Những nguy cơ ngộ độc hải sản

12/12/2015 16:35

Hải sản là món ăn nhiều dinh dưỡng và cũng là món ưa thích của nhiều người.

Hải sản thường được tiêu thụ mạnh vào mùa hè, mùa du lịch nhưng hiện nay, điều kiện kinh tế phát triển hơn, trong ngày Tết, nhiều gia đình cũng có thói quen tích trữ hải sản trong tủ lạnh để tránh những món ăn chứa nhiều thịt mỡ gây ngán. Vậy nên tích trữ, ăn hải sản thế nào cho an toàn?

Tránh các loại hải sản có thể chứa chất độc

Có loại hải sản luôn luôn có chất độc, có loại thỉnh thoảng mới gây độc. Bằng mắt thường và cảm giác khi ăn uống, chúng ta không thể phát hiện có chất độc hay không, vì vậy với các loại hải sản này bạn cần biết và tránh ăn. Các loại độc tố này thường không bị phá hủy bởi nhiệt nóng khi đun nấu và các biện pháp chế biến thông thường. Khi đi du lịch, nên hỏi kỹ thông tin từ những người dân địa phương.

Hạn chế ăn hải sản tươi sống để phòng tránh ngộ độc. Ảnh: TL
Hạn chế ăn hải sản tươi sống để phòng tránh ngộ độc. Ảnh: TL.

Không ăn hải sản đã chế biến từ lâu

Hải sản nói chung là các loại thực phẩm nguồn gốc từ động vật, rất giàu chất đạm (protein). Khi bị chết hoặc bảo quản ở nhiệt độ thông thường, chúng rất nhanh chóng bị các vi khuẩn xâm nhập và phát triển nên dễ gây bệnh. Với một số loại hải sản như cá ngừ, cá thu, vi khuẩn thậm chí biến thịt của cá thành chất độc (chuyển một loại axit amin là histidin trong thịt cá thành chất độc histamine) gây ngộ độc (đỏ da, nóng bừng, trống ngực, đau đầu, khó thở…).

Các hải sản đông lạnh có thể an toàn về mặt vi khuẩn nếu được bảo quản đông lạnh liên tục từ khi còn sống tới khi bạn mua và chưa quá hạn sử dụng.

Lưu ý thông tin về nhiễm độc nước biển, ô nhiễm môi trường vùng biển

Bên cạnh các vấn đề ô nhiễm môi trường do hóa chất bạn có thể biết rõ, có một hiện tượng tự nhiên đặc biệt xảy ra chỉ riêng với biển có thể dẫn tới ngộ độc là hiện tượng “thủy triều đỏ”. Đây là hiện tượng nước biển đổi màu bất thường như hồng, tía, xanh lục, nâu hay đỏ do một số loại tảo biển phát triển ồ ạt với số lượng lớn bất thường.

Một số loại tảo có chứa chất độc. Các hải sản lúc bình thường có thể không có độc nhưng khi có thủy triều đỏ có thể mang tảo độc và gây ngộ độc. Không nên ăn các hải sản được đánh bắt ở vùng có “thủy triều đỏ”, đặc biệt các loài động vật thân mềm có hai mảnh vỏ (như trai, sò, ngao,…).

Không ăn gỏi hải sản

Các loại vi khuẩn rất dễ phát triển trong hải sản. Vì vậy, không nên ăn hải sản tái hoặc tươi sống, hãy từ bỏ thói quen ăn gỏi hải sản và các loại thức ăn sống khác để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh tiêu chảy cấp. Cần nấu chín hải sản trước khi ăn.

Phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc

Có nhiều loại hải sản với nhiều loại nguyên nhân gây độc khác nhau nên biểu hiện ngộ độc cũng rất đa dạng: từ đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt đến các biểu hiện thần kinh như tê môi lưỡi, co giật, liệt, mờ mắt, lẫn lộn, hôn mê, hay tim mạch như loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hay hô hấp như khó thở, thậm chí tử vong. Khi ăn hải sản, nếu thấy có một trong số các biểu hiện trên cần nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Theo Sức khỏe & Đời sống

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Những nguy cơ ngộ độc hải sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO