Những tấm gương lao động, sáng tạo

30/04/2015 16:15

(Baonghean) - Nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5, Báo Nghệ An xin giới thiệu những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, học tập, lao động, sáng tạo... Họ là những người vượt khó vươn lên trở thành những điển hình trên các lĩnh vực...

Công đoàn Công ty TNHH Haivina Kim Liên tặng quà sinh nhật cho người lao động.
Công đoàn Công ty TNHH Haivina Kim Liên tặng quà sinh nhật cho người lao động.

Thành công nhờ đam mê

Xuất thân trong một gia đình đông anh em, hoàn cảnh khó khăn tại xã Nam Lâm (Nam Đàn), năm 2001, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Văn Hạnh ở nhà làm nông cùng bố mẹ. Đến năm 2003, anh nộp hồ sơ xin vào làm công nhân tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan.

Sau 6 tháng được công ty đào tạo nghề, anh Hạnh được phân công đứng máy tại bộ phận bông chải. Anh đã tự tìm tòi, mày mò quy trình hoạt động của máy để tiếp cận những thao tác kỹ thuật phức tạp, tiến tới làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Anh thường xuyên rà soát lại quy trình, phát hiện kịp thời các lỗi có thể xảy ra và truyền đạt lại cho những công nhân mới vào học nghề. “Do bộ phận mình làm việc là công đoạn đầu tiên để pha phối trộn nguyên liệu tạo ra thành phẩm nên tất cả mọi sai sót phải được ngăn chặn triệt để. Vì thế, phải luôn cố gắng, chủ động nắm bắt, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao tay nghề”, anh Hạnh cho biết. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ đó, 3 năm liên tục (2011, 2013, 2014), anh đạt giải Nhất và giải Nhì Hội thi tay nghề giỏi do công ty tổ chức. Năm 2014, anh là 1 trong 2 công nhân của Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan được Tỉnh đoàn tuyên dương thanh niên công nhân tiêu biểu. Hiện nay, anh Hạnh đã đạt tay nghề bậc 5/6.

Anh Nguyễn Văn Hạnh vận hành máy.
Anh Nguyễn Văn Hạnh vận hành máy.

Không chỉ lao động giỏi, anh Hạnh còn là một Bí thư chi đoàn năng nổ và có nhiều đóng góp cho hoạt động Đoàn Thanh niên của Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan. Chị Nguyễn Thị Hà, Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan đánh giá: “Trên lĩnh vực nào, anh Hạnh cũng thể hiện sự đam mê, nhiệt tình để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Anh thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình cho các công nhân mới vào làm việc và là một công nhân tiêu biểu, điển hình của công ty”.

Ước mơ trở thành kỹ sư cơ khí giỏi

Nguyễn Đại Nhân sinh ra và lớn lên tại xã Nam Kim (Nam Đàn). Tốt nghiệp THPT, Nhân quyết định chọn học chuyên ngành kỹ sư Công nghệ Chế tạo máy Khoa Cơ khí chế tạo (CKCT) Trường ĐH SPKT Vinh, vừa gần nhà vừa thỏa mãn niềm đam mê máy móc của mình.

Nhập học với bao nhiêu dự định, ước mơ ấp ủ, không bỏ lỡ thời gian, chàng trai sinh năm 1993 tập trung vào việc học. Vốn thông minh, cần cù, chăm chỉ và có chí tiến thủ, mỗi kỳ học Nhân đều nhận được học bổng của trường, của các tổ chức khác. Năm 2014, khi đang là sinh viên năm thứ 3, thầy giáo Phạm Đình Quang đã tin tưởng chọn Nhân vào đội tuyển ôn thi tay nghề quốc gia, nghề Thiết kế kỹ thuật cơ khí - CAD. Tại kỳ thi, Nguyễn Đại Nhân đã xuất sắc giành giải Ba nghề Thiết kế kỹ thuật cơ khí - CDA (không có giải Nhì) tại cuộc thi tay nghề quốc gia lần thứ VIII - năm 2014 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Nguyễn Đại Nhân (thứ hai, trái sang)  tại Trường Đại học Koreatech (Hàn Quốc)
Nguyễn Đại Nhân (thứ hai, trái sang) tại Trường Đại học Koreatech (Hàn Quốc)

Không chỉ học giỏi, Đại Nhân còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Hội của trường và được bầu làm Chi hội trưởng lớp Đại học chế tạo máy khóa 6, rồi Chi hội phó Liên chi hội sinh viên khoa CKCT, Ủy viên BCH Hội Sinh viên trường, Phó Chủ nhiệm CLB “Thắp sáng trí thức khoa CKCT”. Cậu “Sinh viên 5 tốt” còn rất đam mê thể thao, biết chơi ghi ta và hát rất hay, từng đạt giải Nhì đơn ca tiếng hát học sinh sinh viên khoa CKCT.

Cuối năm 2014, qua một đợt phỏng vấn, Đại Nhân vinh dự cùng 4 sinh viên khác của Trường ĐH SPKT Vinh được nhận học bổng của chương trình trao đổi sinh viên với Trường Đại học Koreatech (Hàn Quốc). Cuối tháng 2 năm 2015, Nhân đã lên đường sang Hàn Quốc học tập. Từ đất nước Hàn Quốc, Nhân chia sẻ: “Bản thân em luôn nghĩ đại học không phải là con đường duy nhất để thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp. Với thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay cơ hội việc làm với học sinh tại các trường đào tạo nghề là rất lớn. Trong tương lai em muốn mình là một kỹ sư cơ khí thực thụ, để có thể tự mình chế tạo ra những sản phẩm có ích, thiết thực cho cuộc sống”.

"Kiến thức, kỹ năng và tấm lòng..."

Sinh năm 1978, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội năm 2000, trước khi là Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Hoàng Thu Hương có 3 năm là cán bộ tổng hợp, 6 năm làm cán bộ tư vấn pháp luật thuộc Văn phòng tư vấn pháp luật (trực thuộc Ban Kinh tế - Chính sách, LĐLĐ tỉnh). Với chức trách, nhiệm vụ của một cán bộ tư vấn pháp luật, Hoàng Thu Hương đã có mặt ở hầu khắp các vụ đình công xẩy ra trên địa bàn tỉnh. Chị chia sẻ: "Chúng tôi có trách nhiệm tư vấn tại chỗ cho công đoàn huyện, ngành; công đoàn và Ban Quản lý KKT Đông Nam; Ban Quản lý các khu công nghiệp; chính quyền các cấp... là các tổ chức tham gia giải quyết đình công về quy trình giải quyết và Luật Nội dung (chủ yếu liên quan đến các luật lao động, BHXH). Bên cạnh đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động để đưa ra được những định hướng đúng, giải quyết đình công kịp thời theo quy định của pháp luật...".

Chị Hoàng Thu Hương.
Chị Hoàng Thu Hương.

Nói đơn giản là vậy nhưng có những thời điểm, khi các cuộc đối thoại giữa công nhân lao động và chủ sử dụng lao động đi vào bế tắc, bản thân chị phải trực tiếp tư vấn cho công nhân tại buổi đối thoại. Cuộc đình công của hơn 2.600 công nhân lao động của Công ty TNHH Matrix (KCN Bắc Vinh) dịp tháng 5/2012 là một ví dụ điển hình. Vụ đình công này kéo dài nhiều ngày, trở thành điểm "nóng" và thậm chí đã xảy ra xô xát. Chị Hoàng Thu Hương nhớ lại: "Khi đình công xảy ra, lãnh đạo Công ty TNHH Matrix từ chối đối thoại, thông báo đóng cửa doanh nghiệp 3 ngày (từ 21-24/5), hàng ngàn công nhân đã xô đổ cổng sắt tràn vào văn phòng, một số người phải nhập viện...". Sau khi tổ giải quyết đình công vào làm việc, lãnh đạo Công ty TNHH Matrix đã đối thoại cùng công nhân đình công. Cuộc đối thoại sau đó đổ vỡ, tình hình hết sức nóng bỏng. Để giảm sức "nóng" của người lao động, Hương đã gặp công nhân và nói: "Các bạn đình công để kiến nghị giải quyết quyền lợi hay đình công để doanh nghiệp phải đóng cửa. Nếu để đòi quyền lợi chính đáng, hãy để công đoàn được tư vấn cho các bạn...". Công nhân đình công sau đó nhận ra họ đã đẩy sự việc đi quá xa nên đồng tình. Có sự tư vấn trực tiếp của đại diện công đoàn, cuộc đối thoại tiếp theo có được kết quả tốt đẹp, công nhân đã trở lại làm việc...

Để hỗ trợ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn, đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đoàn viên công đoàn, người lao động, tháng 7/2014, LĐLĐ tỉnh đã quyết định thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật và Hoàng Thu Hương được bổ nhiệm làm giám đốc. Dù hoạt động chỉ một thời gian ngắn nhưng nữ giám đốc trẻ cùng các cán bộ trung tâm đã thực hiện được hàng chục đợt tư vấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động; nhiều lần tham gia cùng các sở, ngành kiểm tra, giám sát việc thi hành ở các doanh nghiệp. Từ đó đã giải quyết được không ít vụ việc tranh chấp lao động,... Hỏi rằng: Những điều kiện gì để cán bộ công đoàn góp phần tham gia giải quyết tốt các vụ việc đình công? Giám đốc Hoàng Thu Hương trả lời: "Cần có kiến thức pháp luật, cần có kỹ năng để ứng xử phù hợp, kịp thời trong các tình huống xảy ra và một điều rất cần là tấm lòng với người lao động...".

Phạm Bằng - Gia Huy - Hà Giang

Những tấm gương lao động, sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO