Nỗ lực vì bệnh nhân HIV/AIDS

04/12/2014 10:06

(Baonghean) - “AIDS, không có nghĩa là hết hy vọng”, đó là mục tiêu mà trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đặt ra trong nhiều năm qua nhằm giúp những bệnh nhân AIDS tìm lại sức khỏe, niềm vui và niềm hy vọng cho cuộc đời…

Ngày sinh con, lẽ ra là ngày hạnh phúc nhất của người phụ nữ, nhưng với chị N.M, phường L, Thành phố Vinh lại là ngày đau đớn nhất, bởi chị nhận được tin mình bị nhiễm HIV/AIDS từ chồng. Chua xót hơn, đứa con trai đầu cũng bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Một năm sau ngày định mệnh đó, chồng và con chị lần lượt qua đời. 30 tuổi, chị trở thành góa bụa và trở thành đối tượng dị nghị của người đời. Hy vọng của chị chỉ được nhen nhóm khi tham gia vào nhóm Quỳnh Hương xanh và trở thành đồng đẳng viên chuyên hỗ trợ, giúp đỡ cho những người cùng cảnh ngộ. Cũng tại đây, chị gặp P, chồng của chị bây giờ, một người từng có nhiều năm lầm lỡ. Hai người, hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng có chung một nỗi đau mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Dựa vào nhau cũng để ước mơ có một người sẻ chia những ngày tháng cuối đời.

Có gia đình rồi, anh chị chuyên tâm vào làm ăn với một cửa hàng kinh doanh nhỏ. Chỉ có điều, sâu thẳm trong trái tim, chị vẫn luôn khát khao được làm mẹ. Biết được nguyện vọng của vợ, anh bàn với chị đến Trung tâm phòng, chống AIDS xin nhờ được tư vấn và tại đây anh chị được khuyên phải theo dõi sức khỏe thường xuyên, uống ARV đầy đủ. Trong quá trình mang thai, chị được giới thiệu xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh để hỗ trợ, theo dõi và cấp thuốc trong quá trình thai nghén. Gia đình chị vui mừng khi ngày cô con gái đầu chào đời, cháu được xét nghiệm khỏe mạnh, 9 tháng sau kiểm tra, kết quả âm tính với HIV. Tuân thủ theo phác đồ điều trị đó, khi con đầu được một tuổi, chị tiếp tục mang thai đứa con thứ hai và nay, sau khi sinh được 1 tháng cháu phát triển khỏe mạnh, không có dấu hiệu bị lây nhiễm.

Tuyên truyền cho người dân ở xã Thạch Giám, huyện Tương Dương.
Tuyên truyền cho người dân ở xã Thạch Giám, huyện Tương Dương.

Từ khoảng 5 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng bị nhiễm HIV/AIDS đến Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS để xin được hỗ trợ sinh con theo chương trình “Dự phòng lây truyền từ mẹ sang con”. Điều đáng mừng là nếu như trước đây, tỷ lệ sinh con thành công không bị lây nhiễm chỉ chiếm từ 30 - 40%, thì nay đã lên đến trên 90%. Có được kết quả này là thời gian qua, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời mở thêm nhiều trung tâm hỗ trợ, tư vấn. Cụ thể, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 4 cơ sở dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong đó có hai cơ sở trọn gói (bao gồm chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ dự phòng và theo dõi quá trình trước, trong và sau khi sinh) là Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế Thái Hòa, 2 cơ sở tư vấn chuyển tiếp tại Trung tâm Y tế Đô Lương và Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh. Ngoài ra, tại các huyện, thị: Diễn Châu, TX. Thái Hòa, Đô Lương, Tương Dương, Quế Phong đều triển khai chương trình dự phòng lây truyền mẹ sang con không phụ thuộc, giúp xét nghiệm và điều trị ARV cho 100% phụ nữ mang thai bị phát hiện nhiễm HIV mà không phụ thuộc vào số lượng CD4. Riêng trong năm nay, đã tiến hành xét nghiệm được 2.610 người, trong đó đã phát hiện được 2 trường hợp nhiễm HIV điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, 1 trẻ sinh ra được đảm bảo an toàn từ bà mẹ nhiễm HIV.

Theo ông Trịnh Hùng Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ là một trong nhiều hoạt động mà trung tâm hướng tới nhằm chia sẻ, giúp đỡ những người bị HIV/AIDS. Trong đó, song song với việc tổ chức nhiều hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp ở các khu dân cư, truyền thông thông qua đội ngũ cộng tác viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng, thì các chương trình can thiệp giảm hại cũng được triển khai đồng bộ ở 21/21 huyện, thành, thị. Qua đó, đã phát trên 600.000 bơm kim tiêm và gần 70.000 bao cao su cho các đối tượng có nguy cơ cao như người nghiện chính ma túy, phụ nữ, bán dâm và bạn tình của họ. Tổ chức chăm sóc và điều trị ARV cho 2.830 bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS tại 13 cơ sở, trong đó có 9 phòng khám ngoại trú, 2 trung tâm giáo dục xã hội và 2 trại giam. Trong năm, trên 50% xã, phường và trên 20% các doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS.

Để hạn chế sự gia tăng của các đối tượng nhiễm và nâng cao nhận thức của người dân, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS đã tập trung tuyên truyền, tăng cường tổ chức hoạt động truyền thông phong phú và đa dạng, tổ chức tập huấn cho chuyên trách cộng tác viên ở những huyện miền núi, địa bàn có tỷ lệ người nhiễm HIV đang gia tăng. Thông qua các hoạt động truyền thông, tư vấn, đã góp phần nâng cao nhận thức cho người nghiện chích ma túy, người bán dâm và người dân có cái nhìn đầy đủ hơn về HIV/AIDS. Vì thế, kỳ thị, phân biệt đối xử của người dân và cộng đồng với HIV/AIDS giảm hẳn. Nếu như trước đây, người nhiễm HIV còn phải giấu giếm, thì nay đã dám công khai.

Đa số các trường hợp nghiện chích ma túy, mại dâm đã có thói quen sử dụng bơm kim tiêm sạch (trong tiêm chích) và sử dụng bao cao su (trong quan hệ tình dục) với tỷ lệ lên đến gần 90%. Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS cũng là cầu nối giúp cho các nhóm, các câu lạc bộ về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hoạt động thuận lợi, trong đó có sự hỗ trợ về chuyên môn, tư vấn và cung cấp tài liệu. Qua đó, đã có nhiều nhóm chủ động được trong công việc, có nhiều sáng kiến thiết thực giúp cho người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS cai nghiện thành công và từng bước tạo việc làm cho các thành viên. Hy vọng, Trung tâm phòng, chống AIDS tiếp tục phát huy nhiệm vụ, chức năng của mình để từng bước giúp người nhiễm HIV/AIDS được cải thiện sức khỏe và hòa nhập với cộng đồng.

Song Hoàng

Mới nhất
x
Nỗ lực vì bệnh nhân HIV/AIDS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO