Những ngày đông ấm tình Nga – Việt
Nồng ấm và thủy chung
Sau thời gian tương đối dài được học tập ở Nga rồi về nước công tác, tôi đã được trở lại thăm nước Nga 3 lần, lần nào cũng cảm động, thân thiết. Mới đây, vào hạ tuần tháng 11, nhận lời mời của Trung ương Hội Hữu nghị Nga - Việt nhân kỷ niệm 55 năm thành lập (31/7/1958 – 31/7/2013), Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Nga cử đoàn đại biểu 25 người do Thiếu tướng Trịnh Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội dẫn đầu sang thăm và dự các hoạt động kỷ niệm của hội bạn, tôi may mắn được tham gia và đã có những ngày đông ấm tình bằng hữu.
Đoàn chụp ảnh ở đồi Mamaep, Volgagrat. |
Ngày 20/11/2013, sau 10 tiếng đồng hồ trên máy bay, chúng tôi có mặt tại Sân bay Domodedovo, Moscova. Thời tiết ở Moscova khá lạnh, khoảng từ 0 đến 3 độ C. Tuy thời tiết buốt lạnh như thế, nhưng vừa xuống sân bay đã thấy đoàn của hội bạn đứng rất đông đón đợi, vừa xuống sân bay đã được các bạn hồ hởi chạy đến ôm hôn và tay bắt mặt mừng như người nhà lâu ngày gặp lại. Và kể từ giờ phút đó, trước, trong và sau lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Hữu nghị Nga - Việt, các bạn luôn gần gũi, chân tình, phấn khởi có mặt cùng với chúng tôi, ai cũng quyến luyến tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động của chúng tôi trong những ngày trên nước bạn.
Ngày 21/11, đoàn chúng tôi được đoàn bạn đón đi dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các vị chủ tịch, các phó chủ tịch hội, thành viên trong hội bạn đều tham dự đầy đủ và bản thân họ trở thành các hướng dẫn viên rất nhiệt tình. Đoàn cũng đã đến thăm, trao đổi hợp tác với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Nga, thăm Nghị viện Nga. Điều làm mỗi chúng tôi cảm động là dù thành phần đón tiếp và đi cùng chúng tôi rất ít người là đảng viên Đảng Cộng sản Nga, thế nhưng họ luôn gọi chúng tôi là đồng chí. Các bạn Nga luôn tự hào khi nói đến truyền thống, nhưng đều với mục đích là để nhấn mạnh, làm cơ sở, tiền đề cho việc phát huy quan hệ hợp tác hiện nay giữa hai nước, chứ không kể lể hay nói nhiều về công lao, về sự giúp đỡ của Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đối với Việt Nam...
Cũng tại Moscova, đoàn đã đi thăm, đặt những bông hoa cẩm chướng đỏ trước Lăng Lãnh tụ Lênin và bức tường Điện Cremlin, nơi có ngọn lửa vĩnh cửu tưởng nhớ các liệt sỹ vô danh. Lăng Lênin vừa qua đợt tu sửa lớn và mới trở lại đón khách mấy tháng lại đây. Các đoàn vào viếng đều phải đăng ký và xếp hàng theo hướng dẫn một cách rất trật tự. Dòng người xếp hàng có đầy đủ các thành phần, sắc tộc, tầng lớp, quốc gia, lứa tuổi. Trên khuôn mặt những người đến đây đều thể hiện tâm trạng yêu mến, ngưỡng mộ Lênin, mặc dù nước Nga bây giờ là đa đảng và đảng cộng sản không phải là cầm quyền.
Vào chiều 23/11, buổi lễ kỷ niệm chính thức diễn ra. Đầu tiên, ông Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt Buyanop khai mạc, sau đó là thứ tự giới thiệu, phát biểu chào mừng của các cá nhân, tổ chức, đơn vị. Vinh dự đặc biệt đối với lễ kỷ niệm 55 thành lập Hội hữu nghị Nga - Việt là Tổng thống O.Putin, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Lavrov, Đại sứ Cộng hoà Liên bang Nga tại Việt Nam đều gửi thư, điện chúc mừng và đều được đọc trân trọng tại lễ kỷ niệm. Các cơ quan của Chính phủ, Duma Quốc gia Nga đều có đại diện lãnh đạo tham dự và phát biểu. Điều đó cho thấy tuy là một tổ chức xã hội nhưng Hội hữu nghị Nga – Việt nhận được sự quan tâm và tôn trọng đặc biệt của chính quyền hiện tại.
Hầu hết thư, điện mừng và các bài phát biểu đều ngắn gọn, súc tích, nhưng đều bày tỏ niềm tin và tình cảm đặc biệt đối với truyền thống, hiện tại và tương lai của Hội Hữu nghị Nga – Việt. Một chi tiết rất cảm động và gây ấn tượng đặc biệt đã làm cho những người tham gia lễ kỷ niệm thêm phần cảm kích khi một vị trung tướng cựu chiến binh đã từng tham gia giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước khi bước lên bục phát biểu, ông đã đề nghị các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở Việt Nam có mặt tại đây đứng dậy. Cả hội trường ngỡ ngàng, sau khi các cựu chiến binh đứng dậy thì tất cả cùng vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Được biết, năm 2013 Chính phủ ta đã mời gần 30 cựu chiến binh Nga, Ucraina, Belarusia đã từng tham gia chiến đấu tại Việt Nam sang thăm nước ta. Có 2 người có mặt tại lễ kỷ niệm này đã tham gia trong đoàn đi đó. Vị trung tướng xúc động kể lại chuyến đi và những ấn tượng hết sức tốt đẹp, sâu sắc. Bạn không khỏi ngạc nhiên và hào hứng, phấn chấn khi thấy Việt Nam phát triển ngoài sức tưởng tượng.
Tại lễ kỷ niệm này, chúng tôi đã được gặp, nói chuyện cởi mở với phi công vũ trụ nổi tiếng Victo Gorbaco, người hai lần được phong tặng Anh hùng Liên Xô, Anh hùng Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt. Cũng tại đây chúng tôi được gặp bà vợ của anh hùng Liên Xô, Anh hùng Lao động Việt Nam, phi công vũ trụ Giécman Titop, cũng là người từng có 20 năm làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt. Anh hùng Titop khi lần đầu tiên sang Việt Nam đã được Bác Hồ đón tiếp vào năm 1962, Bác Hồ cùng Giécman Titop tới thăm vịnh Hạ Long. Để kỷ niệm chuyến đi, Bác Hồ đã đặt tên cho hòn đảo đến thăm là đảo Titop. Hiện nay, Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Nga đã và đang tiến hành các công việc xây dựng Tượng đài Titop tại hòn đảo này. Cũng nhân chuyến đi của đoàn Việt Nam sang Nga, Thường trực Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Nga đã có buổi làm việc để xin ý kiến chính thức của bà vợ Anh hùng Titop về mẫu cũng như quy mô phác thảo của bức tượng. Anh hùng Giecman Titop từng là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt 20 năm và 10 năm là Chủ tịch danh dự của Hội.
Quá khứ luôn được trân trọng
Thời gian còn lại của chuyến đi, theo nguyện vọng của chúng tôi, phía bạn đã bố trí cho đoàn Việt Nam đi tham quan hai điểm là Thành phố Sankt Peterburg, tức Leningrat trước đây và thăm Thành phố Volgagrat, tức Stalingrat. Đối với tôi Thành phố Sankt Peterburg như là thành phố quê hương, vô cùng thân thuộc vì tôi và vợ tôi đã từng học tại đó 6 năm trời, sau đó có vài lần trở lại thăm. Hồi còn là lưu học sinh, chúng tôi nhận thức rõ là khi nói đến thắng lợi của Hồng quân Liên Xô cũng như nói đến sự khốc liệt, sự hy sinh, thiệt hại to lớn về người và của để đổi lấy thắng lợi trong chiến tranh thế giới lần thứ hai thì đầu tiên phải nói đến mặt trận Stalingrat. Mặt trận Stalingrat mở đầu cho thắng lợi của Hồng quân Liên Xô và cũng mở đầu cho thất bại liên tiếp dẫn đến đầu hàng vô điều kiện của phát xít Đức. Một cựu chiến binh trong Ban Chấp hành Hội Nga - Việt khi ra tiễn chúng tôi đi Volgagrat đã nhắc đi nhắc lại thông tin là đã có hàng triệu người chết mỗi bên ở mặt trận Volgagrat. Thực tế khi tôi tìm hiểu thì số liệu chính thức là phía phát xít Đức thiệt hại một triệu rưỡi người, 91.000 người bị bắt làm tù binh, còn phía Liên Xô thiệt hại một triệu một trăm nghìn người.
Chúng tôi được phía bạn bố trí đi bằng tàu hoả sang trọng và tiện nghi. Điều đáng chú ý và bất ngờ, loại tàu khách hiện đại chở đi thăm chiến trường cũ lại do Cộng hoà Liên bang Đức đóng. Tàu đi không nhanh, vận tốc khoảng 80 đến 100 km/h. Từ Moscova đến Volgagrat đi hết 15 giờ. Thành phố Volgagrat có rất nhiều điểm di tích lịch sử chiến tranh để tham quan. Ở đây trong chiến tranh thế giới thứ 2, Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức giành giật nhau, giằng co nhau từng ngôi nhà, từng đường phố, có khi trong cùng một ngôi nhà. Chúng tôi được biết ban đầu quân Đức đã chiếm 90% lãnh thổ thành phố nhưng sau đó bị Hồng quân Liên Xô phản công chiếm lại và giành thế chiến thắng.
Một trong những điểm tham quan của chúng tôi là Tượng đài Mẹ Tổ quốc. Đây là điểm nhấn riêng biệt của thành phố. Để đi từ chân đồi lên bức tượng khổng lồ người ta phải bước qua 200 bậc thang tượng trưng cho 200 ngày khốc liệt của trận đánh Stalingrat. Tác giả chính của tác phẩm vượt thời gian này là nhà điêu khắc Yevgeny Vuchetich. Tượng Mẹ Tổ quốc là biểu tượng của tinh thần Nga, tính cách Nga, ý chí Nga. Và cụm di tích lịch sử này hiện là di sản quý, là điểm du lịch đặc sắc ghi dấu sức mạnh Nga trong quá khứ lịch sử. Đó cũng là biểu tượng sức mạnh chiến thắng của chân lý có tầm nhân loại và trường tồn cùng thời gian như là sự hiện hữu thường trực của khát vọng hòa bình.
Thắm đượm tình quê hương
Một nội dung mà chúng tôi ghi nhận được là hoạt động, đời sống, sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại Volgagrat rất ổn định và có sự phát triển tốt. Từ trước, báo chí cũng đã có nhiều bài viết về cộng đồng người Việt tại đây nhưng hôm nay đến tận nơi mới hiểu và hình dung được. Cộng đồng người Việt tại Volgagrat không đông, khoảng 600 người, nhưng họ được cho là rất đoàn kết, giúp đỡ nhau tận tình trong cuộc sống. Ở đây, có Công ty TNHH Volga - Việt do anh Dương Hải An, người Nghệ An làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hoạt động của Công ty Volga - Việt trên 3 lĩnh vực chủ yếu: Thứ nhất là kinh doanh ốp (từ viết tắt của từ ký túc xá - tiếng Nga) chủ yếu cho cộng đồng người Việt thuê ở. Hầu như trong cùng ký túc xá toàn là người Việt từ chủ đến người thuê nên rất dể hiểu, thông cảm cho nhau.
Qua trao đổi, chúng tôi được biết cộng đồng người Việt sống trong ký túc xá loại này rất đoàn kết và có nhiều hình thức tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau rất hiệu quả. Ở đây hầu như không xẩy ra mất trộm. Giá thuê nhà cũng rẻ, bằng ¼ giá thuê nhà ở cùng loại ở Moscova, khoảng 150 đến 200 USD/tháng. Thứ hai, là kinh doanh buôn bán ở chợ cũng giống như cộng đồng người Việt ở các thành phố và các nước khác, và thứ ba là mô hình sản xuất nông nghiệp. Đây là điểm mới mà đang ít nơi làm. Công ty Volga - Việt thuê, mua quyền sử dụng 50 năm hàng trăm héc ta đất nông nghiệp, thuê hàng trăm lao động cả người Nga và người Việt tại chỗ và từ bên nước sang lao động tuỳ theo thời vụ. Sản phẩm chủ yếu là các loại rau củ quả thu hoạch đưa đi các siêu thị. Tiềm năng sản xuất kinh doanh theo mô hình này theo đại diện lãnh đạo Công ty Volga - Việt đang là rất lớn, dồi dào…
Chuyến thăm nước Nga lần này để lại trong chúng tôi thật nhiều tình cảm và suy nghĩ. Người Nga và người Việt tuy ở cách xa nhau về không gian nhưng tình cảm Việt - Nga luôn thật gần gũi, ấm áp, chân thành. Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi đã trải qua biết bao thăng trầm, biến động và thay đổi khôn lường của lịch sử, thời cuộc. Và đó cũng là nền móng vững chắc để tiếp tục tạo dựng tương lai quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp hơn trong thời kỳ mới.
Ngô Kiên
(Ghi theo lời kể của đồng chí
Tô Hồng Hải - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Nghệ An)