Những vấn đề mới
(Baonghean) - Sau hơn 12 năm thực hiện, Luật Hôn nhân gia đình 2000 đã có tác động tích cực đến việc đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng cho thấy những bất cập, chưa phù hợp với xu hướng phát triển và yêu cầu thực tế...
Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Chánh án Tòa án dân sự – Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, người thường xuyên xét xử nhiều vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài cho biết, hiện nay rất nhiều vụ xử ly hôn với người nước ngoài hoặc người đang ở nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Đó là các trường hợp người Việt Nam đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài, hết thời hạn hợp đồng lao động không về nước mà trốn ở lại sống lưu vong ở nước đó, người vợ (chồng) ở Việt Nam muốn ly hôn với họ, nhưng không biết họ đang ở đâu. Hoặc trường hợp người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, sau một thời gian sinh sống với vợ (chồng) ở nước ngoài trở về Việt Nam và có yêu cầu ly hôn với chồng (vợ) của mình đang ở nước ngoài nhưng phía bên kia không hợp tác, hoặc không liên lạc được. Mặc dù các trường hợp tòa án đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết như ủy thác tư pháp ra nước ngoài nhưng đa phần không có kết quả, dẫn đến vụ việc không được giải quyết, ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của đương sự.
Hay theo quy định của pháp luật Việt Nam, độ tuổi kết hôn của nữ là từ 18 tuổi trở lên, nam từ 20 tuổi trở lên. Trong khi đó, quy định về độ tuổi kết hôn của một số nước và vùng lãnh thổ thấp hơn so với Việt Nam (như Anh, Mỹ, Úc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc là trên 16 tuổi, ở Pháp là từ 15 tuổi). Do đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ gặp khó khăn khi thụ lý các hồ sơ xin công nhận việc đăng ký kết hôn đã đăng ký ở cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài vì ngoài việc xem xét hôn nhân có phù hợp với pháp luật Việt Nam hay không còn phải tính đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em...
Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản của tỉnh. (ảnh có tính minh họa)
Vấn đề kết hôn của những người đồng tính và việc thực hiện, bảo vệ các quyền con người của họ đã và đang là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi vài năm trở lại đây. Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều người đồng tính dám công khai và sống thật với giới tính của mình. Bộ ảnh của Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Hải (Mai ka) với tên gọi “Sự lựa chọn màu hồng” ghi lại chân dung của các cặp đôi đồng tính ở Việt Nam vừa được Hiệp hội Ảnh báo chí Thế giới 2012 trao giải nhất ở hạng mục “Vấn đề đương đại” đã phản ánh phần nào hiện thực đó.
Tuy vậy, hiện nay do phong tục tập quán, do định kiến xã hội nên nhiều người đồng tính vẫn đang bị kì thị, phân biệt, đối xử hoặc bạo lực gia đình. Trong khi đó pháp luật Việt Nam nói chung và Luật Hôn nhân - Gia đình nói riêng chưa có quy định rõ ràng về bảo vệ quyền của người đồng tính, Khoản 5, Điều 10 của Luật Hôn nhân 2000 cũng quy định cấm kết hôn giữa những người đồng tính. Trước hiện tượng đồng tính đang ngày càng xuất hiện nhiều và công khai, nhiều ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận đồng tính là một xu hướng tính dục tự nhiên, việc thừa nhận cũng là tự nhiên, không nên ngăn cấm, đảm bảo tính nhân bản, công bằng và bình đẳng trong công nhận, thực hiện và bảo vệ quyền con người về hôn nhân và gia đình.
Một vấn đề “thời sự“ khác được đông đảo người dân quan tâm, đó là tình trạng mang thai hộ. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 chưa có quy định cụ thể về mang thai hộ nhằm tránh những tiêu cực đã và đang xảy ra như: mang thai hộ nhằm mua bán trẻ sơ sinh bất hợp pháp, mang thai hộ nhằm lách luật để sinh con thứ ba…Song, việc nghiêm cấm này lại hạn chế mong muốn chính đáng của rất nhiều gia đình hiếm muộn, vô sinh. Bên cạnh đó, do pháp luật cấm việc mang thai hộ nên để thực hiện nhu cầu làm cha, mẹ nhiều người đã chấp nhận thực hiện dịch vụ mang thai hộ thông qua môi giới, thông qua người nhận mang thai vì mục đích thương mại. Từ đó, có nhiều nguy cơ dẫn đến tình trạng thương mại hóa, dịch vụ mang thai hộ phát triển mà nhà nước không kiểm soát được…
Về quan hệ chung sống như vợ chồng mà không có đăng kí hết hôn: Trước đây, luật không thừa nhận quan hệ này, tuy nhiên trong xu thế hiện nay việc chung sống như vợ chồng ngày càng có chiều hướng gia tăng, đây cũng là vấn đề tồn tại nhiều ở đồng bào dân tộc thiểu số. Trong trường hợp, những cặp vợ chồng này bỏ nhau, do không có các chế tài cụ thể nên gặp khó khăn trong việc xác định tài sản, phân chia con cái…
Trước rất nhiều những vấn đề bất cập mới nảy sinh và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mỗi người, tại Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Luật Hôn nhân - Gia đình 2000, Bộ Tư pháp đã đưa ra mười vấn đề lớn sẽ xem xét, chỉnh sửa trong Luật Hôn nhân - Gia đình sửa đổi. Đó là xem xét việc chung sống như vợ chồng mà không có đăng kí kết hôn, tuổi kết hôn, cấm kết hôn đối với người mất năng lực hành vi dân sự, kết hôn phải có giấy chứng nhận sức khỏe, về giới tính, quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, ly hôn, quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài, về mang thai hộ…
Hiện đã có nhiều ý kiến bàn luận xung quanh những vấn đề này và nhiều phương án cũng đã được đại diện các ngành tòa án, viện kiểm sát, và một số chuyên gia cán bộ làm công tác kế hoạch hóa gia đình, y tế, thi hành án dân sự đưa ra…Quá trình hoàn thiện sẽ đang còn nhiều điều chỉnh, tuy nhiên, Luật Hôn nhân - Gia đình sửa đổi sẽ được thực hiện trên tinh thần mục tiêu: đáp ứng được các yêu cầu khách quan của thực tiễn hôn nhân và gia đình Việt Nam; công nhận, thực hiện và bảo vệ tốt hơn các quyền nhân thân và tài sản của cá nhân về hôn nhân và gia đình; nâng cao trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình; vai trò của gia đình đối với xã hội, vai trò của Nhà nước và xã hội đối với gia đình.
Bài,ảnh: Mỹ Hà