng Hải quân, anh vẫn tiếp tục gắn bó với tàu biển, với nhiều chuyến đi đưa cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ra thăm biển đảo, phục vụ các chuyến công tác tuần tra canh giữ biển đảo. Chị Hương ở nhà một mình xoay xở theo đúng nghĩa đen của từ “một nách hai con”.
Con gái đầu Phạm Thu Trang, sinh năm 1996, con trai thứ hai là Phạm Lê Nam, sinh năm 2001. Sống trong hoàn cảnh vợ chồng xa cách, bao nhiêu tình cảm chị dồn vào chăm sóc, nuôi dạy hai con, tìm niềm vui trong kết quả học tập của con, vào sự chăm ngoan tiến bộ của con. Hai con chị liên tục là học sinh giỏi toàn diện. Cháu Phạm Thu Trang vừa thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Cháu Phạm Lê Nam nhiều lần đạt giải học sinh giỏi tỉnh thi tiếng Anh qua mạng. Những thành tích học tập của Trang và Nam cũng là những món quà mà mẹ con chị giành tặng cho anh Hùng, là nguồn cổ vũ, động viên hết sức quan trọng để anh Hùng yên tâm công tác ở nơi hải đảo xa xôi.
Ngoài việc chăm sóc con cái, chăm lo mảnh vườn hơn 600 m2 lúc nào cũng có rau, quả ăn, chị Hương còn gánh vác nhiều công việc nội ngoại. Ngoài công việc giảng dạy, chị còn tham gia cấp ủy, nhiều năm đảm nhiệm công việc Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Diễn Mỹ. Không chỉ làm tốt việc nhà, chị Hương còn quan tâm chăm sóc, bảo vệ quyền lợi của giáo viên trong trường. Vì thế, nhiều năm liền chị được suy tôn là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, giáo viên giỏi huyện. Chị Hương trở thành tấm gương sáng trong phong trào “Giỏi việc nước đảm việc nhà”, được các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh yêu mến.
Nói về hoàn cảnh xa cách trong nhiều năm, chị Hương cho biết do nhiệm vụ chung nên đành phải chấp nhận, là phụ nữ ai chẳng muốn sống trong cảnh xa cách chồng biền biệt. Tuy nhiên, một điều đặc biệt mà chị Hương chia sẻ với chúng tôi là chị cũng đã quen với cảnh này ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Ấy là bố mẹ chị cũng “mô tuýp”: Chồng bộ đội – vợ giáo viên, những năm tháng tuổi thơ chị cũng sống cảnh mẹ con phải luôn ở xa bố. Mẹ chị - cô giáo Hoàng Thị Mợi, cũng là giáo viên Trường Tiểu học Diễn Mỹ, lấy bố chị là Lê Ngọc Sanh, sau khi lấy nhau bố chị tham gia kháng chiến chống Mỹ, nơi chiến trường vào sinh ra tử, thông tin gián cách, khó khổ muôn vàn.
Ông ngoại chị là một cán bộ lão thành cách mạng, cụ Hoàng Ngọc Trân, từng là du kích Ba Tơ, tham gia kháng chiến chống Pháp khi còn rất trẻ, hy sinh năm 1954 trong lúc cứu dân bị đắm đò ở sông Mã. Truyền thống gia đình, nền nếp gia phong để lại từ ông bà, bố mẹ, vừa là tấm gương, vừa là động lực để chị noi theo và vươn lên để xứng đáng được sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước và sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ chiến đấu và bảo vệ đất nước.
Chị Hương cho biết dù xa cách nhưng điều kiện liên lạc thuận lợi, các thành viên trong gia đình có thể gọi điện hỏi thăm nhau thường xuyên nên cảm giác xa cách cũng được rút ngắn. Từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 và đưa nhiều loại tàu biển vào gây hấn ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, mẹ con chị không bỏ qua bất cứ bản tin nào từ Hoàng Sa, Trường Sa, và các cuộc gọi thăm hỏi anh cũng nhiều hơn. Sinh ra trong hoàn cảnh gia đình chịu nhiều thiệt thòi, mất mát bởi chiến tranh, chị cho biết luôn cầu mong chiến tranh đừng xảy ra, nhưng chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thì nhất quyết không thể để rơi vào tay kẻ xâm lược. Mặc dù trước mỗi bản tin về Hoàng Sa, Trường Sa, chị không khỏi có những băn khoăn, lo lắng, nhưng chị vẫn giấu đi nỗi bất an để động viên chồng vững vàng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lúc này đang là mùa biển động, cũng là mùa huấn luyện, mỗi khi anh Hùng gọi điện về động viên, chị lại nói “cứng” để anh yên tâm: “Thì vợ người ta cũng thế mà anh, còn bao anh em khác chứ phải riêng mình thế này đâu”…
Ngô Kiên