Niềm vui mới ở Môn Sơn

Gia Huy 05/02/2023 08:32

(Baonghean.vn) - Về Môn Sơn - nơi Chi bộ Đảng đầu tiên của đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Nghệ được thành lập, chúng tôi được nghe về những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong công tác tạo nguồn phát triển Đảng, được chứng kiến sự đổi mới trong nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi đây.

Quan tâm tạo nguồn kết nạp đảng viên mới

Mùa Xuân này, người dân bản Cò Phạt và bản Búng, 2 bản của tộc người Đan Lai ở nằm sâu nơi thượng nguồn Khe Khặng ở đại ngàn Pù Mát vui hơn vì trong năm qua, chi bộ hai bản đều kết nạp được thêm 3 đảng viên mới. “Trước đây, công tác phát triển Đảng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng mấy năm trở lại đây nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền số lượng đảng viên ngày càng tăng. Đặc biệt năm vừa qua, chi bộ bản kết nạp thêm được 3 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn chi bộ lên 12 đồng chí.

“Có chủ trương đúng đắn, sự lãnh đạo sát sao của cấp ủy; có đảng viên cắm bản cầm tay, chỉ việc... cuộc sống của người dân đang dần đổi thay không chỉ trong nếp nghĩ mà cả trong cách làm” - Bí thư Chi bộ bản Búng La Văn Trang phấn khởi cho hay.

Bí thư Chi bộ bản Búng La Văn Trang (áo đen) trò chuyện với đảng viên biên phòng ở tổ chốt cắm tại bản. Ảnh: G.H

Không chỉ riêng các bản đồng bào Đan Lai mà ở nhiều Chi bộ khác như Tân Hoà, Làng Yên…; đặc biệt là Làng Xiềng sau nhiều năm gặp khó khăn trong công tác tạo nguồn phát triển đảng, trong năm 2022 đã kết nạp được 2 đảng viên mới.

Trao đổi về công tác phát triển đảng ở địa phương, đồng chí Đặng Văn Thân - Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn chia sẻ: Trên địa bàn có các dân tộc Kinh, Thái và tộc người Đan Lai cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Thái chiếm 82%. Do lao động trẻ đi làm ăn xa nhiều, nên nguồn để bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng gặp không ít khó khăn.

Bức tranh đời sống ở Môn Sơn - Lục Dạ (Con Cuông) hôm nay. Ảnh: Sách Nguyễn

Trước thực trạng đó, từ sau Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, trên cơ sở chỉ tiêu đại hội, Đảng ủy xã đã xây dựng kế hoạch cả nhiệm kỳ, kế hoạch từng năm sát với tình hình của địa phương. Trong đó, chi tiết hóa chỉ tiêu cho từng chi bộ và giao trách nhiệm cho từng cấp ủy viên phụ trách cơ sở mỗi năm phải giới thiệu được một quần chúng ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Đối với các chi bộ thôn, bản từ 3-5 năm không phát triển được đảng viên, Đảng ủy xã Môn Sơn rà soát đưa vào điểm tập trung chỉ đạo, trước hết phấn đấu phủ sóng trưởng các chi hội, đoàn thể là đảng viên, đích thân các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy xã tham gia sinh hoạt, chỉ đạo tại chi bộ. Nhiều chi bộ đảng thường xuyên tổ chức sinh hoạt mở rộng, với sự có mặt của trưởng các chi hội đoàn thể để nắm bắt, sát sao những nội dung trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nghị quyết của chi bộ đối với sự phát triển của thôn, bản.

Kết nạp đảng viên mới ở Chi bộ Làng Yên, xã Môn Sơn. Ảnh: Mai Hoa

Từ đó, nghiêm túc triển khai thực hiện nhiệm vụ của chi bộ giao; quan tâm, rà soát đoàn viên, hội viên ưu tú để bồi dưỡng, phát triển, tạo nguồn cho Đảng. Đồng thời, Đảng bộ xã còn trích ngân sách hỗ trợ 100 nghìn đồng/người khi được cử đi học lớp đối tượng đảng hay đảng viên mới.

Bí thư Đảng uỷ xã Môn Sơn Đặng Văn Thân trao đổi với các bí thư chi bộ thôn bản về công tác đảng. Ảnh: G.H

Bên cạnh đó, phát huy truyền thống quê hương cách mạng – nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của vùng Tây Nam xứ Nghệ tại nhà cụ Vi Văn Khang ở bản Thái Hòa vào cuối năm 1930, tập trung làm tốt công tác giáo dục tuyên truyền bồi dưỡng quần chúng ưu tú, cấp ủy, chính quyền xã Môn Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chi bộ đảng, chất lượng đảng viên, xây dựng hình ảnh người đảng viên tiên phong, gương mẫu trong công việc và trong các phong trào, hoạt động ở địa phương, đồng lòng xây dựng quê hương ấm no.

Một góc bản Thái Hòa, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu: HT

Nhờ vậy mà nhiều năm liền Đảng bộ xã Môn Sơn đều đạt và vượt chỉ tiêu phát triển đảng. Riêng năm 2022 kết nạp được 18 đảng viên/ trên chỉ tiêu giao là 16 đồng chí, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 407 đồng chí. Năm 2022, Đảng bộ xã Môn Sơn cũng vinh dự được Đảng bộ huyện Con Cuông công nhận là Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. UBND xã cùng Đoàn Thanh niên, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, HĐND xã đều được xếp loại xuất sắc.

Di tích lịch sử Quốc gia “Nhà cụ Vi Văn Khang” tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu: Hoài Thu

Mạnh dạn giao việc cho các nữ “thủ lĩnh” thôn, bản

Một điều khá thú vị khi đến với xã biên giới Môn Sơn là hầu hết người đứng đầu thôn, bản hiện nay đều là phụ nữ. Bởi theo lãnh đạo xã thì khi lao động nam giới, lao động trẻ đi làm ăn xa chiếm tỷ lệ lớn thì đây cũng là giải pháp để ổn định hệ thống chính trị cơ sở, phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Toàn xã có 14 chi bộ thôn, bản, trong đó có 7 bí thư là nữ, 5 trưởng bản là nữ, 1 bí thư chi bộ kiêm trưởng bản là nữ. Các nữ “thủ lĩnh” thôn, bản đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều chị đã mạnh dạn chỉ đạo, tham mưu, đề xuất các vấn đề liên quan đến việc phát triển kinh tế của người dân. Điển hình như chị Lương Thị Tâm – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Khe Ló, “một gánh hai vai” đã cùng Chi bộ, Ban Quản lý bản đưa Khe Ló trở thành bản nông thôn mới, được cán bộ, đảng viên và người dân tín nhiệm.

Lễ công bố quyết định công nhận bản nông thôn mới cho bản Khe Ló, Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh tư liệu: Thu Trang

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ then chốt, chị Lương Thị Tâm cùng cấp ủy, Chi bộ bản Khe Ló tích cực vận động người dân phát triển chăn nuôi, sản xuất. Chị cũng là người tiên phong trong việc chuyển đổi đất ruộng xấu trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Đến nay, cả 2,6ha đất ruộng xấu đã trở thành vườn bí cho thu hoạch 2 vụ/năm với 21 hộ tham gia và đã duy trì được hơn 3 năm, cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, người dân bản Khe Ló phấn khởi vì đời sống được nâng lên.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Khe Ló Lương Thị Tâm tham gia sản xuất nông nghiệp với người dân. Ảnh: G.H

Bên cạnh đó, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Lương Thị Tâm cũng rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng hầu như năm nào Chi bộ Khe Ló cũng kết nạp được đảng viên mới. Năm 2021, Chi bộ Khe Ló có kết nạp được 2 đảng viên, năm 2022 kết nạp được 1 đảng viên là chị Hoàng Thị Long - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân và hiện nay đang chuẩn bị kết nạp một cặp vợ chồng quần chúng ưu tú - đó là chị Lô Thị Vĩnh Phúc là Bí thư Chi đoàn Thanh niên và anh Vũ Quách Tích là Thôn đội trưởng.

Kết nạp đảng viên mới ở chi bộ Khe Ló, xã Môn Sơn, Con Cuông. Ảnh: GH

Tại bản Nam Sơn cũng có một cặp bí thư chi bộ, trưởng bản nữ được người dân tin yêu. Đó là chị Quang Thị Vân và chị Ngân Thị Xuyên. Bản có 182 hộ, 823 nhân khẩu, dân tộc Thái chiếm 89%. Hiện trong bản có 50 lao động đi làm ăn ở nước ngoài, gần 300 lao động đi làm ăn ở trong nước, ở nhà chủ yếu người già và trẻ em. Tuy là phụ nữ nhưng chị Vân, chị Xuyên “quán xuyến” việc thôn, bản đâu ra đấy. Bản Nam Sơn bây giờ đường đi lối lại được đổ bê tông sạch sẽ, quang cảnh thanh bình; mỗi gia đình có bóng đèn thắp sáng ngõ nhà vào ban đêm.

Bí thư Chi bộ và Trưởng bản Nam Sơn, xã Môn Sơn trao đổi về tình hình an ninh trật tự ở thôn bản. Ảnh: ĐC

Ngoài việc sát cánh cùng cấp ủy, ban quản lý bản lãnh đạo nhân dân tích cực phát triển chăn nuôi, trồng ngô, sắn, lúa để nâng cao thu nhập, những nữ “thủ lĩnh” của bản Nam Sơn cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Trao đổi với chúng tôi, chị Quang Thị Vân - Bí thư Chi bộ bản Nam Sơn cho hay: Trước đây, trong bản có người nghiện ma túy, có hiện tượng rượu chè quá chén còn hiện nay bản không có người nghiện nữa, an ninh trật tự đi vào ổn định. Bản còn có 8 tổ tự quản và đặc biệt có 1 Câu lạc bộ "Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới Quốc gia” (gọi tắt là CLB Phụ nữ bảo vệ biên giới) hoạt động hiệu quả được cấp ủy, chính quyền ghi nhận.

“Nhờ tham gia câu lạc bộ mà chị em đã được hiểu thêm rất nhiều kiến thức về pháp luật. Nhất là những quy định về bảo vệ biên giới Quốc gia, quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ an ninh biên giới; phòng, chống buôn bán người; các chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, phụ nữ nói riêng trên mọi lĩnh vực” - Chị Quang Thị Vân cho hay.

Hiện tại ở Môn Sơn có 3 Câu lạc bộ Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới Quốc gia hoạt động hiệu quả. Ảnh: Lê Thạch

Được biết, không chỉ ở Nam Sơn mà ở bản Bắc Sơn và Làng Yên cũng có các CLB tương tự. “Hiện nay, 3 Câu lạc bộ Phụ nữ bảo vệ biên giới ở Môn Sơn có trên 100 hội viên tham gia, mỗi tháng sinh hoạt một lần, dưới sự hướng dẫn của cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn.

Tham gia câu lạc bộ, hội viên không chỉ thường xuyên cập nhật về kiến thức pháp luật mà còn có điều kiện hỗ trợ nhau trong cuộc sống, chung tay gìn giữ nét văn hóa của dân tộc, địa phương mình. Nguồn quỹ của câu lạc bộ sẽ được trích để mua giống cây trồng, vật nuôi hỗ trợ những hội viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn”, chị Vi Thị Thùy Dương - Chủ tịch Hội LHPN xã Môn Sơn cho hay.

Về đích xã biên giới “sạch” về ma túy

Là xã biên giới của huyện Con Cuông, có đường biên giới với nước bạn Lào là 36,5 km với 7 cột mốc; các xã Châu Khê, Lục Dạ đối diện, tiếp giáp địa giới với cụm bản Mường Chằm, huyện Xay Chặm Phon, tỉnh Bôlykhămxay của nước bạn; dân cư sống thưa thớt, trình độ dân trí không đồng đều… có những khó khăn nhất định trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Ra mắt mô hình xã biên giới sạch về ma tuý ở xã Môn Sơn. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Xác định yên dân, yên địa bàn, đẩy lùi tệ nạn xã hội với tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Cấp ủy, chính quyền xã Môn Sơn đã chỉ đạo hệ thống chính trị triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh biên giới, an ninh tôn giáo, trật tự an toàn xã hội, không phát sinh các điểm nóng, không để xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp lớn trong nhân dân. Nổi bật là các mô hình điển hình tiên tiến trong tái hoà nhập cộng đồng, mô hình tổ tự quản, tổ phòng cháy, chữa cháy, CLB Phụ nữ bảo vệ biên giới, 14/14 thôn, bản đều có hòm thư tố giác tội phạm. Đặc biệt, từ việc xây dựng từng thôn, bản không có ma túy, mô hình xã biên giới sạch về ma túy ở Môn Sơn được triển khai hiệu quả.

Người dân Môn Sơn luôn phát huy truyền thống cách mạng, chung sức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng thôn bản bình yên. Ảnh: CK-GH

Đại úy Lay Văn Thìn - Trưởng Công an xã Môn Sơn cho hay: Thực hiện Đề án “Xã biên giới sạch về ma túy”, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác trong nhân dân, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với các lực lượng Biên phòng và Công an xã đẩy mạnh công tác quản lý đối tượng và lập hồ sơ cai nghiện; quản lý tốt địa bàn giáp ranh. Trong đó, cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng bản, người có uy tín đi đầu trong công tác tuyên truyền, các chi bộ thôn bản đã ra nghị quyết về phòng chống ma túy, bài trừ tệ nạn xã hội.

Do đó, đạt được nhiều kết quả tích cực như: Không có tụ điểm phức tạp, điểm bán lẻ, điểm tổ chức sử dụng trái phép về ma túy, không có đối tượng, ổ nhóm, đường dây liên quan đến ma túy trên địa bàn. Hoàn thành 6/6 tiêu chí và được UBND huyện Con Cuông công bố quyết định công nhận “xã biên giới sạch về ma túy” trong năm 2022.

Bản làng trù phú bên dòng sông Giăng, xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

An ninh trật tự được bảo đảm, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, diện mạo của xã có nhiều đổi mới, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống người dân được cải thiện, bản sắc văn hóa các dân tộc, truyền thống của quê hương cách mạng được bảo tồn và phát huy.

Qua đó, đã củng cố lòng tin của người dân với cấp ủy, chính quyền, tạo động lực để đồng bào các dân tộc ở Môn Sơn xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỉ lại, phấn khởi, hăng say lao động, tăng gia sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Đồn Biên phòng Môn Sơn tuần tra trên sông Giăng. Ảnh tư liệu: Lê Quang Dũng

Mới nhất
x
Niềm vui mới ở Môn Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO