Nỗi ám ảnh với an ninh toàn cầu
(Baonghean) - Trong một đoạn băng ghi âm vừa được tải lên internet, thủ lĩnh của nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram ở Nigieria đã chính thức cam kết sẽ trung thành với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đều nằm trong danh sách 10 nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới năm 2015, liên minh giữa IS và Boko Haram chắc chắn sẽ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với an ninh toàn cầu trong thời gian tới.
Phiến quân Boko Haram dưới lá cờ của IS. |
Lời cam kết tuyệt đối
“Chúng tôi tuyên bố sẽ trung thành với “Caliph Ibramhim” (Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của IS thường tự xưng là Calipt Ibramhim - tức Giáo chủ Hồi giáo), nguyện nghe theo và tuân thủ dẫu trong lúc khó khăn hay thịnh vượng. Chúng tôi kêu gọi anh em Hồi giáo khắp nơi trên thế giới hãy tuyên thệ trung thành của Caliph Ibramhim” – đây là lời tuyên thệ được đưa ra trong đoạn băng ghi âm đăng tải tại tài khoản trang mạng xã hội Twitter của Boko Haram. Người phát ngôn trong đoạn ghi âm này được cho là Abubakar Shekau, thủ lĩnh của Boko Haram.
Mặc dù chưa được xác nhận, song ông Jacob Zenn, một chuyên gia của tổ chức Jamestown Foundation chuyên nghiên cứu về các tổ chức khủng bố cho biết, đoạn băng ghi âm của Boko Haram có tính xác thực cao. Những phân tích cho thấy, có thể một vài chi tiết trong thông điệp được giả mạo, song giọng nói trong đoạn băng chính xác là Shekau. Nếu đoạn băng này là xác thực, Boko Haram sẽ là nhóm tiếp theo “về dưới trướng” của IS giống như các nhóm chiến binh thánh chiến ở Ai Cập, Libya, Algeria, Yemen và Saudi Arabia trước đó. Tuy nhiên, theo thông lệ, để chính thức xác lập liên minh giữa IS và Boko Haram, cần phải có sự chấp thuận của IS bằng một thông điệp do người phát ngôn của tổ chức này tuyên bố.
“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”
Theo danh sách mà Straitstimes công bố hồi đầu năm nay, IS đứng đầu tiên trong số 10 nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới trong năm 2015 này. Không ai còn nghi ngờ gì về mức độ tàn bạo và nguy hiểm của IS, khi chỉ trong vòng 1 năm, từ một nhóm nhỏ bị al-Qaeda chối bỏ, IS đã trở thành tổ chức khủng bố Hồi giáo “máu lạnh” nhất thế giới với những thủ đoạn như hành quyết con tin dã man như chặt đầu, thiêu sống, thảm sát hàng nghìn người, cưỡng hiếp và buôn bán nô lệ tình dục, bắt cóc, dụ dỗ trẻ em gia nhập tổ chức thánh chiến... Đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tự tuyên bố có thẩm quyền trong mọi vấn đề chính trị, quân sự và tôn giáo của các cộng đồng người Hồi giáo trên toàn thế giới, mục tiêu của IS là thành lập nhà nước Hồi giáo của người Sunni ở Iraq và vùng Cận Đông, gồm Syria, Jordan, Israel, Palestine, Lebanon, Cyprus và tỉnh Hatay ở Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Với lá cờ đen biểu tượng, IS tấn công không nhân nhượng với những cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite, cưỡng ép những người dân sống trong các vùng mà phiến quân chiếm cứ phải tuân thủ Luật Hồi giáo hà khắc sharia, cải sang đạo Hồi nếu là người tôn giáo khác.
Trong khi đó, Boko Haram góp mặt trong danh sách “10 nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới” ở vị trí thứ 7. Boko Haram đang kiểm soát diện tích khoảng 20.000 dặm vuông ở miền Bắc và miền Trung Nigieria, có mục tiêu áp đặt luật lệ Hồi giáo cực đoan tại quốc gia châu Phi này. Với cái tên mang ý nghĩa “giáo dục phương Tây là tội lỗi”, Boko Haram cấm người Hồi giáo làm bất kỳ điều gì liên quan đến phương Tây như bầu cử, mặc sơ mi, quần tây hoặc cách giáo dục thông thường. Tháng 1 năm nay, Boko Haram càn quét Thị trấn Baga, giết 2.000 người. Năm ngoái, nhóm này bắt cóc hàng trăm học sinh, trong đó 200 nữ sinh vẫn mất tích. Gần đây, Boko Haram đã dùng phụ nữ và bé gái để thực hiện các vụ đánh bom liều chết. Mới đây nhất, hôm 7/3, 4 quả bom đã phát nổ khiến ít nhất 50 người ở Thành phố Maiduguri, Nigieria thiệt mạng, và đây là vụ tấn công tệ hại nhất kể từ khi nhóm Boko Haram cố gắng chiếm thành phố này từ đầu năm nay.
Mặc dù chỉ đứng thứ 7 trong danh sách “10 nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới”, song nhiều khả năng Boko Haram sẽ nhanh chóng “thăng hạng” khi thủ đoạn của nhóm phiến quân này thời gian gần đây ngày càng tàn độc và khá giống những gì mà IS đã thực hiện. Boko Haram cũng thi hành hình phạt ném đá và chặt đầu các nạn nhân. Không những vậy, Boko Haram cũng ghi lại hình ảnh các buổi hành hình này rồi đưa lên mạng xã hội nhằm gia tăng ảnh hưởng như cách mà IS vẫn thường làm. Người ta có thể thấy rõ sự tương đồng trong một đoạn video gần đây, khi Boko Haram lấy bối cảnh đoạn phim là Thị trấn Baga, bang Borno, Đông Bắc Nigieria.
Từng góc máy hay khung hình cũng khá tương đồng với các ảnh quay của IS ở Kobani, thị trấn nằm gần biên giới Syria, Thổ Nhĩ Kỳ mà IS đã thất thủ. Như khẳng định của ông Jacob Zenn, chuyên gia của Tổ chức Jamestown Foundation, “có thể các phe phái trong chính nội tại Boko Haram có những quan điểm khác nhau nhưng rõ ràng tổ chức khủng bố này đang nghiêng về phía IS về mặt học thuyết, tư tưởng hay thậm chí cả cách thức tổ chức.”. Điều này càng rõ nét hơn khi hiện tại, truyền thông của Boko Haram đã đề cập tới các thuật ngữ “Nhà nước Hồi giáo châu Phi” hay “Nhà nước Hồi giáo Tây Phi”. Với những sự tương đồng này, không có gì ngạc nhiên nếu như IS và Boko Haram chính thức “bắt tay”, tạo thành một “liên minh ma quỷ” mang lại nỗi ám ảnh kinh hoàng cho toàn thế giới.
Lợi cả đôi bên
Từ giữa năm ngoái, thủ lĩnh của Boko Haram là Abubakar Shekau cũng đã từng lên tiếng ủng hộ các hoạt động của IS, đồng thời sử dụng lời tuyên chiến của IS làm tiếng nền trong các đoạn băng video của Boko Haram. Không những vậy, Shekau còn tuyên bố những vùng đất mà nhóm này quản lý cũng là một phần lãnh thổ của liên minh Hồi giáo. Tuy nhiên, cùng thời điểm bày tỏ sự ủng hộ với IS, Shekau cũng nói rằng y luôn cầu nguyện cho thủ lĩnh của nhóm khủng bố al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri và thủ lĩnh của Taliban là Mullah Omar. Những động thái này của Shekau khiến các nhà phân tích bối rối, không biết chắc được rằng Boko Haram sẽ liên minh với nhóm khủng bố nào. Nhưng giờ đây, Boko Haram đã có câu trả lời cuối cùng về sự lựa chọn của mình: đó là IS.
Nếu liên minh được xác lập, Boko Haram sẽ chuyển từ một nhóm thánh chiến địa phương thành một chi nhánh của IS tại châu Phi. Điều đó sẽ mang lại cho Boko Haram cái gọi là “tính pháp lý” trong việc tuyển mộ chiến binh, tìm kiếm các nguồn tài chính và hậu cần khi mở rộng địa bàn sang các quốc gia ở Tây Phi. Ngoài ra, Boko Haram sẽ có được sự hướng dẫn của IS trong việc sử dụng truyền thông để khuyếch trương ảnh hưởng, quản lý các khu vực đã giành quyền kiểm soát... Trước đây, Boko Haram vẫn bị xem là một nhóm thánh chiến bị cô lập, nhưng điều đó sẽ thay đổi khi trở thành một chi nhánh trong liên minh của IS.
Ngược lại, IS cũng sẽ có những lợi ích không nhỏ nếu tiếp nhận Boko Haram. Mục tiêu lớn nhất của IS là mở rộng phạm vi hoạt động của “Nhà nước Hồi giáo” toàn thế giới, vì vậy, với sự gia nhập của Boko Haram, IS càng củng cố hình ảnh là một liên minh mang tính toàn cầu khi nghiễm nhiên có thêm vùng lãnh thổ rộng lớn tại miền Bắc Nigieria. Còn một chi tiết nữa khiến IS hứng thú với Boko Haram, đó là trong tổ chức của Boko Haram hiện nay, có một nhánh bao gồm những phiến quân thuộc tổ chức Ansura trước đây. Ansura – còn được biết đến là chi nhánh của al-Qaeda ở Nigieria và vẫn có liên hệ mật thiết với IS kể cả khi đã quy thuận Boko Haram. Việc tiếp nhận Boko Haram sẽ giúp xóa bỏ một số khác biệt về hệ tư tưởng của nhánh Ansura với phần còn lại của Boko Haram, từ đó giúp IS triển khai những hành động của mình ở khu vực Bắc và Tây Phi thuận lợi hơn nhiều.
Những lợi ích mà IS và Boko Haram có được từ mối quan hệ liên minh cũng đồng nghĩa với sự nguy hiểm gia tăng đối với an ninh toàn cầu. Phát ngôn viên của Chính phủ Nigeria Mike Omeri cũng đã phải thốt lên: “Rất rất đáng buồn… Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế thức tỉnh trước thảm họa đang ngày càng lớn này”. Rõ ràng, chỉ riêng IS, chỉ riêng Boko Haram đã quá đủ mang lại bất an cho thế giới này. Bởi vậy, khi những tên khủng bố nguy hiểm này bắt tay nhau, chắc chắn cộng đồng quốc tế sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần trong cuộc chiến chống lại khủng bố.
Thúy Ngọc