Những người "chân trần, chí thép"...
(Baonghean) - Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, dân quân tự vệ Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bắn rơi 46 chiếc máy bay các loại; góp phần bắn chìm, bắn cháy 36 tàu chiến địch... Phát huy truyền thống anh hùng, lực lượng DQTV hôm nay luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, tích cực huấn luyện giữ cho quê hương yên bình, phát triển...
Ông Lữ Văn An (giữa) kể về kỷ niệm bắn rơi máy bay HU16 của Mỹ năm 1967. Ảnh: C.N |
Trong chiến tranh chống Mỹ, dân quân du kích xã Thông Thụ (Quế Phong) là đơn vị đầu tiên của miền Tây Nghệ An bắn rơi máy bay Mỹ. Ông Lữ Văn An, 85 tuổi, lúc ấy là tiểu đội phó dân quân tự vệ Thông Thụ tự hào kể: “Để bảo vệ quê hương, dân quân du kích xã Thông Thụ được thành lập từ rất sớm. Trung đội dân quân bản Lốc của ông có 14 người, chia làm 2 ca trực chiến trên đồi phòng không. Một ngày tháng 6/1967, tiểu đội ông đang trực chiến thì thấy máy bay Mỹ từ phía Tây luồn qua khe núi xâm nhập nội địa. Ở vị trí thuận lợi, 7 anh em cùng nhắm bắn, ông là người bắn phát đầu tiên. Máy bay Mỹ trúng đạn bốc khói, đâm đầu xuống khu vực Huồi Tang thuộc bản Mường Piệt, xã Thông Thụ. Bắn rơi máy bay Mỹ, quân và dân xã vui sướng lắm vì chiến công này làm đồng bào mình bớt thương vong”.
Vì nhân dân đấu tranh, dân quân du kích xã Thông Thụ luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, sự đùm bọc, nuôi dưỡng và che chở của nhân dân. Bên cạnh chiến công vang dội “chiếc máy bay thứ 996 của Mỹ bị bắn rơi tại miền Bắc”, trong chiến tranh chống Mỹ, dân quân xã Thông Thụ còn lập nhiều chiến tích lặng thầm khác như đào hơn 200 hầm chữ A, hàng trăm hố cá nhân, hơn 2km giao thông hào. Năm 1976, dân quân du kích xã Thông Thụ được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh Sầm Văn Hà, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Thông Thụ cho hay: Tiếp nối truyền thống đó, những năm qua, dân quân xã Thông Thụ luôn là lực lượng xung kích trong việc giữ gìn an ninh trật tự vùng biên, thường xuyên phối hợp với bộ đội biên phòng bảo vệ tuyến biên giới, cùng lực lượng công an triệt phá các điểm nóng về ma túy, phối hợp với các kiểm lâm viên bảo vệ rừng, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển quân, các nhiệm vụ tại chỗ như phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.
Nói về lực lượng dân quân của địa phương mình, người dân xã Thông Thụ ai nấy đều tự hào, bày tỏ sự tin yêu sâu sắc. Anh Lương Văn Tuấn, bản Mường Piệt cảm kích: Trong trận lũ lịch sử tháng 8/2012, khoảng 4 giờ sáng gia đình tôi đang ngủ thì lũ ống kéo về cuốn trôi hết cả nhà cửa. Vợ chồng con cái chỉ kịp bấu víu vào các cọc chống, cây cối xung quanh. May mà giữa lúc hiểm nguy đó, cả nhà đã được các anh dân quân đến cứu kịp thời. Chúng tôi rất cảm ơn các anh dân quân xã…”.
Nếu như ở nơi miền núi lực lượng dân quân tự vệ đóng góp vai trò to lớn trong việc giữ yên miền biên viễn, thì ở miền biển đã thấy sáng ngời những phẩm chất anh hùng năm xưa và ý chí “Diên Hồng” giữ biển quê hương hôm nay… Ông Ngô Sỹ Ái, người làng Đông Trai, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu dẫn chúng tôi lên Cầu Bùng, diễn tả lại trận đánh lịch sử 50 năm trước...
Sáng 3/4/1965, hai anh em Ngô Gườm và Ngô Sỹ Ái được lệnh lên huyện đội nhận vũ khí chiến đấu gồm 1 khẩu trung liên và 2 băng đạn. Hai người vừa về đến Cầu Bùng thì bất ngờ nghe tiếng gào rú của máy bay địch - 2 chiếc máy bay ném bom RF 101 từ biển vào. “Lúc đó 1 trong 2 chiếc bổ nhào, cắt bom. Ngay lập tức tui đưa băng đạn cho anh Gườm và quỳ xuống, anh Gườm lắp đạn và kê súng lên vai tui. Tui vừa làm giá súng vừa đưa mắt quan sát và dẫn bắn cho anh Gườm. Sau lần bóp cò lần thứ nhất với 3 viên đạn, tai tui ù đặc. Ngay trong loạt thứ 2, một máy bay đã trúng đạn. Sau đó chúng tôi biết chiếc RF 101 đã rơi ở khu vực huyện Đô Lương”. Tay nắm cứng, khuôn mặt đanh lại, mắt như có lửa của ông Ái khi diễn tả, giúp chúng tôi biết và hiểu thêm lòng quả cảm làm giá súng, tinh thần sẵn sàng hy sinh của dân và quân năm ấy.
Ông Bùi Sỹ Hậu kể lại với phóng viên Báo Nghệ An kỷ niệm đánh tàu chiến địch trên Vịnh Bắc Bộ |
“Gan vàng dạ sắt”, “Chân trần chí thép” chính là phẩm chất để dân quân lập nên những chiến công vang dội. Trong những trang sử vàng của dân tộc, của tỉnh nhà vẫn mãi còn lưu chiến công của lực lượng dân quân biển xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu bắn cháy 2 tàu chiến, 1 thủy phin cơ của Mỹ, hiệp đồng với đơn vị bạn bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 4 tàu chiến khác. Ông Bùi Sỹ Hậu, nguyên Tiểu đội trưởng dân quân biển xã Quỳnh Long, năm nay 76 tuổi, tâm tình: “Trước khi ra khơi, tất cả dân quân chúng tôi đều được truy điệu sống. Biết chết nhưng vẫn đi bởi với chúng tôi và nhiều người khác thì biển chính là sự sống. Đó không chỉ là miếng cơm, manh áo. Đó là tấc biển, vùng trời quê hương. Giặc đến cướp thì mình phải đánh đuổi...”.
Trận đánh đó, thương vong của dân quân Quỳnh Long rất lớn, các tàu đều bị địch đánh cháy, nhiều người bị thương và hy sinh. Riêng ông Bùi Sỹ Hậu, nhờ bám được vào mảnh vỡ của tàu nên sống sót. Sau đó ông bị địch bắt. Có một chi tiết đến nay ông còn nhớ, đó là khi bị địch bắt, chúng tra tấn và hỏi ông: Tại sao tàu nhỏ, lạc hậu như vậy mà dám nghênh chiến giáp lá cà với tàu Mỹ. Ông Hậu đã trả lời: “Khi kẻ thù còn xâm lược Việt Nam thì mọi người dân sẽ quyết đánh địch mọi lúc, mọi nơi và chiến đấu bằng tất cả những gì mình có.”
Lòng gan dạ, quả cảm của những chiến sĩ dân quân đã viết nên huyền thoại về tình yêu quê hương, đất nước. Đó chính là niềm tin để các thế hệ của ngày hôm nay mãi học tập và noi theo. Với mọi người, ký ức một thời “Trai Phong Định ngày đi cày, đêm về công sự/ Bà mẹ Phong Văn tay vững đường cày/ Hái nắm chè xanh tặng người pháo thủ” chính là niềm tin, sức sống để Hưng Dũng (TP. Vinh) vươn lên, quả cảm đối đầu với kẻ thù. Bà Nguyễn Thị Dần, ở khối Tân Phúc - o dân quân Làng Đỏ bắn rơi máy bay F4 của Mỹ năm 1968 đã dẫn chúng tôi ra di tích cách mạng Đình Trung, xem những nam thanh, nữ tú của phường đang huấn luyện sẵn sàng chiến đấu với các nội dung bắn súng, ném lựu đạn, điều lệnh. Bà Dần chia sẻ: “Trung đội dân quân chúng tôi đi thực hiện nhiệm vụ với một niềm tin son sắt làm sao bảo vệ tốt quê hương. Chiến công bắn rơi máy bay chỉ là một nét son tô đẹp thêm phẩm chất dân quân Làng Đỏ. Trong hòa bình, những nét son đó đang ngày một thắm hơn”.
Trong giai đoạn hiện nay, dân quân phường Hưng Dũng đã phát huy tốt truyền thống đấu tranh cách mạng của mình trên mặt trận chống đói nghèo lạc hậu, giữ gìn an ninh trật tự. Anh Nguyễn Phúc Nghĩa, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường Hưng Dũng cho hay: Những năm qua, công tác quốc phòng, quân sự của địa phương luôn được chăm lo, đẩy mạnh trên tất cả các mặt giáo dục quốc phòng, xây dựng tổ chức huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, động viên tuyển quân và chính sách hậu phương quân đội. Hiện Trung đội Dân quân được tổ chức biên chế chặt chẽ, đầy đủ, trong đó có 1 tiểu đội nữ. Hàng năm, phường tổ chức huấn luyện đầy đủ các nội dung, đảm bảo thời gian cho lực lượng; cũng như tổ chức trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 trong các dịp lễ tết; phối hợp với bảo vệ dân phố tuần tra, canh gác hàng đêm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Tình yêu Tổ quốc và khát vọng hòa bình là mục tiêu và động lực để những chiến sỹ DQTV nói riêng và thế hệ trẻ nói chung quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh toàn diện...
Chung - Nam - Tuấn