Nỗ lực xây dựng thiết chế văn hoá ở Tân Kỳ

15/11/2011 15:54

(Baonghean) - Mặc dù gặp không ít khó khăn do địa bàn miền núi, giao thông đi lại... song nhờ biết phát huy nội lực, hơn 10 năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa " ở Tân Kỳ đã có bước phát triển mạnh, xuất hiện nhiều điển hình, nhân tố mới...

Với địa bàn trải rộng 22 xã (trong đó có 3 xã thuộc vùng 135 là Tân Hợp, Tiên Kỳ, Phú Sơn và 12 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống). Để công tác xây dựng đời sống văn hóa đạt kết quả cao, huyện Tân Kỳ đã tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền từ huyện đến cơ sở; phát huy vai trò, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Hàng năm, huyện thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, coi chỉ tiêu xây dựng thiết chế văn hoá thông tin-thể thao (VHTT-TT) đạt chuẩn quốc gia hàng năm là chỉ tiêu cứng trong việc đánh giá thi đua của cấp uỷ, chính quyền cơ sở.

Anh Bùi Gia Lý - Phó giám đốc Trung tâm VHTT-TT Tân Kỳ, cho biết: "Theo định kỳ hàng năm và từng giai đoạn, phòng Văn hoá kết hợp với Trung tâm VHTT-TT tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào với những nội dung, mục tiêu phù hợp với điều kiện, đặc điểm của mỗi địa phương và phong tục tập quán của từng dân tộc. Khi triển khai, chúng tôi hướng dẫn, tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi của cộng đồng, gia đình và chính bản thân họ khi tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nên số hộ dân tự nguyện đăng ký thực hiện xây dựng gia đình, làng, bản văn hóa ngày càng tăng. Đến nay, toàn huyện có 117/266 làng được công nhận làng văn hoá, tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 72,9%. Tất cả các làng, bản đều có hương ước, quy ước được UBND huyện phê duyệt".



Đường làng, ngõ xóm được bê tông hoá ngày càng nhiều ở Tân Kỳ.

Các hủ tục lạc hậu trong cưới hỏi, ma chay ở các làng, bản ở Tân Kỳ dần được loại bỏ nhưng vẫn đảm bảo vừa đơn giản, vừa trang trọng, mang tính kế thừa phong tục truyền thống... Nhiều điển hình trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" xuất hiện như: Ở xã Nghĩa Thái, nhờ làm tốt công tác vận động, đồng bào đã tự nguyện di chuyển nghĩa trang ra khỏi khu vực dân cư sinh sống; Ở khối 8 (thị trấn), người dân tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà văn hoá, nhà đọc sách, cổng chào...

Nhằm bảo tồn và phát triển những nét văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số như: nhảy sạp, ném còn, cồng chiêng, bắn nỏ và các lễ hội truyền thống khác cũng như những điệu ví, lăm, nhuôn, khắp, hát dạo, hát trầy... Hàng năm, huyện đều tổ chức Tiếng hát làng Sen từ cấp xã đến cấp huyện. Hai năm một lần, tổ chức Ngày hội văn hoá - thể thao dân tộc toàn huyện. Mỗi năm một lần tổ chức liên hoan điển hình văn hoá ở các thôn bản, 2 năm một lần ở cấp xã. Hình thành 187 câu lạc bộ theo màu sắc của các đoàn thể và sở thích của các tầng lớp nhân dân như các CLB: Thể thao, Thời sự, Tiền hôn nhân, Thơ, Mẹ chồng nàng dâu, Không sinh con thứ 3, Thanh niên lập nghiệp...

Đến nay 22/22 xã, thị và 167/264 thôn, bản có đội văn nghệ. Toàn huyện có 151 sân bóng đá, 334 sân bóng chuyền, 246 nhà văn hoá làng bản, các xã đều có nhà văn hoá từ 100-150 chỗ ngồi... tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt gần 100%, nhiều làng, bản còn xây dựng được quỹ khuyến học, xét thưởng cho học sinh chăm ngoan học giỏi, thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học.

Bác Nguyễn Đức Lai - Bí thư Chi bộ khối 8 (Thị trấn Tân Kỳ), cho biết: "Được sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của cấp trên và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", đến nay trên địa bàn khối 8 đã xoá bỏ các tệ nạn xã hội. Bộ mặt của khối thực sự đổi thay khi bà con tự nguyện đóng góp tiền và ngày công xây dựng các công trình công cộng phục vụ đời sống văn hoá. Phong trào văn nghệ, thể thao, sinh hoạt cộng đồng của khối diễn ra sôi nổi và đạt hiệu quả cao, thu hút từ cụ già cho đến các cháu nhi đồng tham gia".

Có thể nói, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Tân Kỳ đã có tác động thiết thực tới nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội của huyện. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, qua phong trào, huyện đã huy động được nhiều nguồn lực trong dân để xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao, tạo điều kiện cho người dân hưởng thụ các sản phẩm văn hóa tinh thần.

Nhưng vẫn còn đó những trở ngại mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Kỳ cần phải vượt qua, đó là một số làng, bản ở các xã Tân Hương, Hương Sơn, Tân Hợp, Giai Xuân, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên chưa thực sự chú trọng công tác chăm lo xây dựng đời sống văn hoá và bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống, một số cơ sở còn nặng tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Việc thực hiện chủ trương bảo tồn các làng nghề truyền thống, những bản nhà sàn của dân tộc Thái, Thổ đang gặp nhiều khó khăn cả trong nhận thức và cơ chế chính sách.


Đức Chuyên

Mới nhất
x
Nỗ lực xây dựng thiết chế văn hoá ở Tân Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO