Nỗi buồn cầu tạm

27/12/2013 22:06

(Baonghean) - Cách Quốc lộ 48C chẳng bao xa, nhưng đường về làng Dũa (xã Thọ Hợp, Quỳ Hợp) lại hết sức gian nan vì suối khe cách trở. Ví như năm nay, làng đã có đến gần chục lần làm cầu; điệp khúc làm cầu- lũ cuốn- lại làm cầu... cứ thử thách sự kiên nhẫn của dân làng...

(Baonghean) - Cách Quốc lộ 48C chẳng bao xa, nhưng đường về làng Dũa (xã Thọ Hợp, Quỳ Hợp) lại hết sức gian nan vì suối khe cách trở. Ví như năm nay, làng đã có đến gần chục lần làm cầu; điệp khúc làm cầu- lũ cuốn- lại làm cầu... cứ thử thách sự kiên nhẫn của dân làng...

Vượt cây cầu tre chênh vênh, lắc lư như đánh võng, tôi đã tìm về thăm làng. Thú thực, cái cảm giác chới với như làm xiếc khi qua cầu cứ ám ảnh tôi khi gõ những dòng này. Ấy vậy mà ngày lại ngày người dân làng Dũa vẫn đi về trên cây cầu ấy. Theo sự phân trần của già Trương Sông Hương, không phải dân làng coi thường sự an toàn mà vì... chả còn cách nào khác. Già Hương cho hay, mùa này hanh hao nước rút, sông Dinh trơ cạn là thế, nhưng vào mùa mưa nước thượng nguồn Pu Huống đổ về, dòng nước trở nên hung dữ, cuốn phăng tất cả.

Sông Dinh là hợp lưu của Nậm Choọng, Nậm Tôn, Nậm Cù... nên lòng sông cứ trải rộng mênh mông. Làm cầu kiên cố thì không có kinh phí nên bao năm nay bà con vẫn kiên gan với điệp khúc làm cầu tạm. Không làm cầu tạm thì lúc muốn ra xã, lên huyện, hay đi chợ sắm sanh chỉ có cách là dầm mình trong nước mà bơi. Cấp thiết hơn là chuyện học của con em, bởi muốn đến trường học chữ thì phải vượt dòng Dinh, không còn con đường nào khác. Dòng sông trải rộng nên chiếc cầu tre theo đó cứ dài dằng dặc. Ở mạn bờ Bắc, những cọc tre được đóng để làm giá đỡ cầu còn thấp, nhưng sang đến bờ Nam thì cứ gọi là cao lêu đêu. Vậy nên khi có người qua là cầu cứ chung chiêng, chao đảo như muốn hất xuống sông!

Cầu tre trên đường về làng Dũa.
Cầu tre trên đường về làng Dũa.

Theo bộc bạch của Bí thư chi bộ Trương Văn Thanh, mỗi cây cầu tre này riêng tiền vật liệu cũng đã cỡ 15 triệu đồng. Năm nay, làng có gần chục lần làm cầu, dù đã tận dụng lại một số vật liệu thì tổng cộng cũng tiêu tốn hơn trăm triệu đồng. Số tiền này chủ yếu do 56 hộ dân trong làng đóng góp, dân làng đang nghèo đi vì chuyện làm cầu…

Việc cách trở suối khe đã dẫn đến rất nhiều hệ lụy, ngoài việc nai lưng ra làm cầu tạm và nghèo đi vì đóng góp làm cầu, còn đó cái sự học của con em. Từ xưa đến nay, con em của làng chưa hề có ai bước vào giảng đường đại học. Trong câu chuyện, người trẻ, người già ở làng Dũa đều tha thiết mong sao có những dự án đầu tư để đường về làng có cây cầu vững chãi, giúp bà con sớm vơi đi những ám ảnh này?!

Cao Duy Thái

Mới nhất
x
Nỗi buồn cầu tạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO