Nỗ lực đưa Israel ra tòa án hình sự quốc tế của Tổng thống Abbas
(Baonghean) - Ngày 1/4 vừa qua, Palestine chính thức gia nhập Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) sau 3 tháng Palestine tham gia Quy chế Rome. Động thái này được coi là nhằm mở đường cho các biện pháp pháp lý của Palestine chống Israel của Tổng thống Mahmoud Abbas sau những gì mà Nhà nước Do Thái đã gây ra trong cuộc chiến 50 ngày vào năm ngoái và việc Thủ tướng Israel Netanyahu vẫn quyết tâm xây dựng khu định cư ở dải Gaza. Tuy nhiên, để đạt được mục đích trên là điều tương đối khó khăn, không những thế nhiều khả năng sẽ đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine thêm bế tắc…
Tổng thống Mahmoud Abbas sinh ngày 26/3/1935 tại Thành phố cổ Safed, nay là Isareal, tên đầy đủ của ông là Mahmoud Reda Abbas "Abu Mazen"; năm 1948 ông cùng gia đình phải lánh nạn trong cuộc biến động bang Do Thái. Năm 20 tuổi ông đã tham gia nhóm Palestine và là nhân tố quan trọng trong việc thành lập Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) năm 1964. Ông tự tách mình ra khỏi các hoạt động khủng bố, ở lại Syria khi PLO rời trụ sở quân sự tới Libăng những năm 1970. Ông trở thành một trong những quan chức đầu tiên của PLO hướng các nhà thương thuyết đạt được hiệp định hòa bình năm 1990. Ông trở lại Palestin năm 1995 và trở thành Tổng Thư ký Hội đồng chấp hành của PLO năm 1996. Về học vấn, ông từng tốt nghiệp Trường Đại học Damascus với Bằng Cử nhân Luật năm 1958; nhận bằng Tiến sỹ tại Viện Nghiên cứu Phương Đông ở Moscow năm 1982 với đề tài nghiên cứu “Quan hệ bí mật giữa Chủ nghĩa phát xít và phong trào Phục quốc Do Thái”.
Ông Abbas mừng chiến thắng sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố. |
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2005, Mahmoud Abbas đã tuyên bố một cách rõ ràng, sẽ không chùn bước trước những đòi hỏi nguyên tắc của Palestine: Người tị nạn trở về, giải phóng 7.000 tù nhân trong các nhà tù ở Israel và thiết lập một nhà nước Palestine tại Bờ Tây và dải Gaza, Đông Jerusalem sẽ trở thành thủ đô. Chiến dịch tranh cử với những cam kết mạnh mẽ ấy nên Mahmoud Abbas giành được sự tin tưởng lớn của cử tri (với 66,3% số phiếu bầu), bỏ xa đối thủ chính là ông Moustapha Barghouti (chỉ được 19,7%). Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, người dân Thành phố Ramallah đã đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của ông Abbas.
Niềm tin của cử tri về một nhà nước độc lập càng lớn hơn khi nhiều quan chức cao cấp Israel khẳng định, với việc bầu ông Mahmoud Abbas làm Tổng thống, người dân Palestine đã mở ra một kỷ nguyên hòa bình mới với những vấn đề sẽ được giải quyết thông qua con đường thỏa hiệp và đối thoại. Vài giờ trước khi cuộc bầu cử kết thúc, Israel thông báo sẽ nối lại các cuộc đàm phán với chính quyền Palestine sớm trong trường hợp ông Abbas thắng cử. Tuyên bố trên truyền hình quốc gia, Ngoại trưởng Israel, ông Sylvan Shalom, khẳng định: “Chúng tôi (Israel) sẵn sàng xem xét việc thả một số tù nhân Palestine và dỡ bỏ các trạm kiểm soát lập tại các thành phố”. Trước đó Thủ tướng Israel Ariel Sharon lúc bấy giờ cũng cho biết sẵn sàng gặp tân Tổng thống của Palestine để bàn về kế hoạch rút quân đội Israel khỏi dải Gaza và 4 địa điểm ở Cisjordani.
Cuộc chiến kéo dài 50 ngày tại Gaza hồi mùa hè 2014 đã khiến nơi đây thành đống đổ nát. |
Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Mahmoud Abbas lên nắm quyền từ năm 2005 tới nay, bất chấp những nỗ lực ngoại giao, những cuộc chiến pháp lý do phía Palestines khởi động và được hầu hết cộng đồng quốc tế ủng hộ, nhưng triển vọng của việc chung sống hòa bình ở dải Gaza và một nhà nước Palestines độc lập dường như vẫn chỉ là giấc mơ của người dân vùng Trung Đông này. Không những thế, vào ngày 8/7 năm ngoái, Israel đã mở cuộc chiến 50 ngày mang tên Chiến dịch Vành đai Bảo vệ. Là một chiến dịch quân sự do Lực lượng Phòng vệ Israel tiến hành ở dải Gaza của Palestine. Nguyên nhân của chiến dịch là do trong quá trình tìm kiếm 3 thanh, thiếu niên Israel bị bắt cóc và bị sát hại vào tháng 6/2014, Quân đội Israel đã giết chết 10 người Palestine, làm bị thương 130 người và bố ráp 500 - 600 cá nhân Hamas liên quan.
Đáp trả lại, Hamas gia tăng các cuộc tấn công rocket vào Israel. Theo thống kê chính thức từ chính quyền Palestine, cuộc chiến 50 ngày đã khiến hơn 2.100 người thiệt mạng và khoảng 11 ngàn người bị thương, nạn nhân chủ yếu là dân thường; hơn 15.500 căn nhà bị phá hủy, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà máy điện duy nhất ở khu vực này và thiêu rụi hàng chục nhà máy. Việc tái thiết lại đống đổ nát hoang tàn sau chiến tranh theo tính toán phải tiêu tốn đến khoảng 7,7 tỷ USD và gần 10 năm, nhưng với điều kiện Israel phải rút khỏi lãnh thổ chiếm đóng và không phát động một cuộc chiến nào khác.
Còn nếu tính từ khi ông Mahmoud Abbas trở thành tổng thống, dải Gaza đã trải qua 3 cuộc chiến tranh tàn khốc và vẫn đang đặt dưới lệnh bao vây của Israel kể từ tháng 6/2007. Đây là nguyên nhân khiến mức sống của người dân Gaza rất thấp, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục và tình trạng đói nghèo liên tục tăng.
Vậy sau khi gia nhập tổ chức Tòa án Hình sự quốc tế, liệu nỗ lực đưa những cá nhân, tổ chức ở Israel ra tòa của Tổng thống Mahmoud Abbas có thành hiện thực? Đây rõ ràng là câu hỏi không dễ trả lời. Bởi theo các nhà phân tích chính trị, sau khi chính thức trở thành thành viên Tòa án Hình sự Quốc tế, Palestine có thể tiến hành các thủ tục với hy vọng đưa ra các lãnh đạo Israel ra xét xử trước định chế này. Phía Palestine sẽ phải trình bày với Tòa án về tình hình, thông báo cho Tòa các tội ác mà Israel gây ra, ví dụ trong cuộc xung đột gần đây nhất ở dải Gaza.
Tiếp theo, Chưởng lý của Tòa án Hình sự Quốc tế sẽ quyết định có mở điều tra hay không. Các thủ tục cần phải làm để tòa xét xử những lãnh đạo Israel sẽ rất lâu và không có gì là chắc chắn cả. Tuy nhiên, rất phẫn nộ về các cuộc chiến triền miên và bị Israel chiếm đóng nhiều thập niên, phía Palestine đã quyết định quốc tế hóa vấn đề này. Mặt khác, họ cũng ít có hy vọng thành lập được một nhà nước Palestine. Và trên thực tế, Tòa án Hình sự quốc tế có thể truy tố Israel dù Israel chưa gia nhập Tòa án Hình sự quốc tế. Nhưng đó chỉ là lý thuyết bởi rất khó bắt giữ các nghi can Israel bởi tòa không có lực lượng chấp pháp riêng và phải lệ thuộc thái độ hợp tác của các nước thành viên.
Như vậy, Palestine đã chính thức gia nhập ICC vào ngày 1/4 vừa qua, trong nỗ lực của Tổng thống Mahmoud Abbas để mở đường cho việc truy tố Israel vì những tội ác chiến tranh trong bối cảnh tiến trình hòa bình Palestine-Israel đang bị ngưng trệ được dự đoán vẫn còn là con đường nhiều chông gai phía trước. Vấn đề là việc Palestine quốc tế hóa tranh chấp dù được cộng đồng quốc tế ủng hộ nhưng vấp phải sự phải đối quyết liệt từ chính quyền ở Israel, vì thế nhiều khả năng thời gian tới đây, căng thẳng lại sẽ leo thang ở khu vực vốn chưa bao giờ bình yên này và tiến trình đàm phán hòa bình cho dải Gaza sẽ thêm phần trắc trở.
Cảnh Nam