Những thanh âm từ quá khứ

23/11/2014 08:41

(Baonghean) - Trong thời đại mà việc thưởng thức âm nhạc chủ yếu thông qua điện thoại di động, máy tính, máy nghe nhạc mp3… thì việc tìm đến đĩa than để thưởng thức âm thanh được xem là hiếm hoi, xa xỉ. Thế nhưng hiện nay, ngay tại TP. Vinh, vẫn có một nhóm người chung niềm đam mê đĩa than, miệt mài sưu tập và thưởng thức say mê những thanh âm từ quá khứ ấy…

Thú chơi đĩa than lâu nay vẫn được xem là thú chơi quý tộc, bởi đặc điểm âm thanh rất “kén” người nghe và số tiền đầu tư cho thú chơi này khá tốn kém. Thời kỳ vàng son của đĩa than là vào những năm đầu thập kỷ 1970, 1980 của thế kỷ trước. Bấy giờ, đĩa than chủ yếu được giới nhà giàu, hoặc văn nghệ sỹ tìm đến để đắm trọn vào thứ âm thanh tinh tế, nguyên sơ, không hề có sự tác động của bất kỳ kỹ thuật điện tử hiện đại nào. Về sau, theo thời gian, thú chơi ấy bị thu hẹp dần, phần vì những biến động của lịch sử - xã hội đã ảnh hưởng đến thị hiếu cộng đồng trước sự xâm chiếm ồ ạt của loại hình nhạc điện tử; phần khác, bởi thú chơi đĩa than rất cầu kỳ, tốn công sức và đòi hỏi sự đầu tư không hề nhỏ. Anh Phan Huy, nhân viên Ngân hàng Techcombank - một người chơi đĩa than ở TP. Vinh chia sẻ: “Mua một đầu đĩa than cho hệ thống nghĩa là phải mua đến 5 món đồ: mâm đĩa, tay cần, đầu máy quay đĩa, một pre- amli phono, một bộ dây nối. Riêng đĩa, thì nếu đã trót “nghiện”, lúc nào cũng có nhu cầu thôi thúc phải sưu tầm thật đa dạng…”.

Anh Phan Huy chỉnh âm thanh máy hát đĩa than.
Anh Phan Huy chỉnh âm thanh máy hát đĩa than.

Thú chơi đã gắn liền cùng anh Phan Huy suốt nhiều năm liền, và chưa một lần anh có ý định từ bỏ dẫu cuộc sống có những lúc thăng trầm. Anh bảo, thứ âm thanh mộc mạc ấy đã ngấm sâu như một phần máu thịt, anh có thể ngồi nghe cả ngày mà không biết chán. Anh chỉ cho tôi chiếc đầu máy quay đĩa đặc biệt - một thành viên gắn bó với gia đình anh đã qua bốn thế hệ. Ánh mắt sáng lên niềm mê say, Phan Huy khẽ khàng đặt một chiếc đĩa than xuống, nhẹ gạt tay cần, và không gian chật hẹp của căn phòng mùa đông tràn ngập thanh âm rộn rã của bản “Phiên chợ Ba tư”- một tác phẩm của nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng, nghệ sỹ piano người Anh Albert William Ketèlbey (1875 – 1959). Dẫu đã nhiều lần nghe bản nhạc nổi tiếng này, nhưng chất lượng âm thanh qua đĩa than vẫn toát lên vẻ mê hoặc, quyến rũ riêng, vừa chân mộc, vừa tinh tế, và trường âm thanh tỏa rộng như bao trùm và nhấn chìm người thưởng thức vào thế giới của những nốt nhạc diệu kỳ.

Đĩa hát sau một thời gian dùng sẽ bị xước, tạo ra các vết rãnh trên bề mặt, làm cho âm thanh đôi khi lẫn cả những tiếng lạo xạo, nhưng với người chơi lâu năm thì họ lại yêu cả cái tạp âm ấy - thứ tạp âm làm nên sự khác biệt giữa đĩa than và các loại hình nhạc điện tử sẵn có khác. Việc bảo quản đĩa cũng lắm công phu. Dân chơi đĩa than phải sắm sửa nhiều phụ tùng đi kèm như chổi carbon để chải bụi trên đĩa, bình xịt dung dịch chống tĩnh điện, súng thổi bụi bằng khí nén, chổi và dung dịch đặc biệt để làm sạch đầu kim đĩa. Đĩa thường được bảo quản cẩn thận trong tủ kính để tránh bụi, hơi ẩm và nhiệt độ cao làm cong vênh và có những vết nổ trên bề mặt.

Tốn kém và kỳ công là thế, nhưng thú chơi này đang có xu hướng trở lại trong giới trẻ. Ngoài anh Phan Huy, thì một vài thanh niên độ tuổi 18 - 25 cũng trót “phải lòng” thú chơi này. Anh Nguyễn Sỹ Trường (75- Hoàng Xuân Hãn - TP. Vinh) chia sẻ: “Mình mới bập bõm bước vào chơi đĩa than được gần 1 năm nay. Ban đầu chơi thử do lời rủ rê của anh bạn, sau thành “nghiện”. Nhiều lần đi công tác xa chỉ mong sớm về nhà để được đắm mình trong âm thanh của máy hát, những lúc đó mới thấy mình thật sự có một không gian riêng”. Cũng theo Trường, với người chơi mới, khó khăn lớn nhất là về kỹ thuật chơi. Việc lắp đặt chỉnh máy và đĩa thế nào cho đúng để chạy êm, âm thanh không bị rung và biến dạng rất phức tạp. Máy hát phải được kê trên một mặt phẳng chắc chắn, thường là bàn đá hay tủ gỗ cứng, sau đó lắp đĩa vào, chờ cho đĩa chạy khoảng 5 - 10 phút đến khi ổn định mới yên tâm thưởng thức. Chẳng thế mà máy hát đĩa than tạo ra được một thế giới âm thanh giàu nhạc tính, có sức sống mãnh liệt qua nhiều thế kỷ…

Hiện nay, những người chơi máy hát, đĩa than ở Thành phố Vinh chưa nhiều, chưa đủ để hình thành hội chơi hay mô hình câu lạc bộ, nhưng không vì thế mà thú chơi này bị “lép vế” trước âm nhạc điện tử. Bởi trong bản thân mỗi máy hát, đĩa hát đều ẩn chứa một giá trị nhân văn sâu sắc, không chỉ mang lại thẩm mỹ lành mạnh, trong sáng ở trình độ cao mà còn giúp người chơi giải tỏa được những căng thẳng trong cuộc sống, vốn là sản phẩm của xã hội công nghiệp.

Bài, ảnh: Hoàng Vũ(TP. Vinh)

Mới nhất

x
Những thanh âm từ quá khứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO