Những nữ bí thư chi bộ miền sơn cước

03/01/2013 15:45

Ở huyện miền núi Quỳ Châu, tại nhiều chi bộ đảng ở thôn xóm, nhiều phụ nữ được tin tưởng bầu làm bí thư. Các chị đã không quản ngại khó khăn, lãnh đạo đưa chi bộ phát triển trên nhiều mặt. Đây thực sự là bước tiến lớn trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. Nó càng có ý nghĩa hơn ở một địa phương vùng cao - nơi nhiều khi vai trò của người phụ nữ vẫn bị xem nhẹ do quan niệm, định kiến của xã hội.

(Baonghean) - Ở huyện miền núi Quỳ Châu, tại nhiều chi bộ đảng ở thôn xóm, nhiều phụ nữ được tin tưởng bầu làm bí thư. Các chị đã không quản ngại khó khăn, lãnh đạo đưa chi bộ phát triển trên nhiều mặt. Đây thực sự là bước tiến lớn trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. Nó càng có ý nghĩa hơn ở một địa phương vùng cao - nơi nhiều khi vai trò của người phụ nữ vẫn bị xem nhẹ do quan niệm, định kiến của xã hội.

Trong một lần về công tác ở xã Châu Bính (Quỳ Châu), tôi được nghe cán bộ Đảng ủy xã chia sẻ nhiều câu chuyện về hoạt động của 8 nữ bí thư chi bộ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” ở 8 chi bộ cở sở. Một trong số đó là đảng viên Lô Thị Đức – Bí thư chi bộ bản Hạt. Cũng như nhiều phụ nữ miền núi khác, khi cuộc sống phần đa dân cư còn khó khăn thì tất yếu công việc của những người phụ nữ sẽ còn nặng nề, vất vả. “Chị em vừa tham gia sản xuất kinh tế cho gia đình, vừa thu vén chăm sóc cho chồng con… Do đó, không còn nhiều quỹ thời gian để tham gia công tác đảng, sinh hoạt các đoàn thể”, chị Đức tâm sự. Nhưng đó vẫn chưa phải là trở ngại lớn nhất đối với những phụ nữ vùng cao, bởi trong xã hội còn có định kiến, thái độ “trọng nam khinh nữ” nên nhiều gia đình không tạo điều kiện cho các chị được hoạt động.

Đối với chị Đức, được vinh dự kết nạp Đảng, dù tuổi đời còn trẻ (sinh năm 1980) nhưng ý thức được vai trò và trách nhiệm của người đảng viên, chị đã tích cực tham gia sinh hoạt đảng cũng như các tổ chức đoàn thể xã hội khác ở địa phương. Qua nhiều năm phấn đấu, tháng 8/2012, chị được Chi bộ bản Hạt gồm 13 đảng viên tin tưởng bầu làm bí thư chi bộ - nơi mà tính cả chị cũng chỉ có 2 đồng chí đảng viên nữ. Mặc dù mới tiếp quản công việc, lại là “phận nữ nhi” nhưng chị Đức đã xác định khâu đột phá của chi bộ cần làm ngay, đó là tăng cường phát hiện, bồi dưỡng các quần chúng ưu tú để giới thiệu, kết nạp Đảng. “Bản có 98 hộ, 448 nhân khẩu, 100% là bà con dân tộc Thái. Thế nhưng số lượng đảng viên thì còn quá ít so với tổng dân số, đặc biệt là đảng viên nữ”, chị Đức chia sẻ.

Đã có định hướng rõ ràng, Bí thư Đức thường xuyên tham gia sinh hoạt các tổ chức hội như Hội Phụ nữ bản để phát hiện, tuyên truyền cho chị em lợi ích, vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thế nhưng, công tác vận động không phải khi nào cũng suôn sẻ, bởi theo lời chị kể, tâm lý của nhiều gia đình không muốn phụ nữ tham gia công tác xã hội. Chị cho biết: “Khi phát hiện bồi dưỡng các quần chúng ưu tú ở cấp hội đoàn thể, có khi chúng tôi phải về tận gia đình để đả thông tư tưởng cho các thành viên. Do đó, nhiều người khi hiểu được ý nghĩa của việc vào Đảng đã ủng hộ vợ, mẹ, con mình phấn đấu, rèn luyện”. Với thái độ chân thành, hết mình vì công tác Đảng, năm 2012 chi bộ bản Hạt, xã Châu Bính đã phát hiện và bồi dưỡng cho 8 quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng, và điều phấn khởi là 5/8 đảng viên là nữ giới.

Cũng tại xã Châu Bính, tôi được giới thiệu gặp nữ Bí thư Chi bộ bản Săng 1 – chị Lang Thị Lan. Được kết nạp vào Đảng năm 2002, đến năm 2004 chị Lan được tin tưởng bầu làm bí thư của chi bộ có 14 đảng viên, trong đó có 4 đảng viên nữ. Chị bộc bạch về công tác đảng của bản thân, của chi bộ, cách đưa chi bộ phát triển cả chất lượng và số lượng đảng viên: “Mình được các anh chị em trong chi bộ, gia đình động viên, ủng hộ nhiều trong công tác. Ở một bản vùng cao, nhiều khi tiếng nói của phụ nữ không thể có uy tín cao. Nhưng mình cứ làm hết sức rồi bà con cũng tin yêu mình thôi”. Cũng nhờ vậy mà Chi bộ bản Săng 1 được công nhận “Chi bộ trong sạch vững mạnh 3 năm liền”. Thành tích là vậy, nhưng khi trao đổi về công tác đảng trong điều kiện đặc thù địa phương, chị chia sẻ nhiều vấn đề trăn trở, nặng lòng, nhất là công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên nữ. “Cái khó của chúng tôi là nhiều quần chúng thực sự ưu tú, có uy tín trong bản làng. Tuy nhiên, về tiêu chuẩn trình độ văn hóa, nhiều người không đạt được nên không thể bồi dưỡng cho họ. Còn với chị em phụ nữ, thực sự ở địa phương điều kiện kinh tế còn khó khăn, trong khi trách nhiệm, nghĩa vụ của người phụ nữ lại quá lớn nên nhiều người không mấy quan tâm đến các hoạt động đoàn thể, do đó nguồn đảng viên nữ cũng khó phát hiện để đào tạo, bồi dưỡng”, Bí thư Lan trăn trở.

Chia tay những nữ bí thư chi bộ ở xã Châu Bính, tôi ngược về xã Châu Hạnh – đơn vị có lực lượng chị em phụ nữ làm bí thư chi bộ ở xóm, bản không kém xã Châu Bình. Gần như ngay tức thì, đồng chí Lê Bá Ngọc – Bí thư Đảng ủy xã, đã liệt kê cho tôi đầy đủ tên những nữ bí thư chi bộ, đó là: chị Lương Thị Xuân – Bí thư bản Hủa Na, chị Lương Thị Huyên – Bí thư bản Khe Mi, chị Lô Thị Quê – Bí thư bản Đồng Minh… Hiện xã Châu Hạnh có 23 chi bộ với 346 đảng viên, trong đó có đến 11 chi bộ có bí thư là “phái yếu”, tỷ lệ đảng viên nữ chiếm hơn 40% trong toàn đảng bộ, trong đó có 1 đảng viên nữ giữ trọng trách phó bí thư Đảng ủy xã, 3/17 đồng chí trong BCH Đảng ủy xã. “Các chị rất chịu khó, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc nên đã phát huy tốt vai trò công tác Đảng, góp phần xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giúp cho kinh tế, xã hội và các phong trào chung đi lên rõ rệt”, đồng chí Ngọc cho biết. Tuy nhiên, để có được kết quả hôm nay, Châu Hạnh đã phải đi một chặng đường dài bằng nhiều cách làm khác nhau để phát hiện, bồi dưỡng cho các chị em phụ nữ. Một trong những việc làm đó là tìm nguồn đảng viên nữ trong các chi hội phụ nữ, trường học, trạm y tế và tổ chức Đoàn Thanh niên. Song song với đó là công tác tuyên truyền nhằm nâng cao vị thế của người phụ nữ trong cộng đồng, xóa đi tập tục, định kiến còn lạc hậu để tạo điều kiện cho chị em hoạt động. Bí thư Ngọc chia sẻ: “Công tác tư tưởng là quan trọng nhất. Chúng tôi thường động viên các chị không được mặc cảm, tự ti vì mình là phái yếu, cần mạnh dạn tham gia hoạt động, đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng, phấn đấu rèn luyện thông qua việc tham gia công tác đảng cũng như hoạt động xã hội để hoàn thiện bản thân”.

Những nữ đảng viên mà tôi có dịp tiếp xúc trên đây chỉ là số ít so với con số 41 nữ bí thư chi bộ trên toàn huyện Quỳ Châu. Và đóng góp của họ dù ở mức độ nào cũng cho thấy một điều, xã hội cũng đã có cách nhìn nhận công bằng, đúng đắn hơn về vị trí, vai trò của người phụ nữ, đặc biệt điều này thực sự mang lại ý nghĩa to lớn trong điều kiện tại các địa phương vùng cao khi đời sống kinh tế còn khó khăn, quan niệm và vai trò của người phụ nữ chưa hẳn đã được đề cao như ở Quỳ Châu.


Thành Duy

Mới nhất

x
Những nữ bí thư chi bộ miền sơn cước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO