Niềm tin yêu của bản Cằng

30/01/2012 10:53

(Baonghean.vn) - Đêm ở bản Cằng (xã Môn Sơn, Con Cuông), giữa núi rừng thâm u, bên bếp lửa bập bùng, chúng tôi được nghe những câu chuyện của bà con dân bản vui kể về trưởng bản Lô Thị Hương, người phụ nữ dân tộc Thái chăm việc nước, đảm việc nhà, được dân bản tin yêu, cảm phục...

(Baonghean.vn) - Đêm ở bản Cằng (xã Môn Sơn, Con Cuông), giữa núi rừng thâm u, bên bếp lửa bập bùng, chúng tôi được nghe những câu chuyện của bà con dân bản vui kể về trưởng bản Lô Thị Hương, người phụ nữ dân tộc Thái chăm việc nước, đảm việc nhà, được dân bản tin yêu, cảm phục...


Chị Lô Thị Hương, dân tộc Thái, hiện là nữ trưởng bản duy nhất trong số 124 bản của huyện miền núi Con Cuông. Năm 2004, lúc đang làm Chi hội phó Chi hội phụ nữ bản Cằng, chị được bầu làm trưởng bản.


Bản Cằng trước năm 2005 luôn đứng trong tốp cuối của xã Môn Sơn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%, thu nhập bình quân không vượt quá 200.000 đồng/người/tháng. Cùng với đó, hệ lụy từ những phong tục tập quán lạc hậu đã đưa cuộc sống nơi đây không thoát khỏi những tán cây rừng. Nhận nhiệm vụ "đứng mũi chịu sào" của một bản còn rất nhiều khó khăn như vậy, thách thức đối với chị Hương là rất lớn. Nhiều người bảo, làm trưởng bản là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" đối với nam giới đã khó, đối với phụ nữ dân tộc Thái như chị lại càng khó.



Bản Cằng đón nhận bằng công nhận danh hiệu Làng Văn hóa cấp huyện


Vận dụng linh hoạt kiến thức sau những đợt tham quan, tập huấn, chị Lô Thị Hương đã hướng dẫn người dân bản Cằng xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế gắn với rừng, nhất là mô hình kinh tế VACR (vườn-ao-chuồng-rừng). Dựa vào tiềm năng, lợi thế rừng, nhiều mô hình kinh tế ở bản Cằng đã phát huy hiệu quả, đưa lại thu nhập chính cho người dân. Nhưng điều mà chị Hương tâm đắc nhất là bên cạnh sự đổi thay về đời sống thì ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Không phụ lòng tin tưởng của dân bản, nhất là sự động viên của người chồng hết lòng yêu thương, của hai đứa con hiếu thảo, chị đã vượt qua những trở ngại để từng bước đưa bản Cằng thoát khỏi danh sách yếu kém của huyện. Ngay trong năm đầu tiên Lô Thị Hương làm trưởng bản (năm 2005), bản Cằng hoàn thành chi tiêu thu nộp ngân sách, điều mà trước đây luôn là vấn đề nan giải của địa phương. Hiện nay, đời sống của người dân bản Cằng tuy vẫn còn khó khăn nhưng đã khá hơn trước rất nhiều, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 30%. Đặc biệt, năm 2008, bản Cằng được huyện Con Cuông cấp bằng Làng Văn hóa cấp huyện.


Trước khi làm trưởng bản, chị Lô Thị Hường đã tham gia công tác Đoàn và từng đảm trách nhiệm vụ Chi hội phó Chi hội phụ nữ bản, nên chị luôn quan tâm giúp đỡ chị em hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, từng bước thúc đẩy công tác bình đẳng giới. Hiện nay, Chi hội phụ nữ bản Cằng có 98 hội viên sinh hoạt thường xuyên. Được sự giúp đỡ của Hội phụ nữ các cấp, nhiều hội viên phụ nữ của bản đã xây dựng được nhiều mô hình vườn-ao-chuông-rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Là người phụ nữ dân tộc Thái, hơn ai hết chị Lô Thị Hương thấm thía những gian truân, vất vả của giới mình. Bên cạnh những lo toan thường nhật, người phụ nữ dân tộc thiểu số còn nặng gánh bởi những phong tục tập quán của cộng đồng. Bản Cằng vốn chuyên sản xuất chăn nuôi và trồng rừng, diện tích lúa nước rất ít. Đi rừng vốn chỉ dành cho nam giới, người phụ nữ bởi thế quanh năm quẩn quanh với những công việc không tên trong gia đình. Cùng với những hủ tục, vai trò của người phụ nữ vì vậy không được coi trọng.


Trong những năm tháng phấn đấu để đưa bản Cằng thoát nghèo, chị Hương luôn trăn trở vấn đề bình đẳng giới. Chị đã phối hợp với các tổ, ban tuyên truyền vận động dân bản thực hiện tốt công tác dân số nhằm giảm áp lực, gánh nặng cho người phụ nữ. Những năm qua, ở bản Cằng đã không còn có người sinh con thứ 3. Đây là sự thay đổi rất lớn trong đời sống của cộng đồng người thiểu số ở vùng cao vốn luôn quan niệm "đông con hơn nhiều của". Bên cạnh đó, trưởng bản Lô Thị Hương đã chủ động lồng ghép thực hiện chương trình phát triển kinh tế với việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cộng đồng. Đường đi lối lại trong bản bao quanh những vườn cây ao cá, ấp iu những mái nhà sàn yên tĩnh. Sự bình yên của bản Cằng còn hiện hữu trong mối tình thắm đượm xóm giềng thân hữu. Những tranh chấp, mâu thuẫn trong bản, trong gia đình được tổ hòa giải, đứng đầu là trưởng bản Lô Thị Hương, hòa giải thành công trên cơ sở cái lý và cái tình.


Trải qua nhiệm kỳ thứ 3 làm trưởng bản (mỗi nhiệm kỳ 2,5 năm), chị Lô Thị Hương đã tạo được niềm tin yêu của bà con dân bản. Những kết quả đạt được của bản Cằng trong những năm qua có thể đúc rút được những kinh nghiệm quý trong công tác bổ nhiệm, phân công cán bộ. Trao đổi với chúng tôi, chị Hương khẳng định "Bản Cằng vẫn còn nghèo, nhưng tôi tin với hướng đi đúng và được sự hỗ trợ của các cấp, ngành thì bản Cằng sẽ từng bước phát triển". Chị cũng tâm sự thêm: "Cần nâng cao hơn nữa vai trò của người phụ nữ trong xã hội, nhìn nhận họ từ chính khả năng và tâm huyết".


Sỹ Hào

Mới nhất

x
Niềm tin yêu của bản Cằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO