Nôbita của bố mẹ
(Baonghean) - Hồi mình còn bé, bố mình - nhà phiên dịch tiếng Anh cấp xóm quyết định dạy cho mình hát bài "Love you more than I can say" (yêu em hơn những gì anh có thể nói) để nịnh mẹ. Mỗi tội mẹ mình thì dốt đặc cán mai về ngoại ngữ, nên mình đành đi khắp xóm hát ra rả cả ngày "Ố ô dề dề, ai lớp diu mo gien ai ken xây...". Ai nấy tấm tắc khen mình là thần đồng tiếng Anh, bố được dịp vênh váo, cứ có khách đến chơi nhà là chạy đi tìm mình (đang ngồi lê nhà hàng xóm) về hát thể hiện. Mình ba chân bốn cẳng chạy về, vừa đến cổng đã rống lên "Đôn diu nâu ai lớp diu xâu..." (Don't you know I love you so). Làm thần đồng mệt hết cả hơi, khản cả cổ!
Sau này, khi mình ngồi đọc vanh vách quyển truyện ở cái tuổi mà chưa đứa trẻ bình thường nào biết chữ (thực ra là mình nghe mẹ đọc đến thuộc lòng câu chuyện, cầm sách loè bạn bố chơi, hi hi), rồi khi mình cặm cụi tự ngồi học đọc chữ với phần lời mở đầu của cuốn sách tô màu, rồi khi mình vào lớp 1 và được cô khen là sáng dạ,... bố mình vẫn giữ nguyên phản ứng ban đầu là cười tít mắt sung sướng và chạy đi khoe khắp nơi. Nhiều lúc mình được điểm 10 mà cứ như bố mới là người được tuyên dương trước lớp ấy, không hiểu ai mới là người trẻ con nhất nhà? Sau này khi mình lớn thêm một chút, không thấy buồn cười mỗi lần bố sung sướng nhìn kết quả học tập của mình nữa.
Mình hiểu rằng, đó là cách bố thể hiện tình yêu thương. Vì yêu thương nên có lòng tin rằng thứ mình yêu quý là tốt đẹp, là hoàn hảo. Có lẽ sẽ có người nói tình yêu đó có chút gì mù quáng và cực đoan, bởi không một ai, không một thứ gì là hoàn hảo, áp đặt lên chúng định kiến hoàn hảo có thể dẫn đến 2 khả năng: hoặc là cách nhìn nhận lệch lạc, cái chưa tốt cũng cho là tốt; hoặc gây áp lực "phải hoàn hảo" đối với người được kỳ vọng. Nhưng tình yêu vốn dĩ chính nó là mù quáng, có phải thế không? Mù quáng bởi vì đi ngược lại với bản năng sinh tồn, tự bảo vệ của mỗi chúng ta. Mù quáng bởi vì ta sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ thứ mà ta yêu. Mù quáng bởi vì ta cứ cho đi mà không cần được đáp lại. Lý trí nói rằng ta mù quáng, trái tim lại nói rằng đó là tình yêu chân thành mà mãnh liệt, là thứ tình cảm tự nhiên nảy nở trong ta mà chẳng bao giờ ta chất vấn "Vì sao?".
Rất lâu về sau khi mình vấp ngã trên đường đời, điều khó khăn nhất với mình là nhìn vào đôi mắt luôn rực sáng niềm tin yêu và tự hào của bố. Ánh sáng đó có phải đã lụi tàn rồi không? Mình đã luôn tin vào bản thân, bởi vì bố tin vào mình, và mình tin bố luôn luôn đúng. Niềm tin có tính chất bắc cầu cực kỳ lớn, nếu một mắt xích trong đó bị phá vỡ thì tất cả sẽ đổ xuống như những quân đô-mi-nô. Bố mình đã chứng minh cho mình thấy điều ngược lại, khi ông khăng khăng tin vào những điều mà ông hằng tin tưởng, tin vào mình, vào thành công của mình. Mình tin bố, và mình tin vào bản thân.
Tình yêu, đôi khi không phải là yêu những gì bạn thấy ngay tại một thời điểm nào đó. Yêu một ai, một thứ gì tức là yêu chúng ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Niềm tin cũng thế, khi bạn chất vấn niềm tin của mình ở hiện tại, hãy nghĩ về lý do đã cho bạn niềm tin trong quá khứ và trao cho niềm tin một cơ hội trong tương lai. Nếu như ngữ pháp tiếng Việt có chia động từ, mình cho rằng nên để động từ "tin", "yêu" ở dạng nguyên thể, bởi đó là hai thứ tình cảm không phụ thuộc vào không gian và thời gian. Tình yêu, niềm tin là tuyệt đối, nên như thế.
Một đứa em của mình năm nay thi đại học. Mấy ngày trước nó than thở với mình thế này: "Nếu em trượt đại học, chắc bố em không nhìn mặt em nữa mất!". Em ạ, nếu vì một khiếm khuyết mà người ta ngừng tin yêu ai đó, thì chắc cả cái thế giới này chỉ còn hận thù và vô cảm mà thôi, bởi vì trên đời có ai hoàn hảo đâu em? Thất bại của em, nỗi buồn của em, bố mẹ sẽ buồn. Vì tin yêu và kỳ vọng nên mới buồn. Nhưng nỗi buồn chưa bao giờ là con dao giết chết được tình yêu. Trong truyện Đôrêmon, bố mẹ Nôbita có lúc quở trách cậu con trai vừa lười vừa... dốt lại vừa yếu đuối của mình, ấy thế nhưng ta tuyệt nhiên không hề cảm thấy không khí nặng nề của sự thất vọng hay áp lực trong bộ truyện này. Tại sao chúng ta lại yêu thích bộ truyện Đôrêmon đến vậy, có phải vì nhìn thấy một Nôbita đâu đó trong mỗi chúng ta, có thể yếu đuối, có thể khiếm khuyết nhưng vẫn là đứa con yêu quý của bố mẹ ta, phải không?
Hải Triều
(Email từ Paris)