Những ngôi nhà ấm vòng tay đoàn kết

(Baonghean) - Đất Nghệ mình bao đời gắn với truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” dẫu no, dẫu đói vẫn hướng về nhau nhường cơm sẻ áo. Chính vì thế mà trong năm 2013 toàn tỉnh có 306 ngôi nhà đại đoàn kết được sửa chữa, 573 ngôi nhà được xây mới, xóa cảnh nhà tranh vách đất, chạy nắng, chạy mưa, người nghèo có thêm niềm tin để xây đắp cuộc sống mới...

Ấm áp nghĩa tình
Chúng tôi không thể quên ánh mắt, nụ cười, niềm vui chộn rộn ấy của bà Nguyễn Thị Xuân ở bản Thắm, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) trong dịp chúng tôi về thăm. Bà Xuân nói: “Dọn về nhà mới ở rồi mà vợ chồng tui vẫn chưa tin vào mắt mình. Cả nhà được đón cái tết đầu tiên trong ngôi nhà mới thật rồi chứ nỏ phải mơ nữa”. Bà Xuân không thể nào quên cái ngày gia đình bà chuyển về ngôi nhà mới, ngôi nhà trị giá 65 triệu đồng. Trong đó 20 triệu từ Quỹ Vì người nghèo của tỉnh, 2 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo xã, anh em họ tộc, bà con chòm xóm giúp đỡ bằng ngày công, nguyên vật liệu... Ngày ngôi nhà hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, chòm xóm đến rất đông vui, người tặng bộ ấm chén, người tặng chiếc bát tô, cái mâm, cái chiếu trải giường, ai ai cũng mừng cho gia đình bà. 
Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp và xã Châu Lý bàn giao nhà mới cho gia đình bà Xuân ở bản Thắm, xã Châu Lý.
Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp và xã Châu Lý bàn giao nhà mới cho gia đình bà Xuân ở bản Thắm, xã Châu Lý.
Chúng tôi tiếp tục hành trình đến với gia đình anh Bùi Quang Anh ở xóm Hợp Thuận, xã Đồng Hợp, Quỳ Hợp. Anh đang ngồi sảy đậu tằm chuẩn bị gói bánh chưng Tết. Nói chuyện với chúng tôi về ngôi nhà mới được bàn giao trong năm nay, anh rưng rưng xúc động: “Món quà trị giá  lắm, tui không thể tin có ngày hạnh phúc như hôm nay, ơn này suốt đời anh em tui không bao giờ quên, anh em sẽ bảo ban nhau cố gắng sống tốt, chăm chỉ làm ăn để xứng đáng với sự quan tâm này”. Anh Bùi Quang Anh có hoàn cảnh đáng thương. Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, hai anh em phải sống nhờ bà nội. Ăn, ngủ cũng mơ... nhà, thầm mong ước có một gian nhà kiên cố đứng tên tuổi của mình để “an cư lạc nghiệp”. Hôm nay, niềm ao ước đã thành hiện thực. Thắp nén hương thơm, anh tâm sự với bố “Bố ơi, vậy là Tết này anh em con đã có nhà mới để ở, có nơi thờ phụng bố rồi bố ạ, chúng con hạnh phúc lắm…”.
Trở về Thành phố Vinh trong không khí mùa Xuân mới đang cận kề. Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (35 tuổi) ở tổ 1, khối Vĩnh Quang, phường Đông Vĩnh trong niềm vui của gia đình và bà con khối phố. Trước đây vợ chồng chị Thanh khó khăn trăm bề. Chồng đi làm thợ xây, chị Thanh đi phụ giúp việc nhà. Chị Thanh bị bệnh thận nên tiền thuốc thang cũng khá tốn kém, vì vậy cả gia đình phải ở trong ngôi nhà tạm bợ, mùa hè nắng nóng, mùa mưa dột ướt trong suốt gần 8 năm. Năm 2009 vợ chồng Thanh được Công ty Than Nghệ Tĩnh hỗ trợ 50 triệu đồng, vợ chồng chị tiết kiệm được 17 triệu đồng, anh em nội ngoại, bà con khối xóm hỗ trợ vật liệu, ngày công... xây dựng được ngôi nhà thoáng mát, tổng cộng hết 120 triệu đồng. Chị Thanh vui mừng khoe: “Nếu không có sự giúp đỡ của Công ty Than, anh em, khối phố thì gia đình không có ngày hôm nay”. 
Theo chân anh Nguyễn Sỹ Duyên – Phó chủ tịch UBMTTQ xã Thanh Ngọc (Thanh Chương), chúng tôi đến xóm 4, nơi có ngôi nhà Đại đoàn kết vừa được bàn giao. Chủ nhân ngôi nhà là bà Nguyễn Thị Mạo, sinh năm 1952, bị dị tật ở chân, khiếm thính và sống đơn thân nhiều năm qua. Tiếp chuyện chúng tôi, bà Lê Thị Tình, hàng xóm bà Mạo kể: “Sống một mình, lại bị tật nên bà hàng ngày phải ra đồng bắt cua, bắt ốc đem ra chợ bán lấy tiền mua gạo sống qua ngày. Hàng chục năm nay, bà Mạo cứ lủi thủi ra vào căn nhà nứa tạm bợ”. 
Trước hoàn cảnh của bà Mạo, năm 2013 vừa qua, UBMTTQ xã Thanh Ngọc đã hỗ trợ bà 20 triệu đồng để xây nhà Đại đoàn kết, anh em họ hàng cũng hỗ trợ bà gần 20 triệu, bà con xóm giềng giúp đỡ ngày công và một số nguyên vật liệu. Ngày khởi công nhà, tất cả các hộ trong xóm đều cử người tới giúp, người phát quang cây cối, người ủi đất san nền, người chuyển xi măng, gạch đá… Đến nay, ngôi nhà rộng 22m2, tổng trị giá gần 45 triệu đồng sắp sửa hoàn thành để kịp bàn giao vào dịp trước Tết Nguyên đán. Tuy bị lãng tai, không thể nói chuyện với chúng tôi một cách bình thường nhưng chúng tôi cảm nhận được niềm vui trong ánh mắt, trong từng bước đi tập tễnh của bà Mạo, bởi chắc hẳn với hoàn cảnh của mình, chưa bao giờ bà có thể nghĩ đến việc có một ngôi nhà kiên cố để ở. 
Chia tay bà Mạo, chúng tôi đến xóm 9 xã Xuân Tường để thăm gia đình anh Nguyễn Phùng Chân (SN 1961) – chị Đinh Thị Hoan (SN 1973) – một trong những hộ nghèo của huyện được hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết trong năm 2013. Đứng trước ngôi nhà cao, thoáng, khá rộng rãi, mái ngói, nền gạch bông, tổng giá trị xây dựng gần 80 triệu đồng, khó có thể hình dung được rằng cuộc sống của gia đình anh Chân – chị Hoan đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Cách đây hơn chục năm, vừa cưới nhau được một thời gian ngắn thì anh Chân bị lên cơn tâm thần, sức khỏe yếu dần và đến nay không còn khả năng lao động. Anh chị có 3 người con đều đang học phổ thông, người con thứ hai 8 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh, phải nằm viện thường xuyên. Hơn 10 năm qua, tất cả gánh nặng gia đình, từ kiếm tiền lo cho bữa ăn của cả gia đình, tiền thuốc men, đều dồn lên đôi vai gầy của chị Hoan.  Trước khi có nhà mới, chỗ ở của 5 người trong gia đình là một gian trống ngay đầu chuồng bò, vách đóng ván, tường lợp tranh, gió thổi đằng trước lùa ra đằng sau, mưa hắt vào tận giường.
Có một ngôi nhà là giấc mơ xa vời nếu không có số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng của Quỹ Vì người nghèo huyện để xây nhà Đại đoàn kết. Từ số tiền đó, anh em bà con nội ngoại đã quyên góp giúp đỡ gia đình thêm 20 triệu, rồi anh chị mạnh dạn vay mượn thêm để làm nhà. Ngoài ra, hàng xóm láng giềng người cho dăm bao xi măng, người góp thêm chút vật liệu… Giữa tháng 10/2013 vừa qua, ngôi nhà được khởi công. Khi được hỏi về giá trị của ngôi nhà, chị Hoan bảo không thể tính được bằng tiền, bởi giá trị lớn nhất là những tấm lòng sẻ chia, đùm bọc của mọi người dành cho gia đình. Được sống trong ngôi nhà mới, khang trang là niềm vui, niềm hạnh phúc, là lòng biết ơn các ban, ngành, đoàn thể, anh em, xóm làng đã giúp gia đình anh chị có được ngôi nhà khang trang để ổn định cuộc sống. “Bây giờ được MTTQ huyện, xã quan tâm xây cho căn nhà này, không biết lấy gì để đền đáp, chỉ biết cố gắng làm ăn để sớm thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tết này có nhà mới để ở rồi, không còn ở trong căn nhà rách nát như trước kia nữa, dù ăn Tết chưa có gì nhiều nhưng thấy thật ấm cúng...” – chị Hoan tâm sự. 
Sự vào cuộc đồng bộ
Niềm vui của gia đình bà Xuân, anh Anh, chị Thanh, bà Mạo, chị Hoan... cũng là niềm vui của 573 gia đình trong toàn tỉnh lần đầu tiên được đón một Tết, một mùa Xuân mới trong những ngôi nhà Đại đoàn kết, thật là ý nghĩa và hạnh phúc mà không thể nói kể hết những ân tình của các tổ chức, cá nhân đã dành cho người nghèo. 
Nhằm đem đến cho người nghèo một cái Tết đầm ấm, tươm tất, cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức xã hội của tỉnh đã nỗ lực rất nhiều trong công tác giảm nghèo, huy động các nguồn để trợ cấp nhân dịp Tết cho các hộ nghèo. Ông Lương Thanh Phúc - Chủ tịch UBMTTQ huyện Quỳ Hợp vui vẻ nói: Năm 2013 toàn huyện Quỳ Hợp có 37 gia đình được hưởng lợi xây dựng nhà đại đoàn kết, các gia đình và bà con vui mừng phấn khởi lắm.
Ông Nguyễn Văn Huy - Trưởng ban Vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh, cho biết: “Với phương châm “Không để một hộ nghèo nào không có Tết”, Ban đã tổ chức vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức tôn  giáo - dân tộc và mọi tầng lớp nhân dân chung tay chăm lo Tết cho người nghèo, giúp họ có một cái Tết đầy đủ, ấm áp hơn. Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, Ban  đã có nhiều biện pháp kêu gọi, huy động sự chung sức của cả cộng đồng, nhất là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn, tỉnh. Trong  năm 2013, từ nguồn quỹ Vì người nghèo, các huyện, thành, thị đã tập trung xây mới được 573 nhà, sửa chữa 306 nhà Đại đoàn kết. Hầu hết những ngôi nhà cho người nghèo được triển khai xây dựng trong năm 2013 đã hoàn thành, và như vậy mùa Xuân này, nhiều hộ nghèo sẽ được đón Tết trong những căn nhà mới”. 
Song song với nỗ lực hoàn thành nhà ở cho hộ nghèo, việc trợ cấp Tết cho những đối tượng khó khăn cũng được tỉnh rất quan tâm. Tết Nguyên đán 2014, tỉnh sẽ trích gần 17 tỷ đồng thăm, tặng quà và trợ cấp Tết cho 141.226 đối tượng là những người đang sống tại các khu điều dưỡng thương binh, trung tâm bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người qua đường lỡ bước trong 3 ngày Tết và các hộ nghèo. 
Những con đường tràn ngập sắc xuân. Những ngôi nhà Ðại đoàn kết mới đã mở cửa đón xuân sang. Còn chủ nhân của những ngôi nhà đang hân hoan, rạo rực với niềm vui lớn của đời mình. Có an cư mới lạc nghiệp, với hộ nghèo điều đó lại càng có ý nghĩa hơn. Và khi năm cũ sắp qua, năm mới đang về, được sống trong những ngôi nhà ấm áp tình người cùng những tấm lòng chia sẻ của cộng đồng, xã hội, những người nghèo như có thêm niềm vui, tin tưởng vào một cuộc sống đang dần đổi thay dù cuộc sống trước mắt họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 
Bài, ảnh: Thu Hương -  Minh Quân

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.