"Những vì sao ngời chói lung linh"
(Baonghean) - Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - tác giả bài thơ nổi tiếng “ Khoảng trời - hố bom” viết về TNXP đã có lần kể về “sự thật bi tráng” khiến chị có được những câu thơ rưng rưng nước mắt. Đó là những tháng năm chống Mỹ ác liệt, nhà thơ có 2 ngày được sống với một tiểu đội 7 cô gái TNXP trên đường Trường Sơn.
Người tiểu đội trưởng, trông “cứng” tuổi nhất đã kể lại với nhà thơ, đáng lẽ chị được giải ngũ cách đấy 3 năm, nhưng ngày về, chị đã chứng kiến cái hố bom sâu hoắm nuốt trọn nhà mình. Gia đình chị chẳng còn ai, chị lại khoác ba lô lên vai để về với đơn vị, ấy là ngôi nhà duy nhất của chị, chị nói, mình sẽ ở lại đây tới ngày thống nhất đất nước... Câu chuyện ấy đã ám ảnh trong tâm trí nhà thơ, cho đến một ngày kia, khi giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, chị có điều kiện quay trở lại đường Trường Sơn và có ý tìm gặp tổ đội nữ TNXP nọ. Nhưng được biết họ đã đi sâu vào chiến trường! Đi thêm vài chục cây số nữa, nhà thơ gặp những hố bom đầy nước. Câu hỏi cháy lên trong lòng chị, rằng những cô gái năm xưa ấy, đã có bao người tự mình thắp lên ngọn đuốc đánh lạc hướng máy bay địch, kéo luồng bom đạn về phía mình để con đường khỏi bị thương, đã có bao người nằm lại trong những hố bom đọng những khoảng trời trong ngắt kia? Nhà thơ đã cất tiếng gọi giữa khu rừng im ắng, chỉ thấy những khoảng trời trong hố bom vời vợi nhìn mình...
Thanh niên xung phong kiểm tra hành trang trước lúc lên đường, năm 1967. Ảnh tư liệu. |
Có phải vì bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ quá hay, hay câu chuyện về nó quá ám ảnh, hoặc là cả hai đã khiến cho tôi luôn thấy cái ánh nhìn vời vợi ấy hiển hiện nơi hang Tám Cô, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn...và nhiều lắm những chặng đường tôi qua? Những nơi đã xanh lên màu cây, đã bình yên màu khói, nhưng mỗi bước chân đi là ta biết đang có máu xương thấm vào từng hạt cát.
Nhưng ánh nhìn ấy, đâu chỉ những người đã nằm xuống, đã hóa thân vào đất, vào cây? Tôi từng đứng lặng trước căn nhà của chị Lê Thị Hường, người sống sót từ “tọa độ lửa” Truông Bồn. Giữa bốn bề vách tường đơn độc, người nữ TNXP năm nào giấu nước mắt cô đơn vào vạt áo hàng đêm, mơ một tiếng khóc con trẻ. Tôi đã cố để tìm mối liên hệ giữa người đàn bà lặng lẽ hôm nay với cô gái 17 tuổi căng tràn sức sống, nằng nặc xin đi TNXP dù mình chưa đủ tuổi, và quả quyết nói với mẹ mình: “Không cho, con cũng cứ đi”. Tôi cũng đã theo sau bước chân líu ríu người tiểu đội trưởng Trần Thị Thông về lại mảnh đất năm xưa, để hình dung bàn chân này đã từng thoăn thoắt bước đi trong mưa bom, bão đạn. Cái giọng nói run run hôm nay đã từng dõng dạc hô vang “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Giữa hai con người ấy của các chị, chính là tuổi thanh xuân sôi nổi mà chị đã để lại trên những cung đường.
Các anh chị đã dâng tặng tuổi trẻ - tuổi đẹp nhất của đời người - cho Tổ quốc. Đối với họ, những bông hoa đẹp là những bông hoa ngát hương vào lúc nó cần cho một ngày trọng đại, và dòng suối mát lành là dòng suối chảy ở nơi khô cạn nhất. Họ đã dâng lên Tổ quốc cái phút giây rực rỡ nhất của đời mình. Phút giây ấy sẽ mãi còn lại ánh sáng, như “những vì sao ngời chói lung linh” trong câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ...
Nghệ An cuối tuần