Những thời khắc trên bàn đàm phán

05/07/2015 07:35

Bàn đàm phán ngoại giao thế giới tiếp tục là mối quan tâm của dư luận. Tiến triển có, dẫm chân tại chỗ cũng có, nhưng tựu trung xu thế cơ bản của “làng” ngoại giao là làm dịu lại mối quan hệ giữa những bên từng là thù địch.

Mỹ và Cuba: tiếp bước trên con đường xích lại gần nhau

Thứ 4 ngày 1/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama từ Nhà Trắng chính thức tuyên bố đạt được thống nhất với Cuba tái mở cửa đại sứ quán ở hai nước. Đây được cho là một bước tiến tích cực nữa trên con đường bình thường hoá, tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai người hàng xóm lâu năm này.

Cuộc hội kiến giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro. Ảnh: Internet
Cuộc hội kiến giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro. Ảnh: Internet

Sự kiện trên đã được một quan chức Mỹ không tiết lộ danh tính thông báo từ tối thứ 3 ngày 30/6. Việc tái mở cửa các đại sứ quán có ý nghĩa hết sức to lớn với hoạt động ngoại giao giữa hai bên, bởi sự bảo hộ của đại sứ quán sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và đối ngoại ngoại giao trong lãnh thổ hai nước. Trước đây, nếu muốn di chuyển ra bên ngoài thủ đô, cần phải trải qua một quá trình, thủ tục xin cấp phép.

Để đạt được những thống nhất về việc mở cửa trở lại đại sứ quán tại Washington và La Havana, các đoàn đại biểu cấp cao của hai bên đã gặp nhau bốn lần kể từ tháng 1 vừa qua, bàn bạc trao đổi về các điều khoản cụ thể. Trước khi công bố bình thường hoá quan hệ, Mỹ và Cuba đã bí mật đàm phán trong suốt 18 tháng trời, với sự ủng hộ hỗ trợ của Canada và Vatican. Thế nên, việc hai bên công khai “đi lại” với tần suất tương đối dày đặc như trên là tín hiệu cho thấy cuộc “làm lành” vẫn đang tiến triển tốt đẹp.

Tại La Havana, những nguồn tin không chính thức tiết lộ rằng người đứng đầu đoàn đàm phán đại diện cho Raul Castro không ai khác chính là con trai của ông - Đại tá Alejandro Castro Espin, công tác tại Bộ Nội vụ, chịu trách nhiệm phối hợp, liên kết với các lực lượng vũ trang và vừa được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia.

Cuối tháng 5 vừa qua, những trở ngại cuối cùng cho việc mở cửa trở lại các đại sứ quán đã được dỡ bỏ, khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rút tên Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Đó được xem như là một nỗ lực cực kỳ to lớn bởi đa phần các Nghị sĩ Cộng hoà trong Nghị viện Mỹ thường xuyên bày tỏ thái độ không ủng hộ đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama - người chỉ còn 18 tháng nữa là hết nhiệm kỳ. Nhưng có lẽ lần này, chủ nhân Nhà Trắng đã gần như chắc chắn nắm được quyền làm chủ “ván cờ” với Cuba khi mà phần lớn người Mỹ ủng hộ việc hai quốc gia “làm lành” với nhau. Với sự hậu thuẫn to lớn đó, Obama đã tuyên bố hồi tháng 12 năm ngoài: “Có một lịch sử phức tạp giữa Mỹ và Cuba, nhưng thời khắc mở sang một trang mới đã điểm”.

Đó không phải là một lời tuyên bố suông - quyết định mở lại đại sứ quán của hai bên là minh chứng gần đây nhất và chắc chắn sẽ không là cuối cùng. Một cuộc viếng thăm của ông Obama đến Cuba vào năm 2016 đã nhiều lần được Nhà Trắng đề cập đến, còn Giáo hoàng Francois - người có công lớn trong cái bắt tay nối lại quan hệ của hai bên - được chờ đón tại đây vào tháng 9 tới.

Iran và nhóm P5+1: tiếng chuông giờ chót đã điểm

Thời hạn cuối cùng để đi đến thoả thuận giữa Iran và nhóm P5+1 được gia hạn đến ngày 7/7, tức thứ Ba tới đây và có vẻ như vẫn còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết…

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius sẽ trở về Vienna vào tối Chủ nhật 5/7 để hội đàm với những người đồng cấp đến từ các nước thuộc P5+1 khác là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Đức. Sau một tuần đàm phán căng thẳng với Iran, một nhà ngoại giao phương Tây chia sẻ: “Chúng tôi rất hy vọng có thể đi đến một kết luận cuối cùng trong những ngày tới, nhưng điều đó cũng tương đối khó. Càng tiến gần đến kết thúc, chúng tôi càng phải đối mặt với những vấn đề khó nhằn”.

Quả thực, trong suốt tuần vừa qua, các đoàn đại biểu không ngừng gửi đi những tín hiệu mâu thuẫn về cuộc hội đàm nhằm hạn chế chương trình hạt nhân Iran và đảm bảo quốc gia này không thể chế tạo bom nguyên tử. Trưởng đoàn ngoại giao Nga, ông Serguei Riabkov, tuyên bố vào tối thứ Năm ngày 2/7 rằng một thoả thuận đang ở gần trước mắt và rằng văn bản cuối cùng đã “hoàn chỉnh đến 91%”. Con số gây ra nhiều nghi hoặc vì độ chính xác đến đáng ngạc nhiên, trong khi những đánh giá công khai về tiến trình đàm phán thường chỉ mang tính đại khái.

Iran và nhóm P5+1 nối lại đàm phán hạt nhân tại Vienna (Áo) ngày 24/4/2015.  Ảnh: Internet
Iran và nhóm P5+1 nối lại đàm phán hạt nhân tại Vienna (Áo) ngày 24/4/2015. Ảnh: Internet

Nhưng vào thứ Sáu ngày 3/7, tín hiệu lạc quan nói trên gần như bị dập tắt bởi những thông báo của Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) - ông Yukiya Amano - trở về từ sau chuyến công tác chớp nhoáng đến Tehran. Ông này cho biết qua cuộc trao đổi giữa ông và chính quyền Iran mà người đứng đầu là Tổng thống Hassan Rohani, còn “rất nhiều việc hơn nữa” phải làm để giải quyết những vấn đề hiện đang khúc mắc.

Hay nói cách khác, hầu như chưa có bước tiến triển đáng kể nào trong tiến trình đàm phán đã đi đến hồi nước rút này. Có một điều duy nhất mà tất cả gần như chắc chắn: sau 20 tháng đàm phán căng thẳng và đã được gia hạn đến hai lần, khả năng gia hạn lần thứ ba sẽ khó có thể xảy ra. Một nguồn tin bên trong bàn đàm phán nhấn mạnh: “Nếu trong những ngày tới mà không có kết quả gì, thì chẳng có lý do gì để nghĩ rằng chúng ta có thể thành công trong 10 hay 15 ngày sau đó”.

Mặt khác, hạn định 7/7 thực sự khó có thể được đẩy lùi, bởi ngày 9/7 đã là hạn cuối cùng cho Nhà Trắng trình lên Nghị viện Mỹ văn bản thoả thuận cuối cùng, qua đó cho phép dỡ bỏ từng bước lệnh cấm vận với Tehran. Nên nhớ rằng nhiều Nghị sĩ Mỹ không ủng hộ việc thoả thuận với Iran và nếu thời hạn 9/7 nói trên bị bỏ lỡ, tiến trình kiểm tra, xét duyệt có thể lên đến 60 ngày thay vì 30 ngày. Đó hoàn toàn là một điều bất lợi cho chính phủ Obama, bởi càng có nhiều thời gian, những người phản đối sẽ càng có cơ hội gây cản trở tiến trình đàm phán.

Kịch bản này dĩ nhiên cũng không phải là điều mà châu Âu mong đợi. Thứ Năm ngày 2/7, Ngoại trưởng Pháp Fabius đưa ra tuyên bố “Có những thứ đang tiến triển” và bày tỏ hy vọng vào một “giải pháp vĩnh viễn” - sẽ được thống nhất vào tối Chủ nhật 5/7 này. Trên thực tế, đó là một nhiệm vụ khó, bởi vẫn còn nhiều lỗ hổng cần giải quyết trên nền tảng thoả thuận khung ở Lausanne ngày 2/4. Những câu hỏi còn bỏ ngỏ của một thoả thuận trong mơ xoay quanh cơ chế kiểm tra, giám sát áp dụng lên Iran; việc dỡ bỏ lệnh cấm và phương án xử lý trong trường hợp Iran phá vỡ thoả thuận.

Thục Anh

(Le Monde)

TIN LIÊN QUAN

Những thời khắc trên bàn đàm phán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO