Nỗ lực bảo tồn và phát triển nền Đông y tỉnh nhà

28/09/2015 09:35

(Baonghean) - Thành lập năm 1959 với số lượng hội viên ban đầu chỉ gần 100 người, đến nay Hội Đông y tỉnh Nghệ An đã có mạng lưới tổ chức hội và hội viên rộng khắp từ cấp huyện hội đến xã, phường, góp phần bảo tồn, phát triển ngành Đông y của tỉnh nhà đồng thời cùng ngành Y tế khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Hội Đông y tỉnh đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh và bảo tồn các nguồn dược liệu quý hiếm…

Phát triển mạng lưới và tổ chức Hội

Nhiệm kỳ qua, Hội Đông y Nghệ An đã không ngừng hoàn thiện tổ chức Hội, phát triển hội viên và xây dựng Hội vững mạnh, góp phần hỗ trợ hội viên hoạt động. Năm 2010, Hội có 18/20 đơn vị cấp huyện, thành, thị có tổ chức hội, đến nay mạng lưới hội đã phủ khắp toàn tỉnh 20/20 huyện, thành, thị. Đặc biệt, Hội Đông y đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thành lập chi Hội Đông y của Quân y Bộ đội Biên phòng với trên 40 hội viên phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thuộc 42 xã vùng biên giới. Tổ chức Hội không ngừng hoàn thiện, số lượng hội viên tiếp tục gia tăng và ngày càng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, hoạt động tích cực, góp phần quan trọng trong việc phát triển ngành Đông y tỉnh nhà.

Trồng dược liệu tại Hội Đông y tỉnh Nghệ An.
Trồng dược liệu tại Hội Đông y tỉnh Nghệ An.

Là tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hội Đông y tỉnh là nơi sinh hoạt hội, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, phát triển và bảo tồn các bài thuốc quý, các giống cây, con dược liệu quan trọng. Phối hợp với các đơn vị Trung ương, mời các giáo sư đầu ngành về tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho hàng ngàn lượt hội viên. Hội đã chủ trì biên soạn cuốn sách “Những bài thuốc Đông y xứ Nghệ” tập hợp hơn 1.000 bài thuốc hay làm tài liệu tham khảo có giá trị đối với những người làm nghề Đông y hoặc nghiên cứu về Đông y. Quán triệt công tác thừa kế là một nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên, Hội luôn sưu tầm trong nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc ít người, những bài thuốc hay, những cây thuốc quý không để mai một thất truyền. Hội cũng tham gia dự án bảo tồn, bảo hộ rừng đặc dụng ở Quế Phong; chỉ đạo các huyện hội hướng dẫn các hội viên phối hợp trạm y tế các xã, phường xây dựng vườn mẫu thuốc nam đạt tiêu chí chuẩn quốc gia. Đặc biệt có hội viên như lương y Hưng ở Quỳ Hợp đã chăm sóc vườn thuốc rộng hơn 7ha có trên 300 loại cây thuốc, trong đó có nhiều cây thuốc quý hiếm có giá trị chữa bệnh cao như: tang ký sinh, lá khôi tím… Hàng năm thu hái hàng chục tấn đưa vào phục vụ người bệnh tại chỗ và xuất đi các nơi.

Công tác nghiên cứu khoa học được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt, trong 5 năm các hội viên đã nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng được trên 30 đề tài, nhiều đề tài có chất lượng và được ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh, mang lại hiệu quả cao. Về công tác đào tạo, Hội đã phối hợp với các đơn vị có chức năng đào tạo nhân lực Y học cổ truyền, đã đào tạo được 100 y sỹ y học cổ truyền là những nòng cốt cho hoạt động Đông y tại cơ sở.

Tăng cường công tác khám chữa bệnh

Xác định khám chữa bệnh là nhiệm vụ trọng tâm và là một chức năng quan trọng bậc nhất của Hội, những năm qua lãnh đạo Hội đã không ngừng chỉ đạo, hướng dẫn các hội viên thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn như sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ... được các sở, ngành và nhân dân ghi nhận. Để công tác khám, chữa bệnh được phát huy, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 282 đơn vị với 250 tổ chẩn trị và trên 250 phòng mạch tư nhân với gần 2.000 hội viên. Đặc biệt, có xã số hội viên lên tới hàng trăm người như xã Hạnh Dịch (Quế Phong). Số lượng hội viên có trình độ chuyên môn tiếp tục gia tăng như bác sỹ Chuyên khoa I, Chuyên Khoa II (150 người), y sỹ Đông y, dược sỹ... Từ năm 2010-2015, các cấp hội đã khám điều trị cho gần 5 triệu lượt bệnh nhân, nhiều phòng chẩn trị tư nhân đã chữa được nhiều bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo mà Tây y còn gặp khó khăn như phòng chẩn trị của lương y Phùng ở Đô Lương, lương y Hưng ở Quỳ Hợp, lương y Tý, bác sỹ Hoành ở TP. Vinh, lương y Xuân ở Con Cuông, lương y Hợi ở Trung tâm thừa kế ứng dụng… Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân, từng hội viên đã vận dụng mọi biện pháp dùng thuốc, không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, chích lễ, ngâm xông… các thủ thuật thao tác ngày càng được nhiều bệnh nhân tín nhiệm, uy tín của việc chữa bệnh bằng Đông y ngày càng cao.

Cùng với việc khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Hội cũng luôn quan tâm đến việc khám chữa bệnh từ thiện cho các đối tượng chính sách như thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, người nghèo. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã khám, cấp thuốc miễn phí cho gần 10.000 lượt bệnh nhân, trị giá khoảng trên 1.5 tỷ đồng, ngoài ra Hội còn tích cực hưởng ứng các cuộc phát động của MTTQ ủng hộ gạo, thuốc cho đồng bào bị bão lụt, ủng hộ tiền Tết cho người nghèo…

Có thể nói, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Hội không những làm tốt vai trò của mình mà còn chú trọng khơi dậy phong trào thi đua học tập, sáng tạo, không ngừng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành Đông y. Đồng thời nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, chung tay phòng, chống dịch bệnh và phát huy gương sáng y đức trong hành nghề y dược. Với những đóng góp to lớn của Hội đối với sự nghiệp phát triển ngành Đông y nói chung và trong công tác phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh nói riêng, Hội Đông y Nghệ An đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc 5 năm; Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Ba cho cá nhân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thầy thuốc ưu tú- DsCKI. HOÀNG VĂN HẢO

(Chủ tịch Hội Đông y Nghệ An)

Mới nhất

x
Nỗ lực bảo tồn và phát triển nền Đông y tỉnh nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO