Nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ

(Baonghean) - Tình trạng bắt cóc, buôn bán phụ nữ trên địa bàn huyện Con Cuông những năm gần đây diễn biến hết sức phức tạp. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, địa hình hiểm trở, các đối tượng buôn người dùng mọi thủ đoạn lừa gạt, uy hiếp, bắt cóc phụ nữ bán cho những kẻ xấu bên kia biên giới.

Em V. T. H, sinh năm 1997, ở bản Hồng Thắng, xã Đôn Phục từng bị một phụ nữ không rõ lai lịch rủ đi làm ăn xa nhưng thực ra đối tượng đã bán H cho một chủ xưởng ở Trung Quốc. May mắn em trốn thoát và trở về quê hương, nhưng đến giờ, H vẫn không giấu được nỗi sợ hãi. Em chia sẻ: Vì cuộc sống gia đình khó khăn, nên em đã nghe theo lời dụ dỗ của một người phụ nữ để đi sang Trung Quốc với mong muốn kiếm thêm thu nhập đỡ đần gia đình. Tuy nhiên, khi vượt sang bên kia biên giới, em bị giam cầm, bị hành hạ và lao động khổ cực. Tại đó, cũng có rất nhiều phụ nữ và trẻ em người Việt cùng chung số phận như em. May mắn thay, trong một lần bảo vệ xưởng sơ suất, em đã trốn được ra ngoài và tìm cách tiếp cận với lực lượng biên phòng Việt Nam. Sau đó, em được đưa về quê hương. 
Trường hợp của em V. T. H chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân của nạn buôn bán người xảy ra trên địa bàn huyện miền núi Con Cuông. Theo báo cáo của Công an huyện Con Cuông, chỉ tính riêng từ năm 2011 đến năm 2014, Công an huyện đã tiếp nhận 14 đơn thư tố giác các đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép. Trong đó, Công an huyện đã điều tra làm rõ 5 vụ, 8 đối tượng; khởi tố 4 vụ, 4 bị can liên quan đến mua bán phụ nữ và trẻ em. Điển hình là Chuyên án 814N “đấu tranh tội phạm mua bán người”, bắt giữ  đối tượng Vi Văn Viên (SN 1966), ở Làng Yên, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông có hành vi mua bán 5 người đưa sang Trung Quốc....
Trước tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em diễn ra phức tạp, Hội LHPN huyện Con Cuông tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, PBPL, nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ tại các thôn bản. Cụ thể như: Thông qua họp dân, lồng ghép với buổi sinh hoạt của hội phụ nữ; biểu diễn tiểu phẩm, hoạt cảnh có nội dung tuyên truyền, phòng chống nạn buôn bán người; treo băng rôn khẩu hiệu, phát tờ rơi, mở nhiều tủ sách giáo dục pháp luật tới các thôn bản; phối hợp với lực lượng công an, đoàn thanh niên… tổ chức truyền thông pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người. Hội đã chọn 7 xã đặc biệt khó khăn mít tinh truyền thông và diễu hành về phòng, chống tội phạm mua bán người, thu hút hơn 3.500 người tham gia. Bên cạnh đó, duy trì có hiệu quả sinh hoạt của các CLB phụ nữ ở từng thôn, bản đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, giúp chị em hiểu hơn về hệ lụy của việc bị lừa đi làm ăn xa, từ đó phòng bị cho mình những kiến thức, kỹ năng phòng, chống tội phạm buôn bán người.
Điển hình có CLB “Lá chắn” ở bản Hồng Điện, xã Đôn Phục. Được thành lập vào tháng 7/2013, CLB “Lá Chắn” thu hút 30 hội viên tham gia. Đều đặn mỗi tuần một lần, CLB tổ chức họp phụ nữ, kết hợp với công tác truyền thông, phòng, chống nạn buôn bán người. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, qua những tài liệu, hình ảnh, câu chuyện thực tế về âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của bọn buôn bán người… đến nay, nhận thức của chị em ở bản Hồng Điện được nâng cao; tình trạng mua bán, dụ dỗ, lôi kéo phụ nữ đi làm ăn xa được khống chế. Chị La Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Con Cuông cho biết: Một giải pháp quan trọng khác để giữ chân được phụ nữ ở lại địa phương là tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên. Theo đó, Hội LHPN huyện đã duy trì hoạt động của hơn 500 tổ tiết kiệm, kêu gọi gần 6.000 thành viên quyên góp hơn 190 triệu đồng, cho hơn 350 lượt chị em có nhu cầu vay vốn làm ăn.
Mỗi năm, từ các nguồn ngân sách, Hội LHPN huyện đã tổ chức 2 - 4 lớp dạy nghề cho chị em, chủ yếu là nghề đan thổ cẩm, làm chổi đót và các nghề mới như tráng miến, bánh đa và nghề nấu ăn. Kết quả, sau đào tạo, có khoảng 30 - 40% chị em tiếp tục theo nghề và phát triển nghề, cho thu nhập tăng thêm 2 - 3 triệu đồng/tháng.
Nhờ đó, tính đến ngày 30/6/2015, số phụ nữ đi làm ăn xa trên địa bàn huyện đã giảm xuống còn 1.091 người, trong đó số người bỏ đi không rõ địa chỉ là 38 người. Kết quả này cho thấy ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, các cấp Hội phụ nữ huyện Con Cuông đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức trong công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.
Vân Anh

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.