Những thước phim quý về Điện Biên Phủ

07/04/2014 21:16

(Baonghean) - Đầu Xuân năm 1954, ở căn cứ địa Việt Bắc (Bản Bắc, Đồi Cọ) tổ làm phim mặt trận Điện Biên Phủ được thành lập. Phương tiện tác nghiệp là một máy quay phim cỡ nhỏ 16 ly, nhãn hiệu Palya và một số hộp phim khoảng vài trăm thước…

Tổ làm phim gồm đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi - quay chính; Ngọc Quỳnh và Quý Lục - phụ quay và Nguyễn Sinh làm nhiệm vụ vác máy. Ở mặt trận, anh Tiến Lợi phân công Quý Lục giữ máy quay, Ngọc Quỳnh giữ phim nhựa và luôn nhắc nhở: “Các đồng chí phải coi máy quay như khẩu súng của chiến sỹ!”. Nếu như máy hỏng, coi như hình ảnh mặt trận không bao giờ có nữa và nếu hỏng phim thì cũng coi như không hoàn thành nhiệm vụ. Trong điều kiện chiến trường Điện Biên Phủ làm thế nào để bảo vệ máy quay là điều cả 4 thành viên đều trăn trở. Lúc đó anh Quý Lục đã dùng gạo rang khô để chống ẩm cho máy. Mỗi khi có bom đạn dội xuống, anh lại ôm máy vào lòng.

Đoàn quay phim chọn góc quay.
Đoàn quay phim chọn góc quay. Ảnh tư liệu

Tới được mặt trận thì mùa nắng cũng bắt đầu, cả ba người đều rất mừng vì có nắng mới quay được phim. Tổ làm phim phải vượt qua bao đèo cao, vực sâu, đi vòng qua lòng chảo Điện Biên để chọn cảnh quay. Lòng chảo lúc đó ngổn ngang xác người và xe tăng. Những đường hào zíc zắc nhìn từ trên xuống cháy đen thui. Anh Quý Lực nhớ lại những lần vác máy men theo giao thông hào để quay cảnh xuất kích của quân ta: “Ở một góc hào các đồng chí văn công đang chơi các bản nhạc để động viên chiến sỹ, có tiếng hát một giọng nữ vang lên giữa tiếng bom đạn và tiếng lưỡi lê va chạm lách cách, tạo không khí vừa trang nghiêm, vừa lạc quan của giờ ra trận. Bóng các chiến sỹ xốc súng nối nhau vọt qua ống kính máy quay, có chiến sỹ còn ngoái đầu lại giơ tay vẫy”.

Với tốp quay phim ngày đó, hồi hộp nhất vẫn là thời khắc chuẩn bị nổ súng. Tháng 3/1954, bộ đội đánh đồn Him Lam mở màn chiến dịch. Diễn biến trận chiến hầu như trong bóng tối. Mỗi khi pháo dội cháy sáng 4 thành viên lại nhanh tay bấm máy và họ đã kịp thời chớp được khoảnh khắc những khẩu pháo 105 ly hay giàn pháo thần kỳ của ta nã vào lòng địch.

Ghi xong cảnh xuất kích, men theo hào giao thông để lên điểm cao đặt pháo. Khẩu pháo đồ sộ nằm bề thế trong hầm, các pháo thủ đã vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Cửa hầm phủ lá ngụy trang lộ mảng lớn đủ độ ánh sáng để bắt hình. Phía xa là dãy đồi Him Lam, cánh đồng Mường Thanh với cứ điểm Điện Biên kiên cố của địch. Một hồi chuông điện thoại réo. Anh Tiến Lợi hướng máy quay ngắm vào nòng súng hô lớn: Tất cả chuẩn bị!

Một tiếng nổ lớn làm căn hầm rung lên, đất đá rơi lả tả. Quý Lực bị choáng váng nhưng vẫn đứng vững để giữ cho Tiến Lợi bấm máy ghi hình pháo ta nhả đạn. Tiếng nổ từ nhiều hầm khác cùng vọng lại, khói phả ra dày đặc. Nhìn qua cửa hầm, phía dưới xa xa những cột khói dựng lên mỗi lúc một nhiều. Từ phía chân đồi, tiếng hô xung phong của quân ta vang lên như sóng bể.

Trời khi mưa khi nắng, trong hào giao thông bùn lầy ngập tận gối. Cục diện chiến dịch diễn biến mau lẹ, ta địch giành nhau từng quả đồi chiếm lĩnh trận địa. Tổ làm phim cơ động bám sát các đơn vị tiền tuyến. Sương mù tan dần, có tiếng máy bay lượn vòng rồi từng đoàn máy bay địch gầm rú thả những cánh dù tiếp tế bung ra nở xòe trong nắng sớm, trải khắp cánh đồng Mường Thanh. Các chiến sỹ bắn tỉa chiếm lĩnh các vị trí thuận lợi để đánh địch ra lấy đồ tiếp tế. Tiến Lợi phải nhảy lên thành giao thông hào để bấm hình cho rõ. Có chiến sỹ giữ chặt lấy hai chân anh nói: “Đồng chí cứ vững quay, có anh em yểm hộ!” Ghi nhanh được một số cảnh là phải di chuyển ngay vị trí. Quả nhiên, đạn súng cối địch rót ngay vào nơi vừa đứng ghi hình.

Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội khắp năm châu, 50 hộp với hàng nghìn thước phim sống động đã được những nhà quay phim chiến trường ghi lại. Những cuốn phim tư liệu sống này theo chân đạo diễn Tiến Lợi sang Trung Quốc tráng và làm hậu kỳ. Nửa năm sau, dưới tán rừng Việt Bắc, những thước phim Điện Biên lần đầu được mang ra phục vụ công chúng. 60 năm đã trôi qua, giờ đây mỗi khi xem lại, cả 4 thành viên đều nhớ như in những cảnh đó được quay ở thời khắc nào. Những thước phim quý giá ngày đó chứa đầy máu và nước mắt. Hiện chiếc máy quay và những thước phim vô giá ấy đang được trưng bày tại Viện lưu trữ phim Việt Nam.

Lê Lân

47, Đặng Thúc Hứa, TP. Vinh

Mới nhất
x
Những thước phim quý về Điện Biên Phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO