Những ý kiến tâm huyết của cử tri gửi tới Quốc hội
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.396 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn luôn thu hút sự quan tâm của cử tri
và người dân. (Ảnh: TTXVN)
Cử tri và nhân dân cho rằng, năm 2012, trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát bước đầu được kiềm chế, an sinh xã hội được quan tâm; quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội được giữ vững. Nhân dân hoan nghênh và kỳ vọng vào kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.”
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn trước thực trạng nền kinh tế tuy có mức phát triển nhưng chưa bền vững. Đời sống, việc làm của nhân dân còn khó khăn. Tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp và chưa được đẩy lùi.
Củng cố niềm tin của nhân dân
Đông đảo cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.”
Qua theo dõi kết quả Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), cử tri và nhân dân cả nước hoan nghênh Bộ Chính trị đã nghiêm túc tự phê bình, nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Tổng Bí thư thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém, khuyết điểm trong lãnh đạo xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điều đó thể hiện trách nhiệm chính trị và quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).
Cử tri và nhân dân cả nước cho rằng đây mới chỉ là kết quả bước đầu và đặt nhiều kỳ vọng vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan Nhà nước có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để sớm chấn chỉnh tới nơi, tới chốn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, thiếu trách nhiệm…gây thiệt hại cho đất nước và nhân dân, làm tổn hại đến uy tín, thanh danh của Đảng, giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước.
Cùng với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cử tri và nhân dân mong muốn Đảng quan tâm lãnh đạo xây dựng bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở vững mạnh; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cử tri kiến nghị Bộ Chính trị sớm ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; chỉ đạo triển khai trên phạm vi toàn quốc Quy chế Mặt trận Tổ quốc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Nhà nước đổi mới phương thức điều hành, quản lý xã hội để phát huy dân chủ, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội khi xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần tiếp tục khẳng định, đồng thời bổ sung, cụ thể hóa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội; sớm ban hành và thực thi có hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân
Cử tri và nhân dân phản ánh, lo ngại về tình hình sản xuất, kinh doanh hiện nay gặp nhiều khó khăn, thách thức, sức mua giảm sút, hàng hóa tồn kho lớn. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nhiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng; hàng ngàn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giải thể, bị phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất. Tình hình nợ xấu của ngân hàng hiện nay, trong đó có phần nợ xấu thuộc về các doanh nhiệp nhà nước đang tiềm ẩn nguy cơ không chỉ đối với hệ thống ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế của đất nước.
Cử tri và nhân dân cho rằng, các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước được đầu tư lớn về vốn, đất đai, nguồn lực và nhiều ưu đãi khác nhưng kết quả hoạt động chưa tương xứng. Nhiều tập đoàn đầu tư ngoài ngành, hiệu quả thấp, lâm vào tình trạng khó khăn, khó thu hồi vốn, thậm chí có tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ để lại nhiều hậu quả nặng nề, nghiêm trọng như: Vinashin, Vinalines…Tình trạng đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp; việc cắt giảm đầu tư công một cách bình quân ở một số nơi dẫn tới nhiều công trình bỏ dở, nhất là các công trình thuộc cơ sở hạ tầng, giao thông, xây dựng, các dự án khu công nghiệp, khu đô thị… gây lãng phí chưa từng có. Tình trạng chất lượng của một số công trình xây dựng kém, trong đó có một số công trình thủy điện, hồ đập chứa nước không đảm bảo, như: đập Thủy điện Sông Tranh 2, đập Thủy điện Đắk Rông 3 gây lo lắng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và sớm có những giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên.
Hiện nay, đời sống của nhân dân, nhất là người lao động, người hưởng chính sách, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn do giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao; nhiều người lao động mất việc làm; công nhân lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhất là trong một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức lương thấp không đủ tái tạo sức lao động, thiếu chỗ ở, nơi sinh hoạt văn hóa…Tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, mất vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra tràn lan ở nhiều nơi; bệnh viện và trường học chưa đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh và học tập của nhân dân…Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh để giải quyết những tình trạng trên nhằm phát triển kinh tế bền vững và đảm bảo đời sống nhân dân, nhất là công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp.
Đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất
Trong những năm qua, lĩnh vực đất đai phát sinh nhiều vấn đề phức tạp do một số qui định của pháp luật về đất đai không còn phù hợp. Công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều yếu kém, bất cập, có biểu hiện của “Nhóm lợi ích” cấu kết, trục lợi từ đất đai diễn ra ở nhiều nơi với tính chất, qui mô khác nhau. Quy hoạch, sử dụng đất ở nhiều nơi không phù hợp, dẫn đến nhiều dự án treo như: khu công nghiệp, sân golf, khu đô thị... chiếm nhiều diện tích đất; nhiều nơi thu hồi đất nhưng chậm được sử dụng hoặc để hoang hóa, lãng phí.
Một số nông, lâm trường quản lý diện tích đất lớn nhưng sử dụng không hiệu quả trong khi người dân thiếu đất sản xuất; việc giải tỏa, đền bù trong thu hồi đất nhiều nơi thực hiện chưa tốt, phát sinh tiêu cực, chưa đảm bảo lợi ích của người dân. Thực trạng trên đang tác động mạnh đến sự phân hóa giàu nghèo và gây ra những bất ổn cho xã hội; cuộc sống của nhiều người dân bị thu hồi đất gặp nhiều khó khăn. Tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai có nhiều diễn biến phức tạp, chiếm đến trên 70% trong tổng số các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Cử tri hoan nghênh một số địa phương thời gian qua đã mạnh dạn thu hồi các dự án treo để giao lại đất cho nông dân sản xuất, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo trong việc rà soát và có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để, hiệu quả các dự án treo, đặt biệt là giữ đất canh tác lúa nhằm bảo đảm đảm an ninh lương thực quốc gia. Tại kỳ họp này, cử tri kiến nghị Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật đất đai cần tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu của toàn dân; đồng thời có những quy định cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất. Cử tri kiến nghị thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân cần dài hạn hơn hiện nay để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Việc thu hồi đất cần phải đảm bảo về lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Xử lý nghiêm tham nhũng, lãng phí
Cử tri và nhân dân phản ánh, mặc dù có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nhưng công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, gây bức xúc, bất bình trong xã hội. Nhiều vụ việc vi phạm, lãng phí nhưng chưa được xử lý nghiêm và chưa thông báo công khai kết quả xử lý.
Cử tri và nhân dân kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm các qui định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và các cơ quan thuộc Chính phủ đối với các sai phạm của Tập đoàn Vinashin, Vinalines, lĩnh vực tài chính - ngân hàng...
Cử tri và nhân dân cho rằng, trong khi nhà nước đang chủ trương đẩy mạnh tiết kiệm, cắt giảm đầu tư công nhưng nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương lại tiêu xài rất lãng phí, chi phí nhiều tiền của cho các lễ hội linh đình, khai trương, đón nhận huân chương, danh hiệu…Có nơi xây dựng trụ sở rất lớn, tốn kém ngân sách mà không sử dụng hết công năng, mua sắm xe cộ, trang thiết bị đắt tiền... Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng cần có các quy định có tính khả thi để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, những bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đã nêu tại các kỳ họp trước của Quốc hội khóa XII, XIII đã được Chính phủ, các bộ, ngành từng bước giải quyết xong vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội.
Cụ thể là về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trong quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, nạn phá rừng, tình trạng mất an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, cử tri kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho phù hợp; ban hành cơ chế và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tổ chức thu mua lúa, gạo đảm bảo cho người nông dân có lãi.
Đời sống và sản xuất của nhân dân nơi tái định cư phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia; tình trạng lấy đất để làm sân gôn kết hợp kinh doanh bất động sản, khu du lịch ở nhiều địa phương làm nhiều nơi nông dân không còn đất sản xuất; chế độ, chính sách đối với người có công với nước, tham gia kháng chiến, thanh niên xung phong, cán bộ các hợp tác xã trước đây, cán bộ ở thôn, bản, khu phố…vẫn đang là những vấn đề mà cử tri quan tâm, tiếp tục kiến nghị.
(Theo TTXVN)-L.T