Niềm vui bên gánh trầu cau

26/07/2014 18:08

(Baonghean) - “Tuổi của các cụ bây giờ không còn phải lo cho con cái, gia đình như xưa. Gánh trầu cau là để thấy vui, thấy khỏe, được làm công việc mình yêu thích thôi..." - bà Phát tâm sự.

Tối nào cũng vậy, cơm nước xong xuôi, bà Nguyễn Thị Phát (80 tuổi) ở xóm 3, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) lại đem gánh trầu cau ra trước thềm nhà, nhẹ nhàng lấy từng lá trầu rửa cẩn thận. Rửa xong, rảy cho thật hết nước rồi mới xếp từng lá trầu lại với nhau cho vào thúng. Bà Phát gắn bó với nghề trầu cau từ khi còn rất nhỏ. Bà bảo, ngày đó làng Ngò chỉ duy nhất mẹ bà bán trầu cau, khách khi nào cũng đông. “Tui sớm theo mẹ gánh trầu cau đi chợ. Mùa lụt lội nước ngập ngang người, mẹ tui vẫn đều đều gánh trầu cau đi hết chợ Thơi, lên chợ Sông Ngọc, rồi về chợ Ngò. Trong các chợ thì chợ Ngò vẫn là nơi bán cố định nhất. Nghề bán trầu cau gắn với tui đến tận bây giờ. Cũng từ gánh trầu này, thằng Đoài, thằng Trung được học hành đến nơi đến chốn. Nghề buôn trầu có nhiều thú vui, thú vui lớn nhất là phù hợp với tuổi già. Tối đến tập trung được các cụ làng trên xóm dưới tụ họp ăn trầu, chuyện trò, ôn lại chuyện ngày xưa, kể chuyện ngày nay thấy vui...”.

Cụ Phát gắn bó với gánh trầu cau từ khi còn nhỏ.
Cụ Phát gắn bó với gánh trầu cau từ khi còn nhỏ.

Bà Phát còn khoe: “Trước đây, trong xóm có hơn 20 người buôn bán trầu cau. Người nhiều tuổi nhất là 85, người ít tuổi nhất là 60. Bây giờ chỉ độ hơn chục người nữa thôi, một số cụ mất do tuổi già, một số theo con cháu đi xa… Làng chỉ còn hơn chục cụ, dẫu tuổi đã cao vẫn còn yêu gánh trầu cau lắm. Như cụ U, năm nay đã gần 90, mới xa nghề trầu cau tháng trước, do trận ốm kéo dài cả tháng. Nói là nghỉ không bán trầu cau, nhưng tối mô cũng rủ các cụ làng bên sang nhà tui nói chuyện ăn trầu cho có bầu có bạn, thật ra là muốn giúp tui một tay rửa trầu, lấy vôi. Bà U cũng như bà Phấn, người làng Ngò, duyên bán trầu cau quen người xóm 3, rồi nên duyên vợ chồng. Cả hai cụ gắn với gánh trầu cau từ nhỏ cho đến tận bây giờ. Bà Phấn bảo: “Buôn trầu cau, chay một ngày cũng kiếm được dăm ba chục ngàn tiền lời mà cũng không vất vả là mấy, đôi quang gánh gánh trầu cau cũng nhẹ lắm”. Tôi hỏi bà Phấn: “Bà mua trầu, mua cau ở đâu ạ, cả chay nữa”, bà Phấn cười, nói ngay: “Thiếu chi cháu, mua ở trong xã, rồi các xã lân cận”; “Sao lá trầu nào cũng đẹp, cũng ngon mà bà lại phân chia từng xếp trầu như vậy ạ”. Bà Phấn cười, chỉ tay vào từng xấp trầu vừa chậm rãi: “Cơi trầu ni dùng bán cho những gia đình mua về có công buổi như cúng giỗ, làm lễ hay xin dạm hỏi cho con. Còn chỗ ni bán cho các bà ăn trầu, rồi các mẹ mới sinh mua trầu cũng nhiều. Theo quan niệm trong dân gian, trẻ con mỗi khi bị nấc cụt thường lấy đọt trầu gián lên trán là hết. Rồi dùng lá trầu không ém bụng cho trẻ sơ sinh. Còn chỗ trầu ni dùng cho việc giỗ chạp, lễ xin hỏi, công buổi quan trọng, phải để riêng ra một cái thúng che lá chuối cẩn thận. Trầu dùng cho việc gì thì cũng phải rửa sạch mới đem bán, làm nghề chi cũng phải đặt cái tâm lên trên hết!”. Vui chuyện, bà Phấn cho hay: “Bán trầu cau vào các tháng Giêng, Hai thích lắm. Nhoáng một buổi sáng là bán hết gánh trầu cau. Còn ngày thường, cứ đều đều một ngày dăm chục xếp trầu và một buồng cau độ dăm chục quả. Rứa tui mới nói buôn bán trầu cau có lời. Nhưng nghề này chỉ người già mới làm thôi, trẻ mấy ai buôn bán trầu cau hả cháu...”.

Ở quê bà Phát, người già làm nghề này thấy vui thấy khỏe nên con cháu cũng vui theo. Cứ tối tối, các cụ chăm chút gánh trầu cau, sáng sớm rủ nhau quẩy gánh trầu cau đến chợ. Không ít lần, cụ Phát chưa lên đến chợ đã hết hàng. Cụ tâm sự với tôi: “Tuổi của các cụ bây giờ không còn phải lo cho con cái, gia đình như xưa. Gánh trầu cau là để thấy vui, thấy khỏe, được làm công việc mình yêu thích thôi...”

Thu Hương

Mới nhất

x
Niềm vui bên gánh trầu cau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO