Niềm day dứt khôn nguôi

08/08/2013 18:57

Khi kể về đứa con tật nguyền, điên loạn và đáng thương của mình, vợ chồng ông Nguyễn Tháp Mười luôn ứa nước mắt. Theo năm tháng, nỗi đau đã dồn xuống đáy sâu, như chất độc da cam/ đi-ô-xin đã thấm sâu vào cơ thể của người lính, cướp đi hạnh phúc và niềm hy vọng của gia đình ông...

(Baonghean) - Khi kể về đứa con tật nguyền, điên loạn và đáng thương của mình, vợ chồng ông Nguyễn Tháp Mười luôn ứa nước mắt. Theo năm tháng, nỗi đau đã dồn xuống đáy sâu, như chất độc da cam/ đi-ô-xin đã thấm sâu vào cơ thể của người lính, cướp đi hạnh phúc và niềm hy vọng của gia đình ông...

Hãi hùng những cánh rừng chết


Một buổi sáng, chúng tôi tìm về xóm Bắc Thung, xã Vân Diên (Nam Đàn) tìm gặp ông Nguyễn Tháp Mười (sinh 1946), bố anh Tuấn nạn nhân chất độc da cam, mắc chứng bệnh tâm thần nặng. Trong người ông đang mắc hàng chục chứng bệnh nan y như thấp khớp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng, loét dạ dày, viêm cầu thận, mộng mắt, viêm phế quản, viêm đường tiết niệu, lách chai cứng... Chuyện trò được chừng 5 phút, ông Mười phải xin phép nằm xuống chiếc ghế dài, vì cái lưng đau nhức, tê buốt.

Lúc nằm, lúc ngồi nhưng ông Mười vẫn kể một cách rành rọt về những năm tháng tuổi trẻ ở chiến trường và hoàn cảnh gia đình hiện tại. Cuối năm 1967, đang làm công nhân lâm nghiệp, ông được gọi lên đường nhập ngũ. Theo đơn vị, bước chân hành quân của ông đi khắp chiến trường Quảng Trị, Nam Lào và Bình Long (giáp biên giới với Cămpuchia). Ông vẫn còn nhớ như in những lần hành quân qua những cánh rừng bị Mỹ rải chất độc hóa học. Cả một rừng cây trụi lá, trơ cành và ông tận mắt chứng kiến những chiếc thùng phuy chứa thứ chất màu trắng nằm rải rác dọc đường.

Cùng với đó là cảnh khói bụi, mắt mũi luôn có cảm giác cay xè, bỏng rát. Những cánh rừng hoang tàn, khô héo ấy chỉ duy nhất một loài cây sống sót, được bộ đội ta đặt tên là cây bò húc, cây tối trời, hoặc cây bất khuất. Sau mỗi lần hành quân qua những cánh rừng nhiễm chất độc, ông Mười vốn khỏe nhất trung đội nhưng thường xuyên bị chảy máu mũi, cơ thể teo tóp dần. Ông được đơn vị cho đi an dưỡng và một thời gian sau tiếp tục vào hoạt động tại Bình Long. Ở đây, một lần nữa ông Mười lại chứng kiến cảnh những cánh rừng chết trụi do nhiễm chất độc hóa học. Đó là chưa kể những lần hành quân, đêm dừng chân mắc võng ngủ lại giữa những “cánh rừng chết”. Rồi những lần khát nước phải uống nước đọng dưới hố bom. Những lần đơn vị tăng gia sản xuất, trồng rau ở vùng tranh chấp với địch cách “cánh rừng chết” không xa.

Lúc ấy, ông và đồng đội không mảy may lo sợ bất cứ điều gì, thậm chí giữa cảnh khó khăn ác liệt ấy, tinh thần, ý chí của người lính càng được tôi luyện dạn dày. Giờ đây, ngồi nghĩ lại ông Mười mới thấy rùng mình kinh sợ. Đời lính của ông hầu hết chiến đấu và sinh hoạt dưới tán rừng, trong đó không ít lần băng qua những cánh rừng bị chất độc đi-ô-xin hủy hoại. Cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), ông mới trở về thành phố để chữa bệnh và an dưỡng. Một năm sau (tức năm 1976), ông Mười được xuất ngũ, trở về quê hương và lập gia đình.

Ông Mười đang mải mê chuyện trò với khách, đúng lúc ấy bà Trần Thị Lương (sinh 1950), vợ ông dắt chiếc xe đạp vào sân. Trước giỏ xe có 3 thang thuốc Bắc. Hỏi chuyện, bà Lương trả lời: “Tôi đi cắt thuốc đau lưng cho ông về, mấy hôm nay ông ấy đau lưng suốt đêm không ngủ được”. Cất đặt xong đồ đạc, bà Lương cùng ra chuyện trò với khách. Bà tiếp tục mạch câu chuyện của cuộc đời và gia đình mình. Thời chiến tranh chống Mỹ, bà Lương gia nhập TNXP và có mặt ở hầu khắp các trọng điểm ác liệt trên địa bàn Nghệ An, từ Quỳnh Lưu, Nghi Lộc đến Đô Lương, Nghĩa Đàn... Hoàn thành nhiệm vụ, bà trở về tiếp tục lao động sản xuất, cùng mọi người ra sức chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau giải phóng, gặp người lính cùng làng là Nguyễn Tháp Mười từ chiến trường trở về, hai người yêu thương nhau và quyết định xây dựng mái ấm hạnh phúc.



Bà Trần Thị Lương chăm sóc đứa con trai điên loạn vì nhiễm chất độc da cam.

Nỗi đau lòng mẹ

Đám cưới của hai người đi ra từ cuộc chiến tranh khốc liệt, diễn ra khá đơn sơ nhưng ăm ắp tiếng cười và lời chúc phúc. Ai cũng nghĩ rằng cả 2 người đã cống hiến sức lực, tuổi thanh xuân nơi những cánh rừng và những cung đường để góp phần làm nên chiến thắng sẽ được đền đáp bằng niềm vui, hạnh phúc. Đôi vợ chồng mới cưới ấy ngày đêm hồi hộp đợi chờ tin vui. Đặc biệt, bản năng làm mẹ của bà Lương luôn thôi thúc và trở thành nỗi khát khao cháy bỏng, thường trực. Rồi một ngày, ông Mười cũng không giấu được niềm vui sướng khi hay tin mình sắp được làm bố.

Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, đến ngày mãn nguyệt khai hoa, đứa trẻ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải ra đi vĩnh viễn. Nhìn hài nhi thân hình dị dạng nằm im lìm, bất động, cả bà Lương và ông Mười không ngăn nổi tiếng nấc nghẹn ngào. Nỗi đau và bất hạnh lại tiếp tục chồng chất lên cuộc đời của vợ chồng người lính đi ra từ cuộc chiến. Hơn 1 năm sau, bà Lương tiếp tục “vượt cạn”, nhưng đứa trẻ vừa mới ra đời, chưa kịp nhận biết xung quanh đã rời bỏ cuộc sống. Người vợ ngất lên ngất xuống, thân xác héo hon, tinh thần hoảng loạn. Còn người chồng lặng lẽ vào ra, thẫn thờ.

Lần mang thai thứ 3, bà Lương hết sức giữ gìn, từ việc ăn uống, đi lại luôn luôn cẩn trọng. Ông Mười không để vợ làm việc nặng, tự tay làm những món ăn ngon cho vợ để mong đứa trẻ trong bụng phát triển bình thường, khỏe mạnh. Hai vợ chồng đều hồi hộp và lo lắng khi chờ đợi lần “vượt cạn” thứ 3. Rồi ngày ấy cũng đến. Không bao lâu sau, ông bà nhận ra Nguyễn Văn Tuấn (sinh 1978) trí não không bình thường và càng lớn lên càng có biểu hiện điên loạn. Dẫu vậy, nỗi khát khao có những đứa con khỏe mạnh và lành lặn của vợ chồng ông Mười không bao giờ nguôi tắt. Sau Tuấn, bà Lương lần lượt sinh thêm Nguyễn Thị Hồng Thắm (1980) và Nguyễn Thanh Tùng (1982).

Về trí não, Thắm và Tùng đều phát triển bình thường nhưng sức khỏe lại không đảm bảo, thường xuyên đau yếu. Riêng Tùng đã sớm mắc chứng bệnh lưng gù và “tiếp nhận” hầu hết chứng bệnh của người cha. Thắm đến nay mắt vẫn đỏ ngầu, đi khám khắp nơi nhưng vẫn không tìm ra được nguyên do. Bà Lương chia sẻ: “Nuôi được 2 đứa ấy lớn khôn đúng là công lao trời biển, có khi 2 đứa cùng nằm viện một lúc đến hàng tháng trời”. Hiện tại, cả Thắm và Tùng đều đã có gia đình riêng. Có điều, giống với bố mẹ, con cái sinh ra không được khỏe mạnh, có khi đau ốm liên miên. Con của Tùng hiện đang bị tắc tuyến lệ, còn con của Thắm luôn kêu choáng đầu, không thể đứng lâu nơi có chỗ đông người...

Trong lúc trò chuyện, chợt từ căn phòng nhỏ ngoài vườn vọng ra tiếng la hét: “Mở ra! Mở ra!”. Đi kèm theo đó là tiếng đập cửa, đập tường ầm ầm. Ông Mười trấn an khách: “Hôm nay động trời, thằng Tuấn lại lên cơn”. Bà Lương ngậm ngùi kể về nỗi đau và bất hạnh từ khi Tuấn có mặt trên đời. Vừa mới được sinh ra, Tuấn đã có ánh mắt hung dữ của một người điên. Càng lớn lên, càng thích quậy phá, hễ mặc áo quần vào là xé rách bươm. Tuấn chỉ thích không mặc áo quần, bò lê khắp nhà để phá phách. Lớn lên chút nữa thì đi lang thang và thích gây sự với mọi người. Có khi Tuấn đi mấy ngày, làm bố mẹ phải nhờ người tìm khắp làng trên, xóm dưới.

Trước tình cảnh ấy, vợ chồng ông Mười buộc lòng phải xích chân và nhốt Tuấn trong một gian phòng nhỏ phía cuối vườn. Tuấn vẫn phá được xích, trèo lên dỡ ngói để ra ngoài. Ông Mười phải xây căn phòng khác kiên cố hơn để nhốt con. Chúng tôi ngỏ ý muốn được tận mắt chứng kiến cuộc sống của Tuấn, bà Lương lấy chìa khóa và dẫn khách ra vườn. Có tiếng mở khóa, Tuấn lao ra cửa và giữ cánh tay người mẹ với ánh mắt gườm gườm. Trên người không một mảnh vải, trong phòng chăn chiếu vứt tứ tung và mùi hôi thối xông lên nồng nặc... Đã bao lần vợ chồng ông Mười khăn gói quả mướp đưa con đi chữa ở bệnh viện tâm thần, các bác sỹ đều lắc đầu, bó tay nên đành phải trở về. Tính đến nay, đã hơn 30 năm ông bà sống trong nước mắt...

Lúc tạm biệt, bà Lương không giấu được sự lo âu và nỗi xót xa khi nghĩ về tương lai của đứa con: “Vợ chồng tôi đã già yếu. Thằng Tuấn bệnh ngày càng nặng thêm, các em nó chắc cũng không có điều kiện cưu mang. Không biết đến lúc ấy sẽ sống thế nào?”. Nỗi đau và nỗi day dứt của bà Lương cũng là nỗi đau và nỗi day dứt của tất cả những bà mẹ trên cõi đời này khi sinh con bị nhiễm chất độc da cam!


Bài, ảnh: CÔNG KIÊN

Mới nhất
x
Niềm day dứt khôn nguôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO