Niềm đam mê của một "tay máy"
(Baonghean) - Tôi biết Nguyễn Trọng Sách cách đây vài năm, khi có ý định mua cho mình chiếc máy ảnh đầu tiên. Một người bạn giới thiệu đến anh để được tư vấn, tôi hỏi ngay: Anh ấy là nghệ sỹ nhiếp ảnh? Anh bạn tôi lắc đầu. Nụ cười đầy ẩn ý của bạn khi đó càng khiến cái ý định tầm sư học đạo của tôi bị thúc giục mạnh mẽ hơn, quyết đi “tìm thầy”.
(Baonghean) - Tôi biết Nguyễn Trọng Sách cách đây vài năm, khi có ý định mua cho mình chiếc máy ảnh đầu tiên. Một người bạn giới thiệu đến anh để được tư vấn, tôi hỏi ngay: Anh ấy là nghệ sỹ nhiếp ảnh? Anh bạn tôi lắc đầu. Nụ cười đầy ẩn ý của bạn khi đó càng khiến cái ý định tầm sư học đạo của tôi bị thúc giục mạnh mẽ hơn, quyết đi “tìm thầy”.
Sinh năm 1979, quê ở Diễn Hoa (Diễn Châu), hiện tại Nguyễn Trọng Sách cùng gia đình nhỏ bé của mình “cư ngụ” trong một căn nhà cho thuê tại số 98, đường Nguyễn Viết Xuân (phường Hưng Dũng, Thành phố Vinh). Anh là cháu ruột nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Khi đang học năm đầu Đại học Kiến trúc Hà Nội, anh đã mê tít cái mớ máy ảnh film cổ xưa ấy rồi.
Anh kể: “Hồi đó, có đứa em ở cùng phòng trọ được bố gửi cho chiếc máy film từ bên Nga về. Hai anh em hí hoáy mãi với nó, rồi chính mình đâm ra “nghiền” nó lúc nào không hay”. Anh bắt đầu chú ý đến tất cả các loại máy ảnh và mày mò tìm hiểu, khám phá những gì liên quan đến nó. “Gặp bất cứ chiếc máy ảnh film cổ ở đâu mình lại dí mũi ngay vào đó, quên cả thời gian, quên cả những gì đang xảy ra xung quanh, cứ ao ước được sở hữu những chiếc máy đó thôi” - anh cười.
Đến năm 2007, ngọn lửa đam mê của anh thực sự bùng cháy. Anh bắt đầu sắm cho mình những chiếc máy ảnh film. Anh nói, loại máy ảnh này có khả năng “quyến rũ” người chơi nhiều hơn các loại máy số thông thường. Máy film không có giới hạn về Px (điểm ảnh), điều mà trong tương lai gần các loại máy số chưa thể đáp ứng nổi. Ngoài ra, máy film còn cho độ bão hòa ánh sáng tốt (nhất là khi ta chụp ngược sáng) và màu sắc mềm mại, uyển chuyển.
Điều anh tâm đắc nhất: Dùng máy film chính là một trong những yếu tố giúp anh rèn luyện tính kiên nhẫn trong cuộc sống và công việc vốn nhiều áp lực. Khi sử dụng máy ảnh film, anh có thể ngồi hàng giờ, hàng ngày để tráng, sửa, scan… “Chụp máy film không giống máy số ở chỗ phải chờ ngày này sang ngày kia, thậm chí qua tháng khác để làm sao chụp hết cuộn film trong máy, trình tự thực hiện từng bước, nhằm thỏa nỗi ngóng đợi những khoảnh khắc, ký ức mình đã ghi lại trong khoảng thời gian trước đó”, anh Sách chia sẻ.
Là một kiến trúc sư tự do nhưng bận rộn vì anh “tiện” việc gì thì “xào” việc ấy. Anh vừa thiết kế trang web, vừa buôn bán các linh kiện công nghệ thông tin, vừa chụp ảnh thuê cho những ai yêu cầu… Tuy nhiên, hễ rảnh rang, có thêm chút đỉnh thu nhập là anh lại “mò” tới máy ảnh. Bộ sưu tập máy ảnh film cổ của anh “xuất xứ” có khi là mua tận tay những người đang sử dụng nó mà không có lòng đam mê như anh, hay bằng hình thức đấu giá qua các trang mạng mua bán các hãng máy nổi tiếng thế giới của Mỹ, Đức, Ý, Anh, Ba Lan, Nhật… Anh cho biết, trước đây chưa có nhiều người chơi các loại máy ảnh film đời cũ nên giá thành rẻ, thành ra anh cũng “tậu” cho mình được một bộ sưu tập máy ảnh film cổ khá độc. Đó là những “anh em” đời những năm 1960 của Đức như RolleiFlex 2.8 của hãng Rollei, Leica M3 của Leica hay Zeiss Ikon Super Ikonta 533/16 của ZeissIkon. Các hãng máy ảnh hàng đầu của Nhật như Nikon, Canon, Norita, Minota, Yashica… anh đều có từ một đến vài chiếc. Anh nói: Đấy đều là “con đẻ” của những hãng sản xuất máy ảnh film hàng đầu thế giới. Mình quý chúng có khi hơn cả bản thân mình.
Anh “nghiền” máy ảnh film cổ tuy chưa lâu, nhưng cũng thuộc những người đầu tiên say mê máy ảnh film cùng với không ít “tay chơi” khác trên cả nước: từ Sài Gòn đến Hà Nội, những tỉnh lân cận và trên chính mảnh đất quê hương Nghệ An. Anh tận dụng mọi cơ hội để cóp nhặt hiểu biết, những kinh nghiệm từ các thành viên trên diễn đàn, các câu lạc bộ chơi ảnh.
Anh Sách “chăm sóc” những chiếc máy ảnh mình yêu thích.
Năm 2011, Hội Ảnh xứ Nghệ được thành lập, anh là một trong những “kim chỉ nam” của hội trong việc thành lập cũng như hoạt động của nó sau này. Hội là điểm “dừng chân” của những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh, có người mê máy ảnh, người mê chụp ảnh, và cả những người thích làm “mo đồ” trong những bức ảnh. Đến nay, cơ bản hội có tầm khoảng 20 thành viên hoạt động nòng cốt. Địa bàn hội thường xuyên tụ họp là 2 quán cà phê Lăn Trầm (số 15, đường An Dương Vương) và Cà phê Quỳnh (số 38, đường Trần Quang Diệu). Hai ông chủ của quán này cũng chính là hai thành viên không bao giờ vắng mặt trong các chuyến đi sáng tác của hội.
Những thành viên đến từ nhiều huyện, thị, thành khác nhau trong tỉnh, đều có những công việc riêng ổn định, tuổi tác khác nhau và họ “tụ” ở đây vì một niềm đam mê dành cho nhiếp ảnh. Tùy theo tính chất công việc của từng người mà các hoạt động của hội được quyết định. Mỗi năm, Hội Ảnh xứ Nghệ của anh tổ chức kha khá các chuyến thiện nguyện, các chuyến lớn thì từ 1 đến 2 lần/năm, các chuyến nhỏ rải rác từ 3-4 lần/năm. Anh Sách chia sẻ: “Hội của anh không phải là hội từ thiện, bọn anh chỉ kết hợp các chuyến đi sáng tác với tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Điều đó xuất phát từ tấm lòng của mỗi người”.
Mặc dù “từ chối” những việc của anh cùng hội là làm từ thiện, nhưng kể từ khi thành lập, những món quà ý nghĩa mà Hội Ảnh xứ Nghệ mang đến cho các hoàn cảnh khó khăn, neo đơn trên địa bàn tỉnh Nghệ An là không thể không kể đến. Riêng chuyến đi sáng tác mang tên “Hơi ấm miền biên viễn” trong Tết Quý Tỵ vừa qua, Hội Ảnh xứ Nghệ đã quyên góp và kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tài trợ cho bà con miền Tây Nghệ An với số tiền lên đến hơn 80 triệu đồng cùng các món quà, áo quần, chăn ấm…
Gần đây nhất, hoàn cảnh của cô gái 25 tuổi Nguyễn Thanh Hiền (xóm 8, xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn) bị bạo bệnh khiến 13 năm nay cô phải “gắn bó” với chiếc giường đăng trên báo đã làm anh Sách cảm động. Sau đó, một mình anh phóng xe hơn 100 cây số tìm đến nhà Hiền với mục đích chụp ảnh đời thường và tặng cô bé món quà nhỏ để an ủi, chia sẻ. Nhận thấy niềm tin lạc quan, yêu cuộc sống trong Hiền mãnh liệt hơn ai hết, anh Sách đã quyết tâm “làm một điều gì đó” cho cô bé.
Anh đã kêu gọi bạn bè trong hội, anh em bạn bè tận Sài Gòn và khắp cả nước chung tay ủng hộ Hiền, ý nghĩa nhất là việc kêu gọi được một bác sỹ Việt Kiều về nước thăm khám cho Hiền ngay tại nhà. Anh Sách thành thật: “Thật ra, anh chẳng có tiền, chỉ là lo việc đưa đón, làm thủ tục, bảo hiểm, kêu gọi anh em ủng hộ bé Hiền thôi. Nhưng giờ thì ổn rồi, Hiền đã được phẫu thuật và lành vết thương, dự kiến cuối tháng 8 này bọn anh sẽ đón Hiền về Nghệ An”. Anh cũng chia sẻ thêm, Tết Trung thu năm nay, Hội Ảnh xứ Nghệ dự định sẽ tổ chức “Đêm Rằm yêu thương” cho các em tại Làng trẻ em SOS.
Bức ảnh chụp trẻ em ở Nậm Típ, Mường Típ (xã Kỳ Sơn) của anh Sách.
Gắn liền với niềm say mê là những chuyến đi, những trải nghiệm thực tế cùng với sự khám phá mà anh gọi nó là “sự kỳ diệu”. Những chuyến “phượt” để chụp hình cùng các thành viên, tham gia những hoạt động thiện nguyện nhiều nơi như Hà Giang, Lai Châu… Những miền đất xa xôi, hẻo lánh còn nghèo đói, ghi lại những cảnh đời, cuộc đời ấn tượng qua lăng kính của mình để thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Với anh, mảnh đất miền Tây Nghệ An vẫn là nơi gắn bó với anh nhiều kỷ niệm nhất. “Những chuyến đi như thế thật sự rất ý nghĩa, được gần gũi với bà con nơi núi rừng xa xôi, đó cũng chính là những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống”, anh chia sẻ.
Tôi gặp anh những ngày mới tập tành cầm máy, đến nay đã có thể lĩnh hội được những điều cơ bản nhất về kỹ thuật chụp. Và điều quan trọng nhất, chính là học được từ anh Sách và nhiều người bạn của anh thái độ trân trọng và tình yêu đối với những hình ảnh rất đỗi bình dị nhưng mang nhiều ý nghĩa của cuộc sống.
Thiên Thiên