Những thuận lợi bước đầu

02/07/2013 14:27

Phải mất  9 năm - quan họ Bắc Ninh và  6 năm - Thành nhà Hồ mới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. Với dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh, hồ sơ trình Unesco đã được hoàn thành từ đầu tháng 4/2013. Nhưng đó mới chỉ là bước khởi động đầu tiên…

(Baonghean) - Phải mất 9 năm - quan họ Bắc Ninh và 6 năm - Thành nhà Hồ mới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. Với dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh, hồ sơ trình Unesco đã được hoàn thành từ đầu tháng 4/2013. Nhưng đó mới chỉ là bước khởi động đầu tiên…

Qua nhiều bước chuẩn bị, đầu tháng 4 năm nay, hồ sơ dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” đã được hoàn thiện để trình UNESCO xét công nhận di sản văn hóa thế giới. Kết thúc giai đoạn 1, chuẩn bị cho giai đoạn 2, giai đoạn thẩm định và hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của UNESCO (nếu có), trước mắt chúng ta đang còn nhiều công việc cần phải làm. Đây cũng có thể xem là giai đoạn khó khăn nhất và khó có thể nói trước được thời gian hoàn thành. Trong đó, quan trọng nhất là phải chứng minh được dân ca ví dặm xứ Nghệ là sản phẩm của cộng đồng, do cộng đồng sáng tạo ra và mang đậm bản sắc của địa phương.



Đoàn chuyên gia của UNESCO và Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam trao đổi với các thành viên Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca xã Bồi Sơn.

Để thẩm định những nội dung trên, đầu tháng 6/2013 vừa rồi, đoàn công tác, gồm các giáo sư, chuyên gia đầu ngành của UNESCO và Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã đi quan sát, trao đổi, đánh giá về giá trị nghệ thuật và ý nghĩa của dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong đó, ngoài Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quang Hải, người có nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm, biểu diễn truyền bá nhạc dân tộc Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ Thuật Việt Nam, còn có nhiều chuyên gia nước ngoài như GS.TS Barley Norton (Đại học Goldsmiths, London), Yoshihito Tokumaru (Đại học Seitoku) và Oshio Satomi (Đại học giáo dục Miyagi, Nhật Bản) và Tvrtko Zebec (Viện Nghiên cứu dân tộc Cull và dân gian Croatia).

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, đoàn đã trực tiếp về xã Bồi Sơn (Đô Lương) nghe các thành viên trong Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca xã hát đối đáp trên sông Lam. Ở sân khấu ngoài trời này, các diễn viên không chuyên đã tái hiện lại không gian sinh hoạt văn hóa nghệ thuật thường thấy ở dân ca ví dặm xứ Nghệ. Nét độc đáo ở đây là trong quá trình lao động, người dân có thể đối đáp với nhau, vừa ngẫu hứng nhưng cũng vừa thực tế, giúp người dân quên đi mệt mỏi, vất vả trong lao động. Về xã Ngọc Sơn (Thanh Chương), đoàn đã dự một buổi sinh hoạt và truyền đạt ví dặm của các nghệ nhân tại Câu lạc bộ Dân ca xã Ngọc Sơn. Tiếp đó, đoàn đã xem các nghệ sỹ của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ biểu diễn.

Đợt khảo sát này, đoàn chuyên gia chưa đưa ra các nhận định, đánh giá nhưng có thể thấy rõ tình cảm của các thành viên trong đoàn khi họ rất chăm chú và hào hứng với các làn điệu của dân ca ví dặm xứ Nghệ. GS.TS Barley Norton (Đại học Goldsmiths, London) nhận xét: “Nghe ví dặm trên sông, thích nhất là có cảm giác như nghe giàn hợp xướng”. Trước đó, Giáo sư Trần Quang Hải cũng dùng uy tín, ảnh hưởng của mình quảng bá cho loại hình dân ca độc đáo của miền Trung Việt Nam trên truyền thông quốc tế bằng việc trả lời phỏng vấn trên Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI) và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) về những cái hay, độc đáo của ví, dặm.

Cũng theo yêu cầu của Viện Văn hóa Nghệ thuật và nhằm mục đích quảng bá ví dặm xứ Nghệ đến với đông đảo người dân và du khách thế giới, nhiều chương trình biểu diễn dân ca ví dặm xứ Nghệ đã được tổ chức trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V, kỷ niệm 10 năm Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Trong một tuần từ 19 – 26/6/2013, các nghệ sỹ của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã có gần 20 buổi biểu diễn tại khu vườn tượng An Hội và khuôn viên của các ngôi nhà cổ, trên sông Hoài. Với các tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu như màn diễn xướng về ví dặm trên đồng ruộng, lý phường vải, đối đáp giao duyên... chương trình biểu diễn về ví dặm xứ Nghệ đã nhận được sự hưởng ứng và thích thú của đông đảo quan khách và khách tham quan.

Theo giáo sư Nguyễn Chí Bền – Viện trưởng viện Văn hóa nghệ thuật thì hiện nay “Để được UNESCO công nhận dân ca ví dặm xứ Nghệ là di sản thì hiện chúng ta mới đi được 1/8 chặng đường và sẽ còn rất nhiều khó khăn”. Tuy nhiên, bằng hoạt động thiết thực, có ý nghĩa trên, chúng ta đã chứng minh được rằng dân ca xứ Nghệ là một di sản vô giá. Quan trọng hơn, từ những thành công này, các chuyên gia, các nhà chuyên môn sẽ có cái nhìn khách quan về dân ca ví dặm xứ Nghệ và thấy rõ được ý thức bảo tồn gìn giữ phát triển dân ca và tấm lòng yêu câu hát dân ca của người dân xứ Nghệ.


Bài, ảnh: Mỹ Hà

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Những thuận lợi bước đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO