Nợ đọng thuế: Nhiều đơn vị "Té nước theo mưa"
Theo số liệu của Cục thuế Nghệ An, đến hết tháng 2/2012, nợ đọng thuế toàn tỉnh đến 739 tỷ đồng (tính tròn). Bà Thúy Anh, Phó phòng QLN&CCNT- Cục thuế cho biết: Các đơn vị do Phòng quản lý đến cuối tháng 2 đã nợ trên 439 tỷ đồng. 10 đơn vị nợ lớn nhất nợ từ trên 2 tỷ đến 19 tỷ đồng. Trong đó có những doanh nghiệp vốn rất mạnh như: Công ty TNHH Tổng công ty đầu tư và hợp tác kinh tế Việt- Lào, nợ 19,4 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư và phát triển Miền Trung nợ 14,4 tỷ đồng; Công ty xây dựng cầu đường Nghệ An nợ 13,8 tỷ đồng...
(Baonghean) - Theo số liệu của Cục thuế Nghệ An, đến hết tháng 2/2012, nợ đọng thuế toàn tỉnh đến 739 tỷ đồng (tính tròn). Bà Thúy Anh, Phó phòng QLN&CCNT- Cục thuế cho biết: Các đơn vị do Phòng quản lý đến cuối tháng 2 đã nợ trên 439 tỷ đồng. 10 đơn vị nợ lớn nhất nợ từ trên 2 tỷ đến 19 tỷ đồng. Trong đó có những doanh nghiệp vốn rất mạnh như: Công ty TNHH Tổng công ty đầu tư và hợp tác kinh tế Việt- Lào, nợ 19,4 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư và phát triển Miền Trung nợ 14,4 tỷ đồng; Công ty xây dựng cầu đường Nghệ An nợ 13,8 tỷ đồng...
Hiện nay, bên cạnh khó khăn chung suy giảm kinh tế, lạm phát, ảnh hưởng của cắt giảm xây dựng cơ bản sau thực hiện Nghị quyết 11/CP thì một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp chưa thấy rõ nghĩa vụ tự giác nộp thuế. Họ cố tình dây dưa chiếm dụng tiền thuế, do việc vay vốn ngân hàng phải có nhiều thủ tục, lãi suất ngân hàng lớn hơn tỷ lệ phạt chậm nộp thuế. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một số doanh nghiệp khó khăn thật sự, cần được tháo gỡ.
Hiện nay danh sách đơn vị nợ đọng thuế nhiều nhất và đại diện cho 3 loại hình thu khó là: nhóm các đơn vị xây dựng cơ bản chịu ảnh hưởng trực tiếp của nghị quyết 11/CP; nhóm kinh doanh bất động sản đang đóng băng và nhóm dịch vụ vận tải là nhóm chịu trực tiếp về xăng dầu lên giá thời gian qua.
Làm đường giao thông ở Nghi Lộc. Ảnh: Sỹ Minh
Đến Công ty CP 473, không khí vắng tanh, Phó phòng hành chính buồn rầu cho biết: "Không phải do không vay được vốn ngân hàng để sản xuất, không phải không có công trình để làm mà... không thanh toán được. Ví dụ cầu làm cầu Phùng (Hà Nội), khánh thành trong dịp "Nghìn năm Thăng Long" trên 20 tỷ đồng vẫn đi đòi nợ. Rồi cầu Thấp ở Thái Bình, xong từ trước tết dương lịch bên A vẫn chưa thanh toán do thiếu nguồn. Cầu Bến Lức (tuyến Sài Gòn Trung Lương) cũng vậy, thi công xong vẫn bị chủ đầu tư nợ trên 20 tỷ đồng. Ngay như cầu Bến Thủy 2 ở Nghệ An, nhiều hạng mục, khối lượng làm xong vẫn chưa được giải ngân. Còn nợ kéo dài vì do "khê" từ trước mốc khi cổ phần hóa. Đơn vị mới cổ phần được 2 năm. Nhưng ngoài phải trả nợ thuế mới còn phải gánh 10 tỷ nợ cũ".
Tại Công ty Taxi Vạn Xuân, anh Nguyễn Xuân Đạt giám đốc điều hành cho biết: công ty mới nợ trong tháng 2 thôi (năm ngoái vẫn danh hiệu doanh nghiệp hoàn thành thuế xuất sắc!) Nhưng quả là dịch vụ vận tải năm nay khó hơn trước thật! Có lẽ kinh tế suy giảm, đời sống khó khăn thì nhu cầu đi lại của dân cũng bớt. Việc giá xăng tăng thêm 2 nghìn đồng/lít làm cho công ty tiến thoái lưỡng nan vì, nếu tăng giá tương ứng thì sẽ bớt khách, để mức cũ thì không có lãi. Dù sao công ty vẫn đang hy vọng mùa du lịch này khách đông lên, sẽ thanh toán bù lại số nợ đang tồn đọng".
Bên cạnh nhiều đơn vị khó khăn do chịu tác động của suy giảm kinh tế, lạm phát tăng; chi phí hàng hóa nguyên nhiên vật liệu đầu vào liên tục gia tăng; ngân hàng thắt chặt việc cho vay vốn, lãi suất tiền vay cao, các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả không có nguồn để nộp thuế đúng hạn. Theo tìm hiểu của phóng viên vẫn còn nhiều đơn vị "Té nước theo mưa", chây ì, nợ chồng lên nợ, không bao giờ là không nợ. Hiện nay các đoàn kiểm tra của tỉnh đang tiến hành kiểm tra để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật thuế.
Thành Nam - Lương Mai