Nỗi bất lực của Trung Quốc trước 'bom nổ chậm' Triều Tiên
Trung Quốc thừa nhận mối đe dọa từ cuộc khủng hoảng Triều Tiên, nhưng không có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn.
Một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên. Ảnh: KCNA. |
Giáo sư Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc, ngày 16/12 cảnh báo "Triều Tiên là một quả bom nổ chậm" và cho rằng Bắc Kinh chỉ có thể hy vọng tháo ngòi nổ bằng cách trì hoãn. Một cựu chỉ huy cấp cao quân đội Trung Quốc sau đó cũng cho rằng nước này cần "huy động các biện pháp phòng vệ" đề phòng chiến tranh có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên bất cứ lúc nào, theo SCMP.
Những tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Nhật báo Cát Lâm, cơ quan ngôn luận của tỉnh biên giới Trung Quốc giáp Triều Tiên, đăng bài hướng dẫn người dân cách phòng chống tác hại từ một vụ tấn công hạt nhân, cùng các bức tranh minh họa về biện pháp ẩn nấp và tránh phơi nhiễm phóng xạ.
Bình luận viên Katsuji Nakazawa của Nikkei cho rằng những tuyên bố trên của các học giả và cựu quan chức quân sự Trung Quốc phản ánh một thực tế rằng Bắc Kinh gần như không còn lá bài nào để kiểm soát đồng minh Bình Nhưỡng và đã sẵn sàng cho tình huống tồi tệ nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau loạt vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Bình Nhưỡng đã gây sức ép rất lớn cho Bắc Kinh trong giải quyết khủng hoảng. Nhưng những diễn biến gần đây cho thấy Trung Quốc dường như không còn nắm thế chủ động trong việc kiểm soát Triều Tiên cũng như ngăn chặn một kịch bản thảm họa hạt nhân ngay sát nách mình.
Tờ New Zealand Herald dẫn lời các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng Trung Quốc đã không còn có thể thuyết phục nước láng giềng Triều Tiên chấm dứt chương trình tên lửa, hạt nhân. Từ vị thế một "quốc gia bảo trợ" đầy ảnh hưởng, Bắc Kinh giờ đây phải thừa nhận thực tế rằng Bình Nhưỡng đã vượt khỏi tầm kiểm soát của mình.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên từng được mô tả là "tình hữu nghị được bồi đắp từ xương máu", đề cập đến việc Bắc Kinh cử chí nguyện quân tới giúp đỡ Bình Nhưỡng trong cuộc chiến 1950-1953. Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, mối quan hệ đó ngày càng đi xuống.
Lần gần đây nhất một quan chức cấp cao thuộc Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc thăm Triều Tiên là tháng 10/2015, khi ông Lưu Vân Sơn tới Bình Nhưỡng gặp ông Kim. Kể từ đó, Bắc Kinh đã nhiều lần tính toán sai về ý định của Bình Nhưỡng, thậm chí còn bị "bẽ mặt" trước các động thái thử tên lửa, hạt nhân của nước này.
Hôm 14/5, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo chỉ vài giờ trước khi hội nghị quốc tế về sáng kiến Vành đai và Con đường diễn ra ở Bắc Kinh. Hôm 3/9, Bình Nhưỡng thử hạt nhân khi ông Tập sắp phát biểu tại hội nghị khối các nước BRICS diễn ra ở Phúc Kiến. Tháng 11, Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-15 sau khi ông Tập đón tiếp ông Trump ở Bắc Kinh và cam kết sẽ hợp tác để kiềm chế Bình Nhưỡng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters. |
Kể từ đó, Trung Quốc dường như đã mất hết kiên nhẫn với Triều Tiên, thể hiện bằng phát ngôn hôm 1/12 của Phó thủ tướng Uông Dương. "Triều Tiên từng là quốc gia có quan hệ hữu nghị thắm thiết với Trung Quốc. Nhưng bây giờ không như thế nữa. Quan hệ song phương ngày càng trở nên đối đầu".
Đây là lần đầu tiên một ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc công khai mô tả quan hệ với Triều Tiên là "đối đầu", dù nhiều quan chức cấp cao nước này trước đây thừa nhận về quan hệ ngày càng đi xuống giữa hai nước.
"Trung Quốc không thể và sẽ không ngăn cản một cuộc tấn công quân sự của Mỹ nhắm vào Triều Tiên", một chuyên gia nghiên cứu tại một tổ chức tư vấn liên quan đến an ninh Trung Quốc bình luận về quan hệ Trung - Triều.
Bất lực
Hôm 4/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng công khai thể hiện nỗi tức giận khi được hỏi về diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng Triều Tiên. "Sau hai tháng tương đối yên bình, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lại bùng lên", ông nói, đồng thời lấy làm tiếc rằng cả Triều Tiên lẫn Mỹ đã không nắm bắt cơ hội đối thoại mà Trung Quốc đưa ra.
Trung Quốc từng đưa ra đề xuất "cùng ngừng", trong đó Triều Tiên ngừng thử hạt nhân và tên lửa để đổi lấy việc Mỹ - Hàn chấm dứt tập trận chung quy mô lớn. Bình luận của ông Vương cho thấy đề xuất này đã bị cả Mỹ lẫn Triều Tiên phớt lờ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng đề xuất "cùng ngừng" của Trung Quốc trên thực tế không hề khả thi. Trong khi các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn được cộng đồng quốc tế thừa nhận về tính hợp pháp, những cuộc thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đều vấp phải chỉ trích từ Liên Hợp Quốc.
Phản ứng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau một vụ phóng tên lửa. Ảnh: KCNA. |
Theo Nakazawa, đề xuất này chỉ là một "động thái ngoại giao" của Trung Quốc để chống lại những lời chỉ trích rằng Bắc Kinh không chịu làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng. Nhưng với việc Triều Tiên phóng thử tên lửa Hwasong-15 và có dấu hiệu sắp thử hạt nhân lần thứ 7, Trung Quốc biết rằng mối đe dọa đã tăng lên một tầng nấc mới.
Trước đây, Trung Quốc có thể dùng ảnh hưởng ngoại giao của mình để bằng cách nào đó chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nguy hiểm giữa Mỹ và Triều Tiên. Nhưng thời kỳ đó đã qua và Bắc Kinh giờ đây không còn phương án khả thi nào khác.
"Trung Quốc cho rằng Mỹ có thể tấn công Triều Tiên bất cứ lúc nào", một chuyên gia về quan hệ Trung - Triều bình luận về phát ngôn của Uông Dương và Vương Nghị. "Tuyên bố của hai quan chức cấp cao này là hành động nhằm kiểm soát thiệt hại và phát thông điệp tới người dân: Hãy chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất".
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|