Những mô hình cần nhân rộng
(Baonghean) - Thu gom và xử lý rác thải, cải thiện môi trường nông thôn đang là một trong những tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, rác thải đang trở thành vấn nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, đời sống cũng như sức khỏe của người dân... Trong khi nhiều xã vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đang phải loay hoay với vấn đề rác thải và thu gom rác thải, thì một số xã đã có cách làm hay, sáng tạo, cần được nhân rộng…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mô hình hố xử lý rác thải tại gia ở xã Thanh Liên (Thanh Chương). |
Sạch nhà mà chưa ra ngõ…
Đời sống người dân được cải thiện, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm càng nhiều, điều này cũng đồng nghĩa với lượng rác thải sinh hoạt trong cộng đồng dân cư ngày càng gia tăng. Và khi không có bãi tập kết rác thải công cộng thì chính những con đường, bờ mương, bãi đất trống trong khu dân cư những cánh đồng trở thành "địa điểm lý tưởng" để tập kết rác thải. Bởi thế, không khó để chúng ta bắt gặp cảnh rác thải tràn ngập khắp nơi tại nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Một bằng chứng khá rõ là dọc trên tuyến Tỉnh lộ 8B, ở các xã Hưng Mỹ, Hưng Tiến, Hưng Thắng (huyện Hưng Nguyên) đủ loại rác thải được người dân vứt bỏ ngổn ngang, chất đống nằm bên đường như một bãi rác tập trung.
Chúng không chỉ làm mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ độc hại, gây ô nhiễm môi trường. Tương tự, tại tuyến đê 42 qua địa phận xã Hồng Long, Xuân Lâm… (huyện Nam Đàn) rác thải cũng được chất thành từng đống để lưu cữu ngày này qua tháng khác bốc mùi hôi thối. Theo chị Trần Thị Hoa ở xóm 7, xã Hồng Long: “Đoạn đường này nhiều năm nay trở thành bãi rác chung, không chỉ dân trong xã mà người dân ở các xã khác cũng đổ rác ở đây. Họ tranh thủ ném rác lúc đêm khuya nên cũng khó nhắc nhở. Nhiều người ngồi trên xe máy đi qua vứt toẹt xuống đường rồi phóng đi luôn. Ai cũng chỉ biết sạch trong nhà còn ngoài ngõ thì ít người quan tâm, lâu thành quen nếp, mỗi ngày tích tụ một ít, cho đến khi số rác thải đó bốc mùi, lại than phiền chuyện môi trường bị ô nhiễm”.
Bảo vệ môi trường là 1 trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới với mục tiêu chung: Bảo vệ môi trường, sinh thái, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn. Thế nhưng ở xã Nam Cường (Nam Đàn) để thực hiện tiêu chí môi trường là điều không đơn giản, nhất là chỉ tiêu thu gom, xử lý chất thải bảo đảm theo quy định. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực và đạt được 10/19 tiêu chí. Tuy nhiên, môi trường đang là tiêu chí nan giải, khó thực hiện nhất.
Ông Thái Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: "Địa bàn xã Nam Cường tương đối rộng, với 1.235 hộ dân phân bố trên 11 xóm, hàng ngày lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường rất lớn. Hiện trên địa bàn xã mới chỉ quy hoạch được một điểm thu gom, xử lý rác thải ở Bãi Sậy vùng Tân Xuân cho các xóm 1, 2, 3, 4 và một điểm ở bãi vùng Cầu Treo chủ yếu đáp ứng cho xóm 5. Còn lại 6 xóm các hộ dân phải tự xử lý rác thải của gia đình. Chính tình trạng người dân tự xử lý rác thải theo những cách riêng của mình đã khiến không ít nơi trên địa bàn xã hình thành những bãi rác "di động", vì nhiều người vẫn còn có tư tưởng “sạch nhà ta, mặc nhà hàng xóm”.
Và tại 2 địa điểm quy hoạch bãi tập kết, xử lý rác trên cũng chưa khả thi, bởi Nam Cường là xã thấp trũng nằm ngoài đê, hàng năm thường phải hứng chịu từ 3 - 4 trận lụt kéo dài trong 2 tháng, do rác xử lý đốt chưa kịp thời khi nước lũ về kéo rác thải ngoài bãi chảy tràn vào đồng ruộng và khu dân cư. Hiện xã đang có 2 phương án vận động người dân thu gom và xử lý rác thải, theo hình thức mỗi xóm xây dựng một lò đốt rác mi ni, cử người thu gom và xử lý rác thải có chế độ 500.000 đồng/tháng hoặc xây dựng lò đốt tại gia. Đối với lò đốt mi ni xã sẽ hỗ trợ 2/3 kinh phí công trình, lò đốt tại gia hỗ trợ 50 % kinh phí xây dựng. Nhưng về mốc thời gian để đạt được tiêu chí môi trường chuẩn thì cũng chưa thể nói trước được. Bởi, đây là tiêu chí rất khó thực hiện nếu không có nguồn kinh phí và sự hợp tác của người dân”…
Mỗi ngày, tại các vùng nông thôn thải ra một lượng rác thải khá lớn. Mặc dù có thể rác của mỗi nhà không nhiều nhưng của cả làng, cả xã gộp lại thì đó thực sự là một gánh nặng khá lớn cho vấn đề bảo vệ môi trường ở những nơi này. Vì không có một hướng dẫn, quy định cụ thể về xử lý rác thải của các cấp chính quyền địa phương, do vậy rác thải nhà nào, nhà ấy tự xử lý theo cách riêng của mình. Và cách xử lý được áp dụng nhiều và triệt để nhất là vứt xuống bất cứ chỗ nào có thể vứt được. Nhà nọ thấy nhà kia đổ được thì mình cũng tham gia và kết quả là hình thành những bãi rác nhỏ rải rác khắp xóm, làng.
Những mô hình hiệu quả
Trong khi nhiều xã vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đang phải loay hoay với vấn đề rác thải và thu gom rác thải, thì một số xã đã có cách làm hay, sáng tạo. Điển hình như xã Thanh Liên (Thanh Chương), trước đây vấn đề rác thải trở nên nhức nhối khi người dân có thói quen xả rác bừa bãi bên bờ kênh, ven ruộng, ao hồ… gây mất mỹ quan thôn xóm và ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, xã đã xây dựng mô hình lò chứa rác tại hộ gia đình do Hội Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh làm nòng cốt. Sau hơn gần 1 năm triển khai, mô hình đã mang lại cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho địa phương.
Chị Phạm Thị Sâm - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Liên cho biết: Từ đầu tháng 4/2013, thực hiện chủ trương của UBND huyện Thanh Chương về việc xây dựng hố xử lý rác thải tại gia nhằm hạn chế việc vứt rác thải bừa bãi và giảm tải cho các bãi rác tập trung, xã phát động phong trào nhân dân tích cực xây lò chứa rác. Để động viên, khuyến khích tinh thần, xã trích ngân sách hỗ trợ 50.000 đồng/lò chứa rác. Lò được xây đúng theo quy chuẩn thiết kế của huyện đưa ra, có tường xây bao quanh, có mái lợp, rộng 60 - 80 cm, dài 1,5m, chiều cao 70 cm được ngăn làm 2 ô, 1 ô để chứa chất thải rắn và 1 ô để chất thải có thể tiêu hủy bằng lửa, bên trong hố có ngăn 1 lớp vỉ sắt được kê cao cách mặt đất khoảng 30 phân có tác dụng sàng lọc và không để rác rơi xuống ngăn cản quá trình bốc cháy của các loại chất đốt phía dưới.
Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên góp phần thúc đẩy nhân dân hưởng ứng thực hiện theo. Tính đến nay đã có 967/1.216 hộ toàn xã xây lò chứa rác, những xóm đi đầu như: xóm Liên Tân (107/140 hộ), xóm Liên Minh (95/139 hộ), xóm Liên Đồng (79/199 hộ)... Hiện xã đang tiếp tục hỗ trợ để khuyến khích người dân tiếp tục xây lò đốt rác tại gia, kế hoạch trong năm 2014 sẽ tiến hành xây hố rác công cộng ngoài đồng để thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp, góp phần sớm hoàn thành tiêu chí về môi trường, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới”.
Mô hình thu gom và xử lý rác thải ở xã Nam Xuân (Nam Đàn) được đánh giá mang lại hiệu quả cao. Năm 2012, xã đã đầu tư xây dựng các bể bê tông chứa rác dọc theo tuyến giao thông nội đồng khắp 12 xóm để tiện cho người dân bỏ những chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Bể chứa có cấu tạo như các ống cống bằng xi măng, cao khoảng 1,5m, đường kính rộng khoảng 80cm; bình quân kinh phí mỗi bể là 230.000 đồng.
Mỗi cánh đồng bố trí 1 hố nằm tại các vị trí trung tâm. Xã hỗ trợ trên 200 nghìn đồng/hố, bà con đóng góp 18.000 đồng/khẩu/năm, tương đương 1.500 đồng/tháng. Ngoài ra xã còn hỗ trợ xây mới 1.532 hố rác 2 ngăn cho các hộ dân (chiếm 95% số hộ). Để vận chuyển lượng rác thải khó đốt trong sinh hoạt và rác thải hóa chất ngoài đồng, xã quy hoạch bãi rác tập trung quy mô 1.500m2 tại xứ đồng Lùm Băng (vùng trước đây quy hoạch lò gạch thủ công)với tổng vốn đầu tư 134 triệu đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 40 triệu đồng, còn lại là nguồn ngân sách địa phương và dân đóng góp. Đến nay, toàn xã Nam Xuân đã xây dựng 166 hố rác ngoài đồng, 100 hố rác tại gia (tập trung chủ yếu ở xóm 7, xóm 10 ). Đặc biệt, khi bãi rác tập trung hoàn thiện và đi vào hoạt động đã góp phần giảm tải lượng rác thải, đem lại cho xã một diện mạo mới, đường làng, ngõ xóm phong quang sạch sẽ…
Việc thu gom và xử lý rác thải ở nông thôn sẽ không quá khó nếu chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc, đưa ra các chủ trương, giải pháp tích cực, đồng bộ. Để tìm được lời giải hợp lý cho bài toán rác thải nông thôn. Thiết nghĩ, trước hết phải bảo đảm 3 yếu tố "cần" và "đủ", đó là: Vấn đề về quy hoạch quy mô và địa điểm xử lý tập trung; vấn đề mô hình tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý; vấn đề áp dụng công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện thực tiễn theo định hướng bền vững, lâu dài… Trong 19 tiêu chí về xây dựng NTM, có nhiều tiêu chí phải dựa vào sức dân, trong đó có tiêu chí về môi trường. Bởi vậy, để hoàn thành tiêu chí này là việc không hề dễ dàng với chính quyền các địa phương. Khi ý thức tự giác của người dân chưa cao thì vấn đề vệ sinh môi trường vẫn đang là một trở ngại lớn trong việc xây dựng NTM ở nhiều địa phương.
Ngọc Anh