Nỗ lực "sống khỏe, sống có ích"
(Baonghean) - Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định lấy tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam”. Đây là chủ trương nhằm phát huy trách nhiệm của xã hội và con cháu trong việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi (NCT), đồng thời khuyến khích NCT nỗ lực đóng góp vào quá trình phát triển xã hội.
Tuổi cao, ý chí càng cao
Bằng trí tuệ, kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình, NCT cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng đối với xã hội. Trên cơ sở đó, 3 nội dung chính của Phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng” được triển khai sâu rộng là nâng cao hiệu quả hoạt động của NCT, giảm áp lực và sự phụ thuộc đối với con cháu.
Người cao tuổi ở xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) tham gia sản xuất, kinh doanh chè. |
Cụ Lê Xuân An, Chủ tịch Hội NCT phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) vui vẻ chia sẻ: Với 2.600 hội viên, phường có số hội viên NCT cấp phường, xã đông nhất tỉnh nên cần nguồn chi rất lớn. Hội có nhiều giải pháp huy động sự đóng góp của xã hội và con cháu để gây quỹ. Từ đó, mỗi năm huy động được từ 350 - 450 triệu đồng, năm cao nhất huy động được 544 triệu đồng. Nhờ có quỹ, hoạt động của Hội NCT cũng thuận lợi hơn trong việc tổ chức cho hội viên tập và tham gia biểu diễn thể dục dưỡng sinh; tham quan du lịch hoặc có quà mừng thọ hàng năm; khi có hội viên ốm đau, qua đời hoặc chuyển đi, hội đều kịp thời động viên, thăm hỏi chu đáo...
Còn tại xã biên giới Thanh Thủy (Thanh Chương), Hội NCT đã xây dựng quỹ rất tốt, đảm bảo được hoạt động của hội. Ông Nguyễn Đình Xoán, Chủ tịch Hội NCT xã cho biết: Sau hơn 5 năm xây dựng, bình quân mỗi năm quỹ thu được trên 100 triệu đồng, năm nhiều nhất được 345 triệu đồng và duy trì thường xuyên có trên 500 triệu đồng. Nhờ có quỹ, hội không chỉ có kinh phí để đảm bảo các chi hội xóm hoạt động mà còn mời chuyên gia, giảng viên về tổ chức tập dưỡng sinh, mở lớp học đánh trống và nghi thức tổ chức việc hiếu vừa bảo tồn giá trị truyền thống và theo nếp sống mới nên được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân ghi nhận.
Mặc dù đã hết tuổi lao động nhưng hàng năm có 50-55% NCT trên địa bàn tỉnh ta đang tham gia lao động sản xuất. Hàng năm, có hàng chục vạn NCT đạt lao động giỏi các cấp. Năm 2014, toàn tỉnh có 2.294 NCT là chủ trang trại, doanh nghiệp và 10.816 NCT đạt danh hiệu sản xuất giỏi các cấp. Những con số đó đã nói lên đóng góp to lớn của NCT cho xã hội và giúp đỡ con cháu. Điển hình là cụ Nguyễn Thị Chanh ở xóm 4, xã Thanh Thủy; mặc dù đã 94 tuổi nhưng mỗi năm nuôi 1 tấn lợn hơi; cụ Nguyễn Văn Thành ở xóm 1, xã Thanh Thủy dù tuổi trên 75 nhưng vẫn tham gia trồng hàng chục ha rừng. Nhiều cụ, mặc dù không tham gia trực tiếp nhưng có những đóng góp rất tích cực vào xây dựng NTM khi tình nguyện hoặc vận động con cháu hiến đất, tài sản để xây dựng NTM. Tiêu biểu ở Đô Lương có cụ Nguyễn Trọng Phùng, xã Minh Sơn ủng hộ 1 tỷ đồng để làm đường hay cụ Hoàng Văn Hội, xóm 13, xã Thịnh Sơn hiến đất và tự xây lại bờ tường trị giá gần 70 triệu đồng; cụ Nguyễn Danh Chín ở xã Thanh An (Thanh Chương) hiến 500m2 đất vườn; cụ Bùi Thị Bảy, xóm 19, xã Sơn Thành (Yên Thành) hiến 400m2 đất để xã xây dựng NTM...
Bên cạnh các hoạt động trên, NCT Nghệ An còn có đóng góp rất lớn vào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là rất lớn. Không phải ngẫu nhiên mà trong ngày vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có cụ Nguyễn Nghĩa Hợi ở xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) đại diện cho NCT có mặt biểu diễn, phát biểu. Ngoài ra còn có các cụ khác như cụ Nguyễn Trọng Đổng, nghệ nhân văn hóa dân gian chuyên sưu tầm dạy Dân ca ví, giặm ở Thanh Tường (Thanh Chương); cụ Vi Khăm Mun ở Tương Dương và cụ Lô Khánh Xuyên ở Quế Phong có công trong việc dạy và gìn giữ tiếng Thái; cụ Nguyễn Gia In là nghệ nhân duy nhất của tỉnh được Nhà nước phong tặng của làng nghề đóng tàu Trung Kiên (Nghi Lộc) và nhiều nghệ nhân làng nghề dệt thổ cẩm ở Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu...
Đa dạng các hoạt động chăm sóc người cao tuổi
Vai trò, đóng góp của NCT đối với xã hội là không thể phủ nhận nhưng do quy luật tuổi tác nên NCT vẫn là đối tượng được chăm sóc, phụng dưỡng của con cháu và toàn xã hội. Việc lấy tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” không ngoài mục đích đó. Hiện nay, Nghệ An có trên 35 vạn hội viên NTC, trong đó có khoảng 60% đang tham gia sản xuất nên độc lập, tự chủ về kinh tế; toàn tỉnh còn 17,5% hộ nghèo có NCT; nhiều NCT, nhất là ở nông thôn không có thu nhập nên là đối tượng cần được xã hội quan tâm chăm sóc.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, mỗi năm các cấp hội toàn tỉnh đã huy động được khoảng 15-20 tỷ đồng để chăm sóc NCT. Ngoài ra, thông qua hợp tác giới thiệu từ Trung ương Hội NCT Việt Nam, NCT Nghệ An còn được hỗ trợ từ dự án VIE 022 về thúc đẩy quyền của người cao tuổi thiệt thòi ở Việt Nam. Thông qua dự án, có 103 Câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau” được thành lập tại 4 huyện (mỗi huyện 20 CLB và có thể nhân rộng), mỗi CLB được đầu tư 100 triệu đồng để giúp đỡ các hội viên nghèo làm ăn, giảm bớt khó khăn vươn lên trong cuộc sống...
Ngoài khó khăn về kinh tế, một trong những khó khăn đối với NCT là nhu cầu được thăm, khám sức khỏe. Theo một khảo sát sơ bộ, ở lứa tuổi từ 60 trở lên, nếu không được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời các bệnh, nhất là các bệnh về mắt thì mỗi năm có khoảng 10% NCT đứng trước nguy cơ bị mù lòa. Chính vì vậy, một trong những chương trình trọng tâm đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe NCT Nghệ An là “Mắt sáng cho NCT”. Trên cơ sở chương trình này, Hội NCT tỉnh và các huyện đã phối hợp với ngành Y tế và các Bệnh viện Mắt Nghệ An, Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Mắt Sài Gòn - Vinh, Bệnh viện 198 Bộ Công an, các trạm y tế xã, phường, thị trấn và các nhà hảo tâm... đã khám sàng lọc cho gần 110 ngàn NCT, chữa trị miễn phí cho 14.196 NCT; trong đó mổ thay thủy tinh thể cho 5.761 NCT, với tổng kinh phí 86,751 tỷ đồng đã đem lại ánh sáng cho nhiều NCT bị mù lòa. Hội NCT Thanh Chương tiếp tục là điểm sáng trong việc kết hợp huy động để thực hiện chương trình này.
Ông Trần Hữu Ích, Chủ tịch Hội NCT tỉnh cho biết: Khi tháng 10 hàng năm trở thành “Tháng hành động vì NCT Việt Nam” và hưởng ứng chủ trương của Trung ương Hội NCT lấy việc chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ĐBKK), Hội NCT Nghệ An dự định sẽ tặng 500 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng cho NCT. Triển khai chủ trương trên, cụ Trần Đình Nguyên, Chủ tịch Hội NTC Thanh Chương cho biết: Cùng với nhiều hoạt động khác, theo chỉ tiêu Tỉnh hội giao cho huyện 25 suất, nhưng do có số hội viên ĐBKK đông nên đã vận động và tặng 343 suất quà với số tiền trên 171 triệu đồng cho các hội viên ĐBKK.
Ngoài khám tư vấn về mắt, với sự giúp đỡ của cấp trên, Hội NCT Nghệ An còn đưa môn thể dục dưỡng sinh và võ Nhất Nam và mới đây là môn bóng chuyền hơi về các chi hội cơ sở để NCT luyện tập... Ông Trần Xuân Trường, Chủ tịch Hội NCT xã Thanh Lương, Thanh Chương cho rằng: “Với những lợi ích do các môn thể thao mang lại, dù là xã nông thôn nhưng đã thành lập được 11/13 CLB dưỡng sinh thu hút được 60% hội viên với 679 người tham gia, xã đang chuẩn bị đưa môn thể thao bóng chuyền hơi vào tập để nâng cao sức khỏe cho NCT”.
Cùng với các hoạt động cộng đồng để chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho NCT, một số địa phương, gia đình đã hình thành mô hình chăm sóc ông bà, bố mẹ đạt hiệu quả cao trong tạo lập quỹ tiết kiệm để phụng dưỡng cha mẹ già. Hy vọng với những hoạt động tích cực trên và sự hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng, NCT trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng cho xã hội; sống vui, sống khỏe, tạo điều kiện cho con cháu yên tâm học tập, lao động...
Bài, ảnh: Nguyễn Hải