Những tấm gương nghị lực

07/09/2014 08:25

(Baonghean) - Quanh ta, có biết bao số phận kém may mắn. Nhưng bằng tình yêu cuộc sống, với nghị lực phi thường, họ đã vượt qua hoàn cảnh, vươn lên sống tốt, sống có ích, để thấy rằng “cuộc đời đẹp như những bông hoa”…

Điểm tựa cho con

Năm 1984, chị Nguyễn Thị Vinh (giáo dân ở xã Nghi Kim, Nghi Lộc) kết duyên cùng anh Nguyễn Đình Thuyên, người cùng xã. 4 đứa con lần lượt ra đời. Cái nghèo mãi đeo bám gia đình đông con ít của. Hai vợ chồng chỉ biết nai lưng lao động để có tiền lo cho con ăn học.

Chị Nguyễn Thị Vinh đồng hành cùng con đến trường.
Chị Nguyễn Thị Vinh đồng hành cùng con đến trường.

Nỗi phiền muộn bắt đầu ập xuống ngôi nhà nhỏ khi đứa con thứ 5 của anh chị ra đời với hình hài không bình thường. Thay cho sự mong ngóng, hồi hộp là cảm giác buồn thương, lo lắng. Càng thương con, anh chị càng ra sức lao động, lo cho con đủ ăn, đủ mặc.

Năm 2007, thấu hiểu được hoàn cảnh của anh chị, Giáo họ Phan Thôn (xã Nghi Kim) cho gia đình mượn xe công nông, tạo điều kiện kiếm thêm thu nhập để nuôi các con ăn học. Nhưng, đau đớn thay, trong một lần chở hàng cho khách, anh bị tai nạn và qua đời. Chị như không thể vực lên nổi bởi nỗi đau quá lớn. Trong đầu chị quanh quẩn sự dày vò, không biết rồi đây một mình có lo nổi bữa cơm, manh áo cho các con?

Nhưng trong sự cùng cực đó, tình yêu thương các con trỗi dậy giúp chị vượt lên hoàn cảnh. Với quyết tâm lo cho các con được ăn học đến nơi đến chốn để có tương lai tươi sáng hơn, một mình chị cật lực góp nhặt từ 5 sào rưỡi nào lúa, màu và rau, rồi gà, vịt, bò… Mỗi ngày, chị thức dậy lúc 3 giờ sáng để ngắt rau chở vào chợ Vinh bán sỷ, rồi trở về nhà chuẩn bị cơm sáng cho các con trước khi chúng đến trường. Thương các con không được hưởng đầy đủ tình yêu thương của cả bố và mẹ, chị chỉ biết cố gắng hết sức để bù đắp cho các con.

Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, thương mẹ vất vả sớm hôm, các con của chị vâng lời mẹ chăm chỉ học hành. Ngoài giờ lên lớp, các cháu còn giúp đỡ mẹ việc đồng áng và việc nhà. Hiện nay, cháu thứ 3 của chị đang theo học đại học, cháu thứ 4 đang học nghề ở Huế. Còn đứa thứ 5 tật nguyền không giúp được việc nhà cháu học rất giỏi. Hàng ngày, cháu thay mẹ kèm đứa em út đang học lớp 4 ôn bài. Và chính đứa con tật nguyền đó đã tiếp thêm nghị lực sống cho chị. Chị bảo: “Thương lắm, chẳng bao giờ thấy cháu khóc. Sinh ra không có tay như chúng bạn, vậy mà để nuôi ước mơ được cắp sách tới trường, khi lên 5 tuổi cháu đã tự tập viết từng nét chữ bằng chân. Lúc nào cháu cũng tự tin, nỗ lực trong học tập. Cháu là tấm gương về nghị lực sống để tôi vượt qua hoàn cảnh”.

Thương cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, anh em, họ hàng người góp xi măng, người góp gạch, người góp công xây cho chị và các cháu ngôi nhà bớt nóng vào mùa hè, bớt dột khi mưa gió.

Với ánh nhìn đầy biết ơn, chị tâm sự: “Có thể vượt qua khó khăn để được như ngày hôm nay, một phần là nhờ sự quan tâm của chính quyền, các đoàn thể có chính sách thiết thực đối với những hộ khó khăn. Cháu thứ 3 của tôi đi học đại học được vay nguồn vốn sinh viên; cháu thứ 5 thì từ năm lên lớp 3 được miễn giảm các khoản đóng góp nên gia đình cũng đỡ vất vả”.

Những giông tố của cuộc đời không thể quật ngã chị, bởi bên chị còn có các con, trách nhiệm làm mẹ, đảm đương vai trò làm cha, chị luôn nỗ lực hết mình để trở thành điểm tựa vững chắc cho con...

Niềm tin hạc giấy

Chúng tôi tìm về xóm 4, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu tìm gặp em Đặng Thị Thanh Thảo, học sinh lớp 8B, Trường THCS Quỳnh Hồng, đúng dịp năm học mới (2014 – 2015).

Em Đặng Thị Thanh Thảo.
Em Đặng Thị Thanh Thảo.

Thảo và gia đình sống trong căn nhà cấp 4 hai gian, cũ kỹ đang dần xuống cấp. Trong nhà, ngoài những vật dụng đơn sơ, điểm thu hút mọi ánh nhìn là những tấm giấy khen, bằng khen của Thảo. Suốt 7 năm nay, em luôn đạt danh hiệu “Học sinh giỏi toàn diện”. Với điểm tổng kết 8,4 năm học 2013 – 2014, Thảo đã được Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu biểu dương vì có thành tích vượt khó, chăm ngoan, học giỏi.

Lật từng trang vở của Thảo, nhìn những nét chữ đều đặn, ngay ngắn và những điểm 10 đỏ chói, chúng tôi không khỏi cảm phục về nghị lực vượt khó của cô học trò nhỏ. Năm nay, đã bước sang tuổi 13, Thảo trông như một cô bé vừa lên 7, lên 8. Dáng người nhỏ thó, chân tay khẳng khiu, gầy guộc. “Em ăn rất ít, thường mỗi bữa chỉ ăn được một bát cơm, nhiều bữa mẹ phải đút mới chịu ăn. Đến cả vệ sinh cá nhân, nhiều khi em cũng không thể tự làm được”, chị Trần Thị Thoa, mẹ của Thảo, tâm sự.

Khi vừa tròn một tháng tuổi, ngay cạnh mắt của Thảo xuất hiện một vệt đỏ như kiến cắn, không lâu sau đó, vết đỏ phát ra khắp người. Vì không có điều kiện đưa em đi khám, nên ai mách loại lá gì, cha mẹ em đều đi kiếm về sắc cho em uống. Nhưng càng uống, bệnh càng thêm nặng. Sau đó, cha mẹ Thảo quyết định đưa em lên Bệnh viện Đa khoa huyện, rồi Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An điều trị, bệnh của em vẫn không hề thuyên giảm.

“Mãi tới lúc Thảo lên 7, gia đình mới có điều kiện đưa cháu ra Bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh. Bác sỹ cho biết cháu bị bệnh đa khớp, phải điều trị lâu dài”, anh Đặng Văn Bính – bố của Thảo chia sẻ.

Mỗi khi trái gió trở trời, các khớp xương ở tay chân của Thảo lại sưng tấy, phồng đỏ và đau nhức khiến em không thể đi lại được. Hơn 7 năm nay, mẹ của Thảo là phải tất bật ngày hai buổi đưa con đến trường. Đã rất nhiều lần Thảo chạnh lòng vì bị các bạn, các em lớp dưới trêu ghẹo. Cũng không ít lần Thảo phải bật khóc vì bị cơn đau hành hạ. Nhưng lúc như vậy, em được mẹ ở bên xoa bóp, động viên và an ủi...

Giờ thì chị Thoa đã yên tâm hơn, bởi cô con gái chăm ngoan, học giỏi của chị được thầy yêu, bạn mến. Các bạn cùng lớp thường thay nhau đưa Thảo về vào những hôm cha mẹ em bận việc không thể đi đón được. Thảo tâm sự, em thích nhất là học môn Toán, vì môn học này buộc phải suy nghĩ, tư duy nhiều, mỗi khi tìm được đáp số là niềm vui. Năm học vừa qua, tổng kết môn Toán của em đạt 9,1. Thời gian rảnh rỗi, cô bé lại tự mình hí hoáy vẽ tranh, nó giúp em vơi bớt được phần nào cơn đau luôn thường trực. Hơn 1.000 con hạc giấy đã được Thảo cặm cụi ngồi xếp suốt 3 năm nay, em cất đặt cẩn thận chúng trong một bình thủy tinh, với niềm tin nếu xếp được 2.000 con hạc giấy, bệnh của em sẽ khỏi!

Cô Nguyễn Thị Thu Hường, giáo viên chủ nhiệm của em năm học 2013 - 2014 nhận xét: “Thanh Thảo là học sinh có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân em sức khỏe yếu do phải chống chọi với bệnh tật. Nhưng Thảo rất chăm ngoan, lễ phép, luôn hòa đồng với bạn bè, có tinh thần tập thể cao, được thầy yêu, bạn mến. Với nghị lực vượt khó vươn lên, em xứng đáng là tấm gương cho các bạn noi theo!”.

Cô học trò nhỏ Đặng Thị Thanh Thảo hằng nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sỹ để cứu giúp cho thật nhiều người bệnh. Giá như có một phép nhiệm màu sẽ đến, để ước mơ của em trở thành hiện thực?!

Lê Hoa - Nguyễn Hòe

Mới nhất

x
Những tấm gương nghị lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO