Nỗ lực giải quyết "điểm nóng" môi trường
(Baonghean) - Trong quá trình phát triển kinh tế, đòi hỏi các cấp ngành, địa phương phải giải quyết mâu thuẫn giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường. Trên địa bàn tỉnh, công tác này được thực hiện với sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, tạo những chuyển biến tích cực, giảm thiểu nhiều “điểm nóng” ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo từ Chi cục Bảo vệ môi trường, trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở được xếp vào danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến thời điểm này, đã có 7/10 cơ sở hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm và được đưa ra khỏi danh sách nêu trên. Ở 3 cơ sở còn lại, phấn đấu trong năm 2015 sẽ cố gắng hoàn thiện.
Ngoài các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thông qua phản ánh của nhân dân và các cơ quan báo chí, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phát sinh lần lượt được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương vào cuộc và xử lý quyết liệt, góp phần “giảm nhiệt” về tình trạng gây ô nhiễm, không có những điểm “nóng” như những năm trước đây.
Bà Nguyễn Thị An Phong, đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại huyện Nghi Lộc khẳng định: “Các kỳ tiếp xúc cử tri trước đây, vấn đề ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất tại KCN Nam Cấm luôn là vấn đề “nóng” được cử tri đề cập, nhưng tại kỳ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVI, cử tri không còn đề cập nữa. Điều đó chứng tỏ, các cấp, ngành đã giải quyết tốt”.
![]() |
Nước đầu nguồn dẫn vào hồ Tràng Đen, xã Nam Hưng (Nam Đàn) bị ô nhiễm. |
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp mặc dù đã bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn chưa khắc phục hậu quả, thiếu hợp tác với chính quyền địa phương trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dư luận. Hoặc có những cơ sở mặc dù đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn gây ô nhiễm, mà theo nhiều ý kiến, có hai khả năng xảy ra, một là trong quá trình điều hành hệ thống xử lý chất thải, một số cơ sở đã để xảy ra sự cố; khả năng thứ hai là một số cơ sở cố tình ngừng vận hành hệ thống xử lý chất thải trong quá trình sản xuất của mình.
Đơn cử tại Nhà máy bao bì Sabeco của Công ty CP Sabeco Sông Lam, theo phản ánh của ông Nguyễn Tiến Thanh, cán bộ tiếp dân xã Hưng Đông (TP.Vinh), mặc dù doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải và cơ quan chức năng thẩm định, nhưng có những thời điểm cơ sở này vẫn gây ô nhiễm môi trường về nước và khí thải, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Dẫn chứng về sự việc gần đây nhất, vào ngày 20/3/2015, sau khi nhận được tin của nhân dân báo, đại diện các đơn vị, gồm Ban Quản lý KKT Đông Nam, Công ty đầu tư phát triển KCN Bắc Vinh, Phòng Tài nguyên – Môi trường Thành phố Vinh và UBND xã Hưng Đông đã có mặt tại hiện trường và xác nhận nước xả thải từ Nhà máy bao bì Sabeco Sông Lam có mùi hôi, hắc khó chịu, màu nước đục trắng, đậm đặc pha tạp nhiều hóa chất. Sự việc này cũng đã được ông Lê Quang Hòa, Phó trưởng Ban Quản lý KKT Đông Nam thừa nhận tại cuộc làm việc với Thường trực HĐND tỉnh về công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại các KCN. Tuy vậy, doanh nghiệp không thừa nhận việc gây ô nhiễm của mình, còn phía các cơ quan chức năng thì chưa có cơ sở để xác định cụ thể và chính xác việc ô nhiễm từ nhà máy, bởi nước thải từ nhà máy được thải chung trong hệ thống mương tiêu của xã Hưng Đông đi ngầm qua nhà máy.
Ông Trần Minh Sơn, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh, cho rằng “Hiện tại rất khó để xác định, nếu chui vào trong ống ngầm để kiểm tra rất nguy hiểm đến tính mạng do ngạt khí độc. Phòng Cảnh sát môi trường đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi và bằng các nghiệp vụ để xác minh, làm rõ, khi phát hiện sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.
Trong quá trình phát triển nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy, đi vào hoạt động trước, đi vào sản xuất gây ô nhiễm, các cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc mới xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Cùng đó, một số doanh nghiệp vì lợi nhuận, không quan tâm đến quyền lợi của cộng đồng nên cố tình lợi dụng khi trời mưa, hoặc ban đêm, ngày nghỉ lễ, cuối tuần để xả thải không qua xử lý (không vận hành hệ thống xử lý chất thải, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một lượng kinh phí vận hành bao gồm công lao động, điện, nước, hóa chất....).
Theo ông Hồ Sỹ Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh: Để có thể giải quyết ô nhiễm môi trường một cách triệt để, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành, điều quan trọng là ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và vai trò giám sát của địa phương, người dân. Khi phát hiện việc gây hại môi trường của doanh nghiệp, người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để vào cuộc kịp thời...
Mai Hoa