Những toan tính ngược đời
(Baonghean) - Vẫn tự hào về truyền thống hiếu học, nhưng chỉ vì tư tưởng bảo thủ và những lí do mang tính cá nhân mà một số bậc làm cha làm mẹ ở làng Văn Hà (Quang Sơn, Đô Lương) đã cố tình cho con em nghỉ học đồng loạt và gửi đơn “kiến nghị, cầu cứu” khắp nơi nhằm tạo sức ép với chính quyền địa phương….
Từ làng Văn Hà, chúng tôi quay trở lại điểm trường chính Trường Tiểu học Quang Sơn. Khác hẳn dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp trong khuôn viên trống huơ trống hoác tại điểm trường lẻ, ngôi trường chính gồm 2 dãy nhà cao tầng nằm trong khuôn viên rộng, rợp bóng cây xanh. Vui buồn lẫn lộn là cảm xúc trong chúng tôi. Vui vì con em nông thôn bây giờ đã được học trong ngôi trường có cơ sở vật chất khang trang không kém gì học sinh thành phố.
![]() |
Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo, UBND huyện Đô Lương đối thoại với người dân làng Văn Hà chiều 13/11. |
Buồn vì đến tận thời điểm này đã 3 tháng vào năm học mới, trong các lớp học vẫn còn những chỗ trống bởi 53 học sinh lớp 1, 2, 3 ở làng Văn Hà vẫn chưa được đến trường. Theo lời cô Hiệu trưởng Trần Thị Tuyết, hiện tại, Trường Tiểu học Quang Sơn đã đạt chuẩn mức độ I và đang trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn mức độ II. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương xã Quang Sơn đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các phòng học chức năng, trang bị các đồ dùng, thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục tiểu học do Bộ Giáo dục - Đào tạo đề ra. Ngoài 14 phòng học, nhà trường có đầy đủ các phòng chức năng như phòng truyền thống, phòng sinh hoạt tập thể, phòng học mỹ thuật, ngoại ngữ, tin học, âm nhạc.... Cho nên ngoài học văn hóa, học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, như ca múa hát tập thể; tổ chức ngày hội đọc sách; ngày hội ATGT...
![]() |
Dù đường đến trường gian nan nhưng trẻ em bản Tùng Hương (Tương Dương) vẫn vượt khó đến lớp. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo lẽ thường, các bậc cha, mẹ thường mong muốn để con em mình được học trong môi trường giáo dục tốt nhất, cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. Đằng này phụ huynh làng Văn Hà lại làm chuyện ngược đời là kiến nghị xin bằng được cho con được ở lại điểm trường lẻ xây dựng cách đây hơn 30 năm với những phòng học xuống cấp. Việc cho con em nghỉ học theo “tính toán” của phụ huynh làng Văn Hà khiến con cái họ có nguy cơ thất học và kéo theo bao hệ lụy!?
Để bao biện cho việc làm vô trách nhiệm của mình, phụ huynh làng Văn Hà đã đưa ra hàng loạt lí do muốn giữ ngôi trường truyền thống của làng, các cháu còn nhỏ, sức khỏe yếu, bố mẹ bận làm ăn, không có thời gian cho con đi học, tốn tiền xăng xe, thiệt hại kinh tế...
Khi đưa ra những lí do hết sức vô lí trên, họ có biết rằng những học trò vùng cao ở Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương... hàng ngày vẫn băng khe, lội suối đến trường vì khát khao con chữ. Chúng tôi đã có dịp đến với nhiều điểm trường vùng cao và chứng kiến những học sinh cũng đang học ở bậc tiểu học, THCS phải tự lo cơm ăn, nước uống hàng ngày. Chỗ ở của các em chỉ là những túp lều lợp bằng tranh nứa gió thốc tứ bề, bữa ăn chỉ có cơm và muối trắng. Chúng tôi cũng chứng kiến có những phụ huynh mỗi tuần đều đặn đi bộ mất cả ngày đường rừng đến tiếp tế lương thực cho con nơi trọ học. Để chống chọi với thời tiết mùa đông khắc nghiệt ở vùng cao, các thầy cô giáo và học sinh phải đốt lửa sưởi ấm, thế nhưng hàng ngày tiếng học bài của các học sinh người Khơ mú, Thái, H.Mông...vẫn vang lên đều đặn trong các lớp học ở nơi vùng cao đại ngàn.
Và trong xã hội chúng ta có biết bao bậc phụ huynh không quản ngại khó khăn, thiếu thốn, tần tảo, dậy sớm thức khuya vì sự học và tương lai của con em mình. Chẳng nói đâu xa, ngay trên đất Đô Lương cũng có rất nhiều vùng quê điều kiện kinh tế khó khăn nhưng người đi trước luôn động viên người đi sau cố gắng học tập để thoát khỏi đói nghèo, làm rạng rỡ dòng họ như: làng Đông Bích (xã Trung Sơn), làng Lệ Nghĩa (xã Minh Sơn)... Ở những vùng quê ấy, những người cha, người mẹ, người bà lam lũ nhưng họ vẫn tự hào vì con em được học tập bằng bạn, bằng bè. Ấy thế mà tại làng Văn Hà - nơi mà người dân vẫn tự hào về truyền thống hiếu học, thay vì đưa con đến trường, nhiều bậc phụ huynh lại cho con nghỉ học mấy tháng trời, bản thân họ chỉ quanh quẩn ở nhà chờ xem có ai về làng để hùa nhau dắt con ra phản đối chủ trương sáp nhập điểm trường lẻ.
Cần phải nói thêm rằng, khi triển khai thực hiện đưa điểm trường lẻ ở làng Văn Hà về điểm trường chính thì trước đó trên địa bàn Đô Lương đã chuyển được 22 điểm trường lẻ và cơ bản quá trình này diễn ra thuận lợi, được người dân đồng tình ủng hộ. Không nhìn đâu xa, ở làng Bình Thọ (xã Thái Sơn) ngay sát làng Văn Hà, có đặc điểm tương tự về địa hình, khoảng cách từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính cũng tương đương, nhưng người dân làng Bình Thọ đã đồng thuận với chủ trương sáp nhập và con em họ mấy năm nay đã được học trong môi trường giáo dục tốt hơn. Ngay cả điểm trường mầm non của làng này cũng đã sáp nhập vào điểm trường chính. Hay như ở xã Mỹ Sơn, Thượng Sơn, điểm trường lẻ cách điểm trường chính 3 - 4 km phải đi qua những con dốc dài cũng đã sáp nhập từ năm học 2011 – 2012...
(Còn nữa)
Nhóm Phóng viên