Nỗ lực đưa tín dụng chính sách đến với người nghèo ở Nghệ An

Thu Huyền 14/07/2020 06:49

(Baonghean) - Với mục tiêu hỗ trợ các đối tượng chính sách ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi của chính phủ đã đến nhiều đối tượng với nhiều chương trình cho vay phong phú.

Vượt lên hoàn cảnh nhờ vốn vay chính sách

Chồng mất sớm, 1 mình nuôi 2 con, kinh tế chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng khoán nên cuộc sống 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Dương ở xóm Phú Lộc, xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2016, gia đình chị được ngân hàng tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo.

Có vốn, chị Dương đã đầu tư chăn nuôi bò vỗ béo. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăn nuôi, biết đầu tư đúng hướng nên đã phát huy hiệu quả đồng vốn, thoát khỏi hộ nghèo. Năm 2017, NHCS huyện Nam Đàn cho vay 25 triệu đồng để chị tu sửa nhà ở, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của gia đình và 50 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo để chăn nuôi bò.
Đối với gia đình anh Trần Khắc Nhượng - hội viên Hội CCB ở xóm Hội 3, xã Kim Liên thì ngoài việc được vay vốn phát triển kinh tế gia đình, anh còn được vay từ chương trình học sinh, sinh viên để nuôi 2 con học đại học. Hiện, các con của gia đình anh đã học xong đại học và đã ra trường có việc làm.

Thương binh Trần Khắc Nhượng ở xóm Hội 3, Kim Liên thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ vốn vay ngân hàng chính sách. Ảnh: Thu Huyền
Thương binh Trần Khắc Nhượng ở xóm Hội 3, Kim Liên thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ vốn vay ngân hàng chính sách. Ảnh: Thu Huyền

“Chúng tôi được vay vốn với lãi suất thấp, hàng tháng trả lãi cũng rất thuận tiện. Những đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thực sự là niềm hi vọng, giúp gia đình nông dân như chúng tôi có điều kiện thoát nghèo, nuôi con ăn học”- anh Nhượng chia sẻ.

Song song với việc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, NHCS huyện Nam Đàn còn triển khai chương trình tiết kiệm gửi góp linh hoạt xuống tận các Tổ tiết kiện vay vốn (TTKVV) ở cơ sở.

Không chỉ giúp khách hàng sử dụng vốn vay hiệu quả, nâng cao ý thức tiết kiệm mà còn giúp ngân hàng tăng cường năng lực nguồn vốn. Chẳng hạn trường hợp chị Nguyễn Thị Dương, 2 năm trở lại đây, ngoài trả lãi suất, hàng tháng chị tiết kiệm từ 400.000 - 600.000 đồng qua tổ vay vốn và gửi tiết kiệm. Nhờ vậy, gia đình chị đã dần trả được cả gốc và lãi có điều kiện nuôi con ăn học.

Hàng năm, NHCSXH huyện Nam Đàn đã tham mưu Ban đại diện HĐQT chỉ đạo thực hiện xây dựng kế hoạch từ thôn, xóm; tham mưu phân bổ nguồn vốn mới kịp thời.

Thương binh Phan Viết Hài ở xóm 6, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn vay vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi bò. Ảnh: Thu Huyền
Thương binh Phan Viết Hài ở xóm 6, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn vay vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi bò. Ảnh: Thu Huyền

Ông Nguyễn Sỹ Hải – Giám đốc NHCSXH huyện Nam Đàn cho biết: Việc xây dựng kế hoạch tín dụng hàng năm được thực hiện theo đúng quy định, nhất là việc huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương. Năm 2019 huy động 1.900 triệu đồng (trong đó ngân sách huyện 200 triệu đồng, Tập đoàn Bảo Sơn 1,5 tỷ đồng, Huyện đoàn 200 triệu đồng), 4 tháng đầu năm Phòng giao dịch đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện trích ngân sách cho huyện chuyển 300 triệu đồng, hoàn thành 60% kế hoạch giao. Đến nay tổng nguồn ngân sách đạt trên 2,7 tỷ đồng; nguồn vốn huy động tiết kiệm đạt 93 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch giao.

Cần có giải pháp tăng nguồn vốn

6 tháng đầu năm, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đối với kinh tế - xã hội nhưng NHCSXH tỉnh đã bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội để tập trung chỉ đạo, thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trong điều kiện vừa chống dịch vừa thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội.

Đến 30/6/2020, tổng nguồn vốn đạt 8.882 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng trên 6%; Doanh số cho vay 1.653 tỷ đồng; Tổng dư nợ đạt 8.865 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 6,03%. Một số chương trình có tốc độ tăng trưởng dư nợ tốt như: cho vay nhà ở xã hội tăng 65,31%; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tăng 19,68%; cho vay hỗ trợ việc làm/tạo việc làm tăng 15,95%; cho vay hộ mới thoát nghèo tăng 11,65%; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn tăng 11,26%;...

Đồ họa: Hữu Quân

Các chương trình có doanh số giải ngân lớn, ổn định và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Doanh số thu nợ đạt 1.147 tỷ đồng, chiếm 69,4% doanh số cho vay, góp phần quan trọng tạo nguồn vốn cho vay quay vòng ổn định, chủ động tại địa phương, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong điều kiện vốn cấp từ trung ương gặp khó khăn.

Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc NHCSXH chi nhánh Nghệ An

Công tác nhận tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua Tổ TKVV tiếp tục được các cấp hội nhận ủy thác phối hợp cùng Ngân hàng thực hiện tốt, ngày càng đi vào nề nếp. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách hiểu rõ ý nghĩa của chương trình tiết kiệm gửi hàng tháng qua Tổ, từ đó có ý thức tiết kiệm trong chi tiêu, thực hành gửi đều hàng tháng vào NHCSXH để tạo nguồn trả nợ, trả lãi. Đến 30/6/2020, số dư tiền gửi tiết kiệm của các tổ viên thông qua Tổ TKVV đạt 493 tỷ đồng, tăng 43 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 64% chỉ tiêu tăng trưởng trung ương giao cả năm.

Chị em tổ tiết kiệm và vay vốn bản Làng Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) phát triển nghề dệt thổ cẩm từ vốn vay Ngân hàng CSXH. Ảnh: Thu Huyền
Chị em tổ tiết kiệm và vay vốn bản Làng Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) phát triển nghề dệt thổ cẩm từ vốn vay Ngân hàng CSXH. Ảnh: Thu Huyền

Mới đây, tại giao ban thường kỳ Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lê Hồng Vinh đề nghị, thời gian tới, cần tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương; tích cực thực hiện tốt công tác huy động nguồn vốn tiền gửi và nguồn vốn thu hồi nợ quay vòng để tập trung giải ngân đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là việc cho vay để phục hồi sản xuất sau dịch bệnh.

Các tổ chức nhận ủy thác chỉ đạo và thực hiện tốt công tác bình xét vay vốn đảm bảo công khai, dân chủ, chính xác; Tập trung chỉ đạo thu hồi và xử lý nợ đến hạn; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các biện pháp xử lý quyết liệt hơn nữa đối với các trường hợp có điều kiện trả nợ nhưng cố tình dây dưa, chây ỳ, các đối tượng sử dụng vốn sai mục đích.

Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị ngành Lao động thương binh và xã hội cần thực hiện tốt Thông tư 17 trong rà soát, cập nhật đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở để các đối tượng này được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời.

6 tháng đầu năm 2020, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thực hiện cấp vốn tín dụng ưu đãi cho 40.813 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, trong đó có: 5.801 hộ nghèo; 11.106 hộ cận nghèo được vay vốn; 6.973 hộ mới thoát nghèo và 4.553 hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất kinh doanh; 1.714 lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm; 05 lao động thuộc gia đình có công với cách mạng được vay vốn đi XKLĐ; 9.881 gia đình khác tại vùng nông thôn vay vốn cải tạo/xây mới công trình chứa nước sạch, công trình vệ sinh nâng cao chất lượng cuộc sống; 81 hộ gia đình được vay vốn để xây/mua nhà ở xã hội; 656 hộ gia đình là đồng bào DTTS nghèo được thụ hưởng tín dụng chính sách (587 hộ vay vốn đầu tư vào sản xuất, 69 hộ vay vốn đi XKLĐ); 34 thành viên tổ hợp tác xã được vay vốn sản xuất và 09 hộ dân trồng rừng được vay vốn phát triển kinh tế rừng.

Mới nhất
x
Nỗ lực đưa tín dụng chính sách đến với người nghèo ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO