Xã hội

Những khó khăn, vướng mắc trong tự chủ bệnh viện ở Nghệ An

Thành Chung 03/12/2024 14:01

Thời gian qua, thực hiện tự chủ, các bệnh viện ở Nghệ An đã thu được nhiều kết quả tích cực, song cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc...

Những điểm sáng

Năm 2017, ngành Y tế Nghệ An có 8 đơn vị được giao quyền tự chủ nhóm 2, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh là 1 trong số đó. Từ đó đến nay, Bệnh viện này đã thực hiện cơ chế tự chủ theo 3 giai đoạn khác nhau, gồm: giai đoạn từ năm 2017 - 2019, tự chủ về chi thường xuyên (nhóm 2 theo Nghị định số 85/2012/NĐ-CP); giai đoạn từ năm 2020 - 2021, thực hiện tự chủ về chi đầu tư và chi thường xuyên (nhóm 1 theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP); giai đoạn từ năm 2022 về sau, thực hiện tự chủ về chi thường xuyên (nhóm 2 theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP).

Chăm sóc bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện ĐK TP Vinh. Ảnh Thành Chung
Chăm sóc bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh. Ảnh: Thành Chung

Nhìn lại 7 năm thực hiện tự chủ, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Quy mô khám, chữa bệnh lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Từ một bệnh viện chỉ thực hiện khám, chữa bệnh cho người dân thành phố, với 15 khoa, phòng, 220 giường bệnh, 175 cán bộ, viên chức, trong đó, có 50 bác sĩ; đến nay, Bệnh viện đã khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh và một số huyện của tỉnh Hà Tĩnh, với quy mô 43 khoa, phòng và 1 trung tâm, cùng 800 giường bệnh kế hoạch, 965 cán bộ, viên chức, trong đó, có 275 bác sĩ... Số lượng người bệnh khám, điều trị trước đây chỉ 200 người/ngày, thì nay đã tăng hơn 10 lần. Số lượng người bệnh nội trú tăng gấp 6 lần.

Hiện nay, ngoài các danh mục kỹ thuật tuyến 2, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh đã thực hiện được nhiều kỹ thuật tuyến Trung ương, tuyến tỉnh. Chất lượng bệnh viện đứng đầu trong hệ thống bệnh viện công lập tỉnh nhà.

Bệnh nhân thực hiện thanh toán chi phí dịch vụ khám chữa bệnh qua hình thức QR tĩnh ở Bệnh viện ĐK TP Vinh. Ảnh Thành Chung (2)
Bệnh nhân thực hiện thanh toán chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh qua hình thức QR tĩnh ở Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh. Ảnh: Thành Chung

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Trường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh: Nhờ tự chủ mà Bệnh viện có nhiều giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế; mở rộng nhiều loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh; quản lý sử dụng tốt nguồn nhân lực; thực hiện tốt việc tiết kiệm chi; tăng nguồn thu hợp pháp.... Qua đó, Bệnh viện đã đảm bảo chi trả lương, thu nhập tăng thêm ổn định cho cán bộ, viên chức (trên 10 tỷ đồng/tháng); thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Hàng năm, bệnh viện tích lũy, trích lập được Quỹ phát triển sự nghiệp hàng năm trên 30 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm máy móc, trang thiết bị, đào tạo nhân lực.

Tương tự, việc thực hiện tự chủ cũng đã đem lại cho Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An nhiều kết quả tốt. Tại Bệnh viện này, quá trình tự chủ diễn ra qua 3 giai đoạn: Giai đoạn từ năm 2007-2016, thực hiện tự chủ một phần chi thường xuyên (nhóm 3 theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP); Giai đoạn từ năm 2017-2022, thực hiện tự chủ chi thường xuyên (nhóm 2 theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP); Giai đoạn từ năm 2023 đến nay, thực hiện chủ chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1 theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP).

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An lấy, ghép tạng từ người hiến chết não. Ảnh Thành Chung
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An lấy, ghép tạng từ người hiến chết não. Ảnh: Thành Chung

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, cho biết: "Thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp Bệnh viện chủ động trong việc tổ chức bộ máy, tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân lực để tăng cường hiệu quả hoạt động, đảm bảo nhu cầu phát triển cũng như chuyển đổi tư duy “phục vụ” sang “cung ứng dịch vụ”. Cùng với đó, bệnh viện đã có thể chủ động điều tiết các khoản thu - chi hợp lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, vươn lên trở thành bệnh viện tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ".

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1 đơn vị tự chủ tài chính với mức tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 18 đơn vị tự chủ tài chính với mức tự bảo đảm chi thường xuyên; 18 đơn vị tự chủ tài chính với mức tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và 9 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh và Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An được xem là điển hình thành công của việc thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, ở Nghệ An, không phải bệnh viện công lập nào cũng thành công như thế. Thông tin từ ngành Y tế Nghệ An, mới đây, một phó giám đốc bệnh viện tuyến tỉnh đang thực hiện tự chủ chi thường xuyên đã xin chuyển công tác sang bệnh viện ngoài công lập. Đây là một bác sĩ trẻ, giỏi chuyên môn và có năng lực quản lý.

Bệnh viện Da liễu Nghệ An không đáp ứng nguồn thu, không thể trả lương cho cán bộ nhân viên đúng hạn. Ảnh Thành Chung
Bệnh viện Da liễu Nghệ An không đáp ứng nguồn thu, không thể trả lương cho cán bộ, nhân viên đúng hạn. Ảnh: Thành Chung

Câu chuyện “chảy máu tài năng” này đã cho thấy một phần nào của những bất cập trong cơ chế, chính sách nhằm “giữ chân” người lao động có trình độ và kinh nghiệm. Được biết, mặc dù là đơn vị tự chủ tài chính nhưng các bệnh viện vẫn phải trả lương theo bậc lương quy định của Nhà nước mà không có cơ chế để trả lương riêng cho các bác sĩ giỏi, thu hút nhân lực chất lượng cao, trong khi đó, các cơ sở y tế ngoài công lập sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế.

Tình hình trên, theo các nhà quản lý y tế: Bên cạnh, trình độ quản lý, điều hành và quản lý tài chính của một số người đứng đầu bệnh viện chưa đáp ứng được yêu, thì hệ thống cơ chế, chính sách chưa đồng bộ và theo kịp tốc độ phát triển tự chủ. Ví như Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW khuyến khích tinh gọn tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, ngành Y tế là một ngành đặc thù, đòi hỏi sự đảm bảo nhân lực. Thông tư số 03/2023 của Bộ Y tế quy định mức định biên tối thiểu nhân lực y tế theo giường bệnh, phải đảm bảo tỷ lệ cơ cấu các nhóm... nhưng việc tuyển dụng nhân lực lại phụ thuộc vào nguồn thu thực tế, đủ nhân lực lại thiếu lương.

Việc tự chủ chưa “thực chất”, chưa “cởi trói", vẫn còn nhiều ràng buộc liên quan đến bộ máy, con người, bố trí nhân sự, biên chế. Đơn cử, đối với chủ trương giao các bệnh viện tiến hành tự chủ về nhân lực, nhưng lại áp định mức giảm biên chế; giao tự chủ về tài chính nhưng việc mua sắm trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh vẫn phải chờ phê duyệt qua nhiều cấp, nhiều ngành, tốn nhiều thời gian.

Đội ngũ chăm sóc khách hàng của Bệnh viện Đa khoa Tây Nam hướng dẫn các bệnh nhân. Ảnh Thành Chung
Đội ngũ chăm sóc khách hàng của Bệnh viện Đa khoa Tây Nam hướng dẫn các bệnh nhân. Ảnh: Thành Chung

Việc thực hiện tự chủ ở các bệnh viện công lập ở Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Trường: "Giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ chi phí, trong khi các bệnh viện phải tự chủ kinh phí chi thường xuyên; chưa có sự thống nhất trong thanh, quyết toán bảo hiểm y tế nên xảy ra tình trạng vượt quỹ, vượt trần, vượt dự toán chi, xuất toán... những điều này đã ảnh hưởng đến việc cân đối, ổn định thu – chi khiến các bệnh viện gặp khó khăn trong nuôi sống bộ máy và tái đầu tư".

Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất của các bệnh viện đã được xây dựng từ lâu năm nên đến nay đã xuống cấp, trong khi đơn vị đang thiếu nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng, sửa chữa. Có địa phương sẵn nguồn lực đầu tư nhưng lại vướng một số quy định của nghị quyết phân cấp nguồn thu ngân sách Nhà nước, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương... nên không thể đầu tư được cho bệnh viện.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho hay: "Việc giao dự kiến chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn chưa phù hợp, cụ thể, năm 2024, Bệnh viện được giao dự kiến chi thấp, chỉ bằng năm 2023, trong khi mức lương cơ sở đã tăng từ 8-10% theo Nghị định số 73/2024/CP. Hiện tại, quy định mức thu giá viện phí, bảo hiểm y tế giữa đơn vị tự chủ nhóm 1 với nhóm 2, nhóm 3 lại không có sự khác biệt. Việc xác định chênh lệch thu - chi giữa các đơn vị tự chủ nhóm 2, 3 so với đơn vị tự chủ nhóm 1 còn chưa bình đẳng".

Nhiều ý kiến cho rằng không nên thực hiện tự chủ đối với các bệnh viện, trung tâm y tế khu vực miền núi. Ảnh Thành Chung
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên thực hiện tự chủ đối với các bệnh viện, trung tâm y tế khu vực miền núi. Ảnh: Thành Chung

Bác sĩ Lê Xuân Hồng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam, cho biết: "Chế độ thu hút chưa đủ mạnh đối với đội ngũ bác sĩ chất lượng cao về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa. Công tác tuyển dụng thu hút bác sĩ chất lượng cao gặp khó khăn, bác sĩ tốt nghiệp ở các trường đào tạo chất lượng cao trong cả nước không ứng tuyển tại các đơn vị công lập tuyến huyện vì chế độ tiền lương, phụ cấp thấp. Số bác sĩ, cử nhân kỹ thuật viên y, điều dưỡng và một số chức danh cần thiết khác khi tuyển dụng hàng năm chưa đủ theo kế hoạch được phê duyệt và nhu cầu vị trí việc làm của đơn vị".

Còn rất nhiều khó khăn, bất cập trong thực hiện tự chủ tại các bệnh viện, đặc biệt là tại khu vực miền núi và bệnh viện chuyên khoa. Đơn cử là Trung tâm Y tế Kỳ Sơn có xấp xỉ 200 cán bộ, nhưng mỗi ngày chỉ có khoảng trên dưới 50 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Không có bệnh nhân, bệnh nhân có mức sống thấp, khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế hạn chế... đồng nghĩa với không có nguồn thu, trong khi các khoản chi vẫn phải duy trì, khiến việc chi trả tiền lương rất khó đảm bảo. Nguyên nhân dẫn đến điều này xuất phát từ việc đánh giá, phân chia mức độ, giao tự chủ chưa phù hợp. Việc giải quyết sự việc chưa phù hợp này lại không dễ dàng gì khi vướng các quy định không cho phép “xuống” nhóm tự chủ.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An trao đổi về những khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ bệnh viện. Ảnh Thành Chung
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An trao đổi về những khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ bệnh viện. Ảnh: Thành Chung

Để gỡ khó cho các bệnh viện thực hiện tự chủ, Sở Y tế đang kiến nghị, đề xuất Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP theo hướng trao quyền tự chủ cho các đơn vị. Bộ Y tế sửa đổi hoặc thay thế các văn bản không phù hợp; kiến nghị với Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm giải quyết kinh phí vượt trần, vượt dự toán của quỹ bảo hiểm y tế cho các đơn vị khám, chữa bệnh; đẩy nhanh lộ trình hoàn thành việc tính đúng, tính đủ chi phí giá dịch vụ y tế.
Kiến nghị HĐND, UBND tỉnh có chính sách không thực hiện giảm biên chế sự nghiệp, cho phép nâng định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã; xem xét rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ thu hút, hỗ trợ đào tạo cho cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế có chuyên môn cao, chuyên môn sâu làm việc lâu dài tại y tế cơ sở; tăng đầu tư ngân sách Nhà nước cho y tế, ưu tiên các bệnh viện có cơ sở hạ tầng chật hẹp, xuống cấp.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Hoài Chung – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An

Mới nhất

x
Những khó khăn, vướng mắc trong tự chủ bệnh viện ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO