Những người thắp lửa ở Trường Sa
(Baonghean) - Trường Sa - quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi khi nhắc đến khiến mỗi con tim Việt trào lên cảm xúc lâng lâng khó tả. Bởi ở đó vượt qua gian khó, những người lính vẫn ngày đêm bảo vệ vững chắc vùng biển vùng trời Tổ quốc. Giữa đại dương bao la, các anh đang tô thắm thêm ngọn lửa hồng của Đảng quang vinh trên đất Mẹ anh hùng.
(Baonghean) - Trường Sa - quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi khi nhắc đến khiến mỗi con tim Việt trào lên cảm xúc lâng lâng khó tả. Bởi ở đó vượt qua gian khó, những người lính vẫn ngày đêm bảo vệ vững chắc vùng biển vùng trời Tổ quốc. Giữa đại dương bao la, các anh đang tô thắm thêm ngọn lửa hồng của Đảng quang vinh trên đất Mẹ anh hùng.
Ngoài khó khăn về vật chất, xa gia đình thường xuyên, thiếu thốn tình cảm của người thân chắc hẳn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của người lính đảo Trường Sa. Nhưng không vì thế mà các anh chùn bước chân nơi đầu sóng ngọn gió. Những người lính vừa được tôi luyện trong môi trường quân đội, vừa được rèn luyện theo lý tưởng của Đảng nên tâm lý, tư tưởng hết sức vững vàng. Ngoài những giờ huấn luyện đổ mồ hôi, các anh còn tích cực phát huy sáng kiến tăng gia sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến đảo Trường Sa Đông, chúng tôi được thượng úy Lê Vạn Kim dẫn đi tham quan các mô hình trồng cây xanh, trồng rau và các hoạt động tăng gia chăn nuôi trên đảo.
Đang vào mùa mưa với nhiều giông lốc, nhưng Trường Sa Đông vẫn giữ được màu xanh bình thản trong từng đợt gió. Trung úy Lê Vạn Kim cho biết, hiện nay trên khu vực diện tích cũ của đảo đã trồng kín cây xanh. Trong đó theo thứ tự nhiều nhất là cây bàng đưa ra từ đất liền, tiếp đến là cây tra, bàng vuông, phong ba, dương… Riêng trong năm 2013 đảo đã trồng được 600 gốc cây và phong trào trồng cây xanh sẽ tiếp tục được thực hiện trên phần diện tích mới được mở rộng trên đảo. Thực tế cho thấy, trồng cây xanh, tự túc một phần rau thực phẩm và sản xuất tăng gia là những chỉ tiêu thiết thực và cụ thể trong công tác đảng hằng năm ở đảo. Những kết quả trên có được là nhờ trên cơ sở chỉ đạo của Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 146 (BTL Vùng 4 – Hải quân), Đảng ủy, Chỉ huy đảo giao chỉ tiêu cho từng Chi bộ và phân đội thực hiện.
Theo Nghị quyết chuyên đề đầu năm 2013 của Đảng ủy đảo Trường Sa Đông, mỗi cán bộ, đảng viên và chiến sĩ phải trồng và sản xuất được lượng rau xanh đạt giá trị 950 nghìn đồng. Không phân biệt chỉ huy, sĩ quan hay chiến sĩ, mỗi cá nhân có chỉ tiêu ngang nhau trong việc thực hiện Nghị quyết chuyên đề này. Qua đánh giá thực tế, trong điều kiện gió bão, thời tiết không thuận lợi nhưng kết thúc năm 2013 các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông đều vượt chỉ tiêu từ 150% trở lên. Tiếp tục dẫn chúng tôi đến tham quan khu vực chăn nuôi, trung úy Lê Vạn Kim “khoe” hiện nay trên đảo nuôi 25 con lợn, riêng phân đội của anh nuôi 3 con lợn nái và 18 lợn con mới đẻ. Đó là chưa kể gà, vịt, ngan hằng trăm con. So với các đảo nổi thì cuộc sống ở các đảo chìm khó khăn hơn nhiều. Mùa nắng thì nước ngọt thiếu thốn, mùa mưa thì thừa giông tố.
Chu Văn Hùng (đứng trong) cùng chiến sỹ tăng gia sản xuất. |
Trong khó khăn, gian khổ phẩm chất chủ động sáng tạo của người cán bộ chiến sĩ càng được khẳng định. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tự sản xuất được một phần khẩu phần rau xanh cho mình – đó là một trong những nội dung được Chi bộ Điểm B – Đảo Thuyền Chài đề ra và giao cho từng cán bộ đảng viên thực hiện. Hiện nay, trên đảo ai cũng tự ủ được giá đỗ và rau mầm để bổ sung rau xanh vào bữa ăn vốn chỉ có thực phẩm đồ hộp. Ngoài ra mọi diện tích đều được bố trí, tận dụng tối đa và hợp lý. Rau cải, mồng tơi, các loại rau gia vị trồng trong thùng xốp và được che chắn kín đáo nhằm tránh gió và nước biển. Ai cũng phải có ý thức trồng rau xanh, phải tiết kiệm. Mỗi bữa phải tính toán từng cọng mồng tơi, rau cải để bộ đội có rau xanh ăn lâu dài.
Tất cả những nội dung nói trên là những chỉ đạo thiết thực và cụ thể của Chi bộ đối với từng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Và khó khăn, thử thách đó trở thành môi trường lý tưởng cho mỗi cán bộ chiến sĩ có nhiều cơ hội để phấn đầu, rèn luyện và trưởng thành. Ngày mồng 2 tháng 1 năm 2014 Chi bộ điểm B - đảo Thuyền Chài tổ chức kết nạp đảng viên mới. Người nhận được niềm hạnh phúc, vinh dự đầu tiên trong năm 2014 là chiến sĩ Lê Văn Phong. Khi chia sẻ niềm vui với chúng tôi Lê Văn Phong không dấu được những bồi hồi phấn khởi: “Được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng ngay giữa Trường Sa là điều vô cùng thiêng liêng, tự hào đối với tôi. Là dấu mốc quan trọng của cuộc đời để tôi không ngừng phấn đấu, rèn luyện vì niềm tin mà Đảng đã gửi gắm”. Lê Văn Phong kể rằng, hôm được kết nạp Đảng, Thượng úy Trần Thanh Sơn - Chính trị viên đảo đã gọi điện về đất liền chia sẻ với gia đình Phong và cả nhà em đều khóc vì hạnh phúc. Cũng qua công tác xây dựng đảng, năm 2013 điểm B – đảo Thuyền Chài đã kết nạp chính thức cho 1 đảng viên, bồi dưỡng 2 đoàn viên khác sẽ xem xét kết nạp trong năm nay.
Nếu ai đã từng đến đảo An Bang hẳn còn nhớ nguyên cái cảm giác vừa kinh hãi vừa thích thú mỗi khi chiếc xuồng máy CQ kéo theo xuồng chuyển tải chao lên, chúi xuống vượt từng đợt, từng lớp sóng cao từ 2m đến 3m để vào đảo. Khi chạy đến gần bãi cát hẹp, chiếc CQ bỗng tăng tốc lao nhanh đến sát mép nước rồi bất thình lình rẽ ngoặt sang trái, nhờ vậy theo đà chiếc xuồng chuyển tải chở chúng tôi cùng hàng hóa bật vào doi cát. Lúc này đã có khoảng hai chục chiến sĩ ngâm mình dưới nước chờ sẵn, cùng hò nhau kéo, giữ cho xuồng không bị sóng đánh dạt ra xa. Trong số những người gồng mình néo dây giữ xuồng để chúng tôi lên đảo, tôi đặc biệt chú ý đến một gương mặt điển trai với cánh tay đen cháy, rắn rỏi.
Trong khi những người khác chào hỏi cởi mở, ồn ã thì anh vẫn im lặng, ngay cả nụ cười cũng nhẹ nhàng, lành hiền. Điều này dường như trái với hình ảnh tính cách của người miền Trung, nhất là người xứ Nghệ. Trong một buổi trưa mịt mùng sóng và dày mưa bụi, tôi có may mắn được tiếp chuyện với người đàn ông gieo vào lòng tôi nhiều ấn tượng ấy. Anh tên là Cao Xuân Chiến, quê ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Chiến vẫn không muốn nói nhiều về mình, mặc dù trước đó chỉ huy đảo đã động viên để anh tiếp xúc với phóng viên. Năm 1999, khi vừa bước sang tuổi 21, từ vùng quê ven biển, Cao Xuân Chiến bước vào cuộc đời quân ngũ.
Cũng trong năm đó, Chiến được cử đi học khóa đào tạo hạ sĩ quan và đến năm 2000 lần đầu tiên anh đến với Trường Sa Lớn. Những tháng năm tiếp theo Chiến đã trải qua những đảo như: Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Sơn Ca, Phan Vinh, An Bang… Cũng như nhiều cán bộ chiến sĩ đã và đang công tác ở huyện đảo Trường Sa, cuộc sống của Cao Xuân Chiến gắn liền với những ngày tháng rèn luyện giữa muôn trùng sóng gió. Từ việc vun gốc cho cây bão táp, chiết cành bàng vuông hay lót ổ cho đàn gà đẻ trứng… Những việc có tên và không tên đều trở nên thân thuộc với bàn tay cứng cáp của người lính đảo. Nhưng có một điều Chiến luôn luôn giữ cho riêng mình không muốn chia sẻ cùng ai cho dù ngày này qua đêm khác nó âm thầm gieo vào lòng những hoài cảm diệu vợi. Anh đã nhìn xa xăm vào những cồn sóng bạc trắng khi tôi hỏi về người bạn đời anh vẫn không nguôi thương nhớ. Vợ anh đã ra đi trong một đêm giông gió cách đây tròn 4 năm.
Những ngày vợ bạo bệnh Chiến đang ở đảo Phan Vinh. 2 năm yêu đương, 4 năm là vợ chồng, anh chỉ có tròn một tháng ở bên vợ chăm sóc trước khi chị vĩnh biệt cõi trần. Vợ mất khi con trai vừa lên 3 và hẳn trong tâm thức của đứa trẻ vẫn còn đó những suy tư về sự thiếu thốn tình cảm của cái ấp môi ấm nóng của mẹ và bàn tay rắn chắc của cha. Trước hoàn cảnh éo le của anh, cấp ủy đảng ở đảo đã triển khai vận động đóng góp ủng hộ để góp thêm kinh phí cho anh Chiến có điều kiện chạy chữa cho vợ. “Những ngày tháng đó tôi nhận được sự chia sẻ, động viên rất nhiều của đồng đội cả về vật chất lẫn tinh thần. Giờ đây, đơn vị cũng thường xuyên gọi điện về gia đình động viện ông bà và cháu. Những tình cảm đó giúp mình thêm vững lòng, yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó cho những chiến sỹ Trường Sa”, anh Chiến chia sẻ trên hành trình về đất liền với ánh mắt lấp lánh hạnh phúc. Bởi từ khi vợ qua đời, anh đưa con về quê nội, nương tựa vào sự chăm sóc của ông bà và anh em, bà con làng xóm và rất ít khi được gần con. Sau 15 năm gắn bó với quân ngũ, đây là lần thứ tư anh được đón tết ở đất liền.
Trở về từ Trường Sa, hình ảnh đẹp của các chiến sỹ Trường Sa vẫn động mãi trong tâm trí chúng tôi. Tin rằng, dưới lá cờ Đảng quang vinh, quần đảo nơi đầu sóng ngọn gió mãi là địa chỉ lý tưởng để tôi rèn cho đất nước những thế hệ đảng viên như Lê Văn Phong, Chu Văn Hùng… và đồng đội của các anh.
Bài, ảnh: Đ.Tuấn - T.Duy