Nỗ lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững

31/01/2014 20:42

(Baonghean) - Năm 2013, nhờ triển khai thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đề ra nên sản xuất công nghiệp và thương mại của Nghệ An đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của tỉnh. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Thanh Tịnh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương về vấn đề này.

PV: Thưa đồng chí! Năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp của Nghệ An tăng 8,83% so với năm trước, tăng cao hơn bình quân của cả nước; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khá mạnh. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về kết quả này?

Nhà máy Thủy điện Hủa Na.
Nhà máy Thủy điện Hủa Na.

Đồng chí Phan Thanh Tịnh: Năm qua, giá nhiên liệu (điện, xăng) tăng cao, chủ trương chính sách đối với ngành khai khoáng, giá thiếc thị trường thế giới xuống thấp,… Tuy vậy, một số sản phẩm có tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh như bia, điện sản xuất, sữa tươi vẫn tăng khá. Năm 2013 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 9% so với năm trước, trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm gần 21%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,28%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 31%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,03%. Một số sản phẩm chủ yếu năm 2013 có mức tăng khá so với năm 2012 như đường tinh luyện 142.751 tấn, tăng 48% do sản lượng mía đưa vào ép tăng, trữ lượng đường trong mía tăng và vụ ép năm nay bắt đầu sớm hơn mọi năm; bia các loại đạt 165,57 triệu lít; sợi 11.360 tấn, tăng 29%; quần, áo sơ mi cho người lớn 9,33 triệu chiếc, tăng 36,72%; điện sản xuất 2.375,6 triệu kwh, tăng 77%; nước máy 25 triệu lít, tăng 12%. Còn lại các sản phẩm khác có mức tăng thấp và nhiều sản phẩm giảm, một số sản phẩm giảm sút lớn như đá xây dựng giảm 18%, phân NPK giảm 13%, gạch granite giảm 6%, gạch nung quy chuẩn giảm 14%, xi măng giảm 12%...

Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 624,383 triệu USD, hoàn thành vượt mức 35,7% so với chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 344,369 triệu USD, tăng 27,8% so với năm 2012; xuất khẩu lao động và dịch vụ thu ngoại tệ 280,014 triệu USD. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng khá hoặc vẫn duy trì kim ngạch ở mức cao so với năm trước; điển hình là: Hàng dệt may 32 triệu USD, tăng gấp 2,2 lần; hàng thủy, hải sản các loại 22 triệu USD, tăng 82%; mặt hàng dăm gỗ 80 triệu USD, tăng 25%; tinh bột sắn 55 triệu USD, tương đương năm trước; vật liệu xây dựng 38 triệu USD, tăng 15%… Tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu qua chế biến ngày càng tăng, nhất là hàng lâm thủy hải sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng, dệt may, sản phẩm gỗ đạt 233 triệu USD, chiếm gần 67% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả tỉnh.

Đồng chí Phan Thanh Tịnh Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương
Đồng chí Phan Thanh Tịnh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương

P.V: Theo đồng chí, nguyên nhân nào để ngành Công Thương đạt được thành tích đó?

Đồng chí Phan Thanh Tịnh: Thời gian qua, ngành đã bám sát chương trình kế hoạch của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động chỉ đạo điều hành kịp thời các hoạt động của ngành đạt hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về công thương có hiệu quả, một số lĩnh vực thực hiện tốt như: phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh theo thẩm quyền; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Mạng lưới kinh doanh thương mại và dịch vụ tiếp tục được mở rộng cả 3 địa bàn đô thị, nông thôn và miền núi, hệ thống chợ nông thôn tiếp tục được cải tạo, nâng cấp. Các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị. Mối quan hệ phối hợp với các ban, ngành cấp tỉnh và các cấp chính quyền địa phương được thường xuyên củng cố, nâng cao, góp phần giúp công tác chỉ đạo điều hành có hiệu quả. Nội bộ đoàn kết, nhất trí cao; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ thủ trưởng trong lãnh đạo điều hành; đồng thời phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính chủ động sáng tạo cá nhân của từng vị trí đối với nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, năng lực mới tăng của ngành công nghiệp có khởi sắc từ các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động bắt đầu phát huy hiệu quả, như: Thủy điện Hủa Na (tháng 2), Thủy điện Khe Bố (tháng 5), Nhà máy may Hanosimex (tháng 5), Nhà máy may MLB Tenergy (tháng 5), Nhà máy sữa tươi sạch TH (tháng 7), Nhà máy nhựa Tiền Phong (tháng 9),...

P.V: Mặc dù giá trị công nghiệp tăng so với cùng kỳ và cao hơn bình quân của cả nước nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đồng chí có thể cho biết nguyên nhân vì sao?

Đồng chí Phan Thanh Tịnh: Năm 2013, một số sản phẩm chủ lực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII không đạt kế hoạch đề ra: Xi măng, đá trắng xuất khẩu, chăn nuôi và chế biến sữa... Việc phát triển thêm các sản phẩm chủ lực mới, có tầm ảnh hưởng đối với nền kinh tế của tỉnh như luyện kim, cơ khí chế tạo, thiết bị kỹ thuật điện, công nghệ thông tin… kết quả đạt được còn thấp hoặc chưa thực hiện được. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, có biểu hiện ngưng trệ; sức mua của thị trường giảm; nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô, đóng mã số thuế và ngừng sản xuất, kinh doanh, một bộ phận lao động mất việc làm, thu nhập không ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường mặc dù được tăng cường nhưng tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp, hệ thống chợ nông thôn, trung tâm thương mại còn chậm,... do nguồn ngân sách hạn hẹp và khả năng huy động vốn đầu tư còn khó khăn.

Nguyên nhân là do tình hình khó khăn chung trong nước và thế giới tiếp tục ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xuất khẩu và duy trì tốc độ phát triển kinh tế. Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng chủ yếu do không đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo đúng quy định, thiếu phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Giá cả các yếu tố đầu vào còn cao, đặc biệt là biến động về tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, điện, nước,… Thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai bão lụt xảy ra gây thiệt hại nặng nề; dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Nhiều chương trình, đề án đề ra nhưng chưa cân đối được nguồn lực triển khai xây dựng chậm so với yêu cầu; bộ máy quản lý nhà nước các cấp tổ chức, triển khai thực hiện chính sách thiếu đồng bộ; chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hiện.

Siêu thị Intimex (TP. Vinh). Ảnh trong trang: Sỹ Minh
Siêu thị Intimex (TP. Vinh). Ảnh trong trang: Sỹ Minh

P.V: Năm 2014, mục tiêu đặt ra của ngành là giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11%-12%. Để đạt mục tiêu đó, theo đồng chí ngành cần có những đổi mới và những giải pháp gì?

Đồng chí Phan Thanh Tịnh: Để đạt mục tiêu đề ra, ngành đã đề ra các giải pháp và nhóm giải pháp cho từng lĩnh vực. Đó là, tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát; rà soát, bổ sung quy hoạch, chính sách, các chương trình, dự án phát triển công nghiệp, thương mại. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng. Quan tâm đầu tư xây dựng đội ngũ doanh nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh hoạt động cải cách hành chính, chỉ đạo điều hành, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về hoạt động công thương. Thực hiện quy chế phối hợp giữa các ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành và đôn đốc việc kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch 2014.

Riêng các giải pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, ngành tập trung huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên phụ liệu cho các nhà máy dệt may chuẩn bị đi vào hoạt động. Từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, làm chủ các công nghệ nhập ngoại, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Phát huy tốt công suất các nhà máy hiện có, đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhà máy để tăng năng lực sản xuất như: thủy điện, xi măng, vật liệu không nung, nhất là các sản phẩm trọng điểm đóng góp giá trị sản xuất lớn như: bia, thủy điện, xi măng, sữa, đá trắng, vật liệu xây dựng, bao bì,...

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã bàn các giải pháp phát triển thị trường nội địa, phát triển xuất nhập khẩu...

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

P.V (thực hiện)

Mới nhất

x
Nỗ lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO