Niềm tin về kinh tế hợp tác...

(Baonghean) - Về với vùng ven đô  Hưng Hòa, Hưng Chính (Thành phố Vinh) vào dịp tháng tám, lúa hè thu bắt đầu chắc hạt, cây trái trong làng ngoài bãi tốt tươi mùa nước dồn. Những cánh đồng tôm, cá chuyên canh đã thay cho ao bèo, năn lác trước đây. Nhịp sống mới bằng mồ hôi, nước mắt của người nông dân ngoại ô đang trỗi dậy với bao câu chuyện “lạ”...

Xóm trưởng cắm bìa đất vay vốn cho dân


Theo mùi hương mặn đằm, tanh ngọt đặc trưng của vùng ao, đầm nuôi trồng thủy sản, tôi tìm về xóm Phong Phú, xã Hưng Hòa, Thành phố Vinh. Nơi có HTX nông nghiệp “nức tiếng” bởi thành tích chuyển đổi đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao. Hỏi đường đến HTX Phong Phú, một cụ bà hồ hởi chỉ sang người đàn ông có dáng người xương xương, khắc khổ: “Xóm trưởng xóm Phong Phú đó, chị hỏi gì thì hỏi ông ấy”. Tôi mừng quýnh, vội vàng cảm ơn cụ bà, quay sang xóm trưởng: “Bác là xóm trưởng ạ, xin bác cho cháu thưa câu chuyện!” Sau mấy lời thăm hỏi, trao đổi, Xóm trưởng xóm Phong Phú cùng tôi đến HTX Nông nghiệp Phong Phú. Dọc đường đi, tôi không thể hình dung nổi, Xóm trưởng Lê Văn Thuyết, với gương mặt không mấy “dễ chịu” như vừa trải qua cuộc “phẫu thuật”, chỉ còn lại duy nhất 1 con mắt lành lặn này, lại làm nên “kỳ tích” Phong Phú.

Câu chuyện làm nông nghiệp của những nông dân ven đô mà Chủ nhiệm HTX Vương Quốc Thái kể còn “lạ” hơn nhiều so với người xóm trưởng của họ:  Việc Thành phố Vinh thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố, cho HTX vay để hỗ trợ xã viên phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo được lãnh đạo xóm, HTX Phong Phú và các xã viên coi như cơ hội “vàng”. Ban Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phong Phú lập tức làm dự án cải tạo ao đầm, năn lác để nuôi trồng thủy sản. 

Năm 2008, đợt 1, HTX Phong Phú vay được 250 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, thế chấp bằng 2 bìa đất của xã viên là bìa đất của ông Dương Thành Dung và Nguyễn Văn Nuôi. Đợt này, 16 hộ vay để đào ao, mua giống cá, vụ đầu “trúng” lớn. Thắng lợi của những vụ đầu, tạo niềm tin cho các xã viên, họ càng yên tâm hăng hái đầu tư sản xuất. Năm 2009, HTX trả hết nợ cũ. Tiếp tục làm dự án vay vốn đầu tư cải tạo, chuyển đổi đất lúa sang ao đầm nuôi thủy sản.

Nhưng lấy tài sản đâu để thế chấp. Thế là Xóm trưởng Lê Văn Thuyết lấy bìa đất nhà mình cho HTX mượn, hồi đó trong xóm rất ít nhà có bìa đất. Ngân hàng Chính sách định giá Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Thuyết vay được 600 triệu đồng. Nhờ đó, 22 xã viên đã được vay vốn, hộ nhiều là 30 triệu đồng, hộ ít nhất 10 triệu đồng. Từ “bìa” đất của gia đình ông, HTX Phong Phú đã vay được vốn lãi suất thấp từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Thành phố Vinh, giúp nhiều hộ xã viên có vốn đầu tư phát triển sản xuất, như Chu Gia Thỉu (vay 30 triệu đồng), Vương Đình Dần (vay 30 triệu đồng), Dương Văn Hải (vay 15 triệu đồng), Chu Gia Điều (vay 19,5 triệu đồng), Trần Văn Kỷ (vay 30 triệu đồng), Dương Văn Bình (vay 15 triệu đồng)...

Cùng với đó, thành phố hỗ trợ chuyển đổi đất lúa một vụ sang nuôi trồng thủy đặc sản, 1 ha một triệu đồng. Người dân Hưng Hòa có thêm nguồn lực để đầu tư chuồng trại, đào ao thả cá, nuôi tôm, mua lưới, mua thức ăn đầu tư cho cá, vịt, do vậy ai cũng hăng hái ra đồng sản xuất. Đến nay, xóm Phong Phú có đến 49 hộ nuôi trồng thủy sản, mở rộng được 10 ha nuôi trồng thủy sản mới, tăng thêm 15 gia trại, trong đó 38 hộ được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của thành phố.

Điều ngạc nhiên là ông Thuyết, cũng nuôi trồng thủy sản, rất cần vốn nhưng khi vốn đưa về ông đã nhường cho bà con xã viên khác. Ông nói: “Vốn thì ai chẳng cần, nếu mỗi năm tôi vay thêm được dăm chục triệu đồng thì khỏe hơn. Nhưng  tôi là người xét duyệt cho bà con vay, đây lại là nguồn vốn ưu đãi nên để những xã viên mới lần đầu nuôi trồng thủy sản, đang khát khao xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu vay thì tốt hơn”. 

Ông Thuyết cũng có 1 ha nuôi cá và thả vịt, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Ông cho biết, hiện dưới ao còn 5 tấn cá chưa thu hoạch. Từ cá, vịt, mỗi năm ông Thuyết cũng thu nhập được gần 50 triệu đồng. Ông Vương Quốc Thái – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phong Phú tự hào kể về Xóm trưởng Thuyết: “Ông Thuyết là thương binh hạng 2/4, từng bị địch bắt giam ở đảo Phú Quốc, sau đó đã tổ chức vượt ngục về đánh địch tiếp. Ông ấy là một xóm trưởng năng nổ, tích cực. Nhờ có ông mà xóm Phong Phú là 1 trong 2 xóm duy nhất của xã Hưng Hòa thành lập được đội tuần tra an nình thôn xóm, nên an ninh trật tự trong xóm được giữ vững”.

Nghe và thấy những câu chuyện, những việc làm, đang hiện hữu nơi xóm nhỏ vùng ven đô của xóm trưởng Thuyết, ngỡ như chuyện “cổ tích”. Và những câu chuyện “cổ tích” ngày nay đó đang được Thành phố Vinh tiếp tục nhân rộng trong cộng đồng dân cư.

Những người “ Vác tù và hàng tổng”

Thành phố Vinh đến nay là đơn vị trực thuộc tỉnh duy nhất trong cả nước có Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và được đánh giá hoạt động rất hiệu quả. Nếu tính cấp tỉnh, cả nước đến nay cũng mới chỉ có 13 tỉnh, thành có Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Thành phố Vinh ra đời bởi trước thực trạng: Số lượng HTX ở Thành phố Vinh nhiều (trên 50 HTX với 22.500 xã viên). Suốt một thời gian dài, từ trước năm 2008, nhịp độ tăng trưởng của các HTX không những thấp, mà còn có xu hướng giảm, tiềm lực của các HTX yếu và hiệu quả thấp.

Vốn hoạt động của HTX không những không tăng, mà ngày càng “teo” lại, đã thế hoạt động bấp bênh, không ổn định. Giai đoạn 2006- 2011 mức tăng trưởng kinh tế của HTX chỉ đạt bình quân 4,13%, thấp xa so với mức tăng trưởng bình quân thành phố: 15,7%, và của khu vực kinh tế tư nhân: 15,2%. Vốn góp của HTX không có, trong khi nhu cầu vốn để hoạt động ngày càng tăng, đi vay ngân hàng thì các HTX đều nhận được cái “lắc đầu”.

Phải giải quyết việc làm và thu nhập cho số lượng lớn xã viên trong các HTX. Không thể để các ngành nghề truyền thống, các sản phẩm một thời nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc bị mai một. Đó là yêu cầu, là đòi hỏi, là trách nhiệm mà Thành phố Vinh xác định không thể thoái thác, trốn tránh. Theo đó, Thành phố Vinh quyết định dành ngân sách để thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, nhằm hỗ trợ và khuyến khích phát triển HTX. Nguồn vốn ban đầu là 3 tỷ đồng. Sau khi thành lập Quỹ, hàng năm thành phố đều thông báo đến các HTX về việc triển khai cho vay vốn. Với trình tự, thủ tục cho vay vốn khá chặt chẽ (thành phố phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội trong thẩm định, giải ngân), các HTX có đề án phát triển sản xuất, có đủ điều kiện mới được vay.

Ông Vương Quốc Thái - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phong Phú cho hay: “Vay vốn của Quỹ hỗ trợ HTX là phải làm thật, đừng nói chơi. Vay về mà không làm bị ngân hàng thu hồi ngay. Do vậy, HTX phải tổ chức hội nghị xã viên, lấy ý kiến, xác định cho rõ ràng xem xã viên có quyết tâm vay vốn để đào ao nuôi thủy sản không. Sau đó HTX, xóm xét duyệt tiêu chuẩn, điều kiện của các hộ. Rồi HTX đứng ra lập dự án đầu tư, phương án trả nợ, cùng với Biên bản hội nghị xã viên, Đăng ký kinh doanh, lấy một số bìa đất của xã viên để thế chấp.

Khi đã có đủ các điều kiện trên, nộp lên thành phố xét duyệt, tiếp đó lại đưa sang Ngân hàng CSXH  thẩm định. Khi tiền vay về rồi, giao cho xã viên, cán bộ HTX phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc để vốn phát huy hiệu quả. Nhưng khi thu hồi nợ là mệt nhất. Quyền lợi thì xã viên hưởng, cán bộ HTX không có quyền lợi gì, nhưng trách nhiệm là phải đi từng gia đình thu nợ, thu lãi. Cũng vui, vì nguồn vốn HTX Phong Phú phát huy hiệu quả, nên đến nay đã trả nợ hết toàn bộ 800 triệu đồng cho Quỹ.

Ở HTX Nông nghiệp Hưng Chính- TP Vinh: Cũng nhờ được vay vốn 400 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Thành phố, nên 18 hộ đã có vốn để phát triển sản xuất. Các xã viên này đã đầu tư con giống, thức ăn, chuồng trại chăn nuôi có hiệu quả. Điển hình như hộ Trần Văn Hạnh xóm 3, Hưng Chính, được vay 30 triệu đồng đã đầu tư nuôi cá vược, gà, lợn. Ông Hạnh đã nuôi được 1.033m2 cá đặc sản. Hay như ông Nguyễn Văn Ngoạn được vay 90 triệu đồng của Quỹ phát triển HTX, đã xây dựng mô hình trang trại tổng hợp.

Nhưng cũng như HTX Phong Phú, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, kế toán, thủ quỹ HTX đều phải vì dân, lo kiểm tra đôn đốc hiệu quả vốn vay, đi thu hồi nợ... Chủ nhiệm HTX Hưng Chính cho biết: Chủ nhiệm HTX chịu trách nhiệm chính và quản lý chung, tôi giao cho phó chủ nhiệm phụ trách mảng vay vốn từ Quỹ hỗ trợ HTX. Còn thủ quỹ nắm tiền, thu tiền, nộp lên cho ngân hàng. Anh em làm vô tư, xác định xã viên phát triển được kinh tế là HTX hoàn thành được nhiệm vụ.

Ở HTX nông nghiệp Hưng Hòa 2, có 1.648 xã viên, được vay 2 đợt vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển  HTX với 80 hộ vay, tổng giá trị vay 800 triệu đồng. Các hộ đều đã sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư thêm để mua máy quạt nước, mua thức ăn cho tôm. Nhiều xã viên nuôi tôm của HTX Nông nghiệp Hưng Hòa 2 có lãi lớn. Điển hình như ông Lê Cư (xóm Phong Yên), có 5000 m2 nuôi tôm, mỗi năm lãi từ 100 - 200 triệu đồng, ông Trần Lượng (xóm Phong Hảo) lãi vụ tôm vừa rồi 200 triệu đồng... Chủ nhiệm HTX Đinh Văn Thắng cho hay: Vì HTX là chủ dự án vay vốn, nên vừa đứng trung gian, vừa chịu trách nhiệm về vốn vay. Khi thu hồi nợ là mệt nhất. Số hộ vay đông, cũng có vài hộ dây dưa khi đến hạn, nhất là khi bị thua lỗ. Có lúc Chủ nhiệm HTX phải bỏ tiền túi ra trả nợ cho Quỹ trước, sau đó mới đi thu hồi về dần”.

Những đồng tôm, đồng cá nối nhau được quy hoạch và đầu tư ngày càng bài bản, chuyên nghiệp ở Hưng Hòa, gia trại nối tiếp gia trại, trên bờ là vịt, dưới đầm là cá. Ô thửa vuông vức, mùa tôm quạt nước quay tít. Người dân Hưng Hòa vốn nuôi tôm quảng canh được chăng hay chớ nay đã bước vào cách làm chuyên nghiệp. Nhiều hộ đã làm dịch vụ thức ăn cho tôm, cá. 

Cánh đồng tôm, cá ở Hưng Hòa được quy hoạch bài bản.

Sinh viên về làm cán bộ HTX

Sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, cao đẳng khi nói về làm việc tại xã chưa hẳn đã “ưng”, chứ đừng nói đến làm việc ở HTX. Nhưng thành phố đã quyết. Nếu không có cán bộ có trình độ đào tạo bài bản, không “vực” đươc đội ngũ cán bộ, thì HTX vẫn mãi yếu kém. Đội ngũ ban quản lý các HTX thông qua các kỳ đại hội đã từng bước được kiện toàn, song trên thực tế đến 70% chưa đáp ứng được yêu cầu. Cán bộ quản lý các HTX đều có độ tuổi cao, sức khỏe yếu. Vì vậy, họ thiếu nhạy bén với cơ chế thị trường, hoạt động theo kinh nghiệm tự phát, thiếu khoa học. Trình độ năng lực phần đông của Ban Chủ nhiệm còn hạn chế, điều hành lúng túng, thiếu tính thuyết phục, kiến thức khoa học không được cập nhật thường xuyên, dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao hoặc không có lãi. Khiến phần đa các HTX hoạt động cầm chừng, các xã viên không còn tin tưởng vào HTX và chán nản bỏ bê công việc.

Trước thực trạng đó, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thành phố đã ra đời và có chính sách hỗ trợ con em của các xã viên HTX đi học đại học, cao đẳng để về phục vụ cho HTX. Mức hỗ trợ đại học 800 ngàn đồng/tháng, cao đẳng 600 ngàn đồng/tháng. Đây thực sự là một chính sách ưu đãi nổi bật của Thành phố Vinh. Gặp Ngô Thị Hiền - sinh viên Trường Cao đẳng KT Nghệ An làm việc ở HTX Nông nghiệp Hưng Chính. Hiền sinh năm 1989, là con của một xã viên trong HTX. Gia đình Hiền đang làm 7 sào ruộng. Hiền được hỗ trợ 7,2 triệu đồng (600 ngàn đồng x 12 tháng) do lúc đó Hiền chỉ còn một năm học. Lương của Hiền HTX trả chỉ 550.000 đồng/tháng, Hiền còn tham gia Phó Bí thư Đoàn xã Hưng Chính nên thu nhập được thêm 840.000 đồng, tổng cộng 1.390.000 đồng. Nhưng Hiền cười nói: được hỗ trợ từ HTX để học hành, “có duyên” với HTX thì làm cho HTX thôi. Về nhà còn tham gia sản xuất thêm cũng được ạ.

Từ nguồn quỹ hỗ trợ của HTX, nhiều cán bộ HTX đã được đi học nâng cao trình độ. Anh Dương Xuân Thám học Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học mở Hà Nội về làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phong Phú - Hưng Hòa từ năm 2005-2012, nay đã chuyển sang làm Trưởng Ban Nông nghiệp xã. Hoàng Đình Sơn, sinh năm 1982 học ĐH kinh doanh và công nghệ Hà Nội, được hỗ trợ 9,6 triệu đồng đi học, nay làm Chủ nhiệm HTX Quyết Thành. Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1987, học Cao đẳng Kinh tế Đà Nẵng nay về công tác tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghi Liên. Em Lê Lam Giang, sinh năm 1986, học Đại học Bách Khoa Đà Nẵng về làm tại HTX dịch vụ Hưng Thủy. Em Nguyễn Thị Mai Na học Cao đẳng kinh tế Đà Nẵng được hỗ trợ 7,2 triệu đồng về làm việc tại HTX Hưng Thủy... Ngay như Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hưng Hòa 2, anh Đinh Văn Thắng cũng được hỗ trợ đi học khoa Quản trị kinh doanh ĐH Quốc gia Hà Nội.

Nguồn hỗ trợ không hoàn lại cho các cán bộ quản lý HTX và sinh viên về HTX làm việc, đã mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng hơn cho con em nhiều xã viên, đồng thời tạo nguồn cán bộ cho HTX. Nhiều HTX “ăn nên làm ra” thu nhập của cán bộ cũng đã đạt 2-5 triệu đồng. Có HTX nhiều hơn. Tính đến nay Quỹ hỗ trợ HTX đã hỗ trợ cho 9 người đi học, tổng mức 62, 9 triệu đồng.

Niềm tin về kinh tế hợp tác

Ông Phạm Ngọc Thạch- xã viên HTX Phong Phú - Hưng Hòa vốn là một nông dân nghèo. Được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và vốn của Ngân hàng Nông nghiệp, ông đầu tư đào 3 ao thả cá, 1.000 con vịt đẻ, đồng thời ông còn mở lò ấp trứng công suất 8.000 quả, cung cấp cho thị trường thành phố.  Người nông dân này tất bật từ sớm đến trưa với vịt ấp, vịt đẻ, nhặt trứng, cho cá ăn, vịt ăn, rồi đưa trứng đi nhập. Nhưng bù đắp cho bao vất vả đó, ông thu lãi từ cá, vịt, trứng gần 100 triệu đồng mỗi năm.

Riêng cá thịt, thu hoạch tỉa, doanh thu mỗi năm đạt 60 triệu đồng. Từ nguồn thu của gia đình ông đang nuôi 2 con học đại học ở Hà Nội, một ở Đại học Giao thông Vận tải, một ở Học viện Tài chính. Còn xã viên Vương Đình Dần được vay vốn 30 triệu đồng từ Quỹ, đã đầu tư gia trại nuôi 25 con lợn thịt, 400 con vịt đẻ và 2 ao cá. Cá, vịt, lợn và trứng... mỗi năm gia đình ông lãi gần 50 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống. Ông cho biết: Tôi mong được vay tiếp từ Quỹ để mua thêm 2 con bò. Nhà gần đê, có nhiều cỏ, nuôi bò là tốt nhất, nhưng hiện nay vay vốn đã khó khăn hơn rồi.

Ông Phạm Ngọc Thạch - HTX Phong Phú được vay vốn từ Quỹ HTX đầu tư trang trại và lò ấp trứng lãi mỗi năm gần 100 triệu đồng.

Có thể thấy, từ khi Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ra đời (năm 2008), một số HTX trên địa bàn thành phố bước đầu đã mở rộng đầu tư sản xuất, mua sắm dây chuyền thiết bị, thu hút được sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về công tác tại HTX, hỗ trợ kinh phí đào tạo cho một số cán bộ lãnh đạo HTX đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn… Hầu hết đơn vị đã sử dụng kinh phí từ Quỹ hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng như HTX Phong Phú, Nông nghiệp Hưng Hòa 2 ở xã Hưng Hòa, đã mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản; dự án đầu tư mua sắm dây chuyền sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng của HTX Hưng Thủy, HTX sản xuất tượng Quyết Thắng (Hưng Lộc) đầu tư thêm vốn sản xuất tượng…

Ông Nguyễn Văn Chỉnh - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của thành phố có nhiệm vụ: Hỗ trợ (không hoàn lại) các hoạt động tổ chức, đổi mới hợp tác xã; Tư vấn, lập các dự án phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ đa ngành nghề nông thôn và giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp; Thực hiện chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; Thu hút sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật về công tác tại Hợp tác xã;  Thành lập HTX mới theo quy định của Luật HTX năm 2003; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn của HTX. Cho vay đầu tư (có thời hạn) với lãi suất ưu đãi các dự án đầu tư phát triển có tính khả thi của HTX.

Với nhiệm vụ đó, năm 2008: UBND thành phố đã chuyển vào Quỹ hỗ trợ phát triển HTX 800 triệu đồng, Quỹ đã xem xét cho vay và giải ngân vốn vay 3 dự án: Dự án nuôi tôm thâm canh công nghiệp ở Hưng Hòa của HTX Nông nghiệp Hưng Hòa 2. Dự án mở rộng và phát triển nuôi trồng thủy sản ở HTX Phong Phú - Hưng Hòa, và Dự án hỗ trợ và phát triển nuôi trồng thủy sản ven đô của HTX Hưng Chính. Ba dự án này đều có thời hạn vay 3 năm, lãi suất 0,65%.

Năm 2009: UBND thành phố chuyển vào Quỹ hỗ trợ phát triển HTX 2 tỷ đồng, Quỹ đã cho vay 4 dự án, tổng mức 2 tỷ đồng gồm: Dự án mở rộng quy mô đầu tư nuôi tôm thâm canh công nghiệp (vay bổ sung) của HTX Nông nghiệp Hưng Hòa 2; dự án mở rộng và phát triển nuôi trồng thủy sản (vay bổ sung) của HTX Phong Phú (Hưng Hòa), dự án phát triển nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi tổng hợp (HTX Hưng Chính) và dự án nuôi trồng thủy sản HTX Thống Nhất (phường Đông Vĩnh).

Năm 2010, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tiếp tục cho vay các dự án với tổng số tiền 1,95 tỷ đồng, gồm dự án đầu tư mua mới thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng và tiêu thụ vật liệu xây dựng của HTX Hưng Thủy, mức vay 700 triệu đồng. Dự án đầu tư mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản và phát triển kinh tế trang trại của HTX Phong Quang 500 triệu đồng. Dự án đầu tư mua mới thiết bị mở rộng dây chuyền sản xuất bột đá của HTX Quyết Thành 750 triệu đồng .

Năm 2011, HTX Quyết Thắng tiếp tục được vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với 300 triệu đồng nâng cấp xưởng sản xuất tượng, bột bó y tế và bột thạch cao siêu nhẹ, siêu mịn.

Như vậy, tổng số tiền UBND Thành phố Vinh đã chuyển cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX (qua Ngân hàng Chính sách) là 7 tỷ đồng, đã cho vay trong 4 năm 5 tỷ 050 triệu đồng, hỗ trợ không hoàn lại là 62,9 triệu đồng. Cùng với một số ưu đãi khác, thành phố đang hướng đến mục tiêu đến năm 2015: Thu nhập bình quân của xã viên tăng gấp 2-2,5 lần so với hiện nay (HTX phi nông nghiệp: 2,6 triệu đồng và HTX nông nghiệp: 1,4 triệu đồng). Mức lương bình quân của Ban quản lý HTX đạt 3 triệu đồng/tháng trở lên. Mỗi năm tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức cho 50 – 60 cán bộ Ban quản lý HTX; 1.000 – 2.000 lượt xã viên, người lao động được tập huấn, bổ sung kiến thức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh.

Thành phố hiện nay đã và đang thực hiện nhiều dự án: Dự án rau hoa cây cảnh  93,8 ha tại phường Đông Vĩnh, xã Hưng Đông; Dự án vùng nuôi tôm 250 ha ở xã Hưng Hòa; Dự án nuôi cá thương phẩm 32 ha ở xã Hưng Lộc;  Xây dựng chợ Phong Toàn, chợ Cọi (Hưng Lộc), chợ Cầu Thông phường Trung Đô, chợ Hưng Đông… Các HTX dịch vụ nông nghiệp và phi nông nghiệp cùng có điều kiện chuyển đổi, phát triển, hòa cùng phong trào xây dựng nông thôn mới của cả tỉnh.

Châu Lan

tin mới

Kiểm ngư Nghệ An tuyên truyền và nhắc nhở 1 chủ tàu cá vi phạm khi đánh bắt

Nhiều tàu cá Nghệ An còn bị mất kết nối VMS trên biển

(Baonghean.vn) - Đó là một trong những vấn đề được nêu tại hội nghị trực tuyến sáng nay (28/9) do Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức với sự tham gia của các bộ, ngành và các tỉnh ven biển.

Tan hoang nơi 'tâm lụt' Quỳ Châu sau khi nước rút

Tan hoang nơi 'tâm lụt' Quỳ Châu sau khi nước rút

(Baonghean.vn) - Trong đợt mưa lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An các ngày 26 - 27/9 thì huyện Quỳ Châu là địa phương thiệt hại nặng nề nhất, với hơn 1.000 hộ dân bị ngập. Sau khi nước rút, nhiều công trình, hoa màu trên địa bàn bị hư hỏng nặng, tài sản của người dân chìm trong bùn đất.

Những công trình tạo dấu ấn kỳ tích của Ecopark kể cả khi thị trường nhiều biến động

Những công trình tạo dấu ấn kỳ tích của Ecopark kể cả khi thị trường nhiều biến động

(Baonghean.vn) - Trong khi thị trường bất động sản nhiều biến động, không có nguồn cung mới, lượng hàng bán ra “nhỏ giọt", Ecopark vẫn thanh khoản nhanh chóng, nhiều dự án được bàn giao, đưa vào vận hành. Năm 2023 là năm đánh dấu sự lấn sân của nhà sáng lập Ecopark trên thị trường cả nước.

Nông dân xã Quỳnh Liên (Hoàng Mai) thu hoạch củ cải chạy lụt. Ảnh: Thanh Yên

Nông dân Nghệ An khẩn trương thu hoạch rau chạy lụt

(Baonghean.vn) - Diện tích lúa mùa và cây trồng vụ đông bị ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lớn đang tăng từng giờ. Tính đến 17h ngày 27/9, Nghệ An đã có gần 6.780 ha cây trồng các loại bị ngập úng , hư hỏng. Nông dân đang ra đồng thu hoạch rau chạy lụt. 

Tính biển của Vinh!

Tính biển của Vinh!

(Baonghean.vn) - Chắc chắn không lâu nữa, thành phố Vinh sẽ bao gồm cả thị xã Cửa Lò và một số xã phía Nam giáp sông Lam của huyện Nghi Lộc. Lúc ấy, Vinh sẽ có biển làm mặt tiền của thành phố. Vinh sẽ là thành phố biển. Nhưng từ rất lâu, Vinh đã có tính sông nước, tính biển.

Thuỷ điện Bản Vẽ cắt giảm 60% cơn lũ cho vùng hạ du

Thuỷ điện Bản Vẽ cắt giảm 60% cơn lũ cho vùng hạ du

(Baonghean.vn) - Thực hiện Lệnh vận hành hồ chứa Thuỷ điện Bản Vẽ cắt, giảm lũ cho hạ du số 173 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ đã tiến hành điều tiết, cắt giảm 60% cơn lũ, đảm bảo an toàn cho khu vực hạ du. 

Thành phố Vinh nâng tầm sản phẩm OCOP

Thành phố Vinh nâng tầm sản phẩm OCOP

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở thành phố Vinh đã có những bứt phá mạnh mẽ. Qua đó, đã khai thác được tiềm năng vùng ven đô, tạo sinh kế cho lao động các địa phương và phục vụ du lịch.

Nghệ An không chủ quan, lơ là với dịch cúm gia cầm

Nghệ An không chủ quan, lơ là với dịch cúm gia cầm

(Baonghean.vn) - Bệnh cúm gia cầm vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng. Do vậy, chính quyền địa phương các cấp, người chăn nuôi không thể chủ quan, lơ là với bệnh dịch nguy hiểm đến sức khỏe con người và vật nuôi này.

Các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ

Các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ

(Baonghean.vn) - Với tinh thần “Vì Nhân dân phục vụ”, các lực lượng Công an, Biên phòng tỉnh Nghệ An đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân, khắc phục hậu quả mưa lũ, từng bước phục hồi sản xuất và ổn định cuộc sống.