Niềm tự hào của giáo họ Xuân Kiều

30/08/2011 10:14

Tin em Nguyễn Văn Tuấn- học sinh lớp 12A1 trường THPT Nghi Lộc 2 đỗ vào khoa Kinh tế đối ngoại- Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội với tổng điểm 28 và được nhận bằng khen, phần thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh tại Lễ tuyên dương, trao thưởng cho học sinh đạt giải quốc tế, khu vực và đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2011 làm nức lòng bà con giáo họ Xuân Kiều...

Tin em Nguyễn Văn Tuấn- học sinh lớp 12A1 trường THPT Nghi Lộc 2 đỗ vào khoa Kinh tế đối ngoại- Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội với tổng điểm 28 và được nhận bằng khen, phần thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh tại Lễ tuyên dương, trao thưởng cho học sinh đạt giải quốc tế, khu vực và đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2011 làm nức lòng bà con giáo họ Xuân Kiều...

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà sát nằm mặt đường ở xóm 14A xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) khi cậu học trò giáo dân Nguyễn Văn Tuấn đang sắp xếp hành trang chuẩn bị ra thủ đô nhập học. Gày gò, mảnh khảnh, hiền lành, ít nói Tuấn tạo cảm tình đối với chúng tôi ngay từ lần đầu gặp mặt. Em sở hữu một thành tích học tập đáng nể: 12 năm liền là học sinh giỏi toàn diện, Giải nhất Toán, nhì Hóa trong kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh năm học 2010-2011, đạt 28 điểm (Toán 9,0, Lý 9,5, hóa 9,5) và trúng tuyển vào Khoa Kinh Tế đối ngoại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.



Nguyễn Văn Tuấn và bố mẹ.


Ông Nguyễn Văn Ánh- Bố của Tuấn chia sẻ: "Em nó rất tự giác và ham học, có nhiều đêm bố mẹ thức giấc vẫn thấy trong phòng con còn sáng đèn, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu, tôi phải sang nhắc cháu đi ngủ"... Nhà cách trường 8-9 cây số nhưng dù mưa hay nắng Tuấn vẫn cần mẫn đạp xe đến trường không bỏ buổi học nào. Khi gặp vấn đề không hiểu, Tuấn sẵn sàng đạp xe tới nhà cô giáo nhà ở Vinh để hỏi bài.

Nói về phương pháp học tập của mình, Tuấn cho biết em chỉ học khi đầu óc thấy thoải mái, còn mỗi khi căng thẳng hay áp lực em thường đọc truyện tranh hoặc nghe nhạc để thư giãn. Học kĩ bài cũ và đọc trước SGK cũng là cách để Tuấn tiếp thu bài mới trên lớp nhanh hơn. Ngoài ra tham khảo tài liệu và tập làm các đề thi trên mạng cũng là một phương pháp củng cố kiến thức rất hữu hiệu.


Thành tích mà Tuấn đạt được ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân em còn bắt nguồn từ nền tảng của một gia đình giáo dân hiếu học. Bố mẹ em- ông Nguyễn Văn Ánh và bà Nguyễn Thị Đào đều xuất thân từ gia đình giáo dân nghèo nhưng luôn tâm niệm "Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải lo cho các con học hành đến nơi đến chốn".

Không phụ lòng cha mẹ, 4 anh chị em Tuấn đều học giỏi. Chị gái đầu Nguyễn Thị Hoa là sinh viên Kinh tế năm cuối của Trường Đại học Vinh, Anh trai thứ 2 Nguyễn Văn Ngọc là sinh viên năm thứ 3 Học viện Tài chính Hà Nội, còn em út Nguyễn Thị Oanh nối tiếp anh chị cũng là học sinh giỏi toàn diện của lớp 12A1 trường THPT Nghi Lộc 2.

Bà Nguyễn Thị Đào không giấu nổi niềm tự hào xen lẫn xúc động: "Vợ chồng tôi vất vả từ bé, gia đình nội ngoại đều nghèo. Chồng tôi là con trai đầu trong gia đình 11 người con, còn tôi có 7 anh chị em, mẹ mất năm 14 tuổi, không có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn, phải xoay đủ nghề để sống, cơ cực trăm bề nhưng chúng tôi vẫn luôn sát cánh bên các con trong học tập. Điều quan trọng là "cần cù bù thông minh" và bố mẹ phải luôn làm gương cho con cái noi theo". Chỉ cho chúng tôi những tấm bằng khen gia đình giáo dân hiếu học, gia đình giáo dân tiêu biểu, gia đình sản xuất kinh doanh giỏi, bằng khen thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo được đóng khung treo trang trọng trên tường, Tuấn nói: "Em sẽ cố gắng học giỏi để không phụ những gì mà bố mẹ đã dày công gây dựng nên và làm vẻ vang truyền thống hiếu học của giáo họ Xuân Kiều..."


Khánh Ly

Mới nhất
x
Niềm tự hào của giáo họ Xuân Kiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO