Những “ Triệu phú trẻ” ... bất ly hương

26/02/2012 16:04

(Baonghean.vn) - Trong khi nhiều thanh niên nông thôn bỏ quê vào Nam, ra Bắc tìm việc làm thì họ với quyết tâm “ly nông...

(Baonghean.vn) - Trong khi nhiều thanh niên nông thôn bỏ quê vào Nam, ra Bắc tìm việc làm thì họ với quyết tâm “ly nông bất ly hương” đã vươn lên trở thành “triệu phú” nông dân góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Đó là Hoàng Minh Khánh và Nguyễn Ngọc Anh (Hưng Long,Hưng Nguyên)- những người vinh dự được TƯ Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của giành cho nhà nông trẻ tiêu biểu năm 2011…

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất mây tre đan của Hoàng Minh Khánh ở xóm 12 xã Hưng Long ( Hưng Nguyên) vào thời điểm gần ngày quốc tế phụ nữ 8-3. Anh chị em lao động làm việc ở đây đang gấp gáp hoàn thiện những sản phẩm giỏ hoa, giỏ quà đủ hình dáng, kích cỡ để kịp cung ứng ra thị trường. Ông chủ trẻ Hoàng Minh Khánh (sinh năm 1982) đang tất bật chuẩn bị cho chuyến hàng xuất vào Đà Nẵng cho biết: “Lúc mới khởi nghiệp em quyết tâmsẽ “xóa đói giảm nghèo” bằng nghề này nhưng cũng không nghĩ sẽ có được thành công ngày hôm nay”.

Là con độc nhất trong gia đình nông thôn nghèo, bố mẹ đau yếu thường xuyên, không có khả năng lao động nên học hết THPT, Khánh đành gác lại việc học hành về lao động sản xuất, nuôi sống gia đình và tham gia hoạt động Đoàn tại địa phương. Trước làn sóng “ly hương” của bạn bè cùng trang lứa, là bí thư chi đoàn lại là đảng viên, Khánh luôn trăn trở với câu hỏi làm thế nào để xóa đói, giảm nghèo cho bản thân và tạo công ăn việc làm cho lao động trẻ tại địa phương? Mới đầu Khánh ý định học nghề cơ khí gò hàn về mở xưởng cơ khí, nhưng một lần tình cờ đi qua các cửa hàng bán hoa tươi ở thành phố Vinhthấy nhiều người dân Hà Tây chở các mặt hàng mây tre đan làm phụ kiện cắm hoa như đôn lẵng hoa, vòng hoa và giỏ đựng quà …vào bán, trong đầu chàng trai trẻ nảy ra ý tưởng mở cơ sở sản xuất mây tre đan thủ công mỹ nghệ.



Cơ sở sản xuất mây tre đan của anh Hoàng Minh Khánh tạo việc làm cho nhiều lao động lúc nông nhàn.


Nói là làm, Khánh đã mua mỗi thứ một sản phẩm đem về mở ra nghiên cứu và làm thử. Với khả năng và sự khéo tay của mình, chỉ sau một thời gian ngắn anh đã có thể tự mình đan được tất cả các loại sản phẩm nói trên. Khó khăn lớn nhất là việc tìm nguồn nguyên liệu vì nó có rải rác ở nhiều nơi khác nhau như cây lùng, giang, nứa… ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An; mây, hèo… ở huyện Hương Khê - Hà Tĩnh; cây vọt lại phải ra tới Hà Giang, Yên Bái còn xương lá dừa lại có nhiều ở tỉnh Bến Tre… Không nản chí,Khánh một mình ra Bắc, vào Nam, lên rừng mua nguyên liệu và tự làm ra các sản phẩm từ mây tre đan đem xuống Thành phố Vinh chào hàng. Với ưu thế chất lượng, mẫu mã tốt, lại hạ được giá thành sản xuất do giảm được chi phí vận chuyển nên sản phẩm của Khánh nhanh chóng được chấp nhận.

Để mở rộng sản xuất anh tập hợp đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân trong xóm tổ chức dạy nghề miễn phí và được mọi người hưởng ứng nhiệt tình. Ngoài một số lao động làm tại cơ sở sản xuất, ông chủ trẻ Hoàng Minh Khánh chủ trương phát nguyên liệu để bà con tranh thủ thời gian nông nhàn làm tại nhà, tiền công tính theo sản phẩm. Khi khâu sản xuất dần đi vào ổn định, Khánh mạnh dạn phát triển thị trường sang các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, từ Thanh Hóa cho tới Đà Nẵng và nhanh chóng tạo được được thương hiệu và uy tín. Không dừng lại ở đó, với mục tiêu ngày càng mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường, anh tập trung dầu tư trang thiết bị, máy móc hỗ trợ như: Máy cưa, máy nén hơi, súng bắn đinh…, mở rộng kho xưởng, lò sấy bảo quản sản phẩm, diện tích kho, xưởng lên tới 950 m2. Năm 2010, khi sản xuất phát triển, lượng hàng ngày càng nhiều, ông chủ trẻ đã đi học lái xe và mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng mua 01 xe ô tô tải nhằm phục vụ việc vận chuyển nguyên liệu, đưa hàng đi nhập. Tổng số vốn đầu tư cho sản xuất trên 1 tỷ đồng, một phần vốn tự có do lợi nhuận hàng năm đem lại, một phần vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Chính sách - Xã hội thông qua kênh Đoàn Thanh niên xã Hưng Long và Huyện đoàn Hưng Nguyên.

Từ hai bàn tay trắng, với sự phấn đấu nỗ lực hết mình, Hoàng Minh Khánh đã vươn lên trở thành “triệu phú” trẻ ở làng quê. Đến nay cơ sở sản xuất của anh có tới 16 chủng loại hàng, thu hút 15 lao động làm tập trung với mức lương từ 2.000.000đ - 3.000.000đ/người/tháng; 80 lao động thường xuyên nhận hàng về nhà làm với tu nhập bình quân từ 1.200.000đ - 1.500.000đ/người/tháng. Ngoài ra, anh còn tạo điều kiện cho từ 15 - 20 học sinh làm tập trung với công việc phù hợp vào những khoảng thời gian không phải tham gia học tập ở trường với thu nhập bình quân 1.200.000đ/em/tháng. Mỗi năm, cơ sở của Hoàng Minh Khánh sản xuất ra từ 200.000 - 250.000 sản phẩm các loại với tổng doanh thu từ 3,5 - 4 tỷ đồng, trừ chi phí lãi ròng khoảng 500 triệu đồng. Ngoài việc phát triển cơ sở sản xuất, anh còn đầu tư kinh doanh buôn bán thêm một số mặt hàng liên quan như: Nhập khẩu xốp bọt cắm hoa từ Malayxia; các sản phẩm hoa lụa, giấy màu bó hoa từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định… Bận rộn với việc sản xuất kinh doanh nhưng anh vẫn tham gia vào các hoạt động tại địa phương, từng được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xóm 12, đại biểu hộiđồng nhân dân xã Hưng Long và là một cộng tác viên trong Đội truyền thông Giáo dục sức khỏe giới tính cho thanh thiếu niên của huyện đoàn Hưng Nguyên từ năm 2006 đến nay.




Nguyễn Ngọc Anh hướng dẫn kỹ thuật cho thợ


Cũng chọn con đường lập thân, lập nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương như Hoàng Minh Khánh nhưng Nguyễn Ngọc Anh, sinh năm 1991, đảng viên, bí thư chi đoànxóm 11, ủy viên BCH đoàn xã Hưng Long lại quyết định “thử sức” với nghề mộc cao cấp. Vốn có một chút “vốn nghề” do bố truyền lại nhưng xác định muốn cạnh tranh được thị trường thì phải có tay nghề cao, trước khi khởi nghiệp, Ngọc Anh đã bỏ gần 05 tháng tới các làng nghề truyền thống ở Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tây… để làm thuê cho các chủ lớn và có điều kiện học nghề. Đến tháng 9/1999, Anh trở về quê vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn vay xoá đói giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện để mua đồ nghề và nguyên vật liệu bắt đầu sản xuất các mặt hàng đồ mộc mỹ nghệ. Bước đầu lượng vốn ít nhưng với những mặt hàng chất lượng, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên hàng làm đến đâu thì tiêu thụ đến đó, dần dần thị trường tiêu thụ không dừng lại ở thành phố Vinh và các vùng lân cận mà cònđược mở rộng ra tỉnh Thanh Hoá và Hà Tĩnh…

Đến nay, cơ sở sản xuất của Nguyễn Ngọc Anh đã mở rộng lên 250m2sản xuất ra 11 mặt hàng hàng thu hút 15 lao động làm thường xuyên với mức lương từ 2.000.000đ đến 3.000.000đ/lao động/tháng. Mỗi năm, sản xuất ra từ 600 - 800 sản phẩm các loại với tổng doanh thu từ 2 - 2,5 tỷ đồng. Trừ chi phí lãi ròng khoảng 300 - 500 triệu đồng. Ngoài việc phát triển cơ sở sản xuất, anh còn đầu tư lắp đặt thêm 01 máy sản xuất đá lạnh nhằm cung cấp đá lạnh cho nhân dân trong xã và các vùng lân cận trong mùa nắng nóng và tăng thêm thu nhập cho gia đình…

Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, các triệu phú trẻ cho biết: “Ngoài ý chí và quyết tâm, điều quan trọng là mỗi người phải lựa chọn mô hình phù hợp với khả năng, sở trường của bản thân và điều kiện thực tiễn tại địa phương…”.


Khánh Ly

Mới nhất
x
Những “ Triệu phú trẻ” ... bất ly hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO