Nợ xấu vẫn gia tăng
6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấucủa các ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng, khiến mọi nỗ lực kiềm chế và đưa nợ xấu về mức an toàn 3% của ngành ngân hàng vẫn giậm chân tại chỗ.
Những con số đáng lo ngại
Báo cáo của Tập đoàn Bảo Việt (BVH), dư nợ tín dụng của Ngân hàng (NH) Bảo Việt - công ty con của BVH - đến cuối tháng 6.2013 đạt hơn 8.040 tỉ đồng, tăng 19% so với đầu năm nay nhưng nợ xấu lại lên đến 14,37% trên tổng dư nợ. Con số này cao hơn nhiều so tỷ lệ nợ xấu ở mức 5,94% vào thời điểm đầu năm. Đáng chú ý là nợ có khả năng mất vốn của NH này đến hết tháng 6 lên tới 912,75 tỉ đồng, cao hơn gấp 5 lần so với mức đầu năm nay. Nếu so với tiêu chuẩn nợ xấu của NH Nhà nước đưa ra là 3% thì tỷ lệ nợ xấu của NH Bảo Việt là đáng báo động.
Một NH khác cũng có tỷ lệ nợ xấu cao ngất ngưởng là NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Tính đến hết tháng 6.2013, tỷ lệ nợ xấu của SHB theo công bố là 9,04% trong khi con số đầu năm chỉ ở mức 8,51%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên mức 3.186 tỉ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng, sau gần 1 năm sáp nhập với NH TMCP nhà Hà Nội, SHB vẫn chưa tháo gỡ được mớ bòng bong nợ xấu.
NH TMCP Nam Việt (NVB) cũng đã tự tái cơ cấu khi không lên kịch bản hợp nhất sáp nhập với các NH khác. Tuy nhiên, chất lượng nợ vay tại NH này trong 6 tháng đầu năm vừa qua tiếp tục xấu đi và tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 6 là 6,1% so với mức 5,6% cuối năm 2012. Tổng giá trị tuyệt đối nợ xấu NVB cuối quý 2/2013 là 854,4 tỉ đồng, tăng 17,6% so với cuối năm 2012.
Ở một số NH lớn hơn, nợ xấu cũng tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2012. Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Công thương VN (CTG), tỷ lệ nợ xấu từ 1,47% cuối năm vừa qua đã tăng lên 2,1%. NH Á Châu (ACB) cũng gia tăng nợ xấu, đặc biệt là nợ nhóm 4 và nhóm 5. Tính đến hết tháng 6 vừa qua, tỷ lệ nợ xấu của ACB trên tổng dư nợ cho vay là 2,98%, trong khi tỷ lệ này đầu năm nay là 2,5%. Tại NH TMCP Quân đội (MBB), tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,85% cuối năm 2012 lên 2,45%...
Nhiều ngân hàng chạy theo chỉ tiêu tín dụng, không kiểm soát được khoản cho vay dẫn đến nguy cơ nợ xấu tăng - Ảnh: D.Đ.M
Chưa thể thay đổi nhiều
Các NH, trong báo cáo tài chính, không giải thích chi tiết lý do nợ xấu gia tăng. Còn chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nợ xấu gia tăng cũng không phải là chuyện bất ngờ khi kinh tế vĩ mô còn trì trệ. Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, không bán được hàng nên khó trả nợ vay đúng hạn. Bên cạnh đó, một số NH vẫn chưa kiểm soát tốt các khoản cho vay khi chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng... Điều này cũng khiến bức tranh nợ xấu của hệ thống NH vẫn còn xám xịt.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, con số nợ xấu của hệ thống NH vẫn chưa được công bố đầy đủ. Nếu áp dụng các quy định theo Thông tư 02/2013 của NH Nhà nước về phân loại và trích lập dự phòng rủi ro thì nợ xấu sẽ cao hơn hiện nay (thông tư này đã được dời đến tháng 6.2014 mới áp dụng). Như vậy, lời giải cho bài toán nợ xấu chỉ có thể trông chờ vào Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) vừa mới ra đời vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định dù VAMC đã ra đời nhưng với các điều kiện ngặt nghèo như nợ xấu phải có thế chấp tối thiểu 65% bằng bất động sản, người đi vay phải còn tồn tại và chứng minh được khả năng trả nợ... thì sẽ có nhiều khoản nợ xấu không đủ điều kiện để được mua lại. Vì vậy, để thúc đẩy quá trình xử lý nhanh của VAMC, NH Nhà nước có thể xem xét miễn giảm một số điều kiện khi mua nợ xấu.
Còn theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính NH Trường ĐH mở TP.HCM, việc giải quyết nợ xấu đã vượt quá tầm tay của các NH. Thậm chí một số NH vẫn chưa thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ khi bị áp lực từ cổ đông muốn đạt lợi nhuận cao. Bản thân VAMC có lẽ còn đang chờ thông tư hướng dẫn về quy trình mua bán nợ... nên kết quả cũng không thể nhanh.
Theo NH Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành NH tính đến hết tháng 5.2013 là 4,65%. Trong đó, có khoảng 1/4 tổ chức tín dụng khai báo tỷ lệ nợ xấu hiện ở mức trên 3%. Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo thống kê tiền tệ - NH Nhà nước Việt Nam tiến hành mới đây, cho thấy có trên 50% tổ chức tín dụng dự kiến tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2013 sẽ không đổi hoặc tăng so với cuối năm 2012 do nền kinh tế đầu năm 2013 vẫn đang ở giai đoạn dò đáy và ngổn ngang nhiều khó khăn. |
Theo.baothanhnien.P-H