Những yếu tố lạc quan về khả năng khép lại hồ sơ hạt nhân Iran
(Baonghean) - Chỉ còn hơn 24 tiếng đồng hồ nữa là tới thời hạn chót để Iran và các cường quốc tiến tới một thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran, chấm dứt hơn 12 năm bất đồng. Thế nhưng, vào thời điểm cuối cùng trước giờ G, các cụm từ “khác biệt lớn”, “lựa chọn khó khăn” vẫn được sử dụng để đánh giá về các cuộc đàm phán đang diễn ra, khiến nhiều nhà ngoại giao cho rằng hạn chót 30/6 này sẽ tiếp tục bị bỏ lỡ. Liệu có nên lạc quan về cuộc đàm phán lần này?
Kết quả các cuộc đàm phán hạt nhân Iran luôn là điều khó dự đoán, mặc dù trước các thời hạn chót, các bên tham gia đàm phán đều tỏ ra lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận nhưng rồi cuối cùng, gia hạn thời gian vẫn là phương án các nhà đàm phán buộc phải lựa chọn. Lần này có thể cũng không là một ngoại lệ. Trước những khác biệt chưa được thu hẹp vào phút chót, các nhà ngoại giao bắt đầu đề cập cách tiếp cận linh hoạt hơn, đó là kéo dài hạn chót, nhưng chắc chắn không có sự gia hạn thêm kỳ hạn nữa, bởi đây đã là lần gia hạn thứ hai.
Một cuộc đàm phán về hạt nhân Iran giữa nước này với các nhà ngoại giao của nhóm P5+1. |
Trước đó, cuộc đàm phán vấp phải nhiều trở ngại do một lý do quen thuộc là các bên còn nhiều bất đồng, cụ thể là chưa thể chấp nhận nhượng bộ những yêu cầu từ phía đối phương. Cho đến nay, sự khác biệt chính trong các cuộc đàm phán là tốc độ và thời gian dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, cơ chế giám sát để đảm bảo Iran không vi phạm bất cứ thỏa thuận nào. Mỹ và châu Âu cũng muốn có một cơ chế khôi phục các biện pháp trừng phạt, nếu Iran vi phạm bất kì điểm nào trong một thỏa thuận tương lai. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, nếu không đạt được thỏa thuận cuối cùng trong năm nay thì hồ sơ hạt nhân Iran có lẽ sẽ rất khó có cơ hội khép lại, bởi đây là thời điểm thuận lợi nhất kể từ khi các bên ngồi vào bàn đàm phán.
Thứ nhất, những vấn đề kỹ thuật mà các bên tham gia đàm phán đã phần nào được thống nhất trong thỏa thuận khung đạt được hồi đầu tháng Tư vừa qua sau nhiều năm căng thẳng và 20 tháng thương lượng ráo riết. Các nhà ngoại giao cũng như giới chuyên gia đã gọi đây là một “thỏa thuận lịch sử” mở đường cho một bản thỏa thuận cuối cùng.
Thứ hai, chưa bao giờ chính quyền Mỹ lại mong muốn một thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân Iran như hiện nay. Theo giới phân tích, việc ký một thỏa thuận với Iran không chỉ là ưu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama mà nó còn nằm trong một mục tiêu tham vọng hơn nhiều, đó là tiến đến quá trình hòa giải quan hệ giữa Mỹ và Iran, một quốc gia lớn ở Trung Đông, với hy vọng xoa dịu các cuộc xung đột vô cùng đẫm máu ở khu vực này. Tất nhiên, nếu thực hiện được tham vọng này, Tổng thống Obama sẽ để lại một di sản vô cùng có ý nghĩa trước khi ông rời Nhà Trắng vào năm 2016.
Thứ ba, về phía Iran, kể từ khi Tổng thống Rouhani lên nắm quyền thay thế người tiền nhiệm Mahmud Ahmadinezhad, người ta đã hy vọng vào một sự thay đổi so với cả thập kỷ trước đó. Là một cựu giáo sĩ ôn hoà và một nhà đàm phán hạt nhân kỳ cựu, ông Rouhani hứa với người dân Iran sẽ chấm dứt sự cô lập của nước này, trong khi không phải ngừng chương trình hạt nhân hoà bình của mình. Đó là một cam kết đầy tham vọng, trong giai đoạn Iran đang ngày một kiệt quệ do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Kể từ năm 2011, sau khi Liên minh châu Âu (EU) đóng băng các tài khoản của Ngân hàng Trung ương Iran cũng như những giao dịch về vàng và đá quý, Iran nằm ngoài lề hệ thống tài chính quốc tế và đồng tiền rial bị sụt giá 80%, tức hơn 2/3 giá trị so với đồng đôla.
Mặt khác, 60% lợi tức của Iran là từ ngành công nghiệp dầu lửa, nhưng việc xuất khẩu dầu đã bị giảm đáng kể, và người ta ước tính có hơn 30 triệu thùng dầu đang được chờ dỡ cấm vận. Như thế, việc dỡ bỏ cấm vận sẽ giúp Iran trở lại là cường quốc kinh tế trong khu vực và thế giới. Chỉ có điều, cách thức mà Tehran vẫn sử dụng trên bàn đàm phán là gây sức ép đến phút cuối cùng để giành được càng nhiều lợi ích càng tốt.
Một lý do nữa mà cho đến nay ai cũng hiểu, đó là nếu đàm phán thất bại hay một thỏa thuận không đủ mạnh sẽ dẫn tới tình trạng bất ổn cho toàn khu vực do nhiều nước Hồi giáo dòng Sunni như Arập Xêút, Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ đều đã bắn tín hiệu sẽ tham gia chạy đua hạt nhân nếu Iran không chấm dứt tham vọng sản xuất loại vũ khí giết người hàng loạt này. Nếu không muốn một Trung Đông lại lâm vào những thảm kịch mới thì việc tháo ngòi nổ từ hạt nhân Iran sẽ là điều vô cùng quan trọng.
Với những lý do như vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng vẫn có thể lạc quan về khả năng khép lại hồ sơ hạt nhân Iran trong năm nay. Chỉ có điều, các bên mà cụ thể là Mỹ và Iran sẽ phải nhượng bộ nhau ở mức nào để cho ra một thỏa thuận tốt nhất, không chỉ phù hợp lợi ích của cả hai mà còn vì hòa bình và an ninh thế giới.
Thanh Huyền