Những nét văn hóa của cộng đồng người khơ mú - Bài 5: Đẹp lòng ma rẫy

24/07/2015 09:58

(Baonghean) - Có được hạt lúa, nắm xôi, người ta không chỉ một nắng, hai sương mà còn phải làm đẹp lòng thần linh để các vị cho mùa màng bội thu. Hàng năm, khi lúa sắp chín, người Khơ mú ở Bảo Thắng (Kỳ Sơn) lại làm lễ cúng rẫy cho thần linh.

Tạ ơn thần linh

Là người khá am hiểu tập tục lâu đời của cộng đồng, ông Moong Phò Hoan ở bản Cha Ca 1 (Bảo Thắng- Kỳ Sơn) kể cho chúng tôi nghe tường tận về lễ cúng rẫy, một sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn liền với canh tác lúa rẫy. Ông bảo rằng đó cũng là dịp cho con người được vui chơi cùng nhau sau những ngày làm lụng nặng nhọc.

Người Khơ mú và cả người Thái cùng quan niệm xung quanh cuộc sống con người có vô vàn loại ma và thần thánh. Vào rừng thì có thần núi, ma rừng, làm rẫy có ma rẫy. Ở rừng nứa, gốc cổ thụ cũng có ma gốc nứa, gốc cây. Mỗi vị cai quản một thứ và cũng cai quản cuộc sống con người. Những bữa cơm lên rẫy trước khi ăn người ta khấn mời các loại ma có tên gọi chung là chủ của đất đai, cây cỏ về hưởng trước. Ma ăn xong người mới được ăn. Mời ma rẫy, thần rừng đến ăn cơm là việc ít ai quên trước mỗi bữa ăn khi ở rẫy hay lên rừng đi đốn gỗ, săn bắn.

Hội rượu cần của người Khơ mú ở xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn).
Hội rượu cần của người Khơ mú ở xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn).

“Muốn hạt lúa chắc, không bị chim, chuột, lợn rừng phá hoại người ta phải làm lễ cúng rẫy.” – Ông Moong Phò Hoan bắt đầu câu chuyện – “Người Khơ mú quê mình gọi cúng rẫy là “xê hrê”. Trước khi gặt lúa người ta “xê hrê” để mong muốn cho mùa màng tươi tốt, bội thu”.

Đó là khi màu xanh non của bông lúa trên nương đã nhạt đi, hạt căng mẩy, kéo cong cả thân lúa. Chỉ độ nửa tháng nữa mùa gặt bắt đầu. Những nhà chung nhau một vùng làm rẫy biết rằng trong suốt mùa không ai trong nhà bị ốm, hạt lúa lại chắc, nhiều bông là nhờ có ma cây đa, ma gốc nứa đã phù hộ. Họ bàn nhau chọn một ngày đẹp có trăng thì càng tốt để cúng cho ma rừng, thần núi ăn. Cúng rẫy là để trả công ơn của họ.

Nghi lễ cúng thần

Vào ngày đã định mọi người kéo nhau đi rẫy. Lần này không phải để làm cỏ hay chăm sóc lúa. Người ta mang theo một bộ váy, một bộ quần áo, gánh theo 2 con gà hoặc chung nhau một chú lợn nhỏ để mổ cúng thần. Tất nhiên có thêm 2 vò rượu cần, một thứ không thể thiếu trong hầu hết các lễ nghi tâm linh của người Khơ mú. Để chuẩn bị cho ngày cúng rẫy, người ta làm món “moọc”, một món ăn được chế biến từ thịt lợn, thịt gà hoặc cá trộn với gạo tấm, nõn chuối rừng và gia vị thường có trong ngày lễ, tết của người Thái. Riêng với lễ cúng rẫy phải có 3 loại “moọc” được chế biến từ thịt chuột, sóc và cua núi.

Người dẫn đầu đoàn phải là một thầy mo hoặc một người hiểu việc tâm linh trong cộng đồng và sẽ làm chủ buổi lễ. Địa điểm chọn làm lễ thường là một chiếc chòi canh nương. Trước khi buổi lễ bắt đầu người ta chẻ nứa dựng thành 2 cái giàn, một chiếc cao, một chiếc thấp. Xong việc, quần áo được bày lên cái giàn cao, còn khăn và váy đã xếp gọn lại thì bày lên trên giàn thấp. Trên mỗi chiếc giàn đều cắm 3 chiếc que tre vót nhỏ như cần câu, đầu mỗi chiếc que có treo một chiếc vòng bện bằng lạt nứa tượng trưng cho vòng bạc. Cái này cũng có trong lễ cúng bản mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài viết trước của chuyên đề. Chiếc thứ 3 treo 1 con ve cũng đan bằng lạt nứa. Con ve thường được làm cầu kỳ sao cho có vẻ bề ngoài giống một con ve thật nhất có thể. Con ve có ý nghĩa ngăn chặn dịch bệnh hại lúa. Người ta tin rằng việc này vốn là nhiệm vụ của loài ve.

Ngoài ra trên mỗi giàn cúng còn có 2 chiếc vòng bạc và 9 nén bạc. Tất nhiên những thứ này đều không phải bạc thật. Vòng bạc bện bằng lạt còn những nén bạc được gọt từ những thanh gỗ. Nhìn những giàn cúng này người ta nghĩ đến một nghi lễ trang trọng chỉ có ở chốn rừng sâu.

Khi giàn cúng đã soạn xong, thầy mo chắp tay “báo cáo” với thần linh về 2 cái giàn cúng và những lễ vật mang đến. Sau đó thầy mo bẻ 2 thanh nứa nhỏ làm thẻ gọi là “cha le” và khấn: “Nếu các ngài đã đến đông đủ, ta tung 2 lần “cha le” đều ngửa, nếu vẫn vắng ai đó thì cho 1 cái sấp, 1 cái ngửa nhé.” Khi các thần linh đều có mặt, nghĩa là cả 2 lần thầy mo tung những chiếc thẻ nứa đều ngửa. Lúc này người ta được phép mổ gà, hoặc lợn để cúng thần. Gà, lợn mổ xong, luộc chín lại được bày lên trên 2 chiếc giàn cúng. Việc chính của thầy mo bắt đầu. Bài cúng kể về việc dân bản chọn được nơi làm rẫy là chốn rừng có gỗ tốt, đất ướt, con dế, con giun, chim chóc ,hươu, nai chọn làm nơi trú ngụ. Người biết đất lành mà chọn chốn đặt mảnh nương. Lại được ma cây đa, ma gốc nứa, các then trên trời làm cho mưa xuống nên cái rẫy dù trỉa ít thóc giống cũng được lúa nhiều. Người làm rẫy rấy biết ơn các thần và then trên trời.

Bài cúng kể tiếp về những lễ vật hậu hĩnh, nào là lợn béo, thịt gà thơm, rượu cần ủ đã được nửa năm nay để dành cúng thần. Quần áo mới cũng đã được mang đến để thần thay mà dự tiệc. Lại có vòng bạc, nén bạc cho các thần mang về nhà. Giờ đây các thần hãy rửa mặt để cùng nhau quây quần dự tiệc. Bữa tiệc ngoài thịt lợn, thịt gà còn có mọc thịt chuột, thịt sóc và thịt cua. Sau khi các thần đã ăn no nê, thầy mo mở 2 vò rượu cần cúng mời các thần cùng uống.

Cùng vui hội

Bài cúng kết thúc có nghĩa là các thần và ma rừng, ma gốc nứa, ma cây đa đã ăn uống no say lúc này những cái dạ dày của người đã đói meo. Người làm rẫy cùng nhau vào cuộc chè chén ngay trên chòi canh nương. Hiếm khi có một cuộc vui nào diễn ra giữa rừng sâu như khi cúng rẫy. Rượu và thịt cuối cùng lại phục vụ con người là chính. Ngày này già trẻ, gái trai đều được quyền uống cho đến say không biết đường về, uống mừng một mùa vụ lúa mới.

Ông Moong Phò Hoan nhớ lại: Vùng rừng núi nào mà đông người cùng làm rẫy thì ngày cúng rẫy thực sự là hội to. Người ta hát tơm, vặn đài cát-xét to hết cỡ. Rồi khi say, đám rẫy lại biến thành nơi nhảy múa. Hội thường kéo dài từ lúc non trưa cho đến chiều tối mọi người mới kéo nhau ra về.

Trước khi về bản thầy mo làm việc cuối cùng. Thần núi được cúng tiễn về núi, ma gốc nứa, ma cây đa ai ở đâu về chỗ nấy. Những thứ như vòng tay, bạc nén thì chia nhau gánh về. Thầy mo cũng không quên căn dặn các thần linh phải phù hộ cho người và cái rẫy luôn được an toàn. Người khỏe mạnh, cái rẫy không bị con chim, con chuột, lợn rừng đến phá.

Khi về đến bản, một nghi lễ nữa lại diễn ra tại nhà của người đã làm lễ cúng rẫy. Một lễ cúng vía nữa được tổ chức. Lễ cúng có 1 con gà và 2 vò rượu cần. Lễ này để báo cáo với tổ tiên rằng việc cúng rẫy đã xong. Chỉ còn ít bữa nữa sẽ có lúa mới về và tổ tiên sẽ được con cháu cho ăn mừng cơm mới.

Hữu Vi - Đào Thọ

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Những nét văn hóa của cộng đồng người khơ mú - Bài 5: Đẹp lòng ma rẫy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO