Niềm vui và những giọt nước mắt

24/12/2013 10:14

(Baonghean) - 2 năm 1 lần, 11 nước Đông Nam Á lại cử ra những vận động viên ưu tú của quốc gia mình tham dự đại hội thể thao lớn nhất khu vực. Ngoài việc tranh đua những tấm huy chương cao quý, họ là cầu nối để quảng bá hình ảnh quốc gia, thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết. Tạm biệt đất nước Myanmar, tạm biệt SEA Games 27 với nhiều niềm vui nhưng cũng không thiếu những nỗi buồn. Giờ là lúc chúng ta nhìn lại toàn diện giải đấu và hướng đến kỳ SEA Games tiếp theo trên đảo quốc sư tử Singgapore và những đấu trường cao hơn.

Trước khi đến với Myanmar, đoàn thể thao Việt Nam đã tiên liệu được những khó khăn đang chờ đợi phía trước. Nhưng với thành tích 73 HCV, 86 HCB và 86 HCĐ, xếp thứ 3 toàn đoàn thì có thể khẳng định thể thao Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra trước SEA Games 27. Để có được thành tích đó, các vận động viên, huấn luyện viên đã phải rất nỗ lực trong luyện tập, thi đấu. Vị trí thứ 3 toàn đoàn còn nhiều ý nghĩa hơn khi nước chủ nhà đã loại rất nhiều môn thi nằm trong hệ thống thi đấu Olympic như: thể dục dụng cụ, đấu kiếm, nhiều hạng cân ở môn vật…

Niềm vui của Nguyễn Thị Kim Hoàng (HCV Vovinam). Ảnh: TTXVN
Niềm vui của Nguyễn Thị Kim Hoàng (HCV Vovinam). Ảnh: TTXVN
và nước mắt của Duy Nhất - Bùi Thị Quỳnh (HCB Muay Thái). Ảnh: VTC news
...và nước mắt của Duy Nhất - Bùi Thị Quỳnh (HCB Muay Thái).
Ảnh: VTC news

Trong những năm qua, các môn thi đấu điền kinh luôn là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam. Và lần này cũng không là ngoại lệ, các vận động viên điền kinh đã đem về cho đoàn thể thao của chúng ta 10 HCV và nhiều HCB, HCĐ khác. Có thể khẳng định, họ đã hoàn thành chỉ tiêu trong hoàn cảnh luôn bị các trọng tài xử ép. Nhiều giọt nước mắt oan ức đã chảy trên đường đua, trên thảm đấu hay trên bục nhận huy chương... Chẳng hạn, vận động viên đi bộ Nguyễn Thanh Phúc, đẳng cấp của cô đã vượt khỏi tầm khu vực và vươn lên tầm khu vực và cả trên thế giới. Thế nhưng cô lại không thể giành Huy chương Vàng ở “ao làng”. Điều làm ngỡ ngàng nhiều người hâm mộ là vận động viên vô danh ở khu vực của chủ nhà Myanmar vừa đi vừa chạy lại không bị trọng tài bắt lỗi và kết quả là cô này đã về đích sớm nhất đẩy Thanh Phúc xuống vị trí thứ nhì.

Trên bục nhận huy chương, do quá uất ức cô đã khóc, nhưng nước mắt của cô cũng chỉ nhận được sự thông cảm của người hâm mộ chứ chẳng thể thay đổi được kết quả môn thi. “Vùng trũng mà, đôi khi cũng phải chấp nhận điều đó” là câu nói chua chát của nhiều nước khi tham dự SEA games trên đất khách. Hay nhà VĐTG Muay Nguyễn Trần Duy Nhất đánh đối thủ chạy quanh sàn đấu nhưng rồi cũng bị xử thua; HLV Nguyễn Thị Huyền Diệu ôm mặt khóc ngất ngoài sàn đấu khi học trò thua cuộc oan ức… Sự uất nghẹn vỡ òa vì sau bao tháng ngày khổ luyện, đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để chờ đợi giờ phút ra trận mang vinh quang về cho bản thân và Tổ quốc nhưng kết quả nhận được lại đến từ sự thiếu công tâm của những vị trọng tài. Họ bất chấp tất cả vì lợi ích thành tích trước mắt khiến bức tranh SEA Games ngày càng nhiều vệt tối hơn, đánh mất giá trị đích thực của tinh thần thể thao - Fair-Play.

Thất bại lớn nhất ở SEA Games 27 của thể thao Việt Nam là môn bóng đá nam. Trước khi lên đường sang Myanmar, đội tuyển U23 nhận được kỳ vọng rất lớn của người hâm mộ, nhưng những gì mà họ làm được thì lại là sự thất vọng. Bế tắc trong tấn công, hớ hênh trong phòng ngự, lối chơi vô hồn không bản sắc, khâu dứt điểm chỉ như những cầu thủ nghiệp dư… đã để lại bao nuối tiếc cho người hâm mộ.

Đằng sau những giọt nước mắt của Thanh Phúc và một số vận động viên khác, sau thất vọng của môn bóng đá nam, chúng ta vẫn còn có nhiều lý do để vui. Điển hình như sự trở lại của “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương trên đường chạy cự ly ngắn, cô đã chinh phục 2 tấm HCV ở nội dung 100m và 200m. Hay của anh lính Nguyễn Văn Lai (2 HCV nội dung 5.000m và 10.000m); Phạm Thị Bình – cô gái gốc Quảng Ngãi với đôi chân trần và từng gặp rắc rối với căn bệnh tim để đứng lên bục cao nhất ở môn cần nhiều thể lực là marathon…

Cũng mang lại nhiều niềm vui ở SEA Games lần này là sự trưởng thành của các vận động viên trên đường đua xanh. Trong quá khứ, môn bơi Việt Nam chưa bao giờ được đánh giá cao bởi các nước Singapore, Thái Lan hay Indonesia quá mạnh so với chúng ta. Nhưng ở kỳ SEA Games này lại hoàn toàn khác, các vận động viên bơi đã đem về tổng công 12 huy chương (5HCV, 5HCB và 2 HCĐ). Có thể nói bơi lội Việt Nam có bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Trong đó, cái tên xứng đáng được nhắc đến nhiều nhất phải là Ánh Viên.

Cô gái sinh ra ở xứ sở sông nước Phong Điền (Cần Thơ), lần đầu tiên tham dự SEA Games 2011 khi mới 15 tuổi đã gây bất ngờ lớn với 2 HCB. 2 năm sau, cô đã có bước đột phá cực lớn khi giành tới 3 tấm HCV cá nhân (200m ngửa, 200m và 400m hỗn hợp) và phá 2 kỷ lục SEA Games, qua đó chấm dứt cơn “khát vàng” SEA Games bơi nữ Việt Nam đã tồn tại 54 năm. Nếu không bị trọng tài “chơi xấu” cô đã có thể giành thêm 1 HCV nữa, nhưng chỉ với 3 HCV thôi cô cũng đã là vận động viên bơi xuất sắc nhất trong làng bơi Việt Nam. Đóng góp vào thành công chung của bơi Việt Nam là kình ngư Hoàng Quý Phước (HCV cự ly 200m tự do) và Lâm Quang Nhật gây sốc với tấm HCV cự ly bơi 1.500m.

Ở các kỳ SEA Games đã qua, võ thuật luôn đem đến cho thể thao Việt Nam nhiều huy chương nhất. SEA Games 27 cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dù các môn thi đấu võ thuật luôn bị các trọng tài chấm điểm theo cảm tính, nhất là ở các nội dung quyền biểu diễn nhưng các vận động viên võ thuật đã giành được 42 HCV trong tổng số 73 HCV của thể thao Việt Nam. Nếu trọng tài công tâm hơn trong các môn này, chắc chắn thành tích mà võ thuật đem lại không chỉ là con số 42.

Kết thúc SEA Games 27, các vận động viên thành tích cao sẽ lại chuẩn bị tập luyện để tiếp tục cho những đấu trường lớn hơn trước khi đến Singapore dự SEA Games 28. Những nụ cười chiến thắng hay giọt nước mắt thất bại cũng đều đã qua. Hy vọng sau SEA Games 27, thể thao Việt Nam sẽ đem về nhiều thành công hơn nữa, nhất là đội tuyển U23 sẽ thực hiện được ước mơ “đổi màu” huy chương.

Cảnh Nam

Niềm vui và những giọt nước mắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO