Nỗ lực khắc phục sự cố

28/11/2013 11:10

(Baonghean) - Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các huyện miền núi đã và đang khẩn trương triển khai khắc phục các tuyến đường giao thông bị hư hỏng sau mưa lũ. Song, do thiếu vốn nên công tác khắc phục còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những công trình, điểm quan trọng, xung yếu.

(Baonghean) - Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các huyện miền núi đã và đang khẩn trương triển khai khắc phục các tuyến đường giao thông bị hư hỏng sau mưa lũ. Song, do thiếu vốn nên công tác khắc phục còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những công trình, điểm quan trọng, xung yếu.

Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp sau đợt mưa bão đã gây thiệt hại khá nặng. Tại xã Châu Lý, nước lũ đã phá hỏng nhiều tuyến đường liên thôn, liên bản. Gây sạt lở ta luy dương nhiều nhất là ở bản Vực, bản Bùng, bản Choọng trên 7 km, lũ cuốn trôi các cầu tràn ở bản Dền, bản Xáo, bản Cồn… Bên cạnh đó, tại xã Yên Hợp hệ thống đường liên bản hầu hết bị sạt lở, nặng nhất là tuyến liên bản Xạt, bản Bọc, bản Thơ dài trên 7km nhiều đoạn đường bị lở núi và sạt lở đất xuống khe suối. Tuyến Na Phê - Đồng Mồng một số đoạn bị lún 60cm.

Ông Hoàng Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp cho biết: Mùa mưa bão năm nay kéo dài làm ảnh hưởng trên hầu hết các tuyến đường từ trung tâm huyện tới các bản, xã. Đặc biệt có gần 40 cầu, tràn và cống lớn nhỏ bị cuốn trôi hư hỏng nặng, ước tính có hàng chục km đường bị hư hỏng do mưa lũ, tổng thiệt hại ước tính trên 50 tỷ đồng về hoa màu, và hệ thống cơ sở hạ tầng. Bằng nguồn vốn khắc phục lụt bão của năm 2012, huyện đã tiến hành sửa chữa và khắc phục xong những thiệt hại do mưa lũ gây ra, ưu tiên những điểm hư hỏng nhẹ đảm bảo giao thông cho người dân.

Tại Tân Kỳ, huyện đang khẩn trương thi công tuyến đường từ xã Phú Sơn đi Tiên Kỳ. Tuyến đường dài 8km, nền đất nên hàng năm vào mùa mưa lũ, đường bị lầy lội, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Đoạn qua địa phận xã Phú Sơn, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhà thầu thi công đang tiến hành đổ cấp phối, đắp những đoạn sạt lở, xói mòn do mưa lũ gây ra. Ông La Văn Thiều, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ cho biết: Người dân trên địa bàn xã hết khổ với tuyến đường này. Vào mùa mưa lũ, đường lầy lội, sạt lở tạo nhiều khe, rãnh nên các phương tiện như ô tô, xe máy rất khó qua lại. Vừa rồi, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã về tiến hành khảo sát và quyết định sửa chữa tuyến đường này bằng cách đổ đá cấp phối.

Công tác khắc phục các tuyến đường giao thông cũng được huyện Quỳ Châu tập trung triển khai. Đoạn đường từ Thị trấn Tân Lạc đi Châu Phong đoạn qua dốc Bù Xén là tuyến đường duy nhất nối từ trung tâm huyện vào 3 xã Châu Phong, Châu Hoàn và Diên Lãm hiện đã hoàn thành. Do đi qua địa hình đồi núi nên vào mùa mưa, tuyến đường này thường xuyên bị sạt lở ta luy dương, ta luy âm khiến cho việc đi lại của người dân khó khăn. Năm 2012, huyện đã cho khởi công dự án sửa chữa đường đoạn qua dốc Bù Xén với biện pháp là nắn tuyến, xây kè ta luy âm. Tổng kinh phí của dự án là 3 tỷ đồng. Ông Vi Văn Chấn, Bí thư Đảng ủy xã Châu Phong cho biết: Cứ vào mùa mưa là chúng tôi thấp thỏm lo âu vì trên tuyến đường từ xã ra trung tâm huyện thường xuyên bị sạt lở, nhất là đoạn qua dốc Bù Xén. Nhưng nhờ có dự án nên đoạn đường này đã cơ bản được sửa chữa, đáp ứng việc đi lại của người dân.

Cầu tràn bản Lìm (xã Châu Phong, huyện Qùy Châu) bị hư hỏng nặng.
Cầu tràn bản Lìm (xã Châu Phong, huyện Qùy Châu) bị hư hỏng nặng.

Tuy vậy, vì ngân sách địa phương còn hạn chế nên công tác khắc phục sửa chữa các công trình giao thông sau mùa mưa bão hiện rất khó khăn. Bà Lang Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Ngay sau khi mưa lũ, huyện đã chỉ đạo tiến hành đưa máy đào san ủi những điểm sạt lở để việc đi lại của người dân được thuận lợi. Đối với những điểm hư hỏng nhẹ, huyện chỉ đạo các xã tự bỏ ngân sách và huy động nhân dân khắc phục tạm thời, không để ách tắc cục bộ. Còn đối với hư hỏng nặng, cần kinh phí lớn thì huyện đã tổng hợp thiệt hại và trình tỉnh để xin nguồn vốn sửa chữa. Trong đó, có 2 điểm cấp bách cần sửa chữa ngay là cầu tràn Bản Lìm (xã Châu Phong) và cống thoát (xã Châu Hội). Tổng kinh phí sửa chữa các công trình ước tính khoảng hơn 7,8 tỷ đồng.

Theo số liệu tổng hợp từ Sở GTVT, sau các cơn bão trong tháng 9 và tháng 10, các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Tổng khối lượng công trình bị thiệt hại, hư hỏng 198 km, sạt lở 94.000m3 đất đá, hỏng 2 cầu, 126 cống tràn, ước tính thiệt hại lên tới 452 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là bị sạt lở mái ta luy dương, ta luy âm bồi lấp rãnh dọc, xói hỏng mặt đường sình lún cao su cục bộ, gây mất an toàn giao thông. Để kịp thời khắc phục các công trình hạ tầng, Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Nghệ An 85 tỷ đồng. Hiện nay, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đang phối hợp với Sở GTVT đi kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại cụ thể để phân khai nguồn vốn này.

Ông Hoàng Văn Huệ, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Để đảm bảo việc đi lại cho người dân và các phương tiện, Sở đã chỉ đạo các đơn vị quản lý huy động thiết bị, máy móc, nhân lực để đảm bảo giao thông trên các tuyến đường như ghép rọ đá, đắp đất xử lý đứt đường. Tổng kinh phí để xử lý đảm bảo giao thông bước 1 ước tính là 16,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, với khối lượng hư hỏng nhiều, đòi hỏi kinh phí để xử lý lớn nên Sở đã có công văn trình Bộ GTVT, UBND tỉnh xin được cấp kinh phí hỗ trợ để được khắc phục bước 2. Tuy nhiên, kinh phí rất ít nên gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác khắc phục.

Với nỗ lực của các địa phương các công trình giao thông bị hư hỏng qua các đợt bão lụt vừa qua đã khắc phục được một phần, để bảo đảm giao thông rất cần sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, để góp phần cải thiện hạ tầng giao thông miền núi vốn đã rất khó khăn.

Phạm Bằng

Mới nhất
x
x
Nỗ lực khắc phục sự cố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO