Niềm vui xóm vạn chài
(Baonghean) - Xóm chài Vận Tải (Võ Liệt - Thanh Chương) có 113 hộ, trước đây các gia đình đều sinh sống trên các con thuyền cũ kỹ, rách nát, chật hẹp, từ đời này qua đời khác. Cuộc sống của họ chủ yếu phụ thuộc vào việc đánh bắt cá trên sông, hoặc ai thuê việc gì thì làm nấy, nay neo thuyền đoạn sông này, mai đỗ đoạn sông khác. Hộ sung túc lắm cũng chỉ có một chiếc thuyền gỗ làm nơi tá túc, một chiếc đài nhỏ để nghe thông tin thời tiết cùng dăm mảnh lưới, chùm câu buông xuống lòng sông kiếm cá đổi gạo qua ngày. Số đông còn lại ngư cụ cũ kỹ, rách nát nhưng không có điều kiện mua sắm nên việc mưu sinh càng trở nên khó khăn.
Do cuộc sống bấp bênh, nên đói nghèo cứ đeo bám quanh năm, việc học hành của trẻ em ở xóm chài Vận Tải dang dở... Hơn 10 năm trở lại đây, được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, đến nay đã có 60/113 gia đình xóm Vận Tải lên bờ lập nghiệp. Xác định để giúp người dân vạn chài ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, công tác dân số phải được quan tâm đặc biệt. Sinh ít con, chí thú làm ăn nên nhiều hộ đã trở thành hộ giàu, khá; việc học hành của con em được qian tâm.
Tuyên truyền về dân số tại xóm vạn chài Vận Tải (xã Võ Liệt, Thanh Chương). |
Điển hình là hộ anh Nguyễn Viết Thành, trước đây sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, lênh đênh trên dòng sông Lam với chiếc thuyền cũ nát. Cuộc sống vất vả quanh năm và cố gắng lắm anh cũng chỉ kiếm được đủ miếng cơm, manh áo cho các con. Năm 2004, anh quyết định “lên bờ” định cư. Nhờ cần cù lao động, biết tích góp, cộng với số vốn vay ngân hàng anh đã mạnh dạn đầu tư mua máy xúc làm nghề khai thác cát, sạn. Ngoài thu nhập của gia đình mỗi năm hàng trăm triệu đồng, anh còn giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên tại địa phương. Tuy đã có của tích lũy và sinh con một bề toàn gái nhưng vợ chồng anh quyết không sinh thêm. “Ai cũng muốn có nếp có tẻ, nhưng nếu đẻ thêm con thì không có điều kiện chăm sóc con cái, thế nên chúng tôi bàn nhau không đẻ nữa để nuôi các con cho thật tốt. Ngày nay mà để các con không được học hành đến nơi đến chốn, cuộc sống của chúng sẽ vất vả lắm” - Anh Thành chia sẻ.
Vào ngày hội truyền thông dân số hàng năm, cán bộ trung tâm DS - KHHGĐ huyện cùng đội ngũ chuyên trách, cộng tác viên các xóm sẽ đến từng thuyền, thăm hỏi, thuyết phục và tư vấn các biện pháp, cung cấp các phương tiện tránh thai cho các gia đình... Trên chiếc thuyền thúng tròng trành, cùng chị Nguyễn Thị Loan - cộng tác viên dân số xóm Vận Tải chúng tôi ghé thăm những “nhà thuyền” trên sông nước. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Quỳ, chị Nguyễn Thị Dân sinh liên tục 2 cô con gái. Dù chỉ có con một bề nhưng đôi vợ chồng trẻ này cũng không muốn có thêm con thứ ba. Được chồng hiểu biết và tâm lý nên chị Dân rất thoải mái tinh thần, đã đi đặt vòng tránh thai khi được cán bộ dân số đến nhà tuyên truyền, vận động.
Theo chị Nguyễn Thị Thủy - viên chức dân số xã Võ Liệt: Những phương tiện truyền thông truyền thống như loa đài, tờ rơi, băng rôn không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả ở môi trường sông nước. Các cuộc họp thôn, xóm hay sinh hoạt CLB, các buổi truyền thông dân số ít khi họ có mặt. Cách duy nhất là cán bộ làm công tác dân số lựa chọn thời điểm thích hợp và đến tận nhà, tận các thuyền, gặp gỡ các đối tượng để triển khai chiến dịch chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phát bao cao su, thuốc tránh thai miễn phí. Đồng thời vận động các gia đình ký phiếu cam kết thực hiện gia đình ít con, không sinh con thứ ba trở lên, xây dựng gia đình văn hoá. Đối tượng được cán bộ dân số đặc biệt quan tâm là những người trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con một bề. Qua đó, người dân xóm chài được cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, cách chăm sóc sức khoẻ, thực hiện tốt việc kế hoạch hoá gia đình. Đa số người dân xóm Vận Tải bây giờ đều có ý thức cao và chấp nhận áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
6 - 7 năm trở lại đây, xóm Vận Tải tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm đáng kể, tỷ lệ mất cân bằng giới tính đã được kiểm soát. Ví như năm 2012, năm 2013 không có hộ nào sinh con thứ 3 trở lên, năm 2004 có 1 hộ và 6 tháng đầu năm 2015 này không có hộ sinh con thứ 3. Đây là tín hiệu rất đáng mừng trong công tác dân số ở một làng chài, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.
Ngọc Anh