Những nguy cơ tiềm ẩn khi song thai

Nhiều sản phụ rất hoang mang, lo lắng khi biết mình mang song thai bởi khi đó người mẹ phải đối diện với nhiều nguy cơ hơn hẳn so với những bà mẹ đơn thai. Mới đây, 2 trẻ song sinh tại BVĐK Quảng Ngãi đã tử vong do hội chứng truyền máu song sinh. Để rộng đường dư luận và giúp chị em hiểu thêm những nguy hiểm do song thai, báo SK&ĐS đăng bài viết dưới đây.

Nguy cơ đối với mẹ

Theo các chuyên gia y tế, khi mang đa thai, sản phụ dễ bị sẩy thai nhất là 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ thai bất thường, dị tật cũng cao hơn so với đơn thai. Phụ nữ mang song thai có dấu hiệu phù sớm nhiều hơn do tử cung to chèn ép tuần hoàn chi dưới. Thai phụ cũng mệt mỏi, đi lại khó khăn do các cơ quan làm việc tăng cường hơn, huy động các cơ khớp, xương. Tử cung to nhanh làm thai phụ cảm thấy khó thở.

Sinh non là biến chứng thường gặp khi mang song thai. Triệu chứng tiền sản giật cũng xảy ra thường xuyên và sớm hơn các trường hợp mang 1 thai. Nguy cơ thai chậm phát triển trong tử cung cao gấp 10 lần so với phụ nữ mang 1 thai. Và tỷ lệ thai chết lưu cũng cao hơn do sự mất cân bằng tuần hoàn giữa 2 thai. Một nguy cơ nữa của người mang song thai là đa ối, thường xảy ra vào thời kỳ cuối của 3 tháng giữa thai kỳ. Nhau bám thấp do sự tăng bề mặt của bánh nhau, làm tăng nguy cơ đẻ non, chảy máu do bong nhau, ngôi thai bất thường. Nguy cơ cao trong chuyển dạ như: đẻ khó do cơn co tử cung; đẻ khó thai thứ hai; 2 thai mắc nhau; sang chấn sản khoa; đờ tử cung sau đẻ...

                                       Hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau.

Song thai và nguy cơ đối với thai nhi

Tình trạng song thai thường dẫn đến sự phát triển bất cân xứng và chênh lệch cân nặng giữa 2 thai do có 1 thai chậm phát triển trong tử cung. Nếu sự chênh lệch cân nặng trên 25% giữa thai nhỏ và thai lớn dễ dẫn đến tình trạng gia tăng nguy cơ suy hô hấp, xuất huyết nội sọ, co giật, nhiễm khuẩn, viêm ruột hoại tử của thai nhi. Ngoài ra, đối với song thai còn dễ xảy ra tình trạng thai chết lưu, thai non tháng, thai dị dạng và chậm phát triển. Đặc biệt, trong song thai, xu hướng sinh thiếu tháng nhiều hơn sinh đủ tháng.

Mang song thai cũng dễ mắc hội chứng thai truyền máu cho nhau. Trong đó, khoảng 90% trường hợp này không được phát hiện sớm đã dẫn đến tử vong cho 1 thai. 25% số thai đôi sống sót sau khi bị hội chứng thai truyền máu cho nhau nhưng không được điều trị sẽ có thương tổn về thần kinh. Khi mang thai đôi nhưng 2 thai phát triển không đều là do có bất thường ở những mạch máu trong bánh nhau dẫn đến sự cung cấp máu không đều cho mỗi thai. Y học gọi là hội chứng thai truyền máu cho nhau tức là có thai cho máu và có thai nhận máu. Trạng thái này gây nguy hiểm cho cả 2 thai nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ.

Bất thường về nhận máu không đều ở 2 thai chỉ gặp ở những thai đôi phát triển từ 1 trứng và chung 1 bánh nhau, chung 1 buồng ối. Gọi là thai đôi 1trứng khi 1 tinh trùng chỉ thụ tinh cho một noãn (trứng) và sẽ phát triển thành 2 thai có cùng giới tính (nam hoặc nữ), có chung các đặc điểm thể chất (da, tóc, màu mắt, cấu trúc cơ thể) và gen học (nhóm máu, nhóm huyết thanh, khả năng dung nạp mô cho nên có thể nhận mô ghép).

Bằng chứng có sự phát triển hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau bao gồm: 2 thai phát triển không đều (một thai to hơn thai kia) - có quá nhiều nước ối ở một thai hoặc có quá ít nước ối ở thai kia.

Giải pháp nào cho hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau?

Cho đến nay, chưa có điều trị đặc hiệu mà chỉ có một số phương pháp điều trị tạm thời được mô tả: chọc phá vách ngăn để làm thông thương giữa 2 buồng ối; Đốt laser đối với các mạch máu nối nhau ở phần nông của bánh nhau; giảm thiểu thai bằng cách làm chết thai nhi có tình trạng nặng; chọc dẫn lưu nước ối định kỳ. Phương pháp đốt laser thắt mạch máu truyền từ thai nọ sang thai kia đã được áp dụng tại Pháp, tỷ lệ thất bại là 25%. Các giáo sư Pháp cũng đã sang Việt Nam hướng dẫn phương pháp này nhưng do tỷ lệ thất bại còn cao nên hiện tại Việt Nam chưa áp dụng.

Có đề phòng được không?

Không có cách đề phòng thai đôi hay nhiều hơn, nhưng nếu có điều quan trọng là phải xác định sớm bằng siêu âm có bánh nhau riêng hay chung. Hội chứng thai truyền máu cho nhau là vấn đề có nguy cơ cao và có thể xảy ra đột ngột, bất cứ lúc nào khi đang mang thai do đó cần được kiểm tra bằng siêu âm thường xuyên, mỗi tuần 1 lần, từ tuần thứ 16 trở đi (khoảng 4 tháng). Tuy nhiên thai phụ có thể nghi ngờ song thai nếu: tăng cân quá nhiều; tử cung lớn hơn so với tháng mang thai; ốm nghén nghiêm trọng: buồn nôn và nôn vọt rất nhiều; có những cử động của thai nhi sớm hơn bình thường.

Cần theo dõi và khám thai thường xuyên

Mặc dù, mang song thai phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi nhưng những nguy cơ này có thể kiểm soát được nếu thai phụ sớm khám và theo dõi thường xuyên tại các cơ sở y tế. Các bác sĩ sẽ tư vấn, có những hướng dẫn hợp lý cho thai phụ.

Lời khuyên của các chuyên gia y tế, khi mang thai nói chung và mang đa thai nói riêng, các thai phụ cần đến khám và theo dõi tại các cơ sở y tế. Nếu có những dấu hiệu bất thường, các bác sĩ sẽ tư vấn, bàn bạc để lựa chọn quyết định ít gây tổn hại nhất về sức khỏe, tinh thần. Mỗi lần khám, cần siêu âm để theo dõi sự phát triển của thai. Vì song thai dễ có tình trạng thai to, thai bé và các bọc ối cũng vậy... 3 tháng cuối càng phải theo dõi chặt chẽ để có thể dưỡng thai ít nhất 37 tuần tuổi vì dễ bị sinh non.
 
Khi chuyển dạ, thai phụ nhất thiết phải đến những cơ sở y tế có khoa hồi sức cho trẻ sơ sinh. Có chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý. Điều quan trọng với người mang song thai là cần được tư vấn, cho biết trước tất cả những nguy cơ, khó khăn để chuẩn bị về tâm lý và cần được sự động viên, an ủi, giúp đỡ từ người thân.

Quảng Ngãi: Ca tử vong 2 trẻ song sinh là do hội chứng truyền máu song thai

Sáng 6/11, Hội đồng chuyên môn của BVÐK Quảng ngãi đã họp xét quy trình điều trị và xác định nguyên nhân tử vong 2 trẻ song sinh (tử vong ngày 2/11), con của sản phụ Nguyễn Thị Nở là do hội chứng truyền máu song thai. Có thể nói, đây là tai biến rất hiếm gặp trong ngành y và chưa có tiền lệ xảy ra tại Khoa sản của BV. Ông Hoàng Trọng Quang - Phó Giám đốc BVÐK Quảng Ngãi cho biết: Ngay khi sản phụ Nở được nhập viện, đội ngũ y bác sĩ đã đón tiếp và làm đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng, cũng như thông báo với gia đình bệnh nhân về tình trạng bệnh của mẹ và song thai.
 
Trong quá trình sản phụ Nở chờ sinh, phía bệnh viện cũng đã theo dõi đầy đủ và thực hiện đúng y lệnh của bác sĩ. Ngay khi tai biến xảy ra, bác sĩ khoa sản đã chỉ định mổ đúng và kịp thời. Thế nhưng, do hội chứng truyền máu song thai, 2 trẻ song sinh đã bị suy tim thai cấp dẫn đến tử vong. Ngay khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo bệnh viện đã đến tận nhà thăm hỏi và chia buồn cùng gia đình sản phụ Nguyễn Thị Nở .
TP

Theo Sức khỏe và đời sống - NT

tin mới

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.

Tụt huyết áp nên làm gì?

Tụt huyết áp nên làm gì?

Tụt huyết áp là gì, nên làm gì khi bị tụt huyết áp. Biểu hiện tụt huyết áp, nguyên nhân và cách hạn chế. Hạ huyết áp, tụt huyết áp tư thế đứng là gì?