Những người “đưa đò” thầm lặng

18/11/2011 16:54

Họ - những người hằng ngày cần mẫn trên bục giảng, dành hết tâm huyết truyền thụ kiến thức cho học sinh, gieo mầm tri thức cho các em và âm thầm chờ đợi ngày ra quả ngọt. Họ là những thầy, cô giáo cắm bản vượt mọi khó khăn, trở ngại để “cõng chữ lên ngàn”; hay là những người thầy, người cô ở môi trường giáo dục đặc biệt- dạy trẻ khuyết tật; và những ông giáo già đã hoàn thành nhiệm vụ “đưa đò” sang sông nhưng vẫn lặng thầm mở các lớp học tình thương, họ chính là những người đã góp phần nâng cánh ước mơ cho biết bao học sinh nghèo...

(Baonghean.vn) Họ - những người hằng ngày cần mẫn trên bục giảng, dành hết tâm huyết truyền thụ kiến thức cho học sinh, gieo mầm tri thức cho các em và âm thầm chờ đợi ngày ra quả ngọt. Họ là những thầy, cô giáo cắm bản vượt mọi khó khăn, trở ngại để “cõng chữ lên ngàn”; hay là những người thầy, người cô ở môi trường giáo dục đặc biệt- dạy trẻ khuyết tật; và những ông giáo già đã hoàn thành nhiệm vụ “đưa đò” sang sông nhưng vẫn lặng thầm mở các lớp học tình thương, họ chính là những người đã góp phần nâng cánh ước mơ cho biết bao học sinh nghèo...

Tấm lòng giáo viên vùng cao...

Đầu năm học mới 2011-2012, tôi có dịp lên Kỳ Sơn công tác. Bão số 2 tràn vào, lũ cuốn phăng toàn bộ bàn ghế, sách vở, đồ dùng dạy học và nhà công vụ của giáo viên Trường tiểu học Mường Típ 2 (bản Ta Đo, xã Mường Típ). Sau bão, trường ngập trong bùn đất, hoang tàn, đổ nát. Chúng tôi se lòng khi chứng kiến cảnh các cô giáo tay lấm lem bới tung đống bùn đất, lật tìm những cuốn sách, đồ dùng còn sót lại; thắt ruột khi thấy những người thầy gom từng viên gạch vỡ, nhặt nhạnh từng viên ngói dựng lại phòng học để kịp đón năm học mới... Không có thiên tai, bão lũ tràn về thì những người “gieo chữ” ở các bản làng vùng cao này cũng đã đủ gian nan rồi. Để các em đến trường đầy đủ, họ phải lặn lội đến từng nhà thuyết phục, vận động phụ huynh; các em thiếu sách vở, thiếu ăn, thiếu mặc, họ sẵn sàng bỏ tiền túi ra giúp đỡ các em dù thu nhập của mình chẳng đáng là bao.

Tôi còn nhớ câu chuyện về cô giáo mầm non ở Keng Đu (Kỳ Sơn) phải thức dậy từ lúc tờ mờ sáng, vượt qua mấy ngọn núi, đến tận nhà đánh thức các em, rồi dắt các em đến lớp; chiều lại lặn lội đưa các em về nhà. Đó là câu chuyện về thầy giáo Cụt Văn Tiến, Trường THCS Keng Đu, đang cưu mang 3 học trò trong ngôi nhà tạm của mình dựng ngay gần trường để các em có điều kiện học tập. Thầy Tiến tâm sự: “Các em trọ học xa nhà nên vất vả lắm. Mình cũng còn khó khăn nhưng gắng giúp các em đến đâu hay đến đó. Thầy trò no đói có nhau”.



Giờ học Toán của cô trò Trường tiểu học Nghi Phú 2 (TP.Vinh)

Học trò vùng cao, hầu hết là nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sự quan tâm của mẹ cha. Các thầy, các cô ngoài truyền thụ kiến thức, còn chăm lo cho các em bữa ăn đỡ đói, manh áo mặc đỡ rét, động viên các em đến lớp, đến trường học cái chữ để thoát cảnh đói nghèo. Thật trân trọng việc làm của tập thể giáo viên Trường tiểu học Châu Hạnh (Quỳ Châu), mỗi giáo viên trích từ tiền lương của mình thổi cơm tuần 2 bữa cho những học sinh ở bản xa. Nhờ bữa cơm ấm tình người của các cô nên học sinh đến trường đầy đủ hơn, chăm ngoan hơn. Đáng quý biết bao tấm lòng thầy giáo Lữ Đình Ngọc (Trường TH Châu Hạnh), những lần về quê xin áo quần cũ của hàng xóm mang lên phát cho học sinh nghèo, để các em không phải co ro trong manh áo vá chằng, vá đụp...

Vậy để thấy, giáo viên vùng cao đâu chỉ đơn thuần đi “gieo chữ”. Công việc của họ, những việc làm lặng thầm của họ thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao.

Những người thầy đặc biệt

Ở Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật tỉnh, giáo viên trở thành những thầy, cô đặc biệt của những học trò cũng đặc biệt. Ở đó, gánh nặng chăm lo cho những cô cậu “học trò đặc biệt” đã biến những người thầy, người cô ở đây thành những người cha, người mẹ. Gánh lấy và bù đắp những cảnh đời mang trên mình nhiều thiếu sót của tạo hóa, những giáo viên trường dạy nghề tàn tật đến lớp không chỉ với tư cách của một người đi dạy bình thường.

Trong suốt thời gian công tác tại Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật tỉnh, thầy Trần Văn Mão không nhớ hết bao nhiêu lần nửa đêm khuya khoắt, đang ngon giấc, nghe chuông điện thoại đổ, vội vàng bật dậy, đầu dây bên kia thông báo có học trò của thầy đi lạc. Vơ vội chiếc áo, bắt xe đến địa điểm được thông báo để đón học trò về. Học trò của thầy, những em khuyết tật, tâm sinh lý không bình thường, Trung tâm lại gần Quốc lộ 1A nên các em thường hay leo lên những chuyến xe và đi lạc...

Còn đối với cô giáo Nguyễn Thị Mai Phương, kỷ niệm ngày đầu mới về Trung tâm dạy là ký ức đặc biệt, không thể phai mờ trong cuộc đời mình. Hôm đó, trong giờ lên lớp, cô đang say sưa giảng bài thì bỗng một cái thước bay vèo lên bục giảng và “hạ cánh” xuống người cô. Đau và quá bất ngờ, cô bật khóc, còn học trò thì thản nhiên nhảy múa, cười nói bên cạnh. Và cũng không biết bao lần cô chực suy tim khi chứng kiến cảnh cậu học trò leo lên cây phượng vĩ, trật tay rơi xuống vẫn cười ngặt nghẽo, hay cảnh cô bé ngứa răng cạp lở cả mảng tường...

Hơn 200 em học ở Trung tâm, mỗi em một hoàn cảnh, các em đa phần bị khiếm khuyết chức năng nghe, thấy, nói, có em ảnh hưởng bởi bại não, thiểu năng trí tuệ. Hầu hết các em sống xa nhà, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Các thầy, cô giáo nơi đây ngoài trách nhiệm của người giáo viên, còn phải có tình thương với trò, coi trò như con, như em mới có thể kiên trì, tận tâm cầm tay vẽ từng nét chữ; bày dạy từng đường kim mũi chỉ, từng nét khắc, chạm trổ trên gỗ. Bày nhiều, dạy nhiều với cái tâm của người giáo viên, nhưng khi các em đổi tính, đổi nết thì thầy cô lại trở thành “vú em” bất cứ khi nào...

Niềm hạnh phúc của những người thầy, người cô nơi đây là sự trưởng thành, khôn lớn của các em, mong mỏi duy nhất của họ là sau khi các em ra trường, có trong tay một cái nghề để có thể đương đầu với cuộc sống, đỡ đi phần nào gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Cần mẫn nhà giáo về hưu

Thầy Phan Đức Ái, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh có gần 23.000 giáo viên về hưu, tỷ lệ tập hợp hội viên vào hội cựu giáo chức đạt 85%. Những nhà giáo về hưu, dù tuổi đã cao, nhưng vẫn tích cực tham gia các phong trào đoàn thể địa phương, đặc biệt là trong phong trào khuyến học, khuyến tài. Nhiều thầy, cô với kinh nghiệm những năm tháng đứng trên bục giảng, nay về nhà mở lớp học tình thương phụ đạo cho học sinh nghèo không thu tiền...”

Đó là thầy giáo Hồ Xuân Thành (Hưng Tiến, Hưng Nguyên) đã 3 năm nay mở hàng chục lớp học tình thương cho học sinh nghèo trong vùng. Năm 2008, thầy Thành, giáo viên Trường tiểu học Hưng Khánh (Hưng Nguyên) chính thức nghỉ hưu. Không còn đứng trên bục giảng nữa, nhưng với ước nguyện chăm lo sự học cho con em trong thôn, trong xã, thầy đã mua bàn ghế, dọn một gian nhà mở lớp dạy học miễn phí cho học sinh trong vùng vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần. Nhờ lớp học của thầy mà những học trò nghèo ở vùng quê chiêm trũng này có tiến bộ vượt bậc trong học tập; nhiều em trở thành học sinh giỏi trường, giỏi huyện. Và điều quan trọng hơn, từ việc làm đáng quý đó của thầy, nhiều nhà giáo về hưu trong xã đã noi theo, mở lớp dạy học miễn phí cho học trò, như: cô Tam, thầy Nuôi, thầy Hạnh...

Đó là NGƯT La Văn Bốn (bản Châu Sơn, xã Châu Khê, Con Cuông), sau 40 năm góp công cho sự nghiệp trồng người, nay đã cận kề tuổi 80 nhưng vẫn nặng lòng với việc học của con em dân tộc Thái, Đan Lai. Hàng ngày, thầy vẫn miệt mài giảng giải những thắc mắc của các em, kể cho các em nghe những câu chuyện về Bác Hồ, bồi đắp thêm kiến thức cho học trò vùng khó khăn này. Thầy tích cực tham gia mọi công tác xã hội của bản, của xã, nhất là công tác khuyến học. “Mong sao cho con em Ðan Lai ham và biết học cái chữ của Bác Hồ, để không ngừng tiến bộ, biến hiểu biết thành cơm, gạo, giúp người Ðan Lai sớm thoát khỏi đói nghèo, tiến bộ bằng bà con người Kinh, người Thái...”, người giáo già tâm sự.

Dù đã nghỉ hưu, nhưng các thầy, các cô với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành giáo dục vẫn tích cực đóng góp cho sự nghiệp trồng người ở địa phương: mở lớp học tình thương; tư vấn cho địa phương xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục; tổ chức tọa đàm xây dựng trường chuẩn... Đặc biệt, ở các huyện, xã, cựu giáo chức đóng vai trò nòng cốt trong phong trào khuyến học của địa phương. Điển hình như huyện Quỳnh Lưu có 38/42 xã Chủ tịch Hội khuyến học là giáo viên nghỉ hưu; Anh Sơn 70% cán bộ khuyến học do cựu giáo chức đảm nhận; Diễn Châu 87,5% Phó Chủ tịch Hội Khuyến học cấp cơ sở là giáo viên nghỉ hưu...

Nghề giáo - Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, một nghề không chỉ đơn thuần là truyền thụ kiến thức cho học trò, mà quan trọng hơn hết là giáo dục nhân cách con người. Do đó, nhà giáo, ngoài trách nhiệm với công việc thì cần có tình thương, cần có cái Tâm, lòng tận tụy với trò. 20/11, ngày tôn vinh những nhà giáo, chúng tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất, như là bó hoa tươi thắm tới những người đưa đò thầm lặng.


Thanh Phúc

Mới nhất

x
Những người “đưa đò” thầm lặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO